Do sự co thắt đột ngột của cơ hoành dẫn đến hiện tượng nấc cụt. Với mỗi lần cơ hoành co lại, các dây thanh âm đột nhiên đóng lại, tạo ra tiếng nấc. Thông thường hiện tượng này không cần chữa cũng có thể tự khỏi nhưng nấc cục kéo dài hàng giờ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cần điều trị sớm. Vậy có những loại thuốc trị nấc cụt người lớn nào có thể điều trị hiệu quả?
Nguyên nhân gây nấc cụt ở người lớn
Những nguyên nhân gây ra cơn nấc cụt bao gồm:
Giãn căng dạ dày
Những cơn nấc cục kéo dài dưới 48 giờ được xem là ngắn, thường xuất hiện khi dạ dày bắt đầu căng giãn ra do uống nhiều nước, nhất là đồ uống có cồn hay sau khi ăn no.
Thay đổi nhiệt độ
Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây ra nấc cục, chẳng hạn như bước ra ngoài vào một ngày rất lạnh hoặc ăn/ uống đồ rất nóng/ lạnh.
Căng thẳng gây nấc cụt
Những cơn nấc cụt ngắn có thể do sự phấn khích, căng thẳng, lo lắng gây ra. Trạng thái căng thẳng có thể gây ra kiểu thở bất thường, có liên quan tới chức năng của cơ hoành.
Thần kinh kích thích
Sự kích thích của của hai dây thần kinh quan trọng là dây thần kinh vagus và thần kinh phrenic có chức năng điều chỉnh sự co lại của cơ hoành có thể gây ra chứng nấc cục kéo dài hơn 48 giờ.
Phẫu thuật
Hiện tượng nấc cũng có thể xuất hiện sau phẫu thuật gan mật, dạ dày - tá tràng, mổ… hay do dùng thuốc gây tê và đặt nội khí quản, gây kích ứng cổ họng.
Các bệnh lý khác gây nấc cụt
Một loạt các bệnh lý về rối loạn trao đổi chất như suy thận, bệnh tiểu đường và mất cân bằng điện giải có thể gây ra những cơn nấc kéo dài.
Các loại thuốc trị nấc cụt người lớn thường dùng
Có thể dùng thuốc để trị nấc cụt kéo dài. Vậy, bị nấc uống thuốc gì? Các loại thuốc trị nấc cụt người lớn thường được bác sĩ chỉ định dùng cho các cơn nấc cụt kéo dài bao gồm:
Chlorpromazine
Để điều trị cho chứng nấc cụt kéo dài, người bệnh có thể dùng Chlorpromazine, đây là loại thuốc trị nấc cụt người lớn duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.
Chlorpromazine thuộc nhóm phenothiazin là một loại thuốc chống loạn thần, giúp làm ngừng cơn nấc vì có khả năng chẹn các thụ thể dopamin ở vùng dưới đồi.
Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như bí tiểu, hạ huyết áp, mê sảng, tăng nhãn áp.
Haloperidol
Tương tự như Chlorpromazine, một loại thuốc chống loạn thần khác là Haloperidol cũng có hiệu quả trong việc chẹn các thụ thể dopamin để làm ngưng cơn nấc. So với Chlorpromazine, loại thuốc này thường được dung nạp tốt hơn.
Thuốc chống động kinh
Các thuốc chống co giật bao gồm Phenytoin, Axit valproic, Carbamazepine có khả năng ngăn chặn tác nhân kích thích nấc cụt và đã được ghi nhận là có thể điều trị nấc tiềm năng. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý vấn đề tương tác thuốc và khoảng liều điều trị hẹp khi sử dụng những loại thuốc này.
Gabapentin
Gabapentin mới hơn ba loại thuốc ở trên, cũng thuộc nhóm thuốc chống động kinh, thường được sử dụng để kiểm soát cơn đau thần kinh, phong tỏa các kênh canxi thần kinh và tăng cường giải phóng chất GABA (chất dẫn truyền thần kinh dạng ức chế) ở não và làm giảm khả năng cơ hoành bị kích thích.
