Mặc dù người lớn cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm, nhưng có đến khoảng 35% người trưởng thành ngủ ít hơn thế và bị mất ngủ đêm. Tình trạng này kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và đời sống. Vậy điều trị mất ngủ ban đêm như thế nào?
Mất ngủ về đêm khiến người bệnh luôn trong trạng thái uể oải, mệt mỏi, khó tập trung làm việc, suy giảm trí nhớ,…. Việc hiểu rõ mất ngủ đêm là bệnh gì, triệu chứng mất ngủ về đêm ra sao, nguyên nhân mất ngủ về đêm hay cách trị mất ngủ ban đêm như thế nào,… sẽ giúp bạn chủ động nhận biết và điều trị kịp thời, cải thiện chất lượng giấc ngủ hàng đêm của mình.
Mất ngủ đêm là bệnh gì?
Mất ngủ đêm là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều dạng thức khác nhau như khó đi vào giấc ngủ vào mỗi tối, ngủ chập chờn không sâu giấc,… Giấc ngủ đêm cũng không kéo dài 6-8 tiếng như bình thường mà chỉ rơi vào khoảng 3-4 tiếng là đã tỉnh giấc. Đây cũng được xem là một trong các biểu hiện thường gặp của chứng mất ngủ về đêm.
Người bị mất ngủ đêm thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy, thường xuyên buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ được, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.
Nguyên nhân gây mất ngủ ban đêm
Mất ngủ đêm thường bắt nguồn từ nhiều vấn đề như nguyên nhân gây đau hoặc sử dụng các chất gây trở ngại cho giấc ngủ. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân mất ngủ về đêm phổ biến như: (1)
Áp lực, căng thẳng kéo dài
Chứng mất ngủ về đêm có thể xuất hiện khi gặp áp lực trong học tập, công việc, gia đình và xã hội. Khi căng thẳng kéo dài buộc bộ não phải hoạt động liên tục và hệ thần kinh trung ương luôn cảm thấy hưng phấn khiến cho giấc ngủ trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, khi cơ thể ở trạng thái stress quá mức sẽ khiến hệ thần kinh phóng thích ra các nội tiết tố như cortisol, adrenalin,,.. để cơ thể có thể kích ứng tốt hơn. Khi các tác động này diễn ra với cường độ cao và kéo dài sẽ gây ức chế và khiến cơ thể rơi vào trạng thái mất ngủ ban đêm.
Thay đổi nội tiết tố
Chứng mất ngủ về đêm thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc đang trong giai đoạn mang thai, sau sinh. Bởi vì thời kỳ này nội tiết tố của phụ nữ bị thay đổi thất thường. Trong một số nghiên cứu cho biết, tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể gây ra rất nhiều các ảnh hưởng về sức khỏe như đau khớp, bốc hỏa, căng thẳng, lo âu,… Đây cũng là nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ bị mất ngủ đêm.
Xem thêm: Mất ngủ sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiêu, cách điều trị & phòng ngừa.
Thói quen ngủ không lành mạnh
Những thói quen ngủ có thể gây nên tình trạng mất ngủ về đêm như:
- Thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc
- Sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ
- Vận động quá mức sát với thời gian ngủ
- Sử dụng rượu bia, cà phê, trà đặc trước lúc đi ngủ
- Lựa chọn không gian ngủ quá nhiều tiếng ồn, không sạch sẽ, quá lạnh hoặc quá nóng, ánh sáng chói,…
- Ăn quá no hoặc ăn các món ăn khó tiêu trước khi ngủ
Mắc một số bệnh lý
Các bệnh lý như tiểu đêm, viêm khớp, gout, trào ngược dạ dày - thực quản, khó thở, bệnh về hô hấp…có thể là nguyên nhân gây mất ngủ đêm. Bên cạnh đó, tình trạng khó ngủ hoặc mất ngủ ban đêm cũng có thể là triệu chứng nhận biết của bệnh thiểu năng tuần hoàn não, trầm cảm, rối loạn lo âu,… Do đó, khi nhận thấy triệu chứng mất ngủ kéo dài không khỏi thì bạn nên tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Triệu chứng mất ngủ về đêm
Những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng mất ngủ đêm như:
- Khó đi vào giấc ngủ, phải trằn trọc, thao thức nhiều giờ đồng hồ mới có thể chìm vào giấc ngủ.
- Giấc ngủ lại chập chờn, không sâu giấc, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm và khó có thể ngủ lại.
- Thức dậy rất sớm và không có cảm giác vừa mới ngủ dậy.
- Buổi tối cảm thấy khó ngủ nhưng ban ngày lại hay buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật.
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, không có sức sống, dễ nóng giận, cáu gắt.
- Mất tập trung, suy giảm trí nhớ.
- Cáu gắt, buồn chán hoặc lo âu.
- Làm việc, học tập kém tập trung.
- Căng thẳng nhức đầu.
- Lo lắng thái quá về giấc ngủ.
Ai thường bị mất ngủ đêm?
Như đã đề cập ở trên, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc đang mang thai, sau sinh thường là đối tượng dễ mắc chứng mất ngủ về đêm. Ngoài ra, mất ngủ ban đêm cũng thường gặp ở những người cao tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên. Khi tuổi tác càng tăng cao sẽ khiến cho khả năng tiết ra hormone tăng trưởng HGH bị hạn chế. Từ đó sẽ làm cho giấc ngủ của người già bị ảnh hưởng xấu đi, gây nên tình trạng mất ngủ kéo dài.
Các hormone giúp thiết lập giấc ngủ tự nhiên thường được tiết ra nhiều nhất vào giai đoạn ngủ sâu - khoảng 10 giờ tối. Do đó, những người già bị mất ngủ đêm cũng sẽ khó có được giấc ngủ sâu vào thời gian này, làm cho hàm lượng hormone này bị hạn chế tiết ra, khiến cho tình trạng khó ngủ gia tăng. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân làm cho tình trạng mất ngủ về đêm chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, khi tuổi tác càng tăng cao sẽ tỉ lệ thuận với sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và não bộ. Do đó, khả năng hoạt động và sản xuất hormone melatonin (hormone kiểm soát chu kỳ giấc ngủ về đêm) của tuyến tùng cũng bị ảnh hưởng.
Tác hại của khó ngủ khi về đêm
Tình trạng mất ngủ đêm kéo dài và không được khắc phục sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống của con người. Đó là sức khỏe, sắc đẹp và chất lượng cuộc sống.
Đối với sức khỏe
- Tăng nguy cơ đột quỵ: Tình trạng mất ngủ đêm kéo dài liên tục sẽ làm cho cơ thể tăng sinh vượt quá mức các gốc tự do. Các gốc tự do dần tấn công và gây tổn thương đến mạch não, tạo nên những mảng xơ vữa cùng các huyết khối làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.
- Những vấn đề về tim mạch: Khi cơ thể không ngủ đủ giấc sẽ làm cho tim phải hoạt động liên tục dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, nhịp tim gây nên những vấn đề về tim mạch.
- Nguy cơ mắc bệnh ung thư cao: Tình trạng mất ngủ về đêm có thể gây tổn thương đến các ADN và khả năng tự chữa lành gen của cơ thể, từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú.
- Khả năng gặp phải các vấn đề về thần kinh: Khi giấc ngủ không được đảm bảo sẽ khiến cho người bệnh xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, lo lắng. Lâu dần sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, rối loạn khí sắc, rối loạn cảm xúc, hành vi,…
Đối với sắc đẹp
- Tăng cân: Hệ tiêu hóa không thể chuyển hóa tốt thức ăn khi mất ngủ ban đêm liên tục, gây nên tình trạng tích trữ mỡ thừa, gia tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là những thực phẩm béo. Từ đó dẫn tới nguy cơ gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường,…
- Lão hóa sớm: Ngủ không đủ giấc sẽ tác động đến nồng độ collagen trong cơ thể, khiến cho da xuất hiện nếp nhăn, mụn, sạm nám, tối màu da,…
Đối với cuộc sống
- Mất tập trung, suy giảm trí nhớ: Tình trạng mất ngủ đêm khiến cho trí nhớ của người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng, hay quên, lú lẫn. Ngoài ra, giấc ngủ không đủ sẽ làm cơ thể mệt mỏi, gây mất tập trung, phản xạ kém.
- Giảm hiệu suất làm việc: Một cơ thể uể oải, khó tập trung, trí nhớ kém thường ảnh hưởng trầm trọng tới hiệu suất làm việc.
- Mất dần các mối quan hệ: Người mất ngủ đêm khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân, họ thường cáu gắt, nóng giận với những người xung quanh và dần mất đi các mối quan hệ xã hội.
Cách trị mất ngủ ban đêm
Để trị mất ngủ ban đêm, bạn có thể kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Hiện nay, các bác sĩ thường kết hợp cả phương pháp điều trị với thuốc và thay đổi lối sống để cho ra kết quả tốt nhất.
Trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng trong việc an thần, thư giãn và giúp làm giảm các triệu chứng mất ngủ về đêm như:
- Thuốc bình thần: Bromazepam, Diazepam, Rotunda, Clonazepam,… giúp người bệnh đi vào giấc ngủ gần như ngay lập tức, phù hợp cho các trường hợp mất ngủ ngắn hạn và ở mức độ bệnh nhẹ.
