Những căn bệnh về da liễu như mày đay mãn tính không chỉ gây tác động xấu tới sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới thẩm mỹ. Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt của bệnh nhân có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả điều trị bệnh.
1. Tổng quan về bệnh nổi mề đay
Mày đay là bệnh ngoài da khá phổ biến, thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi 20 - 40. Nổi mề đay là tình trạng làn da phản ứng trước những yếu tố dị nguyên từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Dấu hiệu ban đầu của tình trạng này là sự xuất hiện các nốt sần màu hồng hoặc đỏ như muỗi đốt. Mày đay có thể xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể, đặc biệt là ở những vùng da thường bị bó chặt như lưng quần, nịt bụng,...
Các vết mày đay thường gây ngứa ngáy, sưng phù khó chịu. Bệnh nhân càng gãi thì các nốt sần càng lan rộng, có thể dẫn tới trầy da, nhiễm trùng. Bệnh cũng có thể đi kèm với những triệu chứng toàn thân như đau khớp, sốt cao, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, khó thở, đau đầu hay thậm chí là trụy tim mạch (sốc phản vệ).
Mề đay gồm có mề đay cấp tính (kéo dài không quá 6 tuần) và mề đay mạn tính (kéo dài trên 6 tuần). Theo các chuyên gia, những nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi mề đay là: dị ứng thời tiết, di truyền, chấn thương, mặc đồ quá chật, dị ứng thực phẩm như hải sản hoặc chất kích thích như rượu bia,... Ngoài ra, tình trạng sẩn ngứa, nổi mề đay còn do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng tồn tại trong cơ thể; là phản ứng sau khi dùng thuốc an thần, aspirin, penicillin; mắc bệnh lupus ban đỏ, cường giáp trạng, u ác tính hoặc do căng thẳng tâm lý,...
2. Nổi mề đay nên kiêng gì?
Nổi mề đay tuy không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nó có thể gây nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Bên cạnh đó, mề đay nổi ở những vị trí dễ thấy như mặt, cổ, trước ngực,... cũng gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Để thoát khỏi tình trạng này, bệnh nhân cần tuân theo những hướng dẫn kiêng kỵ cần thiết dưới đây:
2.1 Tránh gãi
Triệu chứng điển hình của nổi mày đay chính là tình trạng ngứa ngáy khó chịu. Khi bị ngứa, phản ứng bản năng của người bệnh chính là gãi. Nhưng việc gãi hoàn toàn không làm cơn ngứa dịu đi mà ngược lại càng gây ngứa ngáy khó chịu hơn. Ngoài ra, nếu bệnh nhân gãi nhiều thì có thể làm trầy xước da, dễ nhiễm khuẩn, khiến các vết mày đay trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh cần kiêng gãi khi bị sẩn ngứa, nổi mề đay.
2.2 Không nên sử dụng hóa mỹ phẩm
Mỹ phẩm có thể là một tác nhân gây dị ứng, nổi mề đay khi cơ thể phản ứng với các thành phần có trong nó. Thậm chí, ở những người có làn da nhạy cảm, việc tiếp xúc với hóa mỹ phẩm có thành phần dịu nhẹ cũng có thể bị dị ứng. Do đó, khi có triệu chứng nổi mề đay, bệnh nhân nên tránh sử dụng hóa mỹ phẩm cho tới khi tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này.
2.3 Không sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích có trong rượu, bia, thuốc lá,... có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu người bị nổi mề đay vẫn tiếp tục sử dụng các chất kích thích này thì việc điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn, lâu khỏi hơn.
2.4 Tránh gió
Mề đay có kiêng gió không là câu hỏi của nhiều bệnh nhân. Theo đó, nhiễm phong (gió) là một trong số những nguyên nhân gây nổi mề đay. Khi bị nhiễm phong, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng với môi trường, sản sinh ra chất có thể gây dị ứng, sẩn ngứa. Bên cạnh đó, khi đang nổi mề đay, làn da bệnh nhân đã bị tổn thương, dễ nhiễm khuẩn nếu tiếp xúc với gió, bụi bẩn bên ngoài. Vì vậy, người bệnh nên tránh gió. Tuy nhiên, kiêng gió không đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải hoàn toàn ở trong phòng kín, tách biệt với môi trường bên ngoài. Nếu muốn ra ngoài, người bệnh cần che chắn làn da cẩn thận, tránh tiếp xúc với gió và ánh nắng mặt trời.
