Làm thế nào cho bé bú bình đúng cách - chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng khiến nhiều mẹ bỉm sữa lúng túng, nhất là những mẹ lần đầu đảm nhận thiên chức. Thấu hiểu điều này, bác sĩ Nguyễn Văn Toản, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ các tư thế cho bé bú bình đúng cách giúp bé bú được nhiều sữa, hấp thu tối đa dưỡng chất có trong sữa cũng như ngăn ngừa tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh.
Khi nào nên cho bé bú bình?
Hầu hết các mẹ đều thắc mắc nên bắt đầu tập cho bé bú bình lúc nào. Bác sĩ Nguyễn Văn Toản khuyến cáo, mẹ nên đợi đến khi bé được ít nhất 1 tháng tuổi và đã hoàn toàn biết cách bú sữa mẹ mới tập bú bình. Trường hợp mẹ phải quay lại công việc sau giai đoạn nghỉ thai sản, cần đợi ít nhất 2 tuần để bé kịp thích nghi và có thời gian điều chỉnh bởi cử động miệng và lưỡi khi bé bú bình sẽ khác khi bé bú mẹ.
Tuy nhiên, một số trường hợp bắt buộc mẹ phải tập cho bé bú bình sớm hơn, đó là:
- Trẻ sinh non có thể trạng yếu hơn so với tuổi thai cần được bú bình trong một khoảng thời gian nhất định.
- Xét nghiệm cho thấy trẻ có chỉ số hàm lượng đường trong máu thấp, cần bú bình để bổ sung calo.
- Sau sinh sữa mẹ chưa về kịp, bé cần bú bình sữa công thức để tránh bị đói.
- Trẻ mắc dị tật ngoại hình bẩm sinh như hở hàm ếch, sứt môi,… gặp khó khăn trong hoạt động bú mẹ và mút sữa sẽ được áp dụng hình thức bú bình để cung cấp dinh dưỡng.
Hướng dẫn cho bé bú bình đúng cách
1. Chuẩn bị
Cho bé bú bình đúng cách không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với những mẹ lần đầu đảm nhận thiên chức. Vậy trước khi cho bé bú bình mẹ cần chuẩn bị những gì? Cùng điểm qua những lưu ý quan trọng dưới đây: (1)
1.1. Lựa chọn bình sữa và các phụ kiện đi kèm
Việc quan trọng đầu tiên là mẹ cần chọn mua bình sữa, núm vú cũng như dụng cụ tiệt trùng bình sữa phù hợp. Trẻ sơ sinh cực kỳ nhạy cảm, vì thế mẹ nên chọn núm vú càng giống vú mẹ nhất càng tốt.
Trên thị trường có nhiều thương hiệu bình sữa khác nhau, mẹ không chỉ xem xét về hình dáng mà còn chú ý đến độ mềm mại, tốc độ chảy sữa của núm vú cũng như xem núm vú có mùi cao su gây khó chịu không,… Đây là việc làm vô cùng quan trọng để bé có chấp nhận bú bình hay không.
1.2. Tiệt trùng bình sữa và dụng cụ
Mẹ cần đảm bảo tiệt trùng sạch sẽ bình sữa và núm vú trước khi cho bé bú. Cần rửa tay thật sạch trước khi pha sữa công thức. Nếu sử dụng sữa mẹ, cần tiệt trùng dụng cụ vắt sữa trước và sau khi hút. Ngoài ra, mẹ cần kiểm tra chất lượng sữa, đảm bảo sữa không bị hỏng trước khi cho bé bú. (2)
1.3. Kiểm tra dòng chảy của núm vú
Trước khi cho bé bú bình, mẹ cần kiểm tra xem dòng sữa chảy mạnh hay chậm, núm vú có bị tắc hay không bằng cách dốc ngược bình sữa lại. Nếu thấy dòng sữa nhỏ giọt đều đặn, mẹ hãy thực hiện bước tiếp theo. Nếu phải lắc mạnh dòng sữa mới chảy, có thể dòng sữa chạy chậm hoặc núm vú bị tắc. Mẹ cần thông dòng chảy hoặc thay núm vú khác.
