1. Phân loại viêm phổi ở trẻ và nguyên nhân gây bệnh
Có thể chia bệnh viêm phổi ở trẻ thành 2 loại như sau:
Viêm phế quản phổi: là hiện tượng phế nang phổi, phế quản và các mô kẽ gặp phải tình trạng nhiễm trùng cấp. Bệnh có diễn tiến nhanh, biến chứng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu phát hiện muộn và điều trị sai cách. Trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này;
Viêm phổi thùy: đây là kết quả của tình trạng phổi của trẻ bị viêm khu trú trong một thùy của phổi. Bệnh xuất hiện ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu như trẻ đã từng mắc bệnh về đường hô hấp, trẻ suy dinh dưỡng,... Bệnh gặp nhiều khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là mùa đông xuân. Đây được coi là thời điểm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp đạt tỷ lệ cao nhất trong năm, bùng phát chủ yếu ở các địa điểm như trường học, nhà trẻ, các khu dân cư tập trung đông người,...
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi
Nguyên nhân khiến trẻ viêm phổi là gì?
Trẻ viêm phổi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng “thủ phạm" thường gặp nhất và nguy hiểm nhất đó là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (hay còn gọi là phế cầu). Vi khuẩn này lây truyền qua đường hô hấp (giọt bắn khi ho, hắt hơi), lây qua tiếp xúc với mầm bệnh hay thậm chí là tiếp xúc với người lành mang vi khuẩn phế cầu.
Một số nguyên nhân khác cũng khiến trẻ viêm phổi đó là: môi trường ô nhiễm, virus khác, trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá,...
2. Các triệu chứng ở trẻ viêm phổi
Trẻ sơ sinh thường có các dấu hiệu sau:
Mệt mỏi, ngủ li bì và liên tục;
Sốt cao, có thể lên đến 39 độ;
Thời gian đầu xuất hiện ho khan, sau đó ho có đờm màu trắng, dần chuyển sang xanh hoặc vàng;
Khó thở, thở nhanh, thở hóp bụng để lấy nhiều oxy hơn mỗi lần thở;
Tiêu chảy hoặc nôn trớ;
Môi và da dẻ nhợt nhạt, xanh xao;
Đau bụng, tức ngực;
Bú ít, thậm chí bỏ bú.
Ở trẻ nhỏ, các biểu hiện bao gồm:
Thở nhanh, thở khó, thở rít hoặc khò khè, đau tức ngực;
Nôn ói, tiêu chảy, đau bụng;
Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi;
Chán ăn, ăn kém;
Đầu móng tay, môi trở nên xanh xám;
Ho, nghẹt mũi.
Cha mẹ có thể theo dõi biểu hiện thở nhanh ở trẻ vì đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên, có thể quan sát được tại nhà:
Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng được cho là thở nhanh nếu nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên;
Trẻ từ 2 tháng - 12 tháng thở nhanh nếu nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên;
Trẻ từ 12 tháng - dưới 5 tuổi thở nhanh nếu nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
Khi bị viêm phổi, trẻ thường có dấu hiệu sốt cao, ngủ li bì, ho khan và thậm chí là bỏ bú
Nếu trẻ bắt đầu có những biểu hiện sau, hãy cho trẻ nhập viện ngay để được cấp cứu kịp thời:
Trẻ bị sốt cao và kéo dài: sốt cao cũng là biểu hiện của những bệnh lý khác nhưng nếu trẻ sốt cao kéo dài liên tục từ 2 - 3 ngày thì rất có thể là do bị viêm phổi;
Cơ thể tím tái: là khi da mặt, tay, chân hoặc toàn thân bị nhợt nhạt và tím tái. Nếu không xử trí sớm có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ trẻ bị tử vong là rất cao;
Co rút lồng ngực: xảy ra ở trẻ bị viêm phổi nặng. Khi trẻ hít vào thì có đến ⅓ lồng ngực dưới bị lõm sâu vào. Nếu vị trí rút lõm nằm ở vùng trên xương đòn hoặc phần mềm giữa xương thì đây không phải là hiện tượng co lõm lồng ngực;
Biểu hiện khác: trẻ thở khò khè, khó thở, đau ngực, khô môi, chán ăn, mệt mỏi,...
