Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng -Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Mang bầu khó thở là tình trạng phổ biến đối với các thai phụ bởi lúc này cơ thể của phụ nữ thay đổi rất nhiều so với lúc bình thường. Biểu hiện có bầu khó thở khiến thai phụ lo lắng, nhất là khi bà bầu khó thở về đêm. Vậy khó thở khi mang bầu có thực sự đáng ngại không?
1. Nguyên nhân khiến bà bầu khó thở khi mang thai tháng đầu
Khi bắt đầu mang thai, cơ hoành - dải mô cơ ngăn cách giữa tim và phổi với bụng tăng lên làm thay đổi quá trình hít thở của bà bầu.
Bên cạnh đó, sự gia tăng nồng độ hormone progesterone cũng khiến bà bầu phải thở nhanh hơn và nhiều hơn để lấy dưỡng khí cho thai nhi, do đó, khiến bà bầu khó thở.
2. Nguyên nhân khiến bà bầu khó thở 3 tháng cuối
Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, tử cung ngày càng phát triển sẽ gây áp lực lên cơ hoành, khiến bà bầu cảm thấy khó thở, nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ.
Một nguyên nhân khác khiến bà bầu khó thở là do lượng máu trong cơ thể tăng lên, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để vận chuyển máu trong cơ thể đến nhau thai, điều này làm các bà bầu thấy mệt khi hít thở, thở khó.
Ngoài ra vị trí của của em bé trong bụng cũng khiến các bà bầu bị khó thở.
3. Các nguyên nhân khác khiến bà bầu khó thở
Khó thở khi mang thai chủ yếu là do những thay đổi của cơ thể để nuôi dưỡng em bé, tuy nhiên, vẫn có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng có bầu khó thở, đó là:
- Bệnh hen suyễn: Nếu bị hen suyễn khi mang thai có thể khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bệnh cơ tim chu sản: Bệnh có thể xảy ra trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh, là một loại của bệnh suy tim. Các triệu chứng của bệnh như sưng mắt cá chân, hạ huyết áp, tim đập nhanh, mệt mỏi, khiến bà bầu khó thở. Những triệu chứng này khiến nhiều phụ nữ lầm tưởng đây là các dấu hiệu của việc mang thai. Tuy nhiên, bệnh cơ tim chu sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai phụ, do đó cần được điều trị.
- Bệnh thuyên tắc phổi: Thường xảy ra khi huyết khối bị kẹt trong động mạch phổi, do đó có thể ảnh hưởng đến quá trình hít thở và khiến bà bầu khó thở, ho và đau ngực.
- Tình trạng tích nước trong cơ thể: Đa số các bà bầu thường bị phù nề khi mang thai do tình trạng tích nước. Khi bị phù nề, việc tích nước trong cơ thể bà bầu sẽ ảnh hưởng đến phổi và xoang mũi, gây khó khăn khi thở.
- Bị thiếu máu: Khi mang thai, cơ thể cần lượng sắt nhiều hơn bình thường để sản xuất các tế bào hồng cầu cần thiết và đưa oxy đi nuôi dưỡng thai nhi cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Việc thiếu sắt cũng có nghĩa là thiếu máu sẽ khiến cơ thể làm việc nhiều hơn so với mức bình thường để tạo oxy, dẫn đến bà bầu khó thở.
4. Giảm tình trạng có bầu khó thở bằng cách nào?
- Nghỉ ngơi:
Trước tiên, thai phụ cần lập tức nghỉ ngơi khi bị khó thở cũng như thấy cần thiết, bởi khi mang thai, phụ nữ không thể thực hiện các hoạt động thể chất như bình thường.
- Thay đổi tư thế:
Khi bị khó thở, bà bầu có thể điều chỉnh tư thế để có thể hít thở dễ dàng hơn. Giữ thẳng lưng khi ngồi hoặc đứng sẽ giúp phổi có khoảng không để tiếp nhận oxy dễ dàng. Nếu bà bầu khó thở về đêm thì có thể chèn gối vào lưng và phần thân trên để tránh việc thai nhi gây áp lực lên phổi. Bà bầu cũng nên nằm nghiêng sang trái để tử cung không đè lên động mạch chủ, giúp việc hít thở dễ dàng hơn.
- Vận động nhẹ nhàng:
Bà bầu nên tập luyện các bài tập thở thường được áp dụng trong lúc sinh để quá trình hô hấp dễ dàng hơn. Vận động nhẹ nhàng, vừa phải như đi bộ, tập yoga,... là các biện pháp tốt giúp điều hòa nhịp tim và cải thiện nhịp thở. Tuy nhiên, bà bầu nên tham khảo ý kiến và tư vấn của bác sĩ trước khi thực hành.
5. Mang bầu khó thở khi nào thì đáng lo ngại?
Tình trạng khó thở và thở nhanh khi mang thai thường không gây hại cho cả mẹ và em bé. Bà bầu chỉ cần nghỉ ngơi, có chế độ làm việc hợp lý, đi lại nhẹ nhàng, hạn chế lao động nặng và quá sức. Tuy nhiên, có bầu khó thở đi kèm với các triệu chứng sau thì thai phụ nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được khám ngay lập tức:
- Bị hen suyễn nghiêm trọng.
- Thở gấp, tim đập nhanh hoặc nhịp tim tăng cao kéo dài.
- Thấy đau ngực hoặc bị đau khi thở.
- Ho liên tục và kéo dài, kèm theo sốt, ớn lạnh, thở khò khè.
- Các ngón tay, chân và môi chuyển sang màu tím, xanh.
- Thai phụ mắc bệnh mạn tính.
Bà bầu khó thở là tình trạng phổ biến không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé. Tuy nhiên, bị khó thở khi mang bầu sẽ trở nên đáng ngại khi có các triệu chứng đi kèm kể trên. mẹ bầu cần đi khám sớm tại bệnh viện.
Các Gói chăm sóc Thai sản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ theo dõi, kiểm tra sát sao từng giai đoạn của thai kỳ, phát hiện những dấu hiệu không ổn trong quá trình mang thai để can thiệp kịp thời. Tham gia gói, mẹ bầu sẽ yên tâm về một thai kỳ khỏe mạnh, thuận lợi và thoải mái nhất có thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.