Đau bụng kinh ở mức độ nhẹ là hiện tượng phổ biến trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng nếu chị em bị đau bụng kinh dữ dội, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày thì có thể nguyên nhân gây bệnh là do bệnh lý nguy hiểm gây ra. Hãy tham khảo bài viết sau đây để nhận biết đau bụng kinh ở vị trí nào là bình thường và ở vị trí nào là bất thường để có hướng xử lý kịp thời.
Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh còn được gọi là đau bụng đến tháng hay đau bụng tới tháng. Nguyên nhân là do sự co bóp của tử cung tạo nên những cơn đau co thắt, đau quặn ở vùng bụng dưới, thường xuất hiện ngay trước và trong kỳ kinh. Đau bụng kinh ở mức độ nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của phụ nữ.
Ngoài ra, trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ còn có cảm giác đầy hơi, có thể đau thắt lưng, khó chịu ở hậu môn…
Đau bụng kinh là một triệu chứng bệnh lý khi tình trạng đau bụng kèm theo buồn nôn, đi ngoài phân lỏng kéo dài.
Phân loại đau bụng kinh
Đau bụng kinh được phân thành hai loại là nguyên phát và thứ phát.
Đau bụng kinh nguyên phát: Cơn đau không do bệnh lý, mang tính lặp đi lặp lại vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
Đau bụng kinh thứ phát: Cơn đau liên quan đến nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản nữ hoặc bệnh lý rối loạn, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, lạc tuyến tử cung…
Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Nếu không xảy ra quá trình thụ tinh, tử cung sẽ co bóp để đẩy trứng và lớp niêm mạc ra khỏi cơ thể, gọi là kinh nguyệt. Khi thành tử cung co lại, làm chèn ép mạch máu ở niêm mạc tử cung, dẫn đến các mô trong tử cung bị thiếu oxy nên phóng ra các chất gây co thắt tử cung mạnh hơn gây nên tình trạng đau bụng kinh.
Thêm vào đó, vào những ngày đầu hành kinh, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất prostaglandin, là một chất trung gian hóa học. Chất này làm co bóp cơ tử cung nhiều hơn với lực mạnh hơn, làm tăng mức độ đau trong thời gian hành kinh.
Ngoài nguyên nhân kể trên, tình trạng đau bụng kinh sẽ tăng mức độ nghiêm trọng khi bạn mắc một số bệnh lý sau đây:
- U xơ tử cung;
- Lạc nội mạc tử cung;
- Bệnh tuyến tử cung;
- Hẹp cổ tử cung;
- Viêm vùng chậu.
Một số chị em đặt vòng ngừa thai lại bị đau bụng kinh nghiêm trọng hơn. Nhưng cơn đau sẽ giảm dần khi tử cung đã tiếp nhận và làm quen với vòng tránh thai.
Đau bụng kinh ở vị trí nào là bất thường?
Do đau bụng kinh có thể do bệnh lý gây ra nên chị em thường thắc mắc đau bụng kinh ở vị trí nào là bất thường.
Đau bụng kinh xảy ra ở vùng bụng dưới, phía dưới rốn, còn được gọi là vùng hạ vị. Các cơ quan sinh sản ở nữ giới đều nằm ở vị trí này như tử cung, buồng trứng, vòi trứng và âm đạo.
Cơn đau còn xuất hiện ở vùng xương chậu, lan ra vùng lưng dưới và đùi. Tuy nhiên, cơn đau chỉ xuất hiện và kéo dài khoảng 1 - 2 ngày đầu hành kinh, sau đó giảm dần vào các ngày cuối kỳ kinh.
Nếu bị đau vùng bụng dưới kèm những triệu chứng khác lạ, chị em cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám, chẩn đoán tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh phụ khoa nguy hiểm.
Các triệu chứng khác lạ gồm:
- Đau quằn quại và dữ dội, cường độ cơn đau tăng dần, quá sức chịu đựng, phải sử dụng thuốc giảm đau hoặc đã dùng thuốc giảm đau nhưng không hết.
- Cơn đau xuất hiện quá sớm trước kỳ kinh và kéo dài dai dẳng nhiều ngày sau khi sạch kinh.
- Xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, ngất xỉu…
- Kinh nguyệt thất thường lúc nhiều lúc ít, chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Xuất hiện cục máu đông to bất thường.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Các vị trí khác như vết may tầng sinh môn, vùng vết mổ cũ mổ bắt con… là các vị trí đau không bình thường khi hành kinh vì có thể do bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
Chẩn đoán và điều trị đau bụng kinh
Đau bụng kinh nên làm gì?
Khi bị đau bụng kinh bất thường, chị em nên đến bệnh viện để khám chuyên khoa một cách tỉ mỉ. Dựa vào tiền sử bệnh, những triệu chứng lâm sàng và kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau bụng.
Bác sĩ sẽ xác định triệu chứng đau bụng là do đau bụng hành kinh hay do các chứng bệnh khác gây nên như u nang buồng trứng, viêm tiểu khung cấp tính, chửa ngoài tử cung, đẻ non. Vì nếu chẩn đoán nhầm đau bụng do bệnh lý thành đau bụng kinh sẽ dẫn đến điều trị sai, gây hại cho sức khỏe.
Cách điều trị
Phương pháp trị đau bụng do hành kinh chủ yếu là uống thuốc kết hợp với nghỉ ngơi nhiều, nhất là với phụ nữ trẻ tuổi bị đau bụng kinh nguyên phát. Những vấn đề về tâm lý như sợ hãi, lo lắng, buồn… cũng làm tăng thêm mức độ đau bụng kinh.
Dùng thuốc chứa progestagen điều trị
Dùng thuốc chứa progestagen trong thời gian ngắn hoặc theo chu kỳ giúp làm giãn cơ nhẵn của tử cung, ức chế sự co bóp của tử cung, nhờ đó giảm cơn đau bụng. Ngoài ra, việc dùng progestagen vừa phải còn làm giảm tỷ lệ sản sinh prostaglandin và ức chế rụng trứng.
Thuốc kháng viêm
Loại thuốc này làm giảm việc sản sinh prostaglandin thông qua ức chế quá trình hợp thành các prostaglandin; hoặc gián đoạn sự kết hợp giữa prostaglandin với các chất khác. Nhờ đó, thuốc trực tiếp kháng lại tác dụng của prostaglandin, làm ngừng đau hiệu quả. Có thể dùng thuốc trong thời gian tương đối dài. Người có bệnh hô hấp và bị viêm loét dạ dày, phải thận trọng khi dùng thuốc.
Thuốc tễ chống lắng đọng canxi
Đây là loại thuốc chống sự ngưng đọng canxi khi xâm nhập vào tế bào, làm ức chế sự co bóp tử cung. Tác dụng phụ của thuốc là làm giảm huyết áp, cản trở hô hấp.
Thuốc Bắc
Làm lưu thông khí huyết, giảm nhẹ cơn đau.
Phẫu thuật
Chỉ khi các loại thuốc trên không có hiệu quả thì mới dùng phương pháp phẫu thuật.
Nếu bị đau bụng kinh kéo dài, ngoài việc dùng các loại thuốc kể trên để điều trị, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh có phải do chứng lạc nội mạc tử cung hay chứng bệnh ở tuyến cơ tử cung. Trong trường hợp nguyên nhân là do bệnh lý gây biến chứng với sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Cách giảm đau bụng kinh tại nhà
Bên cạnh tìm hiểu đau bụng kinh ở vị trí nào là bình thường và bất thường, chị em cũng cần biết các giải pháp giúp giảm cơn đau bụng kinh hiệu quả và các triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh. Chị em có thể tham khảo các cách giảm đau bụng kinh ngay lập tức:
- Dùng túi giữ nhiệt, miếng dán chuyên dụng, chai nước ấm để chườm nóng bụng.
- Massage nhẹ nhàng quanh vùng bụng, để thúc đẩy hiệu quả nhanh hơn có thể sử dụng thêm rượu nóng hoặc rượu gừng.
- Để tăng cường lưu thông máu, giúp điều tiết sự co thắt của tử cung bằng cách uống nhiều nước ấm.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất để giúp cơ thể khỏe mạnh bằng cách áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh xa thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng và các chất kích thích như rượu bia, caffeine…
- Trước khi áp dụng cách giảm đau bụng kinh nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn. Vì bạn có nguy cơ gặp nhiều tác dụng phụ không mong muốn nếu tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau bụng kinh.
Tóm lại, khi bị đau bụng kinh trong kỳ kinh nguyệt, chị em cần xác định đau bụng kinh ở vị trí nào, có gì bất thường không, nếu có thì cần đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Xem thêm:
- Uống nước đường đỏ giảm đau bụng kinh
- Các loại thuốc đau bụng kinh phổ biến hiện nay
- Tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh