1. Các nhóm vitamin
Vitamin là tên gọi của nhóm các hợp chất hữu cơ cần thiết cho sự sống nhưng cơ thể chỉ cần lượng tương đối nhỏ từ thực phẩm hàng ngày. Nguyên nhân do cơ thể người không thể tự tổng hợp được hầu hết các loại vitamin và hàm lượng cơ thể cần, những thực vật và vi khuẩn có thể tự sản sinh vitamin.
Vitamin được đặt tên phân loại theo bảng chữ cái
Vitamin có vai trò quan trọng với sự tồn tại và phát triển của cơ thể, giúp củng cố hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Dù được khuyến cáo là dưỡng chất nhất thiết phải bổ sung hàng ngày nhưng với lượng vừa đủ cơ thể cần. Nếu bổ sung vitamin liều cao quá mức khuyến cáo, cơ thể có thể gặp phải những rối loạn hoạt động, bệnh lý và nguy cơ tử vong.
Vitamin được chia thành nhiều nhóm dựa trên tính chất tan và thời điểm phát hiện ra chúng. Cụ thể:
- Vitamin tan trong dầu: Gồm vitamin D, vitamin A, vitamin E và vitamin K.
- Vitamin tan trong nước: Gồm vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, vitamin C, vitamin B12,…
2. Đặc điểm của các loại vitamin
Mỗi loại vitamin là một loại hợp chất với đặc tính và vai trò riêng trong hoạt động sống của cơ thể.
2.1. Vitamin A
Cấu tạo: Đây là ancol bậc nhất có cấu trúc phức tạp. Vitamin A mà cơ thể bổ sung từ thực vật là tiền chất caroten và có thể biến đổi thành vitamin A khi vào cơ thể người.
Vitamin A giúp tăng cường sức khỏe mắt và thị lực
Vai trò: Vitamin tham gia vào rất nhiều quá trình và phản ứng trong cơ thể như: quá trình oxy hóa - khử, cấu tạo chất điều hòa cảm thụ ánh sáng ở mắt - rhodopsin, giữ vai trò và hoạt động của các mô biểu bì,... Vì thế, việc bổ sung thiếu vitamin A sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn, thoái hóa, nhiễm trùng, gặp vấn đề thị giác,…
Nhu cầu cơ thể: vitamin A có sẵn trong nhiều loại rau quả, dầu cá, mỡ,… Cơ thể sẽ nạp vitamin A từ các nguồn thực phẩm này hoặc thực phẩm chức năng tổng hợp sẵn, nhu cầu là 5.000UI mỗi ngày với người trưởng thành.
2.2. Vitamin C
Cấu tạo: cấu trúc là một monosaccarit.
Vai trò: Vitamin C tham gia vào rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể, với vai trò là chất vận chuyển hydro. Ngoài ra, vitamin C cũng duy trì hoạt động của tế bào ở các mô răng, sụn, xương,… Việc bổ sung thiếu dưỡng chất này sẽ gây ra những rối loạn như: chảy máu chân răng, nặng hơn có thể gây chảy máu nội tạng,…
Nhu cầu cơ thể: Vitamin C có rất nhiều trong các loại hoa quả tươi, rau xanh, ớt,… Bạn cần tính toán sao cho mỗi ngày cần bổ sung khoảng 80 - 100mg vitamin C mỗi ngày. Với các đối tượng lao động nặng hơn hoặc sống ở vùng khí hậu lạnh cần bổ sung vitamin C nhiều hơn với lượng từ 120 - 150 mg mỗi ngày.
Vitamin C có nhiều trong các loại hoa quả tươi
2.3. Vitamin B
Vitamin B được chia thành nhiều nhóm với tính chất hóa học tương tự nhau:
Vitamin B1
Cấu tạo: là 2 vòng thiazol và pyridin.
Vai trò: vitamin B1 tham gia vào chuyển hóa glucid quan trọng của cơ thể. Việc thiếu hụt dưỡng chất này sẽ gây nhiều rối loạn chuyển hóa như: ứ đọng acid pyruvic trong máu, rối loạn dẫn truyền xung thần kinh, rối loạn hoạt động tim,…
Nguồn gốc: vitamin B1 có nhiều trong lòng đỏ trứng, gan, sữa, cám,… và được tổng hợp bởi một số vi khuẩn đường ruột.
