Trong suốt thai kỳ, việc tuân thủ các mốc khám thai định kỳ là biện pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Những lần khám thai này giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi, đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Vậy 4 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần nhớ là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này để biết thêm chi tiết về các mốc khám thai thiết yếu, đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé.
Các mốc khám thai là gì?
Khám thai định kỳ là một phần không thể thiếu trong quá trình mang thai. Những lần khám thai này giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của mẹ bầu. Thông thường, các mốc khám thai sẽ được tiến hành vào các thời điểm cụ thể và quan trọng, bắt đầu từ những tuần đầu tiên của thai kỳ đến khi sinh.
Trong mỗi lần khám, mẹ bầu sẽ được kiểm tra tổng quát sức khỏe, siêu âm thai nhi và thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác. Việc phát hiện sớm những vấn đề bất thường sẽ giúp bác sĩ có kế hoạch điều trị và chăm sóc phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Lợi ích của việc tuân thủ các mốc khám thai định kỳ
Tuân thủ các mốc khám thai định kỳ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác. Khi thực hiện đầy đủ và đúng lịch trình các lần khám thai quan trọng, mẹ bầu có thể phát hiện sớm những bất thường trong thai kỳ, nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời từ bác sĩ. Điều này không chỉ đảm bảo một thai kỳ an toàn mà còn giúp mẹ bầu có được sự chuẩn bị tốt nhất về mặt thể chất và tinh thần cho quá trình sinh nở và chăm sóc em bé trong tương lai.
Mẹ bầu cần nhớ 4 mốc khám thai quan trọng nào?
Mặc dù nhiều mẹ bầu hiểu được tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ, nhưng không phải ai cũng biết được chính xác về thời điểm của 4 mốc khám thai quan trọng. Đặc biệt về mục đích, kết quả khám thai và những lưu ý trong thai kỳ.
Lần khám đầu tiên trong 4 mốc khám thai quan trọng
Lần khám thai đầu tiên thường diễn ra khi mẹ bầu phát hiện mình mang thai với các dấu hiệu như ốm nghén, chậm kinh, buồn nôn,... Đây là lần khám quan trọng đặt nền móng cho toàn bộ quá trình chăm sóc thai kỳ sau này. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ chẩn đoán các thông tin sau:
- Xác nhận số lượng thai, tuổi thai, vị trí thai trong hay ngoài tử cung qua siêu âm.
- Đo huyết áp, cân nặng và kiểm tra sức khỏe tổng quát của mẹ bầu.
- Thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nhóm máu, tình trạng thiếu máu.
- Đưa ra lịch trình khám thai định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý cho mẹ bầu trong khoảng thời gian thai kỳ tiếp theo.
Lần khám thứ hai vào tuần 11 - 13 trong thai kỳ
Lần khám thứ hai thường diễn ra trong khoảng tuần 11 - 13 của thai kỳ. Đây là thời điểm quan trọng để thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy, một chỉ số giúp phát hiện nguy cơ mắc các dị tật hoặc bệnh lý di truyền như hội chứng Down, dị dạng tim,... Trong lần khám này, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm, siêu âm như sau:
- Thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm Double test để phát hiện các dấu hiệu của hội chứng Down, Edward và Patau.
- Kiểm tra huyết áp, cân nặng và thực hiện xét nghiệm nước tiểu để tầm soát nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng đường tiết niệu,...
- Tiến hành xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ bầu có bị thiếu máu, thiếu sắt hay không.
- Tư vấn về các triệu chứng thường gặp trong thai kỳ và cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
- Đưa ra lịch tiêm chủng và các xét nghiệm cụ thể trong giai đoạn tiếp theo.
Lần khám thứ ba vào tuần 20 - 24 trong thai kỳ
Lần khám thứ ba thường diễn ra trong khoảng tuần 20 - 24 của thai kỳ. Đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện siêu âm và đánh giá hình thái học, giúp kiểm tra sự phát triển toàn diện của thai nhi và phát hiện các dị tật bẩm sinh. Lúc này thai nhi đã tương đối lớn, các cơ quan và bộ phận trong cơ thể đã phát triển thành hình rõ rệt nên khả năng quan sát và phát hiện sớm các dị tật là rất cao. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ tiến hành:
- Thực hiện siêu âm hình thái học để kiểm tra sự phát triển của thai nhi như não, tim, phổi,...
- Kiểm tra các chỉ số về cơ thể thai nhi như vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi, cân nặng ước tính,... từ đó tầm soát sớm các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Đo huyết áp, cân nặng và kiểm tra sức khỏe tổng quát của mẹ bầu.
- Tư vấn về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp cho giai đoạn giữa thai kỳ.
Lần khám thứ tư vào tuần 30 - 32 trong thai kỳ
Lần khám thứ tư thường diễn ra trong khoảng tuần 30 - 32 của thai kỳ. Thời điểm này là lúc các bác sĩ có thể kiểm tra chính xác vị trí của thai nhi, đánh giá lượng nước ối và chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra và tư vấn như sau:
- Thực hiện siêu âm để kiểm tra vị trí ngôi thai, đánh giá lượng nước ối, đảm bảo sự phát triển ổn định của thai nhi.
- Thực hiện các xét nghiệm, siêu âm thêm để phòng tránh các nguy cơ gây suy thai, ngạt thở sau sinh, dự tính ngày sinh,...
- Tư vấn về các dấu hiệu chuyển dạ, cách nhận biết và chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
- Hướng dẫn lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ.
Bài viết trên đã cung cấp cho chúng ta những thông tin hữu ích về 4 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần nắm rõ. Tuân thủ lịch trình khám thai giúp mẹ bầu giảm bớt lo lắng, có một thai kỳ khỏe mạnh và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nhà thuốc Long Châu chúc các mẹ bầu nhiều sức khỏe và an toàn.