Đối với những người bận rộn khi chăm sóc con thì chiếc võng là một trợ thủ đắc lực hỗ trợ rất nhiều, giúp bố mẹ tiết kiệm được thời gian ôm và ru con ngủ. Nhưng nhiều phụ huynh lại lo lắng rằng việc nằm võng sẽ làm ảnh hưởng đến cột sống, lồng ngực, não bộ của bé. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp vấn đề bé nằm võng có tốt không? Bé mấy tháng nằm võng được?
Bé mấy tháng nằm võng được?
Việc quyết định cho trẻ sơ sinh nằm võng là một vấn đề quan trọng và cần phải được xem xét cẩn thận, dựa trên hiểu biết về sự phát triển của trẻ em và các yếu tố liên quan. Một trong những câu hỏi thường gặp từ phụ huynh là: "Bé mấy tháng nằm võng được?".
Theo các chuyên gia nghiên cứu khuyên rằng thời điểm cho bé nằm võng là trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Trong giai đoạn này, cơ thể bé đã phát triển mạnh mẽ, cứng cáp hơn có thể chịu đựng được những chuyển động của võng, áp lực bề mặt cong của võng.
Đặc biệt, việc để bé nằm trong võng chỉ nên trong các giấc ngủ ngắn ban ngày, chẳng hạn như giấc ngủ trưa. Tránh việc để bé sơ sinh nằm võng qua đêm, bởi việc này có thể tạo ra các nguy cơ ảnh hưởng đến hô hấp, giấc ngủ và sức khỏe của bé.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, vừa mới chào đời, nên tìm cách sử dụng các giải pháp an toàn khác cho giấc ngủ của bé, chẳng hạn như giường cũi, nôi điện có đệm mềm và bằng phẳng. Việc đảm bảo sự thoải mái, an toàn và phát triển toàn diện cho bé luôn là quan trọng nhất.
Tìm hiểu những ưu, nhược điểm khi cho bé nằm võng
Cho bé nằm võng có tốt không? Câu hỏi được nhiều bậc cha mẹ băn khoăn. Để giải đáp và lý giải về vấn đề này, dưới đây là một số ưu điểm và nhược điểm khi cho trẻ nằm võng ngủ.
Ưu điểm
Võng từ lâu trở thành một lựa chọn tối ưu giúp cho bé nằm ngủ, với nhiều ưu điểm như:
- Giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn: Chuyển động đung đưa nhẹ nhàng của võng tạo ra cảm giác giống việc bé còn trong tử cung, nơi mà bé thường trải qua những chuyển động tương tự từ việc mẹ di chuyển. Những chuyển động này giúp bé dễ dàng thư giãn và ngủ ngon hơn.
- Tạo thói quen tự lập: Võng giúp bé tự đưa mình vào giấc ngủ thông qua những chuyển động đung đưa tự nhiên. Điều này có thể hữu ích khi bé quấy khóc hoặc không ngủ ngon và tạo nên thói quen tự giác khi ngủ cho bé.
- Thuận tiện cho cha mẹ: Bé thường ngủ ngon trong võng, nên là khi nằm vậy sẽ giúp bố mẹ tiết kiệm được thời gian ôm con, ru con ngủ. Chỉ cần cho con vào trong võng đung đưa là các bố mẹ bỉm sữa có thể làm việc.
Nhược điểm
Bên cạnh, những ưu điểm nổi bật ở trên thì việc cho bé nằm võng còn có một số hạn chế mà cha mẹ cần biết như:
- Ảnh hưởng đến cột sống và phát triển xương: Do võng được treo dưới dạng hình cung nên khi cho bé nằm vào bề mặt không bằng phẳng có thể làm cho cột sống, hệ xương của trẻ bị tác động. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu, cơ thể bé còn yếu nên khi nằm trong võng lâu dài có thể làm cho trẻ bị gù lưng, cổ gập.
- Nguy cơ rung lắc làm tổn thương não bộ: Ở mấy tháng tuổi đầu tiên, cơ thể và não của trẻ đang phát triển mạnh các mạng lưới thần kinh quan trọng. Vì vậy, khi khi nằm trong võng rung lắc không đều, lúc nhanh lúc chậm có thể gây hại đến não, gây ra hội chứng rung lắc có thể dẫn đến việc não bộ bị chấn thương.
