Khí hư hay còn được gọi là dịch tiết âm đạo đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch và bảo vệ vùng kín nữ giới khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, sau khi quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ, nhiều chị em cảm thấy hoang mang và lo lắng khi nhận thấy khí hư của mình có màu nâu. Liệu rằng ra khí hư màu nâu có phải mang thai không hay là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến sức khỏe vùng kín?
Ra khí hư màu nâu có phải mang thai không?
Ra khí hư màu nâu rất có thể là máu báo thai - dấu hiệu cho thấy bạn đang mang thai. Có rất nhiều dấu hiệu khác nhau giúp chị em xác định được tình trạng mang thai của mình, trong đó chảy máu báo thai là một trong những dấu hiệu xuất hiện sớm nhất. Đây là hiện tượng khi trứng đã thụ tinh thành công và bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ. Quá trình này khiến một phần nhỏ lớp niêm mạc tử cung bị bong tróc và gây chảy máu tại vùng kín.
Về cơ bản máu báo thai rất khác so với máu kinh nguyệt nên chị em có thể dễ dàng phân biệt được. Theo đó, máu báo thai thực chất chỉ là những đốm nhẹ, chỉ vài giọt dính trên quần lót có màu nâu hoặc hơi hồng phớt, không kèm theo máu đông và không có dịch nhầy. (1)
Tham khảo: Hướng dẫn cách phân biệt máu báo thai và máu kinh
Hiện tượng này thường xuất hiện vào khoảng 8-12 ngày sau khi thụ tinh, tức vào ngày thứ 2-7 trước khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Do đó, nếu trong thời gian này bạn nhận thấy có xuất hiện khí hư màu nâu, không mùi và kèm theo dấu hiệu trễ kinh thì có thể đây chính là máu báo thai báo hiệu chị em đã có “tin vui”. Để chắc chắn hơn, chị em có thể dùng các biện pháp thử thai tại nhà hoặc đến bệnh viện để được kiểm tra và xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất về tình trạng mang thai của mình.
Nguyên nhân ra dịch màu nâu khi mang thai?
Theo các chuyên gia về Sản Phụ khoa, khí hư màu nâu xuất hiện khi mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân xuất hiện của dịch tiết màu nâu là do máu báo thai thì trường hợp ra máu âm đạo bất thường có thể do một số nguyên nhân khác (2), cụ thể như:
1. Mang thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là tình trạng phôi làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, có thể ở ống dẫn trứng dẫn đến các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nặng nề âm đạo, chảy máu đột ngột và âm đạo tiết dịch màu nâu.
2. Sảy thai
Khí hư màu nâu cũng có thể là dấu hiệu báo sảy thai, đặc biệt nếu nó xuất hiện trong vòng 1 tuần đầu sau khi phôi thai đã hình thành kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, đau bụng dữ dội, mệt mỏi, chuột rút,… Khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường này, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được kiểm tra, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời.
3. Viêm nhiễm phụ khoa
Các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa chẳng hạn như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,… có thể gây ra dịch tiết màu nâu kèm theo các triệu chứng khác như khí hư có mùi hôi tanh, màu sắc chuyển sang vàng hoặc xanh, đau rát khi đi tiểu, đau vùng chậu, ngứa rát vùng kín…
4. Quan hệ tình dục
Trong giai đoạn mang thai, khi chị em hoạt động tình dục mạnh rất dễ khiến tử cung bị co thắt. Đây cũng là nguyên nhân làm cho âm đạo thường xuyên đau rát, chảy máu và khí hư tiết ra có màu nâu hoặc đỏ thẫm. Chính vì thế, mẹ bầu nên tránh quan hệ tình dục với tần suất nhiều và chú ý hoạt động nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến tử cung và thai nhi.
5. Polyp tử cung
Polyp tử cung là những khối u lành tính xuất hiện trên bề mặt cổ tử cung, khi nồng độ hormone estrogen trong cơ thể người phụ nữ tăng lên có thể khiến các khối u này vỡ ra gây chảy máu nhẹ. Do đó, khi mẹ bầu nhận thấy đau bụng lâm râm kèm theo xuất hiện dịch tiết màu nâu có thể liên quan đến polyp tử cung.
6. Dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh
Vào những tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt từ tuần 36 trở đi, cổ tử cung người mẹ bắt đầu trở nên mềm hơn và mở rộng ra chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Lúc này, nút nhầy ở cổ tử cung mất đi và dịch âm đạo màu nâu xuất hiện, đây được xem là một trong những dấu hiệu chuyển dạ phổ biến.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu chị em ra khí hư màu nâu mà không có thêm bất kỳ triệu chứng nào bất thường thì không có gì đáng lo ngại, đây có thể là hiện tượng máu báo thai báo hiệu chị em đã có “tin vui”.
