Vitamin tan trong dầu có vai trò rất quan trọng trong việc giúp con người bảo vệ thị lực, hỗ trợ đông máu, phát triển xương và đặc biệt là ngăn ngừa ung thư, do đó nếu cơ thể thiếu vitamin này thì sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh lý về mắt, xương khớp, ung thư,..
1. Vai trò vitamin tan trong dầu đối với cơ thể con người
Để duy trì hoạt động đúng các chức năng bảo vệ sức khỏe, cơ thể con người cần có nhiều loại vitamin. Vitamin được chia thành hai loại là vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu.
Vitamin hòa tan trong dầu được hấp thụ vào cơ thể thông qua các mô mỡ cùng chất béo. Vì vậy, nếu không hấp thụ được chất béo thì cơ thể sẽ thiếu những vitamin này. Vì vitamin tan trong dầu có một vai trò rất quan trọng trong việc giúp con người bảo vệ thị lực, hỗ trợ đông máu, phát triển xương và đặc biệt là ngăn ngừa ung thư, do đó nếu cơ thể thiếu vitamin này thì sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh lý về mắt, xương khớp, ung thư,...
Lưu ý, vì quá trình hấp thụ các vitamin hòa tan trong dầu cần có axit mật làm chất nhũ hóa, nên để sử dụng hiệu quả cao, nên sử dụng nhóm các vitamin hòa tan trong chất béo lúc ăn hoặc sau khi ăn.
2. Các loại vitamin tan trong dầu
2.1. Vitamin A
Vitamin A là một trong nhóm vitamin hòa tan trong chất béo, vitamin A có vai trò trong việc duy trì thị lực khỏe mạnh, rất cần thiết để hình thành nước mắt và cảm nhận ánh sáng. Bên cạnh đó vitamin A cũng rất cần thiết cho sự phát triển, tăng trưởng của tế bào tăng trưởng ở trẻ em và giúp duy trì khả năng sinh sản, sự phát triển của thai nhi, quan trọng nhất là tăng khả năng miễn dịch cơ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp sử dụng vitamin A quá liều sẽ dẫn đến ngộ độc vitamin A với các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, đặc biệt ở phụ nữ mang thai ngộ độc vitamin A có thể khiến trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vì vậy, để tránh ngộ độc vitamin A, các chuyên gia khuyến nghị liều dùng vitamin A cần thay đổi theo độ tuổi và giới tính như sau:
- Trẻ sơ sinh (0 - 12 tháng): Liều lượng vitamin A là từ 400 - 500 microgam (mcg);
- Trẻ em từ 1 - 3 tuổi: Liều lượng vitamin A là 300 mcg;
- Trẻ em từ 4 - 8 tuổi: Liều lượng vitamin A là 400 mcg;
- Trẻ em từ 9 - 13 tuổi: Liều lượng vitamin A là 600 mcg;
- Phụ nữ trưởng thành: Liều lượng vitamin A là 700 mcg;
- Đàn ông trưởng thành: Liều lượng vitamin A là 900 mcg.
2.2 Vitamin E
Đây là vitamin chống lại oxy hóa nên có thể giúp cơ thể tiêu diệt các nguyên tử không ổn định có thể gây ung thư. Hay nói cách khác, vitamin E có thể giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư. Vitamin E gồm 8 chất chống oxy hóa và được chia thành hai nhóm như sau:
- Nhóm Tocopherol: Nhóm này gồm Alpha-tocopherol, gamma-tocopherol, beta-tocopherol và delta-tocopherol.
- Nhóm Tocotrienol: Bao gồm Alpha-tocotrienol, gamma-tocotrienol, beta-tocotrienol và delta-tocotrienol.
Khi bị thiếu hụt vitamin E, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như tê chân tay, yếu và run cơ hoặc có dấu hiệu khó khăn khi nhìn, khi đi lại.
Tuy nhiên dùng vitamin E cũng cần liều lượng, bởi quá liều vitamin E có thể làm loãng máu, tương tác với vitamin K và gây chảy máu nhiều. Vì vậy, đối với những người đang dùng thuốc làm loãng máu thì không nên dùng vitamin E liều cao. Bên cạnh đó, những người dùng quá liều vitamin E thì tăng khả năng stress oxy hóa, gây ra các bệnh lý tim mạch... Do đó, các chuyên gia khuyến cáo liều dùng vitamin E thay đổi dựa trên độ tuổi như sau:
- Trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi: Liều lượng vitamin E là 4 miligam (mg);
- Trẻ từ 7 - 12 tháng tuổi: Liều lượng vitamin E là 5 mg;
- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: Liều lượng vitamin E là 6 mg;
- Trẻ từ 4 - 8 tuổi: Liều lượng vitamin E là 7 mg;
- Người 14 tuổi trở lên: Liều lượng vitamin E là 15 mg;
- Phụ nữ cho con bú: Liều lượng vitamin E là 19mg.