Vitamin B2
Cấu tạo: Là dẫn xuất của Isoalloxazine.
Vai trò: vitamin B2 là thành phần cấu tạo của nhiều loại enzyme trong cơ thể, liên quan đến các tình trạng rụng tóc, tổn thương niêm mạc miệng, loét kẻ mắt,…
Nhu cầu cơ thể: vitamin B2 có nhiều trong sữa, gan, men bia rượu, rau xanh, ngũ cốc,… Mỗi ngày cơ thể người cần bổ sung 1,5mg.
Vitamin B3
Vai trò: vitamin này là thành phần để tổng hợp coenzym, tham gia vào nhiều quá trình oxy hóa - khử, liên quan đến tình trạng rối loạn thần kinh, loét da và miệng, cơ thể mệt mỏi, yếu toàn thân,…
Nhu cầu cơ thể: vitamin B3 có nhiều trong rau, cá, thịt, sữa, gan,… Mỗi ngày cơ thể người cần hấp thu 25mg vitamin B3.
Vitamin B3 giúp tăng cường sức khỏe thần kinh
Vitamin B5
Cấu tạo: là acid pantothenic.
Vai trò: Tham gia vào hoạt động và điều hòa chức năng của nhiều bộ phận trong cơ thể như cơ quan sinh dục, mông, tuyến vú,… Đặc biệt thiếu vitamin B5 thường gây tình trạng rụng tóc, ngưng mọc tóc.
Nguồn gốc: vitamin B5 có trong rất nhiều loại thực phẩm như gia súc, gia cầm, đậu phộng, các loại đậu, lòng trắng trứng, nấm,…
Ngoài ra còn có vitamin B6 liên quan đến chuyển hóa acid amin và vitamin B12 liên quan đến tổng hợp và vai trò của coenzyme.
2.4. vitamin D
Cấu tạo: Là các hợp chất hóa học nhân Sterol.
Vai trò: vitamin D liên quan đến sự hấp thu canxi và phospho ở ruột, tổng hợp và tăng cường sự chắc khỏe xương. Vì thế thiếu hụt vitamin D thường gặp ở những bệnh nhân còi xương, loãng xương, mềm xương,…
Nhu cầu cơ thể: vitamin D có nhiều trong gan cá, lòng đỏ trứng, bơ, mỡ,… Mỗi ngày cơ thể cần được cung cấp lượng vitamin D là 400UI.
2.5. vitamin E
Cấu tạo: là các hợp chất có dạng tocopherol.
Vai trò: vitamin E là tác nhân chống oxy hóa mạnh, giúp điều hòa sinh sản. Việc cơ thể thiếu hụt vitamin E thường gây ra tình trạng thoái hóa cơ quan sinh sản, ảnh hưởng đến quá trình tạo phôi, liên quan đến tổng hợp hồng cầu và máu.
Nhu cầu cơ thể: Mỗi ngày cần bổ sung khoảng 10 - 30 mg, có nhiều trong các loại dầu thực vật, xà lách, lòng đỏ trứng, mỡ,…
Vitamin E là chất chống oxy hóa rất mạnh
2.6. Vitamin K
Cấu tạo: vitamin K là hợp chất nhân naphthoquinone.
Vai trò: vitamin K có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, vì thế việc thiếu hụt dưỡng chất này thường gây chảy máu dưới da, khó đông máu,…
Nhu cầu cơ thể: Mỗi ngày chế độ ăn cần đáp ứng cung cấp cho cơ thể dưới 1mg với người lớn và 10 - 15mg với trẻ em.
Nhìn chung, cơ thể người có thể được cung cấp đủ lượng các loại vitamin cần thiết cho hoạt động sống, chỉ các trường hợp bệnh lý điều trị mới cần bổ sung tăng cường từ thuốc. Vì thế, không nên tự ý bổ sung vitamin tổng hợp nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.