Việc bị nấc cụt kéo dài sẽ làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và thậm chí là ảnh hưởng đến việc giao tiếp hoặc công việc. Từ đó mà làm giảm chất lượng cuộc sống của bản thân. Vậy nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do đâu?
Nguyên nhân gây nấc cụt kéo dài
Khi chúng ta hít vào, cơ hoành sẽ hạ xuống, sau đó nó thả lỏng và nâng lên nhằm đẩy không khí ở phổi ra ngoài thông qua việc hít thở. Nếu có một tác nhân nào đó kích thích cơ hoành gây ra tình trạng co thắt sẽ khiến cho không khí đi vào cổ họng và đập trực tiếp vào thanh quản. Khi đó dây thanh quản đóng lại đột ngột và làm cho bạn bị nấc cụt.
Có thể thấy, nấc cụt là một hiện tượng bình thường và rất hay gặp trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, nếu bị nấc cụt liên tục và kéo dài thì có thể là báo hiệu cho một số tình trạng sức khỏe. Lúc này có thể chia ra hai loại nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng này, đó là:
Nguyên nhân phổ biến, không quá nguy hiểm tới sức khỏe
Nếu nấc cụt bình thường thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có thể kể đến như:
- Ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh.
- Do tinh thần phấn khích hoặc hồi hộp quá mức.
- Uống đồ uống có ga hoặc những thức uống chứa cồn.
- Do stress.
- Thay đổi nhiệt độ một cách quá đột ngột.
- Nuốt nhiều không khí vào miệng khi ăn uống, điển hình như khi vừa ăn vừa nói chuyện hoặc khi nhai kẹo cao su,...
Nguyên nhân cần lưu ý vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe
Bên cạnh những nguyên nhân trên thì nấc cụt kéo dài còn có thể là báo hiệu cho một số vấn đề sức khỏe, cụ thể gồm có:
- Các dây thần kinh nối với cơ hoành bị tổn thương. Nguyên nhân có thể là do màng nhĩ bị tác động, đau họng hoặc xuất hiện khối u, bướu cổ, u nang ở cổ,...
- Do rối loạn hệ thống thần kinh trung ương như bị viêm não hoặc viêm màng não, rối loạn chuyển hóa như suy thận.
- Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc an thần hoặc thuốc steroid cũng có thể khiến bạn bị nấc kéo dài. Đồng thời, một số thủ thuật nhất là khi có sử dụng thuốc gây mê thì đều có khả năng làm bạn bị nấc cụt.
Bị nấc cụt kéo dài có phải là dấu hiệu của bệnh lý?
Thông thường, các nguyên nhân gây nấc cụt kéo dài sẽ bao gồm những yếu tố như đã liệt kê ở phần trên. Tuy nhiên, nếu bạn bị nấc cụt kéo dài mà còn kèm theo những triệu chứng khác, đồng thời mỗi ngày lại nấc cụt kéo dài hơn so với những ngày trước thì có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Dưới đây là một số bệnh lý nguy cơ mà bạn có thể tham khảo:
Viêm dạ dày hay viêm ruột
Nếu nấc cụt kéo dài kèm theo các biểu hiện như buồn nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng, đau cơ và sốt thì có khả năng bạn đã bị nhiễm trùng tiêu hóa do bệnh viêm dạ dày hoặc viêm ruột.
Rối loạn tiêu hóa
Nếu nấc cụt kèm theo triệu chứng khó chịu vùng thượng vị, chướng bụng, đi phân lỏng,... thì có thể là các dấu hiệu của chứng rối loạn tiêu hóa. Thức ăn nạp vào cơ thể đã không tiêu hóa được.
Suy thận
Tuy nghe có vẻ còn lạ lẫm nhưng tình trạng nấc cụt kéo dài nhiều ngày liên tục cũng có thể là báo hiệu của suy thận. Bởi lúc này thận mất khả năng thanh lọc cũng như thải nước tiểu đúng cách.
Khi bị suy thận, cơ thể bạn sẽ gặp thêm nhiều biểu hiện khác như phù mặt và phù hai chân, da xanh nhợt nhạt do thiếu máu,...
Ung thư phổi
Khi tế bào ung thư tiến triển ở phổi thì có thể khiến cho chúng ta bị nấc cụt liên tục, kèm theo đó là ho và có thể bị ho ra máu, đau tức lồng ngực.
Cách chữa nấc cụt kéo dài
Để điều trị nấc cụt kéo dài, chúng ta cần nắm rõ nguyên nhân gây ra triệu chứng này là gì. Tùy vào từng nguyên nhân mà sẽ có cách chữa khác nhau. Vậy nên cách tốt nhất là bạn nên thăm khám nếu tình trạng xảy ra liên tục, kéo dài và kèm theo các triệu chứng sức khỏe khác như: Sốt cao, đau dạ dày, nôn mửa, khó thở, ho ra máu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo một số cách chữa bệnh nấc cụt kéo dài dưới đây để giúp hỗ trợ giảm các cơn nấc, giảm sự khó chịu cho bản thân:
- Hít thở vào một cái túi giấy kín.
- Nín thở và nuốt nước bọt 3 lần.
- Nuốt một muỗng cà phê đường.
- Dùng một hơi uống hết một ly nước đầy.
- Lè lưỡi ra hết cỡ trong vòng 5 giây.
- Súc miệng với nước.
- Cắn một miếng chanh hoặc nếm đồ chua như giấm ăn.
Khi đang bị nấc cụt, bạn cũng nên tránh các việc sau:
- Tránh uống đồ uống có ga, nước nóng hoặc rượu bia.
- Hạn chế nhai kẹo cao su hoặc là hút thuốc.
- Hạn chế đồ ăn quá cay.
- Tránh ăn quá nhanh.
- Tránh ăn đồ quá lạnh sau khi vừa ăn đồ nóng.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân và cách chữa nấc cụt kéo dài dành cho bạn tham khảo. Nếu tình trạng nấc cụt không thuyên giảm mà ngày càng bị nhiều hơn, đồng thời còn gặp những dấu hiệu sức khỏe khác thì bạn không nên chủ quan mà hãy thăm khám để bảo vệ sức khỏe cho bản thân một cách tốt nhất nhé.