Kích thước vòng eo luôn là vấn đề mà đa số nữ giới đều quan tâm, đây không chỉ là yếu tố liên quan về mặt ngoại hình mà còn đóng vai trò vào tình trạng sức khoẻ. Tuy nhiên, chỉ số vòng eo không phải là yếu tố quyết định đến liệu một người có khoẻ hay không mà đây chỉ là một yếu tố cảnh báo về tình trạng sức khoẻ của cơ thể. Sau đây là những thông tin về kích thước vòng eo trung bình ở người Việt Nam và một số lưu ý về chỉ số này.
1. Kích thước vòng eo có ý nghĩa gì?
Mỗi cơ thể là một sự khác biệt và có những đặc điểm riêng biệt. Chúng ta đều biết, không có hai cá thể nào hoàn toàn giống nhau, điều này có nghĩa những yếu tố cá nhân như vòng bụng không phải lúc nào cũng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Trên thực tế, các biểu đồ biểu thị dành cho dân số chung để đánh giá các nguy cơ về cân nặng và sức khỏe không phải lúc nào cũng chính xác. Một cơ thể khỏe mạnh có thể có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Tuy nhiên, kích thước vòng eo có thể giúp phát hiện các nguy cơ về vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm các tình trạng như bệnh tim mạch và tiểu đường. Trong đó, chỉ số vòng eo trên vòng mông (WHR) là một chỉ số thường dùng để đánh giá kích thước vòng eo đối với những vấn đề sức khỏe.
Mặc dù bạn không nên đề ra một con số lý tưởng về sức khỏe của mình, nhưng điều quan trọng là phải hiểu những con số này có nghĩa là gì và khi nào cần phải hành động để cải thiện sức khỏe bản thân.
2. Tỷ số vòng eo trên vòng mông là gì?
Tỷ số vòng eo trên vòng mông hay tỷ số eo trên mông (Waist-hip ratio, WHR), là giá trị của phép chia giữa số đo chu vi vòng eo và số đo chu vi vòng mông (tại vị trí lớn nhất có thể của vòng mông). Năm 1993, một nhà tâm lý học tiến hóa Devendra Singh thuộc Đại học Texas ở Austin đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tỷ số vòng eo trên vòng mông và sức khỏe. Tỉ số vòng eo trên vòng mông có giá trị nhỏ hơn 0,7 với phái nữ và 0,9 với phái nam cho thấy có liên quan đến sức khỏe tốt và khả năng sinh sản cao.
Ở phụ nữ sở hữu chỉ số WHR chuẩn có nồng độ estrogen đạt trạng thái tốt nhất, những người này ít có nguy cơ các bệnh nguy hiểm như đái đường, rối loạn tim mạch và ung thư buồng trứng.
Ngoài ra, WHR là một phương pháp được sử dụng để xác định sự phân phối mỡ trên cơ thể. Chỉ số này giúp bổ sung những thiếu sót của chỉ số khối cơ thể (BMI) bởi vì BMI chỉ phản ánh mối quan hệ giữa chiều cao và cân nặng. Nếu WHR nhỏ hơn 1, tức là vòng eo nhỏ hơn vòng mông, mỡ chủ yếu tập trung ở mông và các vùng xung quanh; ngược lại, nếu WHR lớn hơn 1, nghĩa là vòng mông nhỏ hơn vòng eo, mỡ chủ yếu tập trung ở vùng bụng. Ở dạng thứ hai (mỡ tập trung ở bụng) cơ thể gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn.
Bảng nguy cơ sức khỏe dựa theo tỷ số vòng eo trên vòng mông:
3. Kích thước vòng eo trung bình ở phụ nữ Việt Nam
Dựa trên kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm của Bộ Y Tế được thực hiện năm 2015 với sự tham gia của gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18-69, tiến hành từ tháng 8-10/2015 tại 63 tỉnh/thành cho thấy.
15,6% người dân Việt Nam hiện tại bị thừa cân béo phì , trong độ tuổi từ 25-64 tuổi, tỷ lệ này lên tới 17,5%. Tỷ lệ béo phì ở thành thị gần gấp đôi ở nông thôn.
Nghiên cứu cho thấy, số cân nặng, số đo vòng eo - hông của nữ giới tăng lên theo độ tuổi. Trung bình, phụ nữ ở trong độ tuổi từ 18-29 nặng 49,1kg, con số này ở độ tuổi từ 30-49 khoảng 52,1kg, từ 50-69 tuổi phụ nữ nặng trung bình 51,8 kg.
Tương tự, số đo vòng eo của phụ nữ 18-29 tuổi khoảng 71,4 cm, vòng hông là 88,5cm. Phụ nữ từ 30 đến 49 tuổi, số đo vòng eo là 76,1cm, vòng hông là 90,7 cm và ở khoảng tuổi cuối cùng, số đo vòng eo - hông là 79,2 cm - 90,7cm.
Tổng mức trung bình chung số đo vòng eo của phụ nữ Việt hiện đại, theo kết quả nghiên cứu là 75,5cm, vòng hông là 90cm.
Điều bất ngờ là số đo vòng eo này không chênh lệch đáng kể so với nam giới. Con số này ở nam giới là 77,8cm. Còn vòng hông là 90,7cm. Đáng chú ý, phụ nữ ở nông thôn có vòng eo nhỏ hơn vòng eo phụ nữ thành thị với con số lần lượt là 74,7 - 76,8 cm.
Mức chênh lệch rõ hơn ở nam giới, khi nam thành thị có vòng eo lớn hơn nam nông thôn tới gần 4cm (80,4-76,5cm).
