Chuyên gia Sản khoa khuyến cáo cần bổ sung acid folic cho bà bầu trong suốt thai kỳ, đặc biệt là tam cá nguyệt đầu tiên để ngăn ngừa các dị tật ở thai nhi như nứt đốt sống, sứt môi hoặc hở hàm ếch. Tuy nhiên, bổ sung acid folic trong thai kỳ bao nhiêu là đủ?
Cần biết gì về acid folic?
Acid folic là một loại vitamin nhóm B, còn có tên gọi khác là vitamin B9 hay Folat. Đây là vi chất cần thiết góp phần tạo hồng cầu và ảnh hưởng đến sự tổng hợp DNA, RNA trong cơ thể. Loại vitamin này cũng có liên quan mật thiết đến quá trình phân chia và nhân đôi tế bào. Vì vậy, acid folic được xếp vào nhóm 13 loại vitamin cần thiết mà cơ thể cần được cung cấp đủ mỗi ngày.
Trong thai kỳ, acid folic đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tạo tế bào máu, hình thành và phát triển hệ thần kinh bao gồm não bộ và tủy sống của thai nhi. Thiếu acid folic khi mang thai sẽ dẫn đến bệnh thiếu máu hồng cầu megaloblastic anemia, tăng nguy cơ hình thành những khiếm khuyết ở ống tủy sống thai nhi, điển hình là tật nứt đốt sống vô cùng nguy hiểm. (1)
Chính vì thế, các chuyên gia Sản khoa khuyến cáo cần bổ sung acid folic cho bà bầu từ trước khi mang thai và kéo dài trong những tháng tiếp theo của thai kỳ, đảm bảo thai nhi có đủ điều kiện phát triển hoàn thiện và khỏe mạnh.
Phân biệt acid folic và folate
Mọi người thường sử dụng acid folic và folate thay thế cho nhau vì chúng đều là các dạng của vitamin B9, nhưng thực tế hai loại này có sự khác biệt rõ ràng.
Folate là một dạng tự nhiên của vitamin B9, hay nói cách khác vitamin B9 xuất hiện trong các loại thực phẩm tự nhiên được gọi là folate. Có thể dễ dàng tìm thấy folate trong các loại thực phẩm như các loại rau lá xanh đậm, trái cây họ quýt và các loại đậu. Trong hệ tiêu hóa, hầu hết folate cung cấp từ chế độ ăn uống sẽ được chuyển đổi thành 5-MTHF trước khi đi vào máu.
Trong khi đó, acid folic lại là một dạng tổng hợp của vitamin B9, thường được thêm vào các loại thực phẩm chế biến sẵn như bột mì, ngũ cốc ăn sáng hoặc sử dụng trong các chất bổ sung. Không giống như folate, không phải tất cả acid folic đều được chuyển hóa thành 5-MTHF trong hệ tiêu hóa.
Khi bổ sung acid folic, cơ thể mẹ bầu cần thời gian để chuyển đổi tất cả thành 5-MTHF. Tuy nhiên, quá trình này có thể diễn ra chậm và không hiệu quả ở một số người, dẫn đến không hấp thụ được nhóm vitamin B như mong đợi. Trong trường hợp này, mẹ bầu sẽ được hướng dẫn bổ sung folate từ nguồn thực phẩm tự nhiên hoặc chất bổ sung phù hợp để đảm bảo nhu cầu acid folic cho bà bầu. (2)
Tham khảo: Bổ sung vitamin cho bà bầu
Vai trò của acid folic đối với sức khỏe mẹ và thai nhi
Bổ sung acid folic là việc làm được ưu tiên hàng đầu đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai và trong thai kỳ bởi vai trò vô cùng quan trọng:
1. Đối với mẹ
Phụ nữ mang thai nếu thiếu hụt acid folic và sắt so với nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến thiếu máu, xuất hiện các triệu chứng như khó thở, hoa mắt, chóng mặt, tăng nguy cơ sảy thai, rong huyết hoặc mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ tử vong khi sinh nở ở mẹ bầu bị thiếu máu cũng cao hơn so với những mẹ bình thường.