Tuy nhiên, chị em không nên chủ quan vì trong một số trường hợp khí hư màu nâu có thể là dấu hiệu cảnh báo một vài vấn đề nhiễm trùng hoặc biến chứng thai kỳ nghiêm trọng. Chính vì thế, hãy luôn theo dõi sức khỏe bản thân và liên hệ với bác sĩ ngay khi nhận thấy vùng kín tiết dịch màu nâu kèm theo các triệu chứng sau đây: (3)
- Khí hư tiết quá nhiều.
- Dịch tiết âm đạo có mùi nồng, hôi tanh khó chịu.
- Đau bụng dữ dội và kèm theo cơn chuột rút.
- Ngứa ngáy và đau rát vùng kín.
- Tiểu buốt, tiểu rắt.
- Sốt cao, ớn lạnh.
Với những trường hợp này, chị em sẽ được bác sĩ kiểm tra và chỉ định một vài xét nghiệm cần thiết, từ đó xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng và có kế hoạch điều trị phù hợp giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Những dấu hiệu nhận biết mang thai khác
Ngoài máu báo thai, chị em vẫn có thể dựa vào những dấu hiệu mang thai phổ biến ở giai đoạn sớm để xác định liệu mình có đang mang thai hay không. Hãy kiểm tra xem mình có những dấu hiệu nào sau đây không nhé. (4)
1. Trễ kinh
Trễ kinh là một trong những dấu hiệu có thai sớm điển hình nhất. Đối với những chị em vốn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, nếu nhận thấy kỳ kinh của mình bị trễ từ khoảng 1 tuần sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn thì khả năng cao bạn đã mang thai. Tuy nhiên, với nhiều chị em kinh nguyệt không đều sẽ rất khó xác định tình trạng mang thai nếu chỉ dựa vào một dấu hiệu trễ kinh. Do đó, hãy theo dõi thêm những dấu hiệu khác để chắc chắn rằng mình đã có thai hay chỉ là triệu chứng của tình trạng kinh nguyệt không đều.
2. Ốm nghén
Có khoảng 2/3 phụ nữ có cảm giác ốm nghén trong giai đoạn ba tháng đầu thai kỳ. Dấu hiệu này bắt đầu rõ rệt hơn trong khoảng 1 - 2 tuần đầu tiên và giảm dần đến mất hẳn khi sang đầu tam cá nguyệt thứ hai. Chỉ một số ít trường hợp mẹ bầu có triệu chứng ốm nghén đến tận lúc sinh.
3. Đau ngực
Khi đã “cấn bầu”, nhiều chị em sẽ cảm nhận vùng ngực của mình sưng lên, căng tức và nhảy cảm hơn bình thường. Nguyên nhân là do nồng độ hormone HCG bắt đầu tăng cao, khiến lưu lượng máu đến vùng ngực tăng lên làm bầu ngực to hơn, núm vú sẫm màu và nhô ra, quầng vú trở nên lớn hơn bình thường. Sau ba tháng đầu tiên của thai kỳ, triệu chứng này sẽ giảm dần và mất hẳn vì lúc này cơ thể đã bắt đầu thích nghi và tự điều chỉnh theo sự thay đổi của nội tiết tố.
Tìm hiểu thêm: Ngực thay đổi như thế nào khi mang thai?
4. Mệt mỏi
Ngay trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, nồng độ progesterone tăng sinh trong cơ thể người phụ nữ giúp ngăn ngừa co bóp tử cung và ức chế đáp ứng miễn dịch sớm. Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột của các hormone thai kỳ này có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi và đôi lúc kiệt sức.
5. Thay đổi khẩu vị
Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến mẹ bầu bị kích thích cảm giác thèm ăn với một số loại thực phẩm, đồng thời có thể cảm thấy ác cảm với những món ăn mà trước đây mình từng rất thích.
6. Đi tiểu nhiều lần
Khi mang thai, tử cung phát triển và gây áp lực lên bàng quang cùng với sự tăng lưu lượng máu đến thận khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy buồn tiểu thường xuyên dẫn đến tần suất đi tiểu nhiều hơn so với bình thường.
