Chảy máu khi mang thai có thể xảy ra vào khoảng 6 - 12 ngày sau khi thụ thai. Đây là một dấu hiệu sớm cho thấy người phụ nữ đã mang thai, nhưng một số phụ nữ hiểu nhầm đó là máu kinh nguyệt vì hiện tượng này có thể xảy ra vào khoảng thời gian họ dự kiến có kinh.
1. Chảy máu khi mang thai là gì?
Chảy máu khi mang thai (Implantation bleeding) là máu chảy ra từ âm đạo vào khoảng thời gian từ 6 - 12 ngày sau khi thụ thai. Có nhiều chị em phụ nữ nghĩ đó chỉ là một kỳ kinh nguyệt nhưng thực chất đây lại là một dấu hiệu sớm của việc mang thai. Điều này không nguy hiểm và không cần phải điều trị.
Trong trường hợp bạn thấy máu chảy ra nhiều, nhiều hơn cả mức bình thường của kỳ kinh nguyệt thì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Hãy đi khám nếu bạn bị chảy máu nhiều, có hoặc không kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh hoặc bị chuột rút.
2. Nguyên nhân gây chảy máu khi mang thai là gì?
Nguyên nhân dẫn đến chảy máu khi mang thai đó là: Sau khi tinh trùng thụ tinh với trứng tạo thành phôi thai. Phôi thai sẽ di chuyển từ ống dẫn trứng đến tử cung trong vòng 3 - 4 ngày. Trong khoảng thời gian này, phôi thai sẽ không ngừng phân chia thành hàng trăm tế bào.
Trong khi đó, buồng trứng sẽ tiết ra hormone estrogen làm cho lớp niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) dày lên và phát triển nhiều mạch máu hơn. Niêm mạc tử cung đang chuẩn bị để cho phôi thai làm tổ và phát triển. Khi phôi thai đi vào tử cung, nó giống như một quả bóng nhỏ với hàng trăm tế bào. Một hoặc hai ngày sau đó, nó bắt đầu đào sâu vào lớp niêm mạc tử cung có nhiều máu, nơi nó tiếp tục phát triển và phân chia. Khi nó đào sâu vào nội mạc tử cung, nó có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ, dẫn đến hiện tượng chảy máu âm đạo.
Hiện tượng này có thể xảy ra vào khoảng thời gian bạn có kinh. Chính vì vậy bạn hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn nó với kỳ kinh nguyệt và không nhận ra là mình đã có thai cho đến khi thử thai. Hiện tượng này là bình thường, nó không có nghĩa là bạn hoặc con bạn sẽ gặp vấn đề nào đó.
Chính vì vậy khi gặp phải hiện tượng này bạn cũng đừng quá lo lắng. Bạn cần biết rằng, không phải chỉ có bạn gặp phải tình trạng này. Theo ước tính có khoảng 15 - 25% phụ nữ bị chảy máu khi mang thai.
3. Làm thế nào để nhận biết chảy máu khi mang thai hay là chu kỳ kinh nguyệt?
Một số điểm lưu ý để nhận biết chảy máu âm đạo là dấu hiệu của việc mang thai hay chỉ là một kỳ kinh nguyệt bình thường, bao gồm:
- Lượng máu: Chảy máu khi mang thai thường có lượng máu chảy ra ít hơn rất nhiều so với kỳ kinh nguyệt bình thường. Nó thường chỉ là một đốm nhỏ xuất hiện trên quần lót.
- Thời gian: Không giống như kinh nguyệt bình thường, chảy máu khi mang thai thường chỉ kéo dài từ 1 đến 3 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để phôi làm tổ trong niêm mạc tử cung. Còn chảy máu kinh nguyệt thường kéo dài từ ba đến bảy ngày.
- Màu sắc: Máu kinh thường có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Trong khi máu do hiện tượng làm tổ thường có màu hồng nhạt, màu nâu.
- Máu đông: Nhiều phụ nữ bị chảy máu trong kỳ kinh nguyệt có một số máu đông lại thành những cục to nhỏ khác nhau. Chảy máu do hiện tượng làm tổ của phôi thai thường ít nên không thể đông được.
