Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình -Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Quả bơ là một trong những trái cây hiếm hoi có thành phần dinh dưỡng phong phú và vượt trội. Loại quả này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường chức năng tim mạch, hệ miễn dịch, mắt, xương khớp,... Vậy ăn nhiều bơ có tốt không? Bài viết dưới đây sẽ đề cập về giá trị dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe và giải đáp thắc mắc trên.
1. Giá trị dinh dưỡng của quả bơ
Bơ là trái cây có giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g thịt của quả bơ cung cấp khoảng 160 kcal. Cụ thể:
- Chất đạm: 1.9g (trong đó lysin 147mg)
- Tinh bột:2.3g
- Chất béo: 9.4g (trong đó chất béo không no một nối đôi 5.51g và nhiều nối đôi 1.68g)
- Chất xơ: 0.5g
- Canxi: 60mg
- Sắt: 1.6mg
- Magie: 24mg
- Đồng: 311mg
- Kali: 351mg
- Vitamin E: 2.66mg
- Beta-caroten: 53mcg
- Vitamin C: 17mg
- Vitamin E: 2.66mg
- Folat: 35mcg
Loại trái cây này rất được yêu thích vì hương vị ngon. Bạn có thể sử dụng trái cây này theo nhiều cách khác nhau như ăn nguyên miếng, dằm nhuyễn, xay sinh tố, trà sữa bơ, trộn salad, làm sốt kem, nấu chè, làm kem, làm bánh, làm sushi,...
2. Lợi ích sức khỏe của quả bơ
Như đã đề cập ở trên, bơ có nhiều giá trị dinh dưỡng. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe mà loại trái cây này đem lại:
2.1. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu cho thấy kali có liên quan đến việc giảm huyết áp. Mặt khác, bơ là loại thực phẩm giàu kali. Trong 100g bơ cung cấp 14% lượng kali cho cơ thể, cao hơn so với chuối (100g chuối chỉ cung cấp 10% nhu cầu kali). Đồng thời, với số lượng bơ này có chứa khoảng 76 mg hợp chất sterol có nguồn gốc từ thực vật hay beta sitosterol. Khi cơ thể thường xuyên hấp thụ beta sitosterol và các sterol thực vật khác có thể giúp duy trì mức cholesterol tốt trong cơ thể, cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác động tích cực của quả bơ trong việc điều chỉnh mỡ máu như giảm triglyceride và cholesterol máu.
2.2. Chức năng miễn dịch
Quả bơ giàu acid béo không bão hoà và vitamin E trong trái đều có vai trò nâng đỡ miễn dịch, giảm viêm. Do đó, trái cây này góp phần phòng ngừa một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, viêm khớp,...
2.3. Cải thiện chức năng tiêu hoá
Bơ là một trong những thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên. Trong đó 25% thành phần xơ là xơ hoà tan, thúc đẩy phát triển lợi khuẩn đường ruột, giúp ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ kiểm soát đường máu, giảm nguy cơ viêm/ung thư đại tràng.
2.4. Ngừa loãng xương
Vitamin K cần thiết cho sức khỏe của xương, bằng cách tăng khả năng hấp thụ canxi và giảm bài tiết canxi qua nước tiểu. Tuy nhiên việc bổ sung vitamin K trong khẩu phần ăn thường ít được chú ý. Bạn có thể tăng cường dưỡng chất này cho cơ thể bằng cách ăn một nửa quả bơ để có được 18% nhu cầu vitamin K hàng ngày.
2.5. Ngừa ung thư
Folate, phytochemical và carotenoid là những thành phần dồi dào trong quả bơ, đã được nghiên cứu có thể phòng ngừa một số loại ung thư. Một quả bơ có thể cung cấp 1/3 nhu cầu folate của người trưởng thành bình thường.
2.6. Sức khỏe tinh thần
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc thiếu folate và bệnh trầm cảm. Folate giúp ngăn ngừa sự tích tụ của hemocystein - một trong những chất làm giảm lưu thông và cung cấp dưỡng chất lên não. Một quả bơ 400gram có thể cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu folate hàng ngày đối với người trưởng thành.
2.7. Thị giác
Bơ chứa lutein và zeaxanthin là chất giúp hấp thụ sóng ánh sáng gây hại cho thị lực. Những người ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa ít có khả năng bị thoái hoá điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Hầu hết các chất chống oxy hóa của một quả bơ được tìm thấy trong phần thịt màu xanh đậm gần với vỏ nhất.