- Thuốc ngủ: Zolpidem,… nhóm thuốc này cũng chỉ sử dụng để điều trị mất ngủ cấp tính.
- Thuốc kháng histamin: Promethazine, Dimedrol, Clorpheniramin,… Đây là loại thuốc chống dị ứng và gây ngủ khá mạnh, thường được chỉ định dùng đối với các bệnh nhân mất ngủ do ngứa, gãi nhiều khi mắc các bệnh như hắc lào, eczema, tổ đỉa,…
- Thuốc an thần kinh mới: Olanzapine, Quetiapine, Amisulpride,… được chỉ định dùng cho trường hợp bị mất ngủ do chán ăn tâm lý, trầm cảm, lo âu lan tỏa…
- Thuốc chống trầm cảm: Clomipramine, Mirtazapine,… là những loại thuốc điển hình thuốc nhóm thuốc trầm cảm 3 vòng. Thuốc thường có tác dụng sau 3-4 tuần.
- Các loại thuốc điều trị bệnh lý: Tình trạng mất ngủ đêm có thể do một số bệnh lý như dị ứng, viêm khớp, dạ dày, tim mạch,… Tùy vào loại bệnh lý mắc phải và thể trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp nhằm giảm mức độ bệnh, từ đó cải thiện các triệu chứng mất ngủ ban đêm.
Các loại thuốc kể trên chỉ mang tính chất tham khảo và chỉ nên được dùng khi có chỉ định kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý sử dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn khiến chứng mất ngủ về đêm trầm trọng hơn.
Xem thêm: 6 loại thuốc trị mất ngủ phổ biến, cải thiện mất ngủ dễ dàng.
Chữa mất ngủ về đêm không bằng thuốc
Cách trị chứng mất ngủ về đêm không bằng thuốc chủ yếu dựa vào việc xây dựng lối sống, thói quen lành mạnh và suy nghĩ tích cực. Cụ thể như sau: (2)
- Cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Tránh làm việc quá sức để cơ thể được thư giãn và thoải mái.
- Bạn nên duy trì thói quen ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày.
- Để loại bỏ những yếu tố gây mất ngủ, bạn có thể thư giãn bằng việc đọc sách, nghe nhạc để giải tỏa căng thẳng.
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh với những thực phẩm giàu dinh dưỡng.
- Không nên ăn quá no vào buổi tối hoặc sử dụng các chất kích thích gây khó ngủ.
- Thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất để có được sức khỏe dẻo dai, tinh thần thoải mái và máu lưu thông tốt hơn, giúp giấc ngủ trở nên dễ dàng.
- Chọn nơi ngủ thoải mái, sạch sẽ, yên tĩnh, nhiệt độ và ánh sáng thích hợp. Có thể thêm vào một ít loại tinh dầu hay nến thơm để đầu óc thư giãn, giấc ngủ sẽ trở nên trọn vẹn hơn.
- Tâm lý trị liệu hỗ trợ cải thiện chứng mất ngủ, khó ngủ về đêm. Bằng liệu pháp trò chuyện, trao đổi trực tiếp với người bệnh các chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho họ tìm ra nguyên nhân sâu xa gây mất ngủ và cải thiện giấc ngủ một cách tự nhiên nhất.
Phòng ngừa
Mất ngủ đêm có thể được phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng mất ngủ về đêm bằng nhiều phương pháp như:
- Tăng cường tiếp xúc với ánh sáng trong suốt cả ngày: Việc này giúp giữ cho nhịp sinh học khỏe mạnh, giảm thời gian khó ngủ xuống khoảng 83%. Một nghiên cứu ở người lớn tuổi cho thấy hai giờ tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong ngày làm tăng thời gian ngủ thêm hai giờ và hiệu quả giấc ngủ tăng 80%.
- Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối: Ánh sáng xanh khiến bộ não nhầm lẫn và nghĩ rằng thời điểm đó vẫn là ban ngày. Đồng thời, nó cũng làm giảm các hormone như melatonin - là hormone giúp thư giãn và ngủ sâu. Một số phương pháp có thể áp dụng để giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh như đeo kính chặn ánh sáng xanh, cài ứng dụng chống ánh sáng xanh trên điện thoại, ngừng sử dụng thiết bị điện tử 2 giờ trước khi ngủ.
- Không sử dụng caffein vào cuối ngày: Trong một nghiên cứu gần đây cho biết tiêu thụ caffeine tới 6 giờ trước khi đi ngủ có thể làm giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ. Bởi vì, caffeine có thể tăng cao trong máu trong 6 - 8 giờ. Do đó, uống một lượng lớn cà phê sau 3 - 4 giờ chiều sẽ không được khuyến khích, đặc biệt là nếu bạn nhạy cảm với caffeine hoặc khó ngủ.