Khi chọn núm vú, mẹ nên chọn loại núm có thiết kế dạng vết cắt hình chữ thập bởi nguyên tắc hoạt động của loại này là sữa chỉ chảy ra khi có lực hút của bé. Ngoài ra, kích thước núm vú cũng khác nhau ở từng độ tuổi để phù hợp với độ rộng của miệng và lực hút của bé, mẹ cần chú ý điều này để chọn mua núm vú phù hợp.
1.4. Kiểm tra nhiệt độ sữa
Cuối cùng, mẹ đừng quên kiểm tra nhiệt độ sữa trước khi cho bé bú để đảm bảo bé không bị bỏng. Mẹ hãy nhỏ vài giọt sữa lên cổ tay, nhiệt độ âm ấm là phù hợp nhất cho bé, giúp bé hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.
Mẹ tuyệt đối không được cho núm vú vào miệng của mình để thử nhiệt độ và độ mạnh tia sữa, bởi tuyến nước bọt của người lớn có thể truyền vi khuẩn cho bé.
2. Cách cho bé bú bình đúng cách
Sau một thời gian làm quen với bầu ngực và ti thật của mẹ, khi chuyển sang cho bé bú bình chắc hẳn sẽ là một trận chiến cam go và “đầy nước mắt”. Để cho bé sơ sinh bú bình đúng cách, thoải mái và hấp thu các dưỡng chất trong sữa tốt nhất, mẹ nên bỏ túi những điều sau:
2.1. Tập cho bé bú bình khi bé đang đói
Khi bé đòi bú, mẹ hãy khoan cho bé bú ngay mà hãy đợi thêm một ít thời gian nữa để bé thực sự đói. Lúc này, mẹ hãy đưa thử đầu núm vú bình sữa vào miệng bé, khi đói bé rất dễ tiếp nhận và ngậm núm vú. Điều này sẽ dễ dàng hơn cho những lần bú bình sau.
2.2. Tập cho bé bú bình khi bé đã no
Một số bé sẽ có phản ứng mãnh liệt với việc bú bình khi đói, khiến bé cảm thấy ghét và không thích bú bình. Nếu bé của mẹ thuộc trường hợp này, mẹ không nên áp dụng cách tập cho bé bú bình khi đói. Thay vào đó, mẹ có thể tập cho bé bú bình sữa giữa các cữ bú mẹ, như thế bé có thể dễ dàng tiếp nhận và sẵn sàng thử hình thức bú sữa mới lạ này.
2.3. Tập cho bé bú bình với thái độ thờ ơ
Thông thường, khi tập cho bé bú bình nhưng thái độ bé không hợp tác và quấy khóc, một số mẹ xót con sẽ ngừng việc bú bình và cho bé bú mẹ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến việc tập cho bé bú bình trở nên khó nhằn hơn.
Lúc này, mẹ nên kiên nhẫn, bình tĩnh và giữ thái độ thờ ơ với bé như chẳng có chuyện gì để bé nhanh chóng làm quen, tiếp nhận bình sữa và thực hiện bú bình ở những lần sau.
2.4. Không cho bé thấy bầu ngực mẹ khi tập bé bú bình
Một trong những cách tập cho bé bú bình hữu hiệu nhất là không được cho bé nhìn thấy bầu ngực hoặc thậm chí là hơi mẹ. Mẹ có thể nhờ bố, ông bà hoặc người chăm sóc bé tập cho bé bú.
2.5. Tập cho bé bú bình bằng sữa mẹ
Có những bé không thích bú bình vì không thích loại sữa trong bình, nhất là trẻ sơ sinh. Vì thế, mẹ có thể sử dụng sữa mẹ vắt ra để giúp bé nhanh chóng tiếp nhận và thích nghi với việc bú bình.