2.8. Sức khỏe thai nhi
Folate có vai trò quan trọng trong thai kỳ, giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh, sẩy thai và thiếu máu. Một quả bơ 400g có thể cung cấp 1/4 nhu cầu folate của phụ nữ mang thai (600mcg).
3. Ăn nhiều quả bơ có tốt không?
Tuy quả bơ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn bơ với lượng tùy ý. Để ăn bơ đúng cách, bạn cần dựa vào tình trạng sức khỏe và cơ địa mỗi người. Cụ thể:
3.1. Phụ nữ đang cho con bú
Phụ nữ đang cho con bú ăn nhiều bơ có tốt không? là thắc mắc của nhiều người. Theo chuyên gia dinh dưỡng, một số giống bơ có thể không an toàn trong thời kỳ này. Ví dụ giống bơ Guatemala có nguy cơ gây tổn thương tuyến vú và giảm sản xuất sữa.
3.2. Người có cơ địa mẫn cảm
Theo các chuyên gia, những người có cơ địa mẫn cảm nên tránh ăn nhiều bơ và sản phẩm từ bơ. Vì nguyên liệu này có có thể gây ra các triệu chứng dị ứng như phát ban, mẩn ngứa, sưng ngứa môi, chàm, đau bụng, nôn ói, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ.
3.3. Người mắc bệnh lý về gan
Một số loại tinh dầu bơ có thể gây tổn thương gan. Ví dụ, giống bơ Mexico chứa estragole và anethole - hai loại chất được thử nghiệm có thể gây hại cho gan và thậm chí là ung thư. Do đó, bạn cần thận trọng sử dụng bơ cho người có bệnh lý về gan.
3.4. Người đang sử dụng thuốc
Quả bơ có thể tương tác hoặc làm giảm tác dụng của một số thuốc chống đông máu (Warfarin/ Heparin), thuốc chống kết tập tiểu cầu (Clopidogel), thuốc chống viêm không steroid (Aspirin, Ibuprofen, Naproxen). Thực phẩm này có thể làm tăng thêm tác dụng phụ của thuốc giảm cholesterol. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi có ý định ăn bơ.
3.5. Người đang ăn kiêng hoặc giảm cân
Nhờ vào giá trị dinh dưỡng dồi dào, phong phú của quả bơ và thành phần chất béo cao, loại trái cây này có thể tạo cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn. Quả bơ trở thành một trong những lựa chọn tốt cho chế độ ăn giảm cân lành mạnh.
Tuy nhiên, ăn bơ bao nhiêu là đủ? Một quả bơ có năng lượng khoảng 250-300 kcal. Do đó, cần sử dụng hợp lý để không vượt mức nhu cầu năng lượng của cơ thể và đảm bảo tính cân đối dưỡng chất của khẩu phần.
Có thể nói, giá trị dinh dưỡng trong quả bơ đáp ứng được nhiều nhu cầu về sức khỏe. Tuy nhiên, ăn nhiều quả bơ có tốt không? Câu trả lời không, bạn cần sử dụng thực phẩm này đúng cách với số lượng vừa phải để không gây ra các rủi ro về sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế. Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam. 2007.
- Mark L. Dreher and Adrienne J. Davenport. Hass avocado composition and potential health effects. Crit Rev Food Sci Nutr. 2013 May; 53(7): 738-750.
- Haiming Ding , Young-Won Chin, A Douglas Kinghorn, Steven M D'Ambrosio. Chemopreventive characteristics of avocado fruit. Semin Cancer Biol. 2007 Oct;17(5):386-94.
- Lopez Ledesma R, Frati Munari AC, Hernandez Dominguez BC, et al. Monounsaturated fatty acid (avocado) rich diet for mild hypercholesterolemia. Arch.Med.Res. 1996;27(4):519-523.
- Duester, K. C. Avocado fruit is a rich source of beta-sitosterol. J.Am.Diet.Assoc. 2001;101(4):404-405.
- Blickstein D, Shaklai M, Inbal A. Warfarin antagonism by avocado. Lancet 4-13-1991;337(8746):914-915.
- Ernst E. Avocado-soybean unsaponifiables (ASU) for osteoarthritis - a systematic review. Clin.Rheumatol. 2003;22(4-5):285-288.
- Perkin, J. E. The latex and food allergy connection. J.Am.Diet.Assoc. 2000;100(11):1381-1384.
- https://www.news24.com/health24/diet-and-nutrition/healthy-foods/fruit/avocado-persea-americana-20120721