2. Đối với thai nhi
Trong thai kỳ, nếu lượng acid folic và sắt không đủ sẽ gây thiếu máu hồng cầu, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai hoặc sinh non ở trẻ sơ sinh. Thiếu acid folic ở giai đoạn sớm của thai kỳ có thể khiến sự phân chia tế bào không bình thường, tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, nứt đốt sống và nguy hiểm hơn là khiếm khuyết ống thần kinh. (3)
Thông thường, ống thần kinh thai nhi sẽ phát triển thành tủy sống và não sau 28 ngày kể từ khi thụ thai. Nếu ống thần kinh không đóng đúng cách sẽ dẫn đến khuyết tật ống thần kinh. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ sơ sinh sinh ra bị dị tật ống thần kinh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, bổ sung acid folic cho bà bầu sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật bẩm sinh này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bổ sung acid folic trong thời kỳ đầu mang thai sẽ giúp ngăn ngừa dị tật sứt môi và hở hàm ếch ở thai nhi. Đây là dị tật khi các bộ phận của môi và miệng không kết hợp với nhau đúng cách trong tuần thứ 6-10 của thai kỳ. Trẻ sơ sinh sinh ra mắc dị tật này cần một hoặc nhiều ca phẫu thuật mới khắc phục được tình trạng bệnh.
Acid folic cho bà bầu uống khi nào tốt?
Các dị tật bẩm sinh thường xảy ra trong 3-4 tuần đầu của thai kỳ. Vì thế, ngay khi có ý định mang thai, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn bổ sung acid folic đúng cách.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, phụ nữ nên bắt đầu bổ sung acid folic mỗi ngày trong 3 tháng, ít nhất là một tháng trước khi mang thai và tiếp tục mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Nếu chưa bổ sung acid folic trước khi mang thai, cần bắt đầu bổ sung càng sớm càng tốt ngay khi xác định có thai.
CDC cũng khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên bổ sung sớm loại vitamin này mỗi ngày, nguyên do bởi lượng dự trữ sắt ở phụ nữ thấp vì mất máu trong các kỳ kinh nguyệt hàng tháng, khiến cơ thể dễ bị thiếu hụt acid folic hơn so với nam giới, dẫn đến thường xuyên chóng mặt và mệt mỏi.
Bổ sung acid folic cho bà bầu bao nhiêu là đủ?
Liều lượng acid folic khuyến cáo cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh nở là 400 mcg mỗi ngày. Nếu đang dùng vitamin tổng hợp, chị em nên kiểm tra thông tin thành phần sản phẩm có đủ lượng acid folic cần cho cơ thể hay không. (4)
Hàm lượng acid folic cho bà bầu được khuyến nghị nên bổ sung mỗi ngày khi mang thai là:
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai: 400 mcg
- Phụ nữ đang mang thai: 600 mcg
- Phụ nữ cho con bú: 500 mcg
Trường hợp phụ nữ từng sinh con bị dị tật ống thần kinh sẽ cần đến liều lượng acid folic cao hơn trong những tháng chuẩn bị mang thai và trong vài tháng đầu thai kỳ. Tốt nhất, chị em nên thông tin đến bác sĩ để được tư vấn bổ sung liều lượng phù hợp.
Tham khảo: Bà bầu uống thừa axit folic có sao không?
Ngoài ra, chị em có thể cần đến liều acid folic cao hơn nếu nằm trong các trường hợp sau:
- Có bệnh thận và đang chạy thận nhân tạo.
- Có bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm.
- Có bệnh gan.
- Thói quen uống nhiều đồ uống có cồn mỗi ngày.
- Đang sử dụng thuốc điều trị bệnh động kinh, đái tháo đường tuýp 2, bệnh lupus, bệnh vảy nến, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn hoặc bệnh viêm ruột.
Những cách giúp bổ sung acid folic cho phụ nữ mang thai
Như đã chia sẻ, acid folic giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Do đó cần đảm bảo đủ lượng acid folic cho bà bầu thông qua các loại thực phẩm tự nhiên hoặc các viên uống bổ sung.