Cũng có một số bé thích hương vị của sữa công thức hoặc nước trái cây hơn, bố mẹ có thể quan sát thói quen bú của bé để sử dụng loại phù hợp. Tuy nhiên, bố mẹ không nên lạm dụng bởi trẻ sơ sinh cần cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết có trong sữa.
2.6. Tập cho bé bú bình khi bé còn mơ ngủ
Mẹ có thể thử cách cho bé tập bú bình khi bé vẫn còn đang mơ ngủ, điều này sẽ giúp bé dễ dàng làm quen và tiếp nhận khi bé tỉnh táo.
2.7. Biết thời điểm nên dừng tập cho bé bú bình
Mẹ không nên quá căng thẳng hay gay gắt trong lúc tập cho bé bú bình. Nếu bé có phản ứng quá mãnh liệt, mẹ hãy cất bình sữa và thử lại vào một ngày khác. Sự bình tĩnh và kiên trì của mẹ là điều rất cần thiết trong giai đoạn tập cho bé bú bình.
“Khi đã thử những cách trên đây mà bé vẫn không chịu hợp tác và từ chối việc bú bình, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn. Một số trẻ có vấn đề liên quan đến trào ngược hoặc cơ miệng yếu không thể bú bình mà phải cần đến một giải pháp khác”, bác sĩ Nguyễn Văn Toản cho biết.
Tư thế cho bé bú bình đúng cách
Để tránh các vấn đề thường gặp khi bé bú bình như nôn trớ, sặc sữa,… gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, mẹ cần thuộc nằm lòng 3 tư thế cho bé bú bình an toàn và đúng cách sau:
1. Tư thế ngồi ôm ngang
Mẹ hãy tìm một chỗ ngồi thoải mái để mẹ có thể tựa lưng vào đó. Tiếp đến, mẹ hãy ôm bé ngang sao cho đầu của bé tựa trên bắp tay của mẹ và cao hơn so với phần cơ thể còn lại. Dùng một tay ôm bé, tay còn lại sẽ cầm bình sữa hơi nghiêng so với miệng bé để đảm bảo núm vú luôn đầy sữa cho bé bú.
2. Tư thế ngồi vào lòng mẹ
Ở tư thế này, mẹ cũng tìm một chỗ ngồi thoải mái để tựa lưng khi cho bé bú. Sau đó, đặt phần lưng của bé áp vào bụng mẹ, giữ cho đầu bé tựa vào vai hoặc ngực của mẹ. Giữ bé bằng một tay, tay còn lại cầm bình sữa nghiêng so với miệng bé rồi cho bé bú. Mẹ nên đặt đầu của bé nghiêng sang một bên để dễ dàng quan sát biểu hiện bé khi bú.
Lưu ý, tư thế này chỉ áp dụng cho những bé đã có phần lưng cứng cáp hoặc đã ngồi được, không áp dụng cho những bé mới sinh vì có thể ảnh hưởng đến cột sống còn non yếu.
3. Tư thế dựa lưng bé vào đùi mẹ
Tương tự như hai tư thế trên, mẹ cũng hãy tìm một chỗ ngồi thoải mái để có thể dựa lưng vào. Sau đó, mẹ duỗi chân ra rồi đặt bé nằm lên đùi mẹ sao cho thoải mái và thuận tiện nhất. Dùng một tay giữ bé, tay còn lại cầm bình sữa và cho bé bú.
Đây được xem là tư thế thoải mái và tiện lợi nhất bởi hạn chế được tình trạng mỏi lưng của mẹ.
Nguyên nhân bé bú bình bị sặc sữa
Đối với các mẹ bỉm sữa đang nuôi con nhỏ, việc nhìn thấy bé bị nôn trớ, sặc sữa, tím tái,… là điều vô cùng đáng sợ. Bác sĩ Nguyễn Văn Toản cho biết, sặc sữa là hiện tượng sữa tràn vào đường thở khiến trẻ sơ sinh khó thở, sặc sụa, có thể ngừng thở tím tái. Nếu không được sơ cứu nhanh chóng và kịp thời có thể đe dọa tính mạng bé.
