Đối bà bầu mang thai lần đầu, ngoài chế độ dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi hợp lý thì tiêm phòng đóng vai trò rất quan trọng giúp mẹ và bé đẩy lùi những bệnh truyền nhiễm, và hạn chế nguy cơ bị dị tật thai nhi.
1. Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần đầu
Để có một thai nhi khỏe mạnh, bạn nên nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa, bởi trong nhiều trường hợp cần làm một số xét nghiệm nhằm kiểm tra kháng thể IgG liên quan đến một số bệnh điển hình như: Viêm gan B, rubella, sởi.
Nếu xét nghiệm cho thấy cơ thể người mẹ đã có kháng thể thì chứng tỏ bạn có sức đề kháng tốt, không cần tiêm. Ngược lại, nếu cơ thể bạn chưa có kháng thể thì cần thực hiện tiêm đủ các loại vắc-xin cần thiết để phòng tránh được tất cả các trường hợp xấu có thể xảy ra khi mang thai như: Dị tật bẩm sinh, sảy thai, thai chết lưu, sinh non,...
1.1 Trước khi mang thai
Một số số loại vắc-xin được khuyến cáo nên tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai lần đầu đó là: Thủy đậu, viêm gan B, cúm, sởi - quai bị - rubella. Để các mũi tiêm có hiệu quả tốt nhất nên tiêm trước khi mang thai 3 tháng.
1.2 Trong thời gian mang thai
Đối với những phụ nữ mang thai lần đầu nhưng chưa được tiêm uốn ván trong khoảng thời gian 5 năm gần nhất thì người mẹ cần được tiêm 2 mũi vắc-xin để phòng bệnh này.
Trong đó, mũi tiêm đầu tiên nên được thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng giữa thai kỳ, còn mũi thứ 2 sẽ được tiêm sau mũi thứ 1 tối thiểu là 1 tháng. Lưu ý rằng người mẹ cần được hoàn thành lịch tiêm vắc - xin chủng uốn ván tối thiểu trước ngày dự sinh 1 tháng.
Ngoài ra, nếu mẹ bầu chưa hoàn thành các vắc - xin cần thiết để ngăn ngừa viêm gan B, cúm,... trước khi mang thai thì có thể tiêm bổ sung, với sự hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ.
2. Những bệnh nguy hiểm nào có thể ảnh hưởng đến thai nhi?
Những căn bệnh truyền nhiễm dưới đây có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm cho bà bầu cũng như thai nhi:
2.1 Bệnh sởi
Phụ nữ đang mang thai nếu bị bệnh sởi sẽ dẫn đến hệ miễn dịch bị suy giảm trầm trọng, dẫn đến cơ thể có nguy cơ bị bội nhiễm cao, gây ra các biến chứng như: Viêm đường tiết niệu, viêm phổi,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp oxy cho thai nhi, tăng cao nguy cơ bị sinh non, thậm chí là sẩy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
2.2 Quai bị
Bệnh này mang đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Ngoài ra, còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non, lưu thai. Đặc biệt nguy hiểm với bà bầu mắc phải vào thời điểm tam cá nguyệt thứ 1 và thứ 3.
2.3 Thủy đậu
Nếu bà bầu mắc phải thủy đậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ sảy thai là rất lớn. Căn bệnh này thậm chí có thể lây từ mẹ sang con và gây nên bệnh thủy đậu bẩm sinh, tỷ lệ lây bệnh từ mẹ sang con trong 3 tháng đầu là 0,4%.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh có khả năng bị nhiễm thủy đậu do người mẹ sau khi chào đời chiếm 24-48%, và đã có trường hợp tử vong. Do đó, nếu trước khi mang thai chưa từng tiêm vắc - xin thủy đậu thì mẹ bầu nên tiêm loại vắc - xin này trước khi mang thai ít nhất là 1 tháng.
2.4 Cúm
Đây là một căn bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở nước ta. Và bà bầu chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu mắc phải do hệ miễn dịch bị suy giảm. Nếu để cúm tiến triển xấu đi thì có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu. Trường hợp nặng nhất có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi như gây ra dị tật bẩm sinh, sinh non,...
Tuy nhiên, mẹ bầu hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân và thai nhi với 3 vắc - xin ngừa cúm là Influvac 0.5ml, CG Flu 0.5ml, Vaxigrip 0,5ml.
Đối với bà bầu mang thai lần đầu tiên việc tiêm vắc -xin là điều cần thiết và quan trọng, giúp phòng ngăn ngừa dị tật thai nhi và các bệnh truyền nhiễm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.