7. Tăng thân nhiệt
Sự tăng sinh nồng độ progesterone trong cơ thể khi người phụ nữ mang thai có thể khiến thân nhiệt tăng lên. Nếu chị em thường xuyên đo thân nhiệt và nhận thấy nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường trong thời gian dài thì đây có thể là triệu chứng báo hiệu chị em đã mang thai.
Vì sao ra khí hư màu nâu đen nhưng không có thai?
Khí hư màu nâu đen có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng liên quan đến dấu hiệu báo mang thai. Trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân điển hình như:
1. Sắp đến hoặc vừa kết thúc chu kỳ kinh nguyệt
Trong khoảng một vài ngày trước hoặc sau kỳ kinh, chị em có thể nhận thấy khí hư của mình chuyển sang màu nâu đen. Nguyên nhân là do dòng chảy kinh nguyệt có thể chậm hơn vào đầu hoặc cuối kỳ kinh, làm cho máu từ tử cung có thể mất nhiều thời gian hơn để thoát ra ngoài cơ thể. Do đó, lượng máu này có thể bị oxy hóa và chuyển từ màu đỏ sang màu nâu sẫm hoặc đen khi chảy ra ngoài. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể nên chị em không cần quá lo lắng.
2. Mất cân bằng nội tiết tố
Hormone estrogen trong cơ thể người phụ nữ đóng vai trò ổn định niêm mạc tử cung, tuy nhiên vì một vài lý do nào đó khiến lượng estrogen suy giảm dẫn đến lớp niêm mạc tử cung mỏng đi và dễ gây ra tình trạng ra máu bất thường. Bởi vậy, màu sắc của khí hư chuyển thành màu nâu đen có thể là báo hiệu sự mất cân bằng nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ.
Đặc biệt, với phụ nữ mãn kinh thường gặp phải các vấn đề viêm nhiễm không đặc hiệu, khí hư ít, có thể lẫn máu và kèm theo biểu hiện đau rát vùng kín, đau hạ vị hoặc tiểu rắt, tiểu buốt,… Đây là những dấu hiệu có liên quan đến tình trạng viêm âm đạo do thiếu nội tiết tố.
3. Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố
Hiện tượng chảy máu bất thường xảy ra phổ biến ở những phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai chứa estrogen hàm lượng thấp hoặc không có estrogen như vòng tránh thai hoặc que cấy tránh thai. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể quá ít làm mỏng lớp nội mạc tử cung dễ gây ra tình trạng xuất huyết.
Theo các chuyên gia Sản Phụ khoa, hiện tượng chảy máu âm đạo do tránh thai nội tiết tố thường không đáng lo ngại và có thể khắc phục được. Trong trường hợp tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài và gây khó chịu, chị em hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn lựa chọn phương pháp tránh thai khác phù hợp hơn, nhằm hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn.
4. Báo hiệu của các bệnh lây qua đường tình dục
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia,… có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu âm đạo và tiết khí hư màu nâu. Đa số phụ nữ mắc bệnh qua đường tình dục thường không có triệu, các trường hợp khác có các biểu hiện như viêm cổ tử cung, tiết dịch âm đạo bất thường, chảy máu khi quan hệ, tiểu khó…
Vì đa số các bệnh lây qua đường tình dục không có triệu chứng rõ ràng nên các chuyên gia luôn khuyến khích chị em thăm khám phụ khoa định kỳ để chủ động bảo vệ sức khỏe sinh sản, phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn, từ đó lên kế hoạch điều trị kịp thời.
5. Cảnh báo các bệnh lý phụ khoa
Trong một số trường hợp, tiết dịch âm đạo có màu nâu là dấu hiệu của một vài bệnh lý phụ khoa lành tính như khuyết sẹo mổ lấy thai, lạc nội mạc tử cung hoặc polyp cổ tử cung,…
Tuy nhiên, trường hợp khí hư màu nâu kèm theo những dấu hiệu bất thường như chảy máu sau khi giao hợp, đau bụng dưới, mệt mỏi, tiểu tiện, đại tiện khó khăn,… có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung. Cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi nhận thấy các dấu hiệu này để được kiểm tra và có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
Phương pháp giúp xác định chính xác bạn đang mang thai
Việc quan sát và theo dõi các dấu hiệu mang thai chỉ là những phán đoán mang tính chất cảm tính và có xác suất nhầm lẫn khá cao. Chính vì thế, để xác định chính xác tình trạng mang thai của mình, chị em có thể sử dụng một vài phương pháp thử thai dưới đây:
1. Que thử thai
Đây được xem là một trong những phương pháp thử thai phổ biến và tiện lợi chị em hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà. Que thử thai giúp chẩn đoán tình trạng mang thai bằng cách phát hiện hormone HCG có trong nước tiểu, đây là loại hormone xuất hiện khi phụ nữ mang thai.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết que thử thai có thể cho kết quả chính xác tới 97% nếu được sử dụng đúng cách và đúng thời điểm. Theo đó, thời điểm lý tưởng để sử dụng que thử thai là trong vòng 7-14 ngày sau khi quan hệ tình dục không dùng biện pháp an toàn và có dấu hiệu trễ kinh khoảng 5 ngày.
