Nếu để ý, bạn sẽ thấy một số người có một lỗ nhỏ xíu rất khó phát hiện gần vành tai, ngay phía sau vùng thái dương.
Vậy rốt cục lỗ nhỏ xíu này là gì? Thực ra đây là một dị tật bẩm sinh gọi là “rò luân nhĩ”. Nguyên nhân là do khiếm khuyết trong quá trình hình thành cấu trúc vành tai của thai nhi vào tuần lễ thứ sáu trong bào thai, cụ thể ở bộ phận cung họng một và hai. Đây là một cấu trúc có trên tất cả các loài động vật có xương sống, xuất hiện trong giai đoạn phát triển phôi. Ở động vật có vú, chúng tạo nên cấu trúc phần đầu và cổ, nhưng ở cá chúng sẽ phát triển thành phần mang.
Lỗ nhỏ thường xuất hiện ở khu vực vành tai này được gọi là rò luân nhĩ. Tỷ lệ xuất hiện hiện tượng này ở dân da trắng là 1% và ở dân châu Phi, châu Á là 1-10%. Lấy ví dụ, nếu ở Mỹ hay ở Anh, tỷ lệ này chỉ là 0,1 và 0,9 %, thì ở Hàn Quốc, tỷ lệ này có thể lên đến 5%. Nếu hiểu rõ hơn về nó thì bạn hoàn toàn có thể tránh được kha khá những tác hại do dị tật này gây ra bằng việc điều trị sớm.
Nhỏ mà có võ đó nghen! Bên trong "cái hang" nho nhỏ này là cả một hệ thống kết nối rất phức tạp.
Rò luân nhĩ có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên tai. Khi các đường rò này hoạt động, những tuyến trong đó cũng tiết ra chất bã nhờn, bã đậu gây ra mùi khó chịu. Hoặc rò luân nhĩ có thể kết hợp với những dị tật khác tạo thành hội chứng biểu hiện bệnh lý toàn thân như hội chứng khe mang - tai - thận.
Theo lý giải của chuyên gia, tai người có sự phát triển từ cấu trúc tương tự mang cá. Nếu ở cá, chúng phát triển thành mang, thì ở người phát triển thành tai. Vì một lý do nào đó mà ở nhiều người sự biến đổi có chút "lỗi" khiến tạo thành lỗ nhỏ vùng vành tai.
Nghe thì thú vị thật!
Nhưng, như đã nói ở trên, bạn hoàn toàn có thể trở thành "nạn nhân" của chính những lỗ nhỏ này. Bởi nếu không được vệ sinh sạch sẽ, ổ viêm nhiễm sẽ hình thành. Nhiều người không rõ lại tự nặn hay bôi thuốc vào càng khiến tình trạng thêm trầm trọng, có thể tạo nên các ổ áp-xe, rồi lan nhanh qua các vị trí khác quanh tai. Phương pháp duy nhất để triều trị bệnh lý này là phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ cấu trúc lỗ rò. Đồng thời, các bác sĩ sẽ phải thực hiện thêm thủ thuật để làm đầy "cái hang" này nữa, như vậy mới an toàn tuyệt đối.