Để giải đáp câu hỏi trên, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu xem những thay đổi của mẹ và bé trong giai đoạn 39 tuần tuổi thai, cũng như thai 39 tuần nặng bao nhiêu thì hợp lý có thể sinh thường và xem liệu rằng em bé của bạn có đang bị suy dinh dưỡng bào thai hay không?
Thai 39 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Sản phụ Hoa Kỳ (American Pregnancy Association - APA), một trẻ sơ sinh thường có cân nặng trung bình cỡ 3,3 kg và dài tầm 50,8 cm. Lúc này với đặc điểm khớp sọ chưa liền lại và có thể chồng lên nhau để em bé có thể chui lọt qua ngả âm đạo của mẹ. Như vậy với kích thước như trên cộng với tình trạng sức khỏe mẹ và bé bình thường thì hoàn toàn có khả năng sinh thường.
Ngoài ra còn có một vài chỉ số khi siêu âm ở thai nhi 39 tuần mà mẹ cần biết như:
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): Kích thước bình thường khoảng 89 - 97 mm, trung bình 93 mm.
- Chiều dài xương đùi (FL): Kích thước bình thường khoảng 68 - 82 mm, trung bình 73 mm.
- Chu vi vòng bụng (AC): Kích thước bình thường khoảng 295 - 405 mm, trung bình 350 mm.
- Chu vi vòng đầu (HC): Kích thước bình thường khoảng 322 - 362 mm, trung bình 342 mm.
- Cân nặng ước tính (EFW): Kích thước bình thường khoảng 2851 - 4019 g, trung bình 3435 g.
Những số đo trên sẽ không thay đổi nhiều kể từ thời điểm này cho tới lúc sinh ra. Vì vậy có thể căn cứ những chỉ số ở thời điểm này để ước đoán khả năng sinh và chọn phương pháp chăm sóc trẻ sau sinh như thế nào.
Thai nhi ở tuần 39 phát triển như thế nào?
Da bé trắng hơn
Da của bé chuyển dần từ màu hồng sang màu trắng do một lớp mỡ dày hơn đã được tích tụ trên các mạch máu đồng thời lớp mỡ này cũng làm cho má của bé trở nên tròn trịa và đáng yêu hơn. Tuy nhiên, da em bé cũng có khả năng xanh xao hoặc tím tái vì hệ tuần hoàn chưa hoạt động mạnh mẽ, bé còn khả năng thiếu máu và oxy, nồng độ oxy sẽ tăng dần sau 15 phút chào đời.
Sau khi sinh, sắc tố da xuất hiện sẽ cộng với môi trường bên ngoài để hình thành nên màu da thật của bé, có thể sáng hoặc đen hơn. Sau sinh 3 - 5 ngày da trẻ có thể vàng, nếu ở mức độ nhẹ thì chỉ là vàng da sinh lý, tuy nhiên nếu ở mức độ nặng và kéo dài là có nguy cơ bệnh lý.
Bé tích tụ mỡ và béo lên
Sự phát triển của thai nhi 39 tuần về mặt thể chất lúc này đã phát triển hoàn tất, tuy nhiên bé vẫn sẽ tiếp tục tăng lên về cân nặng. Một lớp mỡ bao phủ khắp cơ thể thai nhi được tích tụ dày hơn nhằm giữ ấm cho bé sau khi chào đời, đảm bảo đường huyết cho trẻ cũng như điều chỉnh thân nhiệt thích nghi tốt với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ.
Não bé phát triển nhanh hơn
Hiện tại bộ não của trẻ vẫn đang tiếp tục phát triển với tốc độ đáng ngạc nhiên. Não thai nhi đã tăng trưởng thêm 30% so với 4 tuần trước. Trong vòng 3 năm đầu đời não bộ của bé vẫn sẽ duy trì tốc độ phát triển này thông qua những kỹ năng mới bé học hỏi và thực hiện được mỗi ngày.
Thai nhi 39 tuần đạp nhiều hơn
Ở 39 tuần tuổi thai, hệ xương và cơ của trẻ đã phát triển mạnh mẽ, trẻ hiếu động hơn và đạp nhiều hơn. Chính vì vậy khi mẹ theo dõi trẻ ít đạp hơn thì đây là điều đáng chú ý vì có thể là dấu hiệu của một vấn đề bất thường cần đến gặp bác sĩ ngay.
