Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương -Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bước vào tuần thai thứ 25, thai phụ đang đến phần cuối quý thứ hai của thai kỳ. Em bé của bạn đang phát triển ổn định, Tuy chưa sẵn sàng, nhưng không lâu nữa em bé sẽ chính thức chào đời.
1. Sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi
Tuần thai thứ hai mươi lăm mang đến rất nhiều thay đổi cho cả mẹ và bé. Mẹ có thể gặp phải các triệu chứng khó chịu nhưng bình thường của giai đoạn này của thai kì, như là Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome - RLS), ợ nóng, Hội chứng ống cổ tay...
Vào tuần thứ hai mươi lăm của thai kì, em bé đang bắt đầu tích mỡ, khiến da bé mượt mà và nhìn bé mũm mĩm hơn. Với một số bé phát triển tóc sớm thì ở tuần thai này, màu và chất tóc của bé bắt đầu hiện rõ. Các phản xạ của bé cũng đang phát triển.
Thai nhi 25 tuần tuổi cũng rất thích nhảy múa và nô đùa trong bụng mẹ, thai nhi cũng có thể nghe được giọng nói của mẹ và các âm thanh khác. Thai nhi đã có dấu vân tay của riêng mình, dấu nếp gấp trong lòng bàn tay đang dần hiện ra.
Bé sẽ nhìn hồng hào hơn nhờ sự hình thành các mạch máu nhỏ được gọi là các mao mạch trên da, các mao mạch này giúp tăng lưu lượng máu vận chuyển dưới da. Mặc dù các mí mắt của bé vẫn đóng kín, những tế bào thụ cảm thị giác - tế bào nón và tế bào que đã hình thành và cảm nhận được sáng hay tối.
2. Kích thước của thai nhi tuần thứ 25
Vào tuần thai thứ hai mươi lăm, thai nhi sẽ nặng khoảng 756 gram, dài tầm 33.7 cm, bằng một bắp ngô. Cùng với những thay đổi khác trong cơ thể, sự tăng cân này là sự chuẩn bị cho cuộc sống ngoài bụng mẹ.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
3. Tư thế của thai nhi tuần thứ hai mươi lăm
Thời điểm này thai nhi vẫn chưa quyết định mình sẽ chuyển tư thế nào để chuẩn bị chào đời. Đầu bé vẫn nằm gần ngực mẹ và hai bàn chân đang hướng xuống. Nhưng bé sẽ thay đổi tư thế sớm thôi, đôi khi ngay vào tuần sau.
Suốt tuần thai thứ hai mươi lăm, mũi và lỗ mũi của thai nhi bắt đầu làm việc, thai nhi bắt đầu hít nước ối. Các mao mạch hình thành trên da nay cũng hình thành trong phổi, để thai nhi có thể tập hít thở ngay từ bây giờ. Hai lá phổi bắt đầu sản xuất chất hoạt động bề mặt, giúp em bé thở sau khi ra đời. Tuy nhiên, phổi của thai nhi vẫn chưa trưởng thành và không thể ô xi hoá máu. Thai nhi cũng bắt đầu phát triển cảm nhận thăng bằng, như phân biệt đường nào là bơi lên, đường nào là bơi xuống ngay trong tử cung của mẹ, kĩ xảo dùng tay của thai nhi đã khá hơn và có thể thực hiện các động tác cầm nắm.
4. Cơ thể của mẹ trong tuần thứ hai mươi lăm của thai kì
Trong tuần này, mẹ sẽ thấy tăng cân và có khi gặp phải một số triệu chứng mới. Một số triệu chứng của thai kì khiến mẹ mệt mỏi, nhưng mẹ ơi đó chính là dấu hiệu cơ thể mẹ đang cố gắng để bé phát triển khoẻ mạnh!
Tử cung của mẹ hiện đang có kích cỡ của một quả bóng đá. Thường thì mẹ sẽ tăng khoảng 7-8 kg trong suốt thai kì và 11-18 kg nếu mẹ có hai em bé song sinh. Nhiều bà mẹ bắt đầu tăng cân do tích nước trong giai đoạn này, miễn là mẹ đang tăng cân ở mức hợp lí, thì những dao động này là bình thường.
Mẹ cũng sẽ nhận thấy thai nhi đang cử động mạnh hơn với nhiều động tác hơn, nên mẹ hãy chuẩn bị tinh thần cho những cú đá, nhào lộn và đá trong bụng mẹ. Bé cũng bắt đầu phản ứng lại với âm nhạc, giọng nói và âm thanh.
Nhiều phụ nữ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hơn vào giai đoạn cuối quý thứ hai của thai kỳ, bụng mẹ cũng lớn hơn, khiến mẹ cảm giác bụng trệ xuống, kèm một số triệu chứng như:
- Hội chứng chân không yên: Hội chứng này khiến mẹ cảm thấy phải hoạt động chân liên tục để giảm cảm giác châm chích hoặc như kiến bò, thường hay xuất hiện ở cánh tay, đùi hoặc bàn tay khi mẹ nghỉ ngơi hoặc ngủ. Hiện chưa rõ nguyên nhân chính của hội chứng này, nhưng cơ chế chính tạo điều kiện cho Hội chứng chân không yên có thể là thay đổi nội tiết, cũng như thiếu hụt sắt và folate. Nhưng mẹ đừng lo lắng, triệu chứng này sẽ tự khỏi khoảng bốn tuần sau sinh. Mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng, tắm nước ấm trước khi ngủ, uống thuốc bổ chứa Sắt, folate, vitamin B12, Magie và tránh uống cà phê, nhưng hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kì loại thuốc nào mẹ nhé!