3. Trẻ viêm phổi có thể gặp những biến chứng gì?
Trẻ em khi bị viêm phổi có thể gặp phải những biến chứng từ nhẹ đến nặng. Nếu không được điều trị kịp thời thì trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm sau:
Tràn mủ màng phổi: bạch cầu tăng cao, hô hấp khó khăn và cơ thể có dấu hiệu kháng thuốc;
Tràn dịch màng tim, trụy tim;
Nhiễm trùng huyết: khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn sẽ gây sốc nhiễm trùng, khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao;
Viêm màng não: gây rối loạn thần kinh, tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí là tử vong;
Hội chứng suy hô hấp cấp: dẫn đến viêm phổi mạn tính, áp xe phổi, suy giảm sức đề kháng;
Biến chứng khác: viêm phúc mạc, viêm nội tâm mạc, viêm khớp,...
4. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị cho trẻ viêm phổi
Hàng năm có rất nhiều trẻ em vì không được điều trị sớm bệnh viêm phổi nên đã dẫn đến một tỷ lệ trẻ bị tử vong không hề nhỏ. Nếu các bậc phụ huynh nhận thấy trẻ có các triệu chứng viêm phổi cần đưa trẻ đi khám sớm để được chỉ định thực hiện chụp X-quang phổi, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng phổi một cách chính xác và có chỉ định điều trị phù hợp cho trẻ.
Bên cạnh biện pháp chụp X-quang, căn cứ vào mức độ của bệnh các chỉ định cần thiết khác có thể được tiến hành bao gồm cấy dịch tiết đường hô hấp, xét nghiệm máu,... nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
Khi trẻ có các dấu hiệu bị viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt
Dựa trên từng nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn viêm phổi mà trẻ đang mắc phải mà sẽ có những hướng điều trị khác nhau:
Trẻ viêm phổi do virus: trẻ cần được nghỉ ngơi và bổ sung đủ nước;
Trẻ viêm phổi do vi khuẩn và mycoplasma: điều trị theo phác đồ kháng sinh do bác sĩ chỉ định;
Trẻ viêm phổi do nấm: sử dụng thuốc chống nấm trong điều trị.
5. Cha mẹ ghi nhớ những cách giúp phòng ngừa viêm phổi cho trẻ
Tuy viêm phổi ở trẻ là một căn bệnh có mức độ nguy hiểm cao nhưng hoàn toàn có khả năng phòng ngừa cũng như hạn chế rủi ro biến chứng của bệnh thông qua những cách sau:
Tiêm ngừa vắc xin phòng các tác nhân gây bệnh như:
Virus cúm mùa: trẻ nên được tiêm từ khi đủ 6 tháng tuổi, nhất là những trẻ bị hen suyễn hoặc mắc bệnh rối loạn tim phổi vì nếu bị nhiễm thêm virus cúm mùa thì nguy cơ biến chứng nặng là rất cao;
Vi khuẩn phế cầu: tác nhân thường gặp nhất ở những trường hợp viêm phổi nay đã có thể phòng ngừa bằng vắc xin cho trẻ từ 2 tháng tuổi;
Vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B và vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis: trẻ từ 2 tháng tuổi đã có thể tiêm vắc xin phòng 2 loại vi khuẩn này;
Virus sởi gây bệnh sởi: trẻ từ 9 tháng tuổi sẽ tiêm được vắc xin phòng bệnh sởi;
Hạn chế việc để trẻ tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh: tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, đám đông (nhất là người đang bị ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi,...), người chăm sóc trẻ cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc và cho trẻ ăn uống;
Chú ý chế độ dinh dưỡng của trẻ: nếu trẻ sơ sinh thì cần cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất đủ 6 tháng đầu đời; còn đối với trẻ nhỏ thì đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày, thêm hoa quả, rau xanh vào khẩu phần ăn, tăng lượng đạm từ thịt cá, omega-3,... Ngoài ra trẻ cần được ăn đúng giờ và không tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Trong trường hợp các bậc phụ huynh cần được tư vấn thêm về các vấn đề sức khỏe khác của trẻ hoặc có nhu cầu đặt lịch thăm khám, hãy gọi ngay tới tổng đài 1900 56 56 56, tư vấn viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp cha mẹ giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc một cách chi tiết nhất.