Đặc biệt, các bác sĩ khuyên chị em nên thử que vào buổi sáng sau khi ngủ dậy để có kết quả chính xác nhất, vì đây là lúc nước tiểu đậm đặc và nồng độ HCG đang ở mức cao nhất. Khi trên que thử hiện 1 vạch đỏ đậm thì có nghĩa là bạn không mang thai, ngược lại bạn sẽ biết được mình đã mang thai khi kết quả trên que thử thai hiện 2 vạch đỏ đậm rõ ràng.
Lưu ý, đọc kết quả sau khoảng 5 phút và chỉ chờ kết quả tối đa 10 phút, không nên đợi quá lâu vì điều này có thể làm sai lệch kết quả.
2. Xét nghiệm HCG trong máu
Nếu so với que thử thai thì phương pháp xét nghiệm máu có ưu điểm hơn vì có thể cho kết quả chính xác lên tới 100%, ngay cả khi chị em chưa có dấu hiệu chậm kinh. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu của người mẹ và kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu, từ đó thu được những kết quả sau:
- Nồng độ HCG < 5mIU/ml: thể hiện người mẹ chưa mang thai.
- Nồng độ HCG > 25mIU/ml: là kết quả có thể kết luận người mẹ đã mang thai.
- Nồng độ HCG trong khoảng từ 6 - 24 mIU/ml: đây được xem là vùng xám và cần kiểm tra lại sau 48h để có kết quả chính xác nhất.
Bên cạnh việc chẩn đoán tình trạng có thai thì phương pháp xét nghiệm máu còn mang lại nhiều lợi ích khác như:
- Phát hiện sớm các nguy cơ có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Xác định được nhóm máu của sản phụ.
- Kiểm tra lượng dưỡng chất cần bổ sung cho người mẹ như sắt, canxi,…
- Phát hiện các kháng thể HIV và chẩn đoán viêm gan B ở mẹ bầu.
- Giúp sản phụ phát hiện sớm đái tháo đường thông qua kết quả xét nghiệm máu, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm đến thai nhi.
Cần làm gì khi mang thai?
Sau khi thực hiện kiểm tra và xác định chính xác nguyên nhân tiết dịch màu nâu là do mang thai, chị em hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cũng như chủ động lên kế hoạch chăm sóc thai kỳ một cách tốt nhất. Dưới đây là một vài lời khuyên từ chuyên gia giúp mẹ bầu có hành trình mang thai khỏe mạnh và an toàn.
- Chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo chế độ sinh hoạt và ngủ nghỉ hợp lý. Tránh làm việc quá sức và hạn chế những việc nặng nhọc quá sức có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bào thai.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Tăng cường bổ sung đa dạng thực phẩm để cân bằng dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mẹ bầu và hỗ trợ quá trình phát triển của thai nhi. Không nên kiêng khem quá mức và hạn chế dùng các loại thực phẩm hoặc đồ uống không lành mạnh.
- Duy trì vận động cơ thể nhẹ nhàng giúp tăng cường tuần hoàn máu, tăng sức đề kháng cho mẹ bầu và giúp việc sinh nở dễ dàng hơn. Một số bộ môn phù hợp với thai phụ chị em có thể tham khảo như đi bộ, yoga, thiền,…
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô thoáng, tránh thụt rửa sâu bên trong âm đạo và dùng dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh để hạn chế nhiễm trùng .
- Khám thai định kỳ giúp chị em theo dõi sát sao quá trình phát triển của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe người mẹ, từ đó phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ hoặc nguy cơ gây dị tật cho em bé. Từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn các vấn đề chăm sóc thai kỳ cùng các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, chị em vui lòng liên hệ đến thông tin:
Hy vọng những thông tin hữu ích từ bài viết đã giúp chị em biết được ra khí hư màu nâu có phải mang thai không. Điều quan trọng là chị em cần theo dõi sức khỏe bản thân và thăm khám càng sớm càng tốt nếu nhận thấy dịch âm đạo màu nâu có kèm theo các dấu hiệu bất thường.