Sặc sữa ở trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân và đa phần là những nguyên nhân có thể dễ dàng phòng ngừa như:
1. Tư thế cho bé bú bình không đúng cách
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé bị sặc sữa khi bú bình. Khi tập cho bé bú bình, mẹ cần tránh cho bé nằm kể cả nằm ngửa hay nằm nghiêng bởi sữa có thể chảy nhanh khó kiểm soát. Ngoài ra, mẹ không nên đùa giỡn với bé trong lúc bé đang bú bởi có thể khiến bé sặc sữa lên mũi.
2. Núm vú có kích thước quá lớn
Sử dụng núm vú có kích thước không phù hợp với độ rộng của miệng và lực hút của bé, sữa chảy quá nhanh khiến bé không bú kịp cũng có thể khiến bé bị sặc sữa. Để tránh tình trạng này, mẹ nên chọn mua núm vú có kích thước phù hợp với bé.
3. Trào ngược ở trẻ sơ sinh
Trường hợp mẹ đã cho em bé bú bình đúng cách, lựa chọn núm vú có kích thước phù hợp nhưng bé vẫn bị sặc sữa có thể do chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng cơ thắt thực quản ở trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện, hoặc hệ tiêu hóa còn non yếu nên gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày. Nếu rơi vào tình huống này, mẹ hãy tham khảo ngay ý kiến bác sĩ để được tư vấn giải pháp kịp thời.
Mách mẹ cách xử trí khi trẻ bú bình bị sặc sữa
Có nhiều dấu hiệu giúp mẹ nhận biết bé bị sặc sữa là bé đang bú hoặc sau bú đột nhiên ho mạnh, ọc sữa qua mũi, miệng, ho sặc sụa, tím tái, cơ thể co cứng hoặc mềm nhũn… Lúc này, mẹ cần hết sức bình tĩnh và thực hiện sơ cứu để giúp bé nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Mẹ cần thực hiện sơ cứu theo các bước sau:
- Cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay không thuận, dùng lòng bàn tay thuận vỗ mạnh và nhanh vào lưng bé, vỗ 5 cái liên tiếp để tăng áp lực trong lồng ngực bé nhằm tống sữa khỏi đường hô hấp.
- Nếu thấy bé vẫn khó thở hoặc tím tái, đặt bé nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa ấn mạnh 5 cái ở vị trí nửa dưới của xương ức - tức dưới đường nối hai vú khoảng 1-2cm. Lặp lại động tác khoảng 5-6 lần đến khi bé có dấu hiệu hồng hào trở lại.
- Thông đường thở cho bé bằng cách dùng miệng hút mạnh vào mũi và miệng trẻ để hút nhanh lượng sữa còn đọng lại trong mũi và họng càng nhanh càng tốt. Thực hiện hút miệng trước rồi mũi sau để tránh sữa tràn vào khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.
- Nếu thấy bé có biểu hiện ngưng thở, cần kết hợp các biện pháp trên và hà hơi thổi ngạt, ngậm mũi miệng bé thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực bé hơi nhô lên.
- Đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Lưu ý cách cho bé bú bình mẹ nên nhớ
Phần lớn các trường hợp bé bú bình bị sặc là do mẹ chưa biết cách cho bé bú sữa bình đúng cách. Bác sĩ Nguyễn Văn Toản chia sẻ, để tránh trường hợp bé bị sặc sữa trong lúc hoặc sau khi bú, mẹ cần lưu ý những điều sau:
1. Tư thế cho em bé bú bình đúng cách
Một trong những sai lầm của phổ biến của nhiều mẹ là cho bé bú bình ở tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng. Đây là tư thế khiến bé dễ bị sặc sữa nhất. Tư thế cho bé bú bình đúng cách nhất là mẹ hãy ngồi thoải mái, bế bé trong lòng ở tư thế dốc, để đầu của bé luôn cao hơn so với phần cơ thể còn lại.