- Tóc dày hơn: Những thay đổi nội tiết trong thai kì ức chế sự rụng tóc như bình thường.
- Hội chứng ống cổ tay: Sự dao động của mức hóc môn, cơ thể tích nước có xu hướng gây phù, quá mẫn dây thần kinh và sự dao động của đường huyết có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay như tê tay hoặc cảm giác châm chích trong chốc lát. Các triệu chứng này thường ở mức nhẹ và không cần lo lắng, cũng như không cần áp dụng điều trị trong hầu hết các trường hợp.
- Trĩ: Vòng bụng tăng lên tạo áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu, có thể gây trĩ. Trĩ thật khó chịu, nhưng phổ biến lúc mang thai và thường tự khỏi sau sinh, trừ một số trường hợp phải điều trị can thiệp theo chỉ định của bác sĩ.
- Ợ nóng và khó tiêu: Thai nhi cũng làm tăng áp lực lên hệ tiêu hoá của mẹ, như đẩy axit trong dạ dày lên thực quản
Đầy hơi: Suốt thai kì, những thay đổi về nội tiết làm quá trình tiêu hoá của mẹ chậm lại, khiến khí ga tích tụ gây chướng bụng và táo bón.
5. Siêu âm ở tuần thai thứ 25
Thường thì mẹ sẽ không siêu âm trong tuần thai này, trừ khi mẹ cần những xét nghiệm theo dõi sát sao chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Từ tuần hai mươi tư đến tuần thứ hai mươi tám, mẹ sẽ làm xét nghiệm dung nạp đường huyết để loại trừ nguy cơ tiểu đường thai kì. Nếu mẹ đã làm xét nghiệm này trước đây và có kết quả bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định làm lại xét nghiệm trong tuần này.
6. Mẹ cần làm gì trong tuần thai thứ 25?
- Tiếp tục chế độ ăn lành mạnh: Tiếp tục chế độ ăn giàu chất xơ, ăn nhiều rau và trái cây, hạt, ăn các loại cá ít thuỷ ngân và thịt nạc. Mẹ không cần phải ăn cho hai người, chỉ không nên bỏ bữa.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Tránh các môn thể thao đối kháng, nâng vật nặng quá mức và nằm ngửa. Nhưng bên cạnh đó, mẹ cần tập luyện thường xuyên, hãy lắng nghe cơ thể (và lời khuyên của bác sĩ mẹ nhé!), không tập luyện khi mẹ thấy quá mệt, khó thở hoặc chóng mặt.
- Uống nhiều nước: Hãy chắc chắn cơ thể mẹ được cung cấp đủ nước để tránh táo bón, đầy hơi và trĩ mẹ nhé!
- Dưỡng ẩm: Mẹ có thể bị các vết rạn trên bụng và ngực trong khoảng tuần thứ hai mươi lăm của thai kì, thậm chí mẹ có thể bị nổi ban ngứa. Dưỡng ẩm hàng ngày có thể giúp mẹ tránh các vấn đề này.
- Lên kế hoạch sinh: Không ai nói trước chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra lúc sinh, nhưng đây là giai đoạn hợp lí để mẹ suy nghĩ về phương pháp sinh mẹ muốn.
- Chuẩn bị cho bé: Mẹ có thể bắt đầu mua sắm những vật dụng cần thiết cho bé trước khi bụng lớn hơn và mẹ thấy khó chịu hơn.
- Chuẩn bị các kiến thức sơ sinh: Đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên bạn làm mẹ, đây là thời điểm bạn nên chuẩn bị các kiến thức về bé, cách chăm sóc và những điều có thể xảy ra.
- Kiểm soát stress: Thời điểm chuyển dạ không còn xa nữa, dễ hiểu thôi nếu mẹ cảm thấy lo âu, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng những bà mẹ có tư tưởng thiếu tích cực lúc mang thai có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn, nên tuần thứ hai mươi lăm của thai kì là thời điểm thích hợp để học cách kiểm soát căng thẳng.
7. Những dấu hiệu bất thường ở tuần thai thứ 25
Hãy thông báo cho bác sĩ ngay khi mẹ gặp phải những cơ gò tử cung, ra máu hay bất kì các triệu chứng nào khác. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ chuyên khoa về các triệu chứng gặp phải, phương pháp phòng tránh và hạn chế triệu chứng, cũng như kế hoạch sinh.
Thai được 25 tuần tuổi đang trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, lúc này mẹ bầu cần chú ý:
- Tầm soát dị tật thai nhi toàn diện bằng kỹ thuật siêu âm 4D vượt trội.
- Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
- Hiểu rõ dấu hiệu dọa sinh sớm (đặc biệt ở những người mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non) để được điều trị giữ thai kịp thời.
Để bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ, Vinmec cung cấp dịch vụ Thai sản trọn gói giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé toàn diện, khám thai định kỳ với các bác sĩ Sản khoa hàng đầu, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, tầm soát quan trọng cho sản phụ, tư vấn và can thiệp kịp thời khi phát hiện những bất thường trong sức khỏe của mẹ và bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org, Webmd.com, Babycenter.com, Whattoexpect.com