4. Một số triệu chứng khác có thể thấy cùng với hiện tượng chảy máu khi mang thai
Chảy máu khi mang thai có xu hướng xảy ra trước khi bạn nhận thấy mình ốm nghén. Bẹn có thể thấy các biểu hiện sau:
- Ra máu màu nâu hoặc hơi hồng ở âm đạo
- Máu chảy ít hơn và không kéo dài như kỳ kinh nguyệt bình thường
- Bạn có thể bị chuột rút nhẹ hoặc hông
- Không thấy bất kỳ cục máu đông trong máu chảy ra từ âm đạo
Ngoài chảy máu, một số phụ nữ còn có các triệu chứng mang thai sớm như:
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau, sưng vú hoặc núm vú
- Đau lưng dưới
- Tâm trạng lâng lâng
- Nhức đầu
- Mệt mỏi
- Bụng khó chịu
- Thèm ăn hoặc chán ăn
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường
Các bạn cần lưu ý rằng những triệu chứng này không đảm bảo chắc chắn bạn đang mang thai, bới đây cũng có thể là dấu hiệu của sự rụng trứng. Thử thai tại nhà là một cách đơn giản và tốt nhất để bạn tìm hiểu xem bạn có đang mang thai hay không. Tuy nhiên, bạn cũng có thể phải đợi thêm vài ngày nữa thì thử thai mới cho kết quả chính xác được. Nếu kết quả thử thai là dương tính, bạn cần lên kế hoạch đi khám thai ngay.
Hiện tượng chảy máu khi mang thai thường tự dừng lại sau 1 - 2 ngày, mà không cần phải điều trị gì cả. Nhưng nếu bạn cảm thấy lo lắng vì bị chảy máu nhiều, hoặc có những triệu chứng bất thường khác thì có thể đây là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, khi đó bạn cần đến gặp bác sĩ.
5. Các nguyên nhân khác gây chảy máu khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân có thể gây chảy máu ở phụ nữ mang thai. Trong đó có một số nguyên nhân là vô hại và một số nguyên nhân là nghiêm trọng cần phải được điều trị kịp thời. Nếu bạn đang chảy máu nhiều, có hoặc không kèm theo đau hoặc chuột rút hãy đi khám ngay.
Nếu bạn đang mang thai và thấy có máu trong quần lót của mình, hiện tượng này có thể do một số nguyên nhân sau gây ra:
- Nội tiết tố: Những thay đổi về nội tiết và thể chất có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu khi mang thai. Với nguyên nhân này, máu sẽ tự dừng lại và không cần phải điều trị.
- U xơ và polyp: U xơ và polyp tử cung có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu khi mang thai. Có thể bạn đã phát hiện chúng từ trước, hoặc phát hiện khi đi khám thai.
- Các vấn đề về cổ tử cung: Các tình trạng như nhiễm trùng trên cổ tử cung cũng có thể gây chảy máu. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trichomonas có thể gây chảy máu nhẹ cũng như các vấn đề nghiêm trọng hơn. Việc điều trị nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, điều này sẽ giúp cho con của bạn được khỏe mạnh. Tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa trước khi có ý định mang thai.
- Chửa ngoài tử cung: Đây là tình trạng phôi thai làm tổ bên ngoài tử cung của bạn. Khi đó bạn có thể bị chảy máu kèm theo đau và chuột rút. Đây là một tình trạng nguy hiểm và cần được phẫu thuật ngay lập tức. Nếu không nó có gây chảy máu, gây sốc, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng.
- Sảy thai: Có khoảng 15% các trường hợp mang thai đã kết thúc trong vài tháng đầu tiên. Hầu hết phụ nữ bị chảy máu và chuột rút sau đó. Chính vì vậy bạn cần đi khám ngay khi biết mình mang thai và lại có các triệu chứng trên.
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chảy máu khi mang thai thông thường sẽ tự hết sau 1 - 2 ngày mà không cần phải điều trị. Nhưng nếu hiện tượng này kéo dài vài ngày hoặc xuất hiện cùng với một số triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, chuột rút... bạn cần phải gặp bác sĩ ngay. Hoặc nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng của mình, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận những lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa.
3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, webmd.com