Mẹ không nên nhét trực tiếp núm vú vào miệng bé khi bé chưa sẵn sàng. Hãy mơn trớn núm vú lên môi bé để bé tự giác mở miệng và đón nhận núm vú. Trong lúc bé bú bình, mẹ không nên trò chuyện hay đùa giỡn với bé, cũng không nên rung lắc quá mạnh để bé tập trung bú bình.
2. Giữ núm vú đầy sữa trong lúc bé bú bình
Mẹ cần giữ cho núm vú luôn đầy sữa trong lúc bé bú để tránh tình trạng bé nuốt phải hơi trong bình, khiến bé dễ bị nôn trớ. Để giữ núm vú được đầy sữa, mẹ hãy giữ bình sữa hơi nghiêng, không nên để bình sữa nằm ngang. Nếu trong lúc bé bú thấy núm vú bị bẹp, mẹ hãy nhẹ nhàng đưa ngón tay vào góc miệng của bé để bé có thể bú tiếp.
3. Cho bé bú theo nhu cầu
Mỗi bé sẽ có nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng khác nhau, vì thế khả năng tiếp nhận sữa khi bú bình sẽ không giống nhau. Thường trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi cần khoảng 150ml sữa trên mỗi kilogram trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, sẽ có những bé có nhu cầu cao hơn mới đủ no. Do đó, mẹ cần quan sát để nắm được nhu cầu sữa của bé. Mẹ không nên ép bé bú thêm sữa khi bé đã no.
4. Vỗ ợ hơi cho bé
Khi thấy bé nhả núm vú ra, điều này có nghĩa bé đã bú no, mẹ hãy bế bé thẳng đứng, để ngực bé áp vào một bên ngực của mẹ, mặt tựa vào hõm vai của mẹ và vỗ lưng nhẹ nhàng để bé ợ hơi. Giữ nguyên tư thế này một lúc lâu rồi mới đặt bé nằm xuống, nên cho bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao trong khoảng 15 phút rồi mới bỏ gối ra và cho bé nằm các tư thế khác.
Nếu bé bị nôn trớ sữa, mẹ hãy vệ sinh mũi và miệng cho bé thật sạch sau khi bé nôn sau. Không nên bắt bé tiếp tục bú sau khi nôn trớ vì lo sợ bé đói trừ khi bé có biểu hiện muốn bú thêm.
5. Bỏ đi phần sữa dư thừa sau khi bú
Dù là sữa mẹ hay sữa công thức, mẹ hãy bỏ đi phần sữa dư thừa đó sau khi bé bú xong bởi dù sữa có được bảo quản kỹ thế nào cũng có thể bị nhiễm khuẩn và không còn tốt cho sức khỏe của bé.
6. Đừng để bé bú bình một mình
Có bận bịu đến mấy, mẹ cũng không nên để bé tự bú bình một mình bởi có thể gây ra tình huống đáng tiếc, thường gặp nhất là bé bị sặc sữa. Mẹ nên giữ bình và quan sát những biểu hiện của bé khi bú để phát hiện sớm và can thiệp xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Sau khi bé bú xong, mẹ vẫn nên tiếp tục theo dõi xem bé có xuất hiện những biểu hiện lạ hay không.
>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao?
Các câu hỏi thường gặp khi tập cho bé cách bú bình
1. Tại sao bé không chịu bú bình?
Nhiều mẹ đau đầu vì bé không chịu bú bình hoặc đang bú bình lại bỏ ngang mà không rõ lý do. Bác sĩ Nguyễn Văn Toản cho biết, tình trạng này có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Bé không thích mùi vị sữa công thức: trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với mùi vị, do đó nếu bé đã quen với sữa mẹ sẽ rất khó làm quen và chấp nhận mùi vị mới của sữa công thức.