2.3. Vitamin D
Là loại vitamin được cơ thể sản xuất khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Do đó, vai trò của vitamin D là duy trì và phát triển sức khỏe của xương, nên nếu thiếu hụt vitamin hòa tan trong chất béo này sẽ khiến người bệnh dễ gặp tình trạng gãy xương và loại vitamin này được phân thành 2 loại chính như sau:
- Vitamin D2: Loại vitamin này thường được tìm thấy trong một số loại thực vật và nấm;
- Vitamin D3: Vitamin D3 có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, những sản phẩm này được sản xuất khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Ngoài tác dụng hỗ trợ cho sự phát triển và duy trì xương, thúc đẩy sự hấp thụ khoáng chất từ chế độ ăn uống thì vitamin D còn giúp điều hòa, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Do đó, nếu thiếu vitamin D thì cơ thể sẽ mệt mỏi, rụng tóc, cơ bắp yếu và cơ thể dễ bị nhiễm trùng, hồi phục kém sau đau ốm, nguy cơ cao bị loãng xương và gãy xương, vì vậy cần bổ sung đầy đủ vitamin D hàng ngày.
Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D cần đúng liều lượng, bởi quá liều vitamin D có thể dẫn đến ngộ độc, khiến cho cơ thể tăng canxi máu, từ đó dẫn đến các triệu chứng như sụt cân, đau đầu, buồn nôn, cao huyết áp và nặng hơn là tổn thương thận, tim. Do đó, khi sử dụng VItamin D, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng với liều lượng hàng ngày như sau::
- Trẻ sơ sinh (0 - 12 tháng): Liều dùng Vitamin D là 10 mcg;
- Người từ 1 - 70 tuổi: Liều dùng Vitamin D là 15 mcg;
- Người trên 70 tuổi: Liều dùng Vitamin D là 20 mcg.
Bên cạnh đó, có thể bổ sung vitamin tan trong dầu này thông qua chế độ ăn uống hàng ngày như: cá béo, dầu cá, nấm hoặc sản phẩm có chế phẩm từ sữa tăng cường vitamin D.
2.4. Vitamin K
Đây là vitamin có chức năng hỗ trợ đông máu, vì vậy nó có thể ngăn chặn tình trạng chảy máu từ những vết thương. Bên cạnh đó, vitamin K còn có thể làm giảm nguy cơ mắc những bệnh lý về tim mạch, duy trì sức khỏe của xương cũng như giảm sự tích tụ canxi trong máu. Nhóm vitamin hòa tan trong chất béo này được chia thành 2 nhóm chính như sau:
- Vitamin K1: Đây là loại vitamin tan trong dầu được tìm thấy ở những thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
- Vitamin K2: Vitamin K2 thường có trong những sản phẩm đậu nành lên men và thực phẩm có nguồn gốc động vật. Ngoài ra, những vi khuẩn đường ruột trong ruột già cũng sản xuất ra vitamin này.
Tuy nhiên, thường vitamin K không được dự trữ với hàm lượng lớn trong cơ thể, do đó, con người dễ gặp phải tình trạng thiếu hụt vitamin K, dẫn đến việc giảm mật độ xương, gãy xương và chảy máu nhiều hơn. Nhưng tương tự như các vitamin hòa tan trong chất béo, sử dụng vitamin K quá liều có thể dẫn đến ngộ độc. Đặc biệt các dạng vitamin K tự nhiên không có triệu chứng ngộ độc nên khó nhận biết, còn ở dạng tổng hợp thì có thể gây ra một số tác dụng phụ. Do đó, liều dùng của vitamin K được khuyến cáo như sau:
- Trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi: Liều dùng Vitamin K là 2 mcg;
- Trẻ sơ sinh từ 7 - 12 tháng tuổi: Liều dùng Vitamin K là 2,5 mcg
- Trẻ em từ 1 - 3 tuổi: Liều dùng Vitamin K là 30 mcg;
- Trẻ em từ 4 - 8 tuổi: Liều dùng Vitamin K là 55 mcg;
- Trẻ em từ 9 - 13 tuổi: Liều dùng Vitamin K là 60mcg;
- Trẻ em từ 14 - 18 tuổi: Liều dùng Vitamin K là 75 mcg;
- Phụ nữ trưởng thành: Liều dùng Vitamin K là 90 mcg;
- Đàn ông trưởng thành: Liều dùng Vitamin K là 120 mcg;
Để cơ thể duy trì một sức khỏe tốt thì vitamin tan trong dầu A, D, E và K rất cần thiết. Tuy nhiên chỉ cần một lượng nhỏ vitamin A, D, E và K vì cơ thể con người không tiêu thụ các vitamin tan trong dầu này mỗi ngày mà sẽ dự trữ trong mô mỡ và gan khi không sử dụng. Do đó nếu dự trữ trong cơ thể ở một thời gian dài thì sẽ có nguy cơ ngộ độc cao. Vì vậy, chỉ cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng là có thể bổ sung đầy đủ những các vitamin tan trong dầu này, nếu sử dụng thuốc bổ sung thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.