4. Cách đo vòng eo của của cơ thể
Cách xác định vòng eo theo đúng như những tiêu chuẩn của y khoa có thể khác so với những gì bạn thường đo vòng eo tự nhiên theo cách của mình.
Thông thường, bạn có thể xác định sai vị trí đo vòng eo của mình. Một số lỗi thường gặp phải khi đo là vị trí có thể cao hơn phần éo trong khi một số khác có thể đo thấp hơn chúng thấp hơn, gần với xương hông.
Nhưng để xác định đúng kích thước vòng eo thực sự và theo dõi kích thước vòng eo, bạn sẽ cần phải đo cùng một vị trí và tại cùng một điểm trong mỗi lần đo. Để đạt được điều này, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Tư thể khi đo: đứng thẳng với hai chân rộng bằng vai.
- Đặt thước dây vòng qua eo sao cho thước dây nằm chính giữa khoảng cách từ xương sườn cuối cùng và phần cao nhất của xương chậu (hai mào chậu)
- Thở ra nhẹ nhàng và sau đó xác định số đo vòng eo, không thắt chặt thước dây quá mức, cũng như không để thước dây quá lỏng.
- Bạn có thể đo lặp lại trong ba lần và tính trung bình các kết quả này.
5. Một số lưu ý về kích cỡ vòng eo
Cần lưu ý rằng, tình trạng sức khoẻ của bạn không chỉ phụ thuộc duy nhất vào những số đo của cơ thể. Một phép đo, thang điểm hoặc kích thước của cơ thể không phải là một yếu tố quyết định đến việc bạn có khỏe mạnh hay không.
Sức khỏe là kết hợp của nhiều yếu tố của từ sức khỏe tinh thần và hoạt động thể chất. Cân nặng và số đo vòng eo chỉ là một yếu tố nằm trong những khía cạnh này.
Bạn không nên thiết lập một con số lý tưởng hay cố gắng quá mức để đạt được một chỉ số cơ thể cụ thể nào đó. Điều này có thể khiến bạn phải thay đổi những hành vi và đôi khi điều này có tác dụng xấu với cơ thể.
Những con số này chỉ có ý nghĩa giúp định hướng và giúp bạn hướng đến những mục tiêu sống lành mạnh và tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, có nhiều người có có chỉ số BMI nằm trong giới hạn bình thường nhưng cơ thể đạt trạng thái khỏe mạnh, và ngược lại một số người có vòng eo nhưng có tình trạng sức khỏe rất tốt.
Những phương pháp đo này phù hợp với người khác nhưng chưa hẳn là đó là phương pháp phù hợp với bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn từng so sánh mình với người mẫu hoặc người nổi tiếng trong truyền hình, phim ảnh và phương tiện truyền thông.
So sánh như vậy có thể đưa bạn rơi vào tình trạng đặt kỳ vọng quá cao và đây là điều không tốt cho sức khỏe. Cơ thể của bạn, sức khỏe của bạn và hạnh phúc của bạn là của riêng bạn.
6. Khi nào bạn cần sự trợ giúp của các chuyên gia?
Mặc dù số đo vòng eo và các chỉ số khác có thể không phải lúc nào cũng chỉ ra vấn đề sức khỏe, nhưng chúng có thể đóng vai trò là sự báo hiệu cho bạn biết thời điểm cần phải có sự thay đổi và chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.
Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa các chỉ số cơ thể, bao gồm cả vòng eo, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và thậm chí là ung thư.
Nếu bạn lo lắng về nguy cơ này và muốn thay đổi lối sống, nâng cao sức khỏe, bạn có thể gặp những chuyên gia về các lĩnh vực sau:
- Bác sĩ là người có thể thực hiện xét nghiệm cơ bản về các chỉ số sinh học của cơ thể như cholesterol và huyết áp của bạn để xem tình trạng sức khoẻ của bạn khi có chỉ số vòng eo tăng lên. Việc theo dõi các xét nghiệm này cho thấy sự cải thiện, ngay cả khi bạn chưa nhìn thấy những thay đổi bên ngoài của cơ thể.
- Các huấn luyện viên cá nhân. Bạn có thể không cần sự giám sát của một huấn luyện viên thể hình trong một thời gian dài, nhưng nếu bạn mới tập thể dục hoặc cần thiết lập thói quen tốt, bạn có thể thuê một huấn luyện viên cá nhân để giúp đỡ. Những chuyên gia được đào tạo này có thể thiết kế các chế độ tập luyện nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn, cũng như giúp đỡ và tư vấn những mối bận tâm về cách tập luyện mà bạn có thể có.
- Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh. Các chuyên gia này có thể tính toán số lượng calo bạn nên nạp vào cơ thể trong một ngày, dựa trên tình trạng sức khỏe và mức độ tập luyện của bạn. Họ cũng có thể giúp bạn giải quyết các yếu tố liên quan đến sức khỏe khác, bao gồm hydrat hóa và các chất bổ sung cần thiết.
Tóm lại, kích thước vòng eo này chỉ là chỉ số về sức khỏe, nhưng không phải là yếu tố quyết định đến tình trạng sức khoẻ. Mọi người có thể đạt trạng thái khỏe mạnh ở bất kỳ hình thể và kích thước nào, và không ai có thể xác định được ai đó sẽ khỏe mạnh như thế nào dựa trên bất kỳ các chỉ số đo cơ thể, thậm chí là vòng eo.
Điều quan trọng là hiểu những con số này, bao gồm kích thước vòng eo của bạn, có thể giúp bạn hướng đến sự khỏe mạnh hơn trong tương lai. Tập thể dục và ăn một chế độ ăn uống cân bằng, và bảo vệ cơ thể trước các vấn đề sức khỏe có thể là những điều cần ghi nhớ để có thể có một cơ thể khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com