Bé xoay đầu
Thông thường ở 39 tuần tuổi thai trẻ gần như đã quay đầu hoàn toàn. Nếu đến giai đoạn này mà thai nhi vẫn chưa xoay đầu thì nữ hộ sinh sẽ hỗ trợ và hướng dẫn mẹ thực hiện một số bài tập cụ thể nhằm giúp bé xoay đầu như các bài tập nghiêng xương chậu, hoặc quỳ gối dang rộng chân, sau đó cúi xuống để ngực và bụng chạm sàn, lặp lại động tác 3 lần/ngày và theo dõi sự xoay đầu của trẻ.
Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 39 tuần
Ở thời điểm này cơ thể mẹ cũng có những thay đổi sinh lý như sau, khi mẹ gặp phải dấu hiệu này cũng đừng quá lo lắng.
Ợ chua hoặc khó tiêu
Chứng ợ chua có thể nặng nhất vào thời điểm này. Vì vậy, trong thời điểm này, mẹ hãy hạn chế các chất kích thích như cafein, thức ăn cay....
Đau ở xương chậu
Khi em bé di chuyển dần vào xương chậu thì đầu của trẻ đang tạo áp lực lên xương chậu của mẹ làm cho mẹ cảm thấy khó chịu. Các triệu chứng khó chịu khác có thể bao gồm khó tiêu, chuột rút và đây cũng có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm.
Đau lưng
Khi áp lực vùng chậu gia tăng vì thai nhi quay đầu xuống xương chậu. Mẹ sẽ có cảm giác vùng chậu nặng nề, cảm giác như muốn đi vệ sinh và rất khó chịu.
Vào những tuần cuối cùng của thai kỳ thì cơn đau lưng của mẹ có thể nặng hơn bây giờ. Để làm dịu cơn đau lưng mẹ có thể sử dụng vòi hoa sen và xả nước ấm.
Bệnh trĩ
Nếu mẹ đang bị trĩ thì việc rặn đẻ trong quá trình chuyển dạ có thể làm trầm trọng thêm bệnh trĩ, vì vậy có thể cần sử dụng các loại thuốc xoa dịu giúp mẹ giảm đau hơn.
Nút nhầy tử cung
Nhiều mẹ cảm thấy lo lắng khi mang thai 39 tuần ra dịch nhầy màu trắng. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cổ tử cung mẹ có thể thấy tiết dịch nhiều hơn và thậm chí đi ngoài ra chất nhầy, khi cơ thể mẹ đang chuẩn bị cho việc sinh con. Đây là hiện tượng nút nhầy tử cung khi nút nhầy bong ra tức là con bạn đã chuẩn bị chào đời. Điều này cũng là báo hiệu chuyển dạ.
Các cơn co thắt Braxton Hicks
Khi mang thai được 39 tuần, tình trạng co thắt tử cung diễn ra liên tục. Đây là những cơn Braxton Hicks, mẹ sẽ bớt đau khi đổi tư thế. Cơn chuyển dạ thực sẽ bắt đầu ở đáy tử cung, cơn đau diễn ra thường xuyên và tần suất nhiều dần lên. Song khi thai nhi 39 tuần gò nhiều, mẹ cũng cần đi khám ngay. Braxton Hicks là các cơn co chuyển dạ giả, đôi khi các cơn co Braxton Hicks có cường độ và nhịp độ khó phân biệt với các dấu hiệu của chuyển dạ sớm.
Như vậy thai 39 tuần là thời khắc quan trọng để mỗi bà mẹ chuẩn bị sẳn sàng tâm lý, tinh thần cho cuộc vượt cạn sắp thời. Với những thông tin trên đây đã cho bạn những chia sẻ về mẹ và thai ở 39 tuần tuổi. Hy vọng với những thông tin này mẹ đã yên tâm để chuẩn bị cho cuộc sinh sắp tới. Chúc cho các bà mẹ đón con khỏe mạnh và hạnh phúc.
Xem thêm:
- Các giai đoạn phát triển của thai nhi và những điều cần biết
- Thai 22 tuần nặng bao nhiêu? Các cách tính cân nặng thai nhi theo tuần