Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim là hai trong các thông số sức khỏe quan trọng, luôn được tiến hành kiểm tra trong các buổi thăm khám sức khỏe định kỳ. Mỗi chỉ số đánh giá các yếu tố khác nhau nhưng đều liên quan đến sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về hai chỉ số này để biết nhịp tim và huyết áp bao nhiêu là bình thường và nếu không nằm trong giới hạn bình thường thì cảnh báo bệnh gì?
Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim là gì?
Chỉ số huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực mà dòng máu tác động lên thành động mạch khi máu được bơm đi từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Mỗi nhát tim bạn đập, trái tim sẽ tống xuất và đẩy máu qua động mạch chủ đi vào mạng lưới động mạch trong cơ thể. Huyết áp có thể tăng lên trong thời gian ngắn khi tim bạn cần đẩy ra lượng máu nhiều hơn để tăng cường quá trình lưu thông tuần hoàn. Sau đó, giữa các nhịp đập, tim thư giãn sẽ tạo điều kiện cho huyết áp trở về mức ổn định. Như vậy, chỉ số huyết áp sẽ dao động trong một khoảng sinh lý trong suốt cả ngày.
Chỉ số huyết áp được xác định từ hai số đo huyết áp, bao gồm:
- Số nằm trên ghi nhận bằng máy đo điện tử được gọi là huyết áp tâm thu, hay còn gọi là huyết áp tối đa, là áp lực trong động mạch khi tim co bóp.
- Số nằm dưới ghi nhận bằng máy đo điện tử được gọi là huyết áp tâm trương, hay còn gọi là huyết áp tối thiểu, là áp lực trong động mạch giữa các nhịp đập khi tim thư giãn.
Huyết áp được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân (mmHg).
Chỉ số nhịp tim là gì?
Nhịp tim là số lần tim bạn đập trong một phút. Cơ thể sẽ tự động điều khiển nhịp tim để phù hợp với từng hoạt động, nhu cầu hoặc cả những gì đang xảy ra xung quanh bạn. Đó là lý do tại sao tim:
- Đập nhanh hơn khi bạn hoạt động, phấn khích hay sợ hãi và
- Chậm hơn khi bạn nghỉ ngơi, bình tĩnh hoặc thoải mái.
Như vậy, nhịp tim cũng là một chỉ số quan trọng khi đánh giá sức khỏe tổng thể. Chỉ số nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm có thể là dấu hiệu của bệnh tim hoặc các vấn đề về sức khỏe khác.
Bảng chỉ số đo huyết áp và nhịp tim bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số huyết áp bình thường
Mức huyết áp bình thường ở người lớn là khi huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và tâm trương dưới 80 mmHg. Tùy theo độ tuổi cụ thể, chỉ số huyết áp bình thường có thể khác nhau.
Chỉ số nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường
Nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường của người lớn (từ 18 tuổi trở lên) dao động trong khoảng 60-100 nhịp mỗi phút. Nhịp tim khi nghỉ ngơi có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Tuổi càng trẻ thì nhịp tim sẽ càng có xu hướng cao hơn. Cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh (sơ sinh đến 4 tuần): 100 - 205 nhịp/phút
- Trẻ sơ sinh (4 tuần đến 1 tuổi): 100 - 180 nhịp/phút
- Trẻ mới biết đi (1 đến 3 tuổi): 98 - 140 nhịp/phút
- Mầm non (3 đến 5 tuổi): 80 - 120 nhịp/phút
- Tuổi đi học (5 đến 12 tuổi): 75 - 118 nhịp/phút
- Thanh thiếu niên (13 đến 18 tuổi): 60 - 100 nhịp/phút.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số đo huyết áp và nhịp tim
Như đã đề cập ở trên, chỉ số đo huyết áp và nhịp tim có thể dao động trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp, bao gồm:
- Chỉ số huyết áp và nhịp tim theo độ tuổi
- Mức độ hoạt động thể chất
- Nhiệt độ và thời tiết
- Thời gian trong ngày
- Trạng thái cơ thể (ví dụ như đứng lên hoặc nằm xuống)
- Cảm xúc như căng thẳng, tức giận, hồi hộp,…
- Thói quen sinh hoạt và ăn uống
- Mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao hoặc tiểu đường
- Kích cỡ và trọng lượng cơ thể
- Thuốc đang sử dụng.
Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim bất thường là bệnh gì?
Mặc dù chỉ số đo huyết áp và nhịp tim có thể dao động nhưng nếu nó cao hay thấp bất thường có thể gợi ý vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cụ thể là:
- Huyết áp thấp: Huyết áp thấp (hay hạ huyết áp, tụt huyết áp) là khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg. Huyết áp thấp thường không quá nghiêm trọng, đôi khi có thể gây ngất xỉu hoặc chóng mặt, một số rất ít trường hợp đe dọa tính mạng.
- Huyết áp cao: Huyết áp cao (hay tăng huyết áp, cao huyết áp) là khi chỉ số huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg. Khi huyết áp tâm thu lớn hơn 130 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 80 mmHg được gọi là tiền tăng huyết áp. Mức huyết áp càng cao thì bạn càng có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, đau thắt ngực, bệnh thận và đột quỵ.
- Loạn nhịp tim: Nhịp tim không đều, nhịp tim thay đổi nhanh hoặc chậm không ổn định.
- Nhịp tim nhanh: Nhịp tim khi nghỉ ngơi cao bất thường, hơn 100 nhịp/phút. Triệu chứng bao gồm hồi hộp, lo âu, đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi, đau thắt ngực.
- Nhịp tim chậm: Nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp dưới 60 nhịp/phút, đặc biệt kèm theo các triệu chứng như ngất xỉu, chóng mặt hoặc khó thở.
Muốn phòng ngừa bệnh tật và duy trì chỉ số đo huyết áp và nhịp tim luôn ổn định, chúng ta nên:
- Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, như hạn chế natri (muối) và chất béo xấu, bổ sung trái cây, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt và sản phẩm từ sữa ít béo.
- Hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần (khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần)
- Không hút thuốc lá
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu, bia
- Giữ cân nặng khỏe mạnh
- Nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng
- Dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim và huyết áp theo chỉ định của bác sĩ nếu cần.
Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim có thể dễ dàng được kiểm tra bằng những thiết bị chuyên dụng tại nhà hoặc đến phòng khám, bệnh viện. Huyết áp và nhịp tim là hai chỉ số luôn song hành cùng nhau và phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe có đang tốt hay không. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp đưa chỉ số huyết áp và nhịp tim về bình thường ngay từ hôm nay nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]