- Núm vú bình sữa quá cứng: chất liệu núm vú quá cứng, không mềm mại như ti mẹ cũng khiến bé cảm thấy khó chịu và không thoải mái. Chưa kể đến, nếu mẹ chọn núm vú kích thước không phù hợp hoặc núm bị tắc, không chảy đều sữa cũng có thể khiến bé ghét việc bú bình.
- Bé đang trong quá trình mọc răng: tình trạng này khá thường gặp bởi khi mọc răng, bé sẽ thấy khó chịu ở vùng nướu và vị trí mọc răng, trong khi hoạt động mút và nuốt sữa từ bình đòi hỏi cử động nhiều hơn khiến bé bị đau. Do đó, mẹ sẽ thấy bé cắn chặt vào núm vú hoặc không chịu bú vì quá khó chịu.
- Bé không đói: khi nằm trong lòng mẹ, bé có thể bú mẹ nhiều cữ trong ngày nhưng khi chuyển sang bú bình, bé có xu hướng chỉ bú khi thực sự đói.
- Bé không thích người lạ cho bé bú: mẹ thường nhờ bố, ông bà hoặc người chăm bé cho bé bú bình để tránh tình huống bé đòi hơi mẹ, nhưng nhiều trường hợp bé sẽ từ chối bú bình khi tiếp xúc với người lạ.
- Tư thế cho bé bú không thoải mái: đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé từ chối việc bú bình, do đó mẹ nên chọn tư thế phù hợp để bé cảm thấy thoải mái.
2. Cách cho bé bú bình khi bé không chịu hợp tác?
Việc bé không chịu bú bình có thể khiến mẹ lo lắng, sợ bé không hấp thu được các chất dinh dưỡng có trong sữa, nhất là khi mẹ phải quay trở lại công việc sau thời gian nghỉ thai sản. Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể tham khảo các cách sau:
- Chỉ cho bé bú bình khi cảm thấy bé thực sự đói.
- Vắt sữa mẹ để bé tập quen với việc bú bình, sau đó có thể thay đổi sang sữa công thức nhưng cố gắng chọn loại sữa có mùi vị ngọt lành gần giống sữa mẹ.
- Có thể cho bé ngậm ti giả trước để làm quen, sau đó mới thay bằng bình sữa để bé không có cảm giác lạ lẫm.
- Chọn loại núm vú có kích thước phù hợp với độ rộng của miệng bé và nên kiểm tra dòng chảy của sữa trước khi cho bé bú.
- Cho bé bú bình ở tư thế thoải mái nhất, có thể kết hợp thêm các yếu tố xung quanh như nhạc cụ, đồ chơi phát ra âm thanh… để đánh lạc hướng, giúp bé dễ tiếp nhận bình sữa và bú ngon lành hơn.
Trường hợp đã thử áp dụng những cách trên mà bé vẫn không chịu bú bình, mẹ cần làm những việc sau để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho bé:
- Dùng thìa đút sữa cho bé, nếu bé lớn hơn có thể dùng cốc. Tuy nhiên, cần thận trọng để tránh gây sặc sữa.
- Nếu bé uống quá ít sữa, mẹ có thể tăng thực đơn ăn dặm lên để cung cấp đủ nhóm chất cho bé.
Nếu mẹ đã làm mọi cách nhưng bé vẫn không tăng cân đúng mức khuyến nghị hoặc chậm tăng cân, mẹ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín thăm khám để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn giải pháp.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sở hữu hệ thống máy móc móc hiện đại, quy tụ chuyên gia giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm, liên kết chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong bệnh viện như Trung tâm Sơ sinh, khoa Nhi, Trung tâm Dinh dưỡng Tiết chế, Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh,… sẽ đưa ra giải pháp giúp mẹ chăm sóc và nuôi con khoa học, đảm bảo bé khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Hy vọng với hướng dẫn cho bé bú bình đúng cách trên đây mẹ đã biết tư thế cho bé bú bình đúng cách, chúc mẹ chăm bé ngoan và khỏe mạnh. Khi có bất kỳ vấn đề gì trong hành trình nuôi con khoa học, mẹ có thể liên hệ đến Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ!