Ngày nay có nhiều chị em sử dụng vòng tránh thai để ngăn ngừa thai, đây là một biện pháp khá hiệu quả tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng phương pháp này. Thế nào dấu hiệu đặt vòng không hợp? Làm thế nào để khắc phục tình trạng trên? Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn trong bài viết này nhé!
Tìm hiểu về nguyên tắc đặt vòng tránh thai
Có những nguyên tắc quan trọng đối với việc đặt vòng tránh thai mà chị em cần đảm bảo để đạt được kết quả đặt vòng tốt nhất, đó là:
- Sau khi sạch kinh từ 2 đến 3 ngày sẽ tiến hành đặt vòng. Tốt nhất là nên đặt vào giữa kỳ kinh vì lúc này tử cung mở rộng nhất sẽ hạn chế được tình trạng đau và chảy máu.
- Sau khi đặt vòng cần chú ý nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng trong vòng 1 tuần lễ.
- Tái khám lại sau khi sạch kinh hoặc sau thời gian là 1 tháng.
- Cần kiêng quan hệ tình dục tối thiểu 10 đến 14 ngày.
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ sau khi đặt vòng.
- Nên nghỉ ngơi khi đến kỳ kinh nguyệt và giữ vệ sinh vùng kín, tránh viêm nhiễm.
- Tái khám định kỳ để đảm bảo vòng tránh thai không bị lệch hay có vấn đề gì.
Mặc dù tuân thủ tốt các nguyên tắc khi đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có một số trường hợp cơ địa chị em không tương thích với vòng và gây ra các vấn đề sức khỏe phụ khoa. Để biết rõ hơn về những dấu hiệu đặt vòng không hợp, mời bạn theo dõi trong phần tiếp theo.
5 dấu hiệu đặt vòng không hợp ở chị em phụ nữ
Vòng tránh thai sau khi đưa vào tử cung sẽ xảy ra các phản ứng phòng vệ. Thông thường, các phản ứng này diễn ra rất nhanh và mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hiện tượng này trở nên nghiêm trọng. Đây chính là dấu hiệu đặt vòng không hợp, cụ thể như sau:
Rong kinh
Ra máu và rong kinh là những phản ứng phụ của cơ thể sau khi đặt vòng tránh thai. Tình trạng này có thể khiến chị em bị thiếu máu, trở nên xanh xao, gây nhiều cản trở và làm mất tập trung trong công việc, sinh hoạt hằng ngày.
Chị em cần đặc biệt lưu ý, nếu tình trạng rong kinh và rối loạn kinh nguyệt kéo dài hơn 6 tháng mà chưa trở lại bình thường thì phải đến bệnh viện gấp để được kiểm tra.
Dấu hiệu đặt vòng không hợp gây ra đau bụng dữ dội
Đau bụng dữ dội có thể là dấu hiệu cho thấy vòng tránh thai không tương thích với cơ thể. Chị em sẽ thấy đau âm ỉ, tức bụng dưới và vô cùng khó chịu. Khi gặp tình trạng này, chị em nên đến cơ sở y tế để kiểm tra xem vòng tránh thai có bị lệch, sai vị trí hoặc chạm vào các cơ quan khác không?
Trong một số trường hợp, chị em sẽ phải tháo vòng và áp dụng phương pháp tránh thai khác.
Đau lưng nghiêm trọng
Đau lưng, đau vùng chậu hay đau hông cũng là dấu hiệu đặt vòng không hợp ở phụ nữ. Cụ thể, cơn đau sẽ xuất hiện sau khi đặt vòng và không có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí, đau lưng còn trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là khi chị em làm việc hay khuân bê đồ nặng.
Nếu cơn đau lưng ngày một nặng và đi kèm với hiện tượng rong kinh thì chị em nên cân nhắc đi kiểm tra lại vòng tránh thai của mình trong thời gian sớm nhất.
