Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương -Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sau cuộc gặp gỡ đầy kỳ diệu giữa tinh trùng và trứng, một hợp tử bé xíu được hình thành. Lúc này, thai đã được ba tuần và mẹ bầu cũng xuất hiện những dấu hiệu mang thai rõ rệt hơn. Vậy thai nhi 3 tuần tuổi sẽ phát triển ra sao và bạn nên làm gì trong thời điểm này?
1. Thai nhi tuần 3 phát triển như thế nào?
Khi thai nhi 3 tuần tuổi, hợp thể có kích thước nhỏ siêu vi bắt đầu phân bào và tiếp tục nhân lên với tốc độ nhanh chóng. Bắt đầu từ tuần thứ ba của thai kỳ, bé đã nhận được đầy đủ các thông tin, vật liệu di truyền cần thiết cho việc hình thành sự sống và phát triển các cơ quan quan trọng của cơ thể. Chính vì vậy mà bất kỳ sự can thiệp nào trong giai đoạn phát triển này đều rất dễ khiến bé bị tổn thương.
Thai nhi lúc này giống như một quả bóng nhỏ xíu, được gọi là phôi nang, chứa đến hàng trăm tế bào đang nhân lên và chui vào niêm mạc tử cung của bạn. Các tế bào ở giữa sẽ trở thành phôi. Các tế bào ở bên ngoài sẽ trở thành nhau thai, cơ quan hình bánh kếp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé và loại bỏ các chất thải.
Các tế bào phát triển thành nhau thai đang bơm ra hoocmon thai kỳ hCG (human chorionic gonadotropin). Nội tiết tố này làm cho buồng trứng ngừng giải phóng trứng và tiếp tục sản xuất progesterone, ngăn tử cung của bạn khỏi bị bong lớp niêm mạc và giữ thai nhi ở lại, cũng như kích thích sự phát triển của nhau thai. Khi có đủ hCG trong nước tiểu, bạn sẽ có kết quả thử thai dương tính.
Lúc này, dịch nước ối cũng bắt đầu hình thành và phát triển thành túi ối. Chất lỏng này đóng vai trò như là một “lớp đệm” cho bé trong những ngày tháng tới.
Nếu như ở tuần thứ hai của thai kỳ chỉ là những hình dung mơ hồ về những thay đổi nhỏ nhoi của thai nhi, thì sang đến tuần thứ 3 đã có những chuyển biến rõ rệt. Kích thước của thai nhi tuy rất nhỏ, nhưng đã thực sự tồn tại trong bụng mẹ, với kích thước chỉ từ 0,35 -0,6mm.
2. Các triệu chứng báo hiệu bạn đã mang thai
Khi bắt đầu mang thai, cơ thể bạn sẽ có những thay đổi nhất định, những biểu hiện này đều dễ dàng nhận biết:
- Căng tức ngực
- Cơ thể mệt mỏi
- Đi tiểu thường xuyên
- Nhạy cảm với các loại mùi khác nhau
- Mất hứng với một số món ăn khoái khẩu trước đây
- Nhiệt độ cơ thể tăng
- Buồn nôn, hoặc nôn
- Xuất hiện máu báo thai
3. Mẹ bầu cần làm gì ở tuần thứ 3 thai kỳ?
Muốn biết kết quả chính xác rằng bạn đã có thai hay chưa, bạn nên thử thai. Nếu kết quả là dương tính, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra tính chính xác. Một số trường hợp cho ra kết quả âm tính mặc dù bạn thực sự đã mang thai, điều này có thể là do bạn đã thử thai quá sớm. Để các xét nghiệm cho ra kết quả chính xác, bạn nên đợi khoảng vài ngày hoặc một tuần khi quá ngày kinh nguyệt hàng tháng.
4. Thai ba tuần nên kiêng gì?
Những thực phẩm nên ăn:
- Ba tuần đầu của thai kỳ, bạn nên tích cực bổ sung vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể cũng như giúp bé phát triển tốt nhất. Bạn có thể bổ sung thông qua dạng viên uống hoặc qua chế độ ăn hàng ngày.
- Acid folic là chất vô cũng quan trọng trong thời gian mang thai, nó không chỉ giúp ngăn ngừa những bệnh cho trẻ như khuyết tật ống thần kinh, dị tật tim bẩm sinh hoặc sinh non. Theo như khuyến cáo, mẹ bầu nên bổ sung khoảng 400 mcg/ngày trước khi mang thai, và đến tuần thứ 3 của thai kỳ, liều lượng có thể tăng lên khoảng 600 mcg/ ngày.
- Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng mẹ bầu nên bổ sung thêm khoảng 0,4 mg vitamin B11 và khoảng 300 calo cho khẩu phần ăn mỗi ngày.
- Sắt cũng là một yếu tố không thể thiếu trong những tháng ngày “bầu bí”. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu và ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của mẹ và thai nhi. Lượng sắt cần thiết cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi khoảng 30mg/ngày.
Những thực phẩm nên kiêng:
- Mẹ bầu nên tuyệt đối tránh ăn những loại thực phẩm chưa được nấu chín, trứng lòng đào hoặc các loại hải sản hun khói.
- Nên thận trọng với những loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá nóc, cá thu, cá kiếm. Trong các loại cá này có chứa lượng thủy ngân cao, gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của bé.
5. Thai ba tuần tuổi có nên quan hệ tình dục không?
Nhiều phụ nữ mang thai lần đầu thường lo lắng rằng quan hệ tình dục khi mang thai có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi hoặc sảy thai. Tuy nhiên, nếu bạn không có tiền sử sảy thai hay các dấu hiệu cho thấy bạn dễ bị sảy thai thì các hoạt động tình dục không hề ảnh hưởng tới bé. Bên cạnh đó, việc quan hệ tình dục khi mẹ đạt “cực khoái” còn giúp bé yêu trong bụng cảm thấy thư giãn và thoải mái như được ru ngủ. Vì vậy, các mẹ bầu hãy yên tâm tham gia vào các “cuộc yêu” như bình thường nếu thấy thích thú.
6. Những lời khuyên dành cho mẹ bầu mang thai tuần thứ 3
Ngoài việc bổ sung đầy đủ các loại chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, sắt, hay các thực phẩm giàu dưỡng chất hàng ngày, bạn cũng nên bắt tay vào việc xây dựng cho mình một thai kỳ lành mạnh, bao gồm:
- Nói không với các chất kích thích như rượu, bia
- Bỏ thói quen hút thuốc lá
- Luôn giữ trạng thái thư giãn, tránh cáu giận, bực tức hay stress bằng cách làm bất cứ điều gì khiến bạn thấy thoải mái và thích thú, chẳng hạn như đọc sách, đi dạo, tập thiền, tập yoga,..
- Tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, trừ khi nó thực sự cần thiết và phải qua tư vấn của bác sĩ. Bởi vì một số loại thuốc có thể đem lại tác dụng phụ và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi 3 tháng đầu.
Bác sĩ Trần Thị Mai Hương đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới,phẫu thuật nội soi. Đã giữ chức vụ phó trường khoa Sản bệnh lí, phó Trưởng phòng đẻ - bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Có chuyên môncao và thế mạnh trong lĩnh vực:
- Phẫu thuật đường dưới
- Phẫu thuật nội soi
- Các phẫu thuật sản khoa khó
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com