- Giảm thời lượng giấc ngủ trưa: Với những người thường xuyên mất ngủ đêm thì được khuyến khích chỉ nên ngủ trưa từ 30 phút trở xuống giúp tăng cường chức năng não ban ngày nhưng không gây mất ngủ về đêm.
- Cố gắng ngủ và thức giấc vào thời điểm cố định: Cơ thể có chức năng nhịp sinh học như một vòng lặp. Cho nên việc có giấc ngủ và thời gian ngủ phù hợp có thể hỗ trợ cho chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
- Không uống đồ uống có cồn: Rượu được biết là gây ra hoặc làm tăng các triệu chứng ngưng thở khi ngủ, ngáy và các kiểu ngủ bị gián đoạn. Nó cũng thay đổi việc sản xuất melatonin vào ban đêm, đóng vai trò chính trong nhịp sinh học của cơ thể.
- Không ăn tối muộn: Ăn khuya vào ban đêm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả chất lượng giấc ngủ và sự giải phóng hormone GH và melatonin.
- Thư giãn vào buổi tối: Một vài nghiên cứu nhận định rằng massage thư giãn có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những người bị bệnh mất ngủ ban đêm. Một vài phương pháp thư giãn khác như nghe nhạc, đọc sách, tắm nước nóng…
- Tập thể dục thường xuyên: Một nghiên cứu thực hiện ở người lớn tuổi đã xác định rằng tập thể dục gần như giảm một nửa thời gian cần thiết để ngủ và cung cấp thêm 41 phút ngủ vào ban đêm. Hay ở những người bị mất ngủ trầm trọng, tập thể dục mang lại nhiều lợi ích hơn hầu hết các loại thuốc.
Các câu hỏi thường gặp chứng khó ngủ về đêm
Mất ngủ đêm uống thuốc gì?
Điều trị chứng mất ngủ về đêm có thể bằng các loại thuốc như:
- Thuốc bình thần: Gồm có các thuốc như Diazepam, Bromazepam, Clonazepam, Rotunda,…
- Thuốc ngủ: Gồm có các thuốc như Zolpidem,…
- Thuốc kháng histamin: Gồm có các thuốc như Promethazine, Dimedrol, Clorpheniramin,…
- Thuốc an thần kinh mới: Gồm có các thuốc như Olanzapine, Quetiapine, Amisulpride,…
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Gồm có các thuốc như Clomipramine, Mirtazapine,…
Lưu ý, tất cả các loại thuốc kể trên đều phải được kê đơn và chỉ định uống của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua và uống vì có thể gây ra một số phản ứng phụ làm trầm trọng hơn chứng mất ngủ đêm, thậm chí là gây một số bệnh về tâm thần.
Khi bị mất ngủ cả đêm phải làm sao?
Khi bị bệnh mất ngủ về đêm, cần áp dụng một số lối sống khoa học để hỗ trợ cải thiện chứng mất ngủ ban đêm như:
- Đi ngủ và thức dậy một giờ cố định
- Không nên tập luyện quá nặng, ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất béo, đường gây khó tiêu, uống quá nhiều nước vào buổi tối, nhất là lúc đi ngủ.
- Nên tắm nước ấm, tập một số động thư giãn, nhẹ nhàng.
- Phòng ngủ cần được yên tĩnh, thoáng mát, hạn chế nhiều ánh sáng, đặc biệt không nên để các thiết bị điện tử trong phòng ngủ,…
- Không sử dụng các chất kích thích như trà cà phê, rượu,… trước giờ ngủ.
Tuy nhiên, những cách trị mất ngủ về đêm chỉ hỗ trợ một phần. Người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và chỉ định dùng thuốc điều trị. Việc trị bệnh này chỉ mang lại hiệu quả khi bệnh nhân tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉnh định của bác sĩ.
Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những đơn vị điều trị mất ngủ về đêm uy tín hàng đầu. Khoa Nội thần kinh quỵ tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý thần kinh. Không chỉ vậy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn đầu tư vào hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất, hỗ trợ tích cực cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.
Để đặt lịch khám, kiểm tra, tư vấn mất ngủ đêm tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Mất ngủ ban đêm là tình trạng thường gặp ở người từ tuổi trung niên và phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, phụ nữ mang thai và sau sinh, người làm văn phòng,… Hiện nay tình trạng này có xu hướng trẻ hóa, tức là người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh mất ngủ về đêm do áp lực, căng thẳng kéo dài. Bên cạnh việc chú ý xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học, thì việc đi khám bệnh tại các cơ sở y tế khi bị mất ngủ đêm là rất cần thiết. Từ đó, bác sĩ có thể chỉ định cách điều trị mất ngủ ban đêm hiệu quả, kịp thời, không ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.