Đặt vòng tránh thai gây viêm nhiễm âm đạo
Sau khi đặt vòng, chị em có thể gặp phải tình trạng chất nhầy âm đạo (khí hư) có màu bất thường, đi kèm với mùi hôi khó chịu hoặc sưng ngứa vùng kín… Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng lại với vật thể lạ và gây nên hiện tượng viêm nhiễm âm đạo.
Nội tiết tố bị xáo trộn
Rối loạn nội tiết tố cũng là dấu hiệu đặt vòng không hợp. Cụ thể, chị em sẽ bị tắc kinh, rong kinh, rối loạn kinh nguyệt (quá ngắn hoặc quá dài). Trong một số trường hợp, chị em còn bị buồn nôn, đau đầu, căng tức bầu ngực, nổi mụn, tăng cân mất kiểm soát…
Ở thời gian đầu mới đặt vòng rất dễ gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, nếu vấn đề về rối loạn nội tiết tố kéo dài trên 6 tháng mà không giảm bớt thì chị em nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Những biện pháp khắc phục khi đặt vòng không hợp
Tìm hiểu các thông tin và thăm khám kỹ lưỡng trước khi thực hiện đặt vòng tránh thai là vấn đề quan trọng để giúp chị em hạn chế được tình trạng đặt vòng không hợp. Ngoài ra, cần lưu ý một số điều sau để ngăn ngừa cũng như khắc phục hiệu quả khi đặt vòng không hợp:
- Sau khi đặt vòng cần ở lại cơ sở y tế để theo dõi ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, đảm bảo vòng ổn định rồi mới ra về.
- Hãy sử dụng các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ, lau rửa nhẹ nhàng bên ngoài, không thụt rửa sâu vào âm đạo.
- Tránh làm việc nặng, tuân thủ uống thuốc sau khi đặt vòng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thực hiện kiểm tra, đặt vòng và thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín.
- Nếu xuất hiện các dấu hiệu đặt vòng không hợp, chị em cần tới bệnh viện ngay để được kiểm tra trực tiếp và có hướng khắc phục hiệu quả.
- Tuyệt đối không được tự ý đặt hoặc tháo vòng tránh thai tại nhà.
Khi nào nên tháo vòng tránh thai?
Các chuyên gia sản khoa đã đưa ra lời khuyên hữu ích về thời điểm cần tháo vòng tránh thai đó là:
- Vòng tránh thai đã quá hạn sử dụng: Vòng tránh thai thường có hạn sử dụng từ 5 năm đến 15 năm. Khi hết hạn sử dụng, vòng dễ bị gãy và có thể làm ảnh hưởng đến vùng âm đạo, gây viêm nhiễm phụ khoa. Do đó, tháo vòng tránh thai khi hết hạn sử dụng là việc làm cần thiết để bảo vệ vùng kín.
- Xuất huyết âm đạo kéo dài sau khi đặt vòng: Tình trạng này là đặc biệt nguy hiểm, nếu có kèm theo chu kỳ kinh nguyệt thất thường thì càng cần phải tháo vòng tránh thai ra.
- Phụ nữ có ý định mang thai: Tháo vòng tránh thai trước từ 2 - 3 tháng để chuẩn bị mang thai.
- Vòng tránh thai có vấn đề: Vòng tránh thai bị rộng, đặt lệch làm thủng tử cung nhưng chưa rơi vào khoang bụng.
- Một số trường hợp bệnh lý: Viêm vùng chậu cấp, viêm lộ tuyến cổ tử cung, u ác tính… cần tháo vòng để giúp việc điều trị bệnh diễn ra dễ dàng hơn.
Trên đây là những dấu hiệu đặt vòng không hợp, lời khuyên hữu ích khi đặt vòng và các trường hợp cần tháo vòng tránh thai để đảm bảo sức khỏe sinh sản. Nhà thuốc Long Châu hy vọng rằng đã cung cấp được các thông tin cần thiết cho các chị em phụ nữ đang có ý định đặt vòng tránh thai hoặc đang theo dõi sau khi đặt vòng.