2.5 Cẩn thận khi tắm
Theo quan niệm dân gian, người bệnh nổi mề đay phải kiêng nước. Nhưng thực tế đây là quan niệm sai lầm. Nguyên nhân vì khi bị nổi mề đay, đặc biệt là vào mùa hè, cơ thể tiết nhiều mồ hôi và tích tụ nhiều tế bào chết trên da. Nếu không tắm rửa sạch sẽ, bã nhờn tiết ra nhiều, kết hợp với vi khuẩn trên da có thể làm nhiễm trùng các nốt mề đay. Do đó, nếu bệnh nhân không tắm rửa thì bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi cơ thể đang nổi mề đay, làn da trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên khi tắm người bệnh cần lưu ý tới những vấn đề sau để cải thiện tình trạng ngứa ngáy khó chịu:
- Tắm bằng nước ấm: Khi bị nổi mề đay, bệnh nhân nên tắm bằng nước ấm có nhiệt độ thích hợp, không quá nóng hay quá lạnh để tránh gây kích ứng da. Nếu tắm nước nóng, da sẽ mất độ ẩm và độ pH tự nhiên, bị khô, tăng cảm giác ngứa ngáy và xót da như đang bỏng. Còn tắm nước lạnh có thể khiến bệnh nhân sốc nhiệt, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe;
- Không chà xát quá mạnh: Người bệnh nổi mề đay khi tắm nên tránh chà xát quá mạnh để không làm da bị tổn thương nặng hơn, giảm nguy cơ trầy xước, nhiễm trùng hoặc để lại sẹo trên da;
- Không tắm quá lâu: Người bệnh nổi mề đay chỉ nên tắm 1 lần/ngày, mỗi lần tắm không quá 10 phút. Nguyên nhân vì việc tắm quá lâu khiến da mất đi độ ẩm tự nhiên, trở nên khô hơn và dễ gây ngứa ngáy;
- Cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da: Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da như sữa tắm, gel tẩy tế bào chết,... bệnh nhân nên ưu tiên sản phẩm từng dùng qua hoặc các loại hóa mỹ phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, không gây kích ứng da. Những người có làn da nhạy cảm cần phải đặc biệt cẩn thận vì nếu sử dụng sản phẩm không phù hợp thì sẽ khiến da càng nổi mề đay nhiều hơn và nặng hơn.
3. Dinh dưỡng cho người bị mày đay
3.1 Những thực phẩm cần kiêng kỵ
- Trong giai đoạn mày đay cấp tính: Bệnh nhân cần giảm ăn đường và muối. Nguyên nhân vì đường trong máu tăng cao sẽ gây dị ứng, còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên. Bên cạnh đó, người bệnh cần kiêng các chất kích thích như rượu, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt,... Trong trường hợp bị phù nề, bệnh nhân hạn chế ăn thực phẩm nhiều nước như súp, canh, uống ít nước. Đồng thời, người bệnh mày đay nên kiêng thực phẩm có nhiều đạm như tôm, cua, cá, gà, bò, đồ hộp, trứng, sữa,... Trẻ em bị mày đay mạn tính nên ăn chế độ giảm đường, không ăn lòng trắng trứng, sữa bò đặc,...;
- Thực phẩm giàu đạm: Tôm, cua, thịt bò, cá biển,... là những thực phẩm có hàm lượng đạm cao, là tác nhân gây dị ứng, đặc biệt với những người có cơ địa nhạy cảm. Ngoài ra, khi bị nổi mề đay, hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm nên sẽ khó tiếp nhận và chuyển hóa các loại thực phẩm này, dễ gây kích ứng;
- Thực phẩm chứa nhiều đường và muối: Sẽ gây kích thích hệ thần kinh ngoại biên, khiến các vết mề đay trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các thực phẩm này còn ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, khiến vết mẩn ngứa trên da khó lành và làm tăng tỷ lệ tái phát;
- Thực phẩm cay nóng: Gồm đồ ăn chiên rán, hạt tiêu, ớt,... vì khi tiêu thụ chúng, các cơ quan trong cơ thể phải làm việc nhiều hơn, gây nóng trong người, tạo cảm giác bứt rứt, khó chịu. Bên cạnh đó, đồ ăn cay nóng còn làm khô da, khiến da dễ bong tróc.
3.2 Những thực phẩm nên bổ sung vào chế độ ăn
Để hỗ trợ điều trị bệnh mày đay mãn tính hiệu quả, ngoài việc kiêng các loại thực phẩm trên, người bệnh cũng cần có chế độ ăn giàu vitamin A, B, C, các thức ăn dễ tiêu, chống táo bón,... Đó là ăn nhiều trái cây, rau xanh để bổ sung vitamin và chất xơ, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Các loại thực phẩm như khoai lang, mướp đắng, cam,... rất tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên chủ động nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ trong việc lựa chọn thực phẩm ăn uống hằng ngày.
Theo các chuyên gia, để giảm nguy cơ mày đay mãn tính kéo dài, tái phát liên tục, người bệnh nên tránh lạm dụng hóa mỹ phẩm, chất kích thích, đồng thời cần giữ tâm lý thoải mái, tích cực và vận động cơ thể phù hợp. Ngoài ra, khi có biểu hiện sẩn ngứa, nổi mề đay, bệnh nhân nên sớm đi khám tại các bệnh viện lớn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là địa chỉ uy tín trong việc khám, chữa bệnh nổi mề đay mãn tính và nhiều bệnh lý da liễu khác cho bệnh nhân. Với đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao cùng sự trợ giúp của các trang thiết bị hiện đại, Vinmec Times City cam kết hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh mày đay, góp phần bảo vệ tối ưu cho sức khỏe của quý khách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.