Dấu hiệu bé sắp biết nói là thắc mắc được rất nhiều bố mẹ quan tâm. Việc nắm rõ những cột mốc trẻ biết nói sẽ giúp bố mẹ trang bị được những kiến thức cần thiết để nhận biết con có chậm nói hay không.
1. Các mốc phát triển ngôn ngữ ban đầu
Có thể bố mẹ không nhận ra nhưng bé đã giao tiếp với bố mẹ ngay từ khi bé vừa chào đời bằng những ngôn ngữ riêng của bé - ngôn ngữ không lời như khóc, chau mày, ưỡn mình, vặn vẹo tay chân... để thể hiện nhu cầu của mình. Theo thời gian, hầu hết bố mẹ sẽ có thể cơ bản hiểu được tiếng khóc của bé mang một ý nghĩa gì đó để biết cách đáp ứng nhu cầu của bé trước khi bé khóc. Việc tương tác thường xuyên và nhất quán của bố mẹ với bé ở giai đoạn đầu đời rất quan trọng để giúp bé học cách giao tiếp theo quy luật và tạo sự kết nối giữa bố mẹ và con.
- Khi được 2 - 3 tháng tuổi, bé bắt đầu biết quay về phía mẹ để hóng chuyện mỗi khi mẹ nói và có thể bắt đầu tạo ra những âm thanh khác nhau như một cách để hưởng ứng câu chuyện của mẹ;
- Đến giai đoạn 4 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu bập bẹ và có thể bắt đầu bắt chước một số âm thanh và ngữ điệu mà bố mẹ thường hay nói. Bé cũng sẽ phân biệt được cách khóc của chính mình để biểu hiện ý muốn của bản thân với bố mẹ;
- Khi trẻ được 6 tháng, bé và bố mẹ giống như đang giao tiếp với nhau, bé có thể trả lời câu hỏi của mẹ bằng những âm thanh cụ thể, đặc biệt là khi được gọi tên. Các tiếng bập bẹ của trẻ dần dần sẽ trở nên giống với tiếng nói hơn với các phụ âm âm “m” và “b”.
Rất nhiều trường hợp khi con đã 2 tuổi mà chưa thể nói bập bẹ được “ê, a”, chưa nói được từ đơn, từ ghép..., lúc này vấn đề không hẳn xuất hiện ở giai đoạn trẻ 2 tuổi mà đã có thể tồn tại từ giai đoạn 0 - 6 tháng.
2. Dấu hiệu bé sắp biết nói
Kỹ năng tiếp thu (kỹ năng nghe - hiểu) thường phát triển trước kỹ năng diễn đạt (kỹ năng nói chuyện), do đó bố mẹ hoàn toàn có thể quan sát biểu hiện tiếp thu và nỗ lực phản hồi lại của trẻ đối với những thông tin mà trẻ tiếp nhận, đây là những dấu hiệu bé sắp biết nói. Các dấu hiệu bé sắp biết nói biểu hiện càng sớm thì trẻ biết nói càng sớm:
2.1. Trẻ cố gắng phát ra âm thanh
Khi trẻ được 10 tháng tuổi, trẻ có thể đột ngột phát ra những âm thành nghe giống như một từ ngữ có nghĩa đầu tiên, thông thường những từ này là “ba ba” và “ma ma”. Những âm thanh này đối với trẻ đều được trẻ tự ký hiệu cho một hoặc vài ý nghĩa nhất định, tuy đơn giản nhưng đây là tất cả những gì bé có thể thực hiện được để bé học nói trong giai đoạn này.
2.2. Trẻ hiểu lời nói của bố mẹ
Một dấu hiệu rất quan trọng cho thấy bé học nói đó là bé ngày càng có vẻ hiểu những gì mà bố mẹ nói, hiểu được các từ đơn giản và được lặp lại thường xuyên như mẹ, bố, bế, quả bóng, nước, bánh... Ngoài ra, bé có thể hiểu và nhận biết được các thành viên khác trong gia đình hoặc tên gọi cụ thể của những vật nuôi trong nhà.
2.3. Trẻ biết đáp lại khi được vẫy tay “chào tạm biệt”
Trẻ bắt đầu làm theo các hướng dẫn đơn giản của bố mẹ như “vẫy tay chào” hoặc biết đáp lại bằng hành động khi được yêu cầu “thơm mẹ”. Đây là cột mốc quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ và là dấu hiệu bé sắp biết nói rất rõ ràng.
2.4. Cố gắng nói chuyện bằng những tiếng nói bập bẹ
Bé học nói bằng cách bập bẹ một chuỗi dài giống như người lớn đang nói thành câu, đây là cách bé đang bắt chước kiểu nói, nét mặt và giọng nói của người lớn xung quanh. Dấu hiệu bé sắp biết nói này có thể biển hiện ở việc bé bắt chước bố mẹ gọi điện thoại. Tiếng bập bẹ kéo dài của bé chính là dấu hiệu cho thấy bé đang sẵn sàng để nói chuyện.
3. Làm gì khi nhận thấy các dấu hiệu bé sắp biết nói
Khi nhận thấy những dấu hiệu bé sắp biết nói, bố mẹ hãy kiên trì trò chuyện với con thật nhiều, thường xuyên lặp lại tên gọi của các đồ vật quen thuộc hoặc kiên nhẫn mô tả những gì mà mẹ đang cho bé nghe, nói về những hoạt động của trẻ và người khác.
Luôn luôn nói chuyện với con ngay cả khi trẻ đang chơi, tắm, hoặc đang thực hiện hoạt động ưa thích nào đó. Việc này sẽ giúp bé học nói nhanh chóng thông qua việc liên hệ những gì mà bé thấy - nghe - làm và cảm nhận âm thanh mô tả của bố mẹ.
Khi bé bập bẹ nói hoặc chỉ vào đồ vật, bố mẹ hãy bảo bé bắt chước theo âm thanh của mình và sau đó nói cho bé biết tên của đồ vật đó.
Luôn chú ý tốc độ nói của bố mẹ phải phù hợp với tốc độ mà trẻ có thể hiểu được, tức là cần nói chậm hơn so với bình thường, đặc biệt nhấn mạnh ở những từ mà bố mẹ muốn dạy cho con bằng cách nói to, kéo dài hơn hoặc nâng âm cao hơn.
Luôn luôn kiên nhẫn mở rộng chủ đề nói bằng cách thêm vào những thông tin liên quan về vấn đề mà bé đang hứng thú, ví dụ nếu bé chỉ vào con chó, bố mẹ có thể nói cho trẻ nghe về việc con chó thích gì hoặc ăn gì, kêu như thế nào...
Cần lưu ý đừng hỏi trẻ quá nhiều câu hỏi mà chỉ nên thảo luận về những hoạt động của bé, nói rõ ràng để cung cấp thông tin. Sự kích thích ngôn ngữ trong giai đoạn bé học nói nên giữ được trạng thái vui vẻ, đây không phải là một công việc đơn điệu, căng thẳng, áp đặt theo công thức sẽ làm trẻ nhàm chán và chậm tiếp nhận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.