- Ảnh hưởng đến phát triển thần kinh: Các chuyển động liên tục và đung đưa trong võng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ. Nó có thể gây ra tình trạng ức chế thần kinh, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, tạo ra lo lắng và không ổn định.
- Nguy cơ té ngã, tổn thương: Nằm võng rất nguy hiểm, khi mà bé cử động mạnh trong võng có thể té ngã, đặc biệt là khi bé đã biết lăn. Điều này có thể gây nguy hiểm cho bé và dẫn đến tổn thương.
- Trẻ bị phụ thuộc vào võng khi ngủ: Trẻ nằm võng quá nhiều có thể tạo nên thói quen mỗi khi ngủ là phải nằm trong võng đung đưa mới ngủ được. Nên nếu mà chuyển sang chỗ khác bé sẽ quấy khóc, không chịu ngủ.
Như vậy, sau khi tìm hiểu được câu trả lời bé mấy tháng nằm võng được? Cùng với những chia sẻ về ưu, nhược điểm trên đây, chắc chắn các bậc cha mẹ đã hiểu rõ hơn về những mặt lợi, hại khi sử dụng võng. Nằm võng không tốt nhưng nếu các bạn biết lựa chọn đúng thời điểm, đúng cách cho trẻ nằm thì chắc chắn sẽ hạn chế được những ưu điểm đã kể trên.
Những lưu ý đảm bảo cho bé nằm võng an toàn
Bé mấy tháng nằm võng được? Đối với những gia định không có nôi hoặc những công cụ chuyên cho trẻ sơ sinh, lựa chọn cách cho bé nằm võng thì cần lưu ý phải chờ bé đạt ít nhất 3 tháng tuổi trở lên. Bên cạnh điều đó, để đảm an toàn các phụ huynh cần biết một số lưu ý quan trọng như sau:
- Trước khi cho bé nằm vào võng, cần kiểm tra xem võng đã được buộc chặt, độ cao đã phù hợp với trẻ để đảm bảo an toàn khi đung đưa võng chuyển động.
- Các mẹ bỉm cần đặt một chiếc chiếu nhỏ hoặc các tấm chăn, mền lót vào bên dưới, sau đó mới cho bé nằm lên để hạn chế độ cong, tạo tư thế thoải mái khi ngủ.
- Điều chỉnh tư thế ngủ cho em bé, luôn nằm ngửa, không được cho nằm nghiêng hoặc sấp mặt xuống võng.
- Chỉ nên cho bé nằm ngủ ban ngày, không ngủ qua đêm trên võng.
- Cần đung đưa võng nhẹ nhàng, không đẩy quá mạnh làm bé sợ và khi bé đã vào giấc ngủ cần dùng võng lại.
- Lưu ý quan trọng nhất là không cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi nằm trong võng.
- Cần có người lớn quan sát trong suốt thời gian bé nằm ngủ trong võng, vì lúc thức dậy bé thường khóc và cử động mạnh có thể làm nguy hiểm.
- Lưu ý lựa chọn những loại võng mỏng, thoáng mát.
- Tránh để anh chị lớn trèo vào võng hoặc đưa võng cho bé. Điều này có thể gây nguy hiểm, làm mất thăng bằng bé.
- Cần thường xuyên vệ sinh võng và chăn mền. Để tránh bụi bẩn bám trên võng ảnh hưởng đến da, hô hấp của bé.
- Gia đình có thể chuẩn bị chiếc nôi tre nhỏ có kích thước phù hợp đặt vào trong võng để tạo mặt phẳng, hạn chế nguy hiểm giúp bé ngủ ngon hơn.
Bé mấy tháng nằm võng được? Thời điểm nên cho con nằm võng hay không rất quan trọng. Nên qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu hy vọng các bậc phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về những ưu, nhược điểm của việc nằm võng. Từ đó, có thể chuẩn bị được công cụ cho bé nằm ngủ tốt nhất, đảm bảo an toàn cho cơ thể, sức khỏe.
Xem thêm:
- Bé 3 tháng tuổi nằm võng được không? Lưu ý gì khi cho bé nằm võng?
- Trẻ 1 tháng tuổi nằm võng được không? Cẩm nang dành cho bậc phụ huynh
- Trẻ sơ sinh nằm võng có ảnh hưởng đến não không? Tác hại khôn lường của việc nằm võng