Baclofen
Hoạt động tương tự như chất dẫn truyền thần kinh ức chế GABA, thuốc Baclofen tạo ra sự tắc nghẽn trong quá trình dẫn truyền thần kinh, từ đó làm cắt cơn nấc cụt. Hiện Baclofen được xem là loại thuốc trị nấc cụt người lớn khá hiệu quả.
Tuy nhiên, Baclofen thường gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như chóng mặt, an thần, mê sảng. Tình trạng mê sảng thường hay xảy ra ở bệnh nhân suy thận hơn.
Kết hợp Baclofen và Gabapentin
Sự kết hợp giữa Baclofen và Gabapentin cùng với Omeprazole và Cisapride hoặc sử dụng cả 4 loại thuốc cũng có hiệu quả trong điều trị tình trạng nấc cụt liên tục. Tuy nhiên, do Cisapride có các tác dụng phụ nghiêm trọng nên không thường được dùng.
Metoclopramide
Tuy Metoclopramide cũng có tác dụng ngăn chặn dopamin để ngăn nấc cụt nhưng thuốc kém hiệu quả hơn so với Chlorpromazine. Metoclopramide có tác dụng thúc đẩy tốc độ làm rỗng dạ dày và chuyển động của ruột non.
Thuốc ức chế bơm Proton
Chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân gây ra cơn nấc cụt. Thuốc ức chế bơm Proton thường được dùng trong điều trị chứng này, đảm bảo an toàn và có hiệu quả trong một số trường hợp nhất định.
Nifedipine
Nifedipine có hiệu quả trong điều trị nấc cụt nhưng tác dụng phụ của thuốc là hạ huyết áp đặc biệt nghiêm trọng ở những bệnh nhân bị suy giảm thể tích tuần hoàn tương đối, như trường hợp bệnh nhân đang được chăm sóc giảm nhẹ.
Methylphenidate
Chất kích thích thần kinh trung ương Methylphenidate thông qua ức chế hấp thu dopamin và norepinephrin có thể làm giảm nấc. Loại thuốc trị nấc cụt người lớn này thường được dùng cho những bệnh nhân bị trầm cảm hoặc người có dùng thuốc an thần do opioid gây ra.
Midazolam
Midazolam có tác dụng an thần, thuộc nhóm thuốc Benzodiazepines. Thuốc làm tăng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh ức chế GABA ở não và được sử dụng hiệu quả dưới dạng tiêm dưới da liên tục hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
Lidocaine
Thuốc truyền tĩnh mạch Lidocaine giúp chấm dứt tình trạng nấc ở bệnh nhân sau phẫu thuật hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc có thể gây độc tính với thần kinh và tim mạch, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh tiến triển.
Dexamethasone
Dexamethasone điều trị hiệu quả nấc cụt ở bệnh nhân bị bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển liên quan đến AIDS.
Sertraline
Sertraline hoạt động thông qua các tác động trực tiếp lên cung phản xạ nấc hoặc thông qua các thụ thể serotonin ngoại vi trong đường tiêu hóa, làm giảm khả năng vận động bất thường của dạ dày, thực quản hoặc cơ hoành.
Cách trị nấc cụt không dùng thuốc
Cơn nấc cụt thường không rõ nguyên nhân chính xác gây ra và đôi khi chỉ là tạm thời. Vì vậy, đa số trường hợp bị nấc không cần dùng thuốc trị nấc cụt người lớn mà chỉ cần áp dụng một số cách hết nấc cụt nhanh chóng tại nhà bao gồm:
- Uống nước lọc hoặc nhâm nhi nước lạnh;
- Nuốt một miếng bánh mì khô, đường cát hoặc cơm nguội;
- Xoa nhẹ nhàng nhãn cầu;
- Súc miệng bằng nước lạnh;
- Nín thở một lúc trong một thời gian ngắn;
- Thở vào túi giấy (nhưng không sử dụng túi nhựa và không trùm túi qua đầu);
- Đầu gối tựa sát vào ngực và nghiêng về phía trước.
Tóm lại, người bệnh cần ghi nhớ rằng tất cả các loại thuốc trị nấc cụt người lớn được nêu trong bài viết đều cần có sự chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối người bệnh không tự ý mua thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.