1. Bổ sung acid folic cho bà bầu qua thực phẩm
Dưới đây là những loại thực phẩm cung cấp lượng acid folic dồi dào, mẹ bầu nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày:
1.1 Rau lá màu xanh đậm
Các loại rau có lá màu xanh đậm như cải bó xôi (rau chân vịt hoặc rau bina), súp lơ xanh, cải xanh, cải ngọt, diếp cá… là những thực phẩm giàu acid folic cho bà bầu. Hàm lượng folate trong các loại rau này rất lớn, chẳng hạn trong 30g cải bó xôi sẽ cung cấp 58.2 mcg folate, cung cấp 9,7% nhu cầu acid folic cho mẹ bầu. Ngoài ra, ăn nhiều các loại rau có lá màu xanh đậm còn giúp giảm cân, giảm viêm và giảm thiểu nguy cơ ung thư.
1.2 Trái cây họ quýt
Các loại trái cây như cam, bưởi, quýt, chanh đều chứa lượng acid folic dồi dào cho mẹ bầu. Trong 100g cam chứa đến 55 mcg folate, khoảng 9,2% hàm lượng folate được khuyến cáo mỗi ngày cho mẹ bầu. Vitamin C trong cam còn giúp mẹ bầu tăng cường miễn dịch, phòng ngừa nguy cơ bệnh tật.
1.3 Các loại đậu
Một số loại đậu như đậu nành, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu que… đều chứa nhiều folate tự nhiên. Bên cạnh đó, các loại đậu này còn chứa nhiều protein, chất xơ và các vi chất quan trọng giúp mẹ bầu và thai nhi có sức khỏe ổn định.
1.4 Ngũ cốc
Đây là một trong những thực phẩm được chuyên gia khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày để đảm bảo nhu cầu acid folic cho thai phụ. Tuy nhiên, mỗi loại ngũ cốc sẽ có hàm lượng acid folic khác nhau, mẹ bầu nên cân nhắc để có sự bổ sung tốt nhất. Có thể kết hợp ngũ cốc với sữa chua hoặc sữa tươi ít béo trong khẩu phần ăn sáng mỗi ngày để giúp mẹ tràn đầy năng lượng.
1.5 Các sản phẩm từ lúa mì
Mẹ bầu có thể sử dụng các sản phẩm từ lúa mì như bánh mì, bánh quy giòn, mì ống… để làm thức ăn nhẹ giữa buổi, vừa bổ sung chất xơ vừa cung cấp hàm lượng acid folic cho bà bầu. Lượng chất xơ này cũng sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giữ lượng đường trong máu ổn định và ngăn ngừa táo bón trong thai kỳ.
1.6 Lòng đỏ trứng
Nhắc đến thực phẩm giàu acid folic trong thai kỳ không thể thiếu trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng. Không chỉ cung cấp lượng acid folic dồi dào, trứng còn chứa nhiều dưỡng chất khác như omega-3, omega-6, DHA nhưng lại rất ít calories.
1.7 Quả bơ
Ngoài acid folic, quả bơ cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho mẹ bầu như vitamin K, vitamin C, vitamin B6 và Kali. Trong quả bơ cũng chứa nhiều chất béo không bão hòa rất có lợi cho hệ tim mạch.
1.8 Quả chuối chín
Loại trái cây này không chỉ chứa hàm lượng acid folic cao, mà còn chứa nhiều khoáng chất và dinh dưỡng khác như vitamin B6, Kali, Mangan… Trong chuối còn chứa oligosaccarit giúp nhuận tràng, nhờ đó ngăn ngừa hiệu quả chứng táo bón trong thai kỳ.
2. Bổ sung acid folic cho bà bầu qua viên uống
Acid folic trong các loại thực phẩm rất dễ hao hụt khi chế biến, do đó để đảm bảo hàm lượng acid folic cho bà bầu có thể bổ sung thêm vitamin này dưới dạng viên uống.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vitamin bầu tổng hợp có chứa acid folic, mẹ bầu có thể dễ dàng tìm mua tại các nhà thuốc uy tín. Nếu đã chọn được sản phẩm bổ sung vitamin, mẹ bầu nên mang theo sản phẩm đến gặp bác sĩ để đảm bảo rằng có đủ lượng vitamin và khoáng chất cơ thể cần.
Tác dụng phụ nếu bổ sung thừa hoặc thiếu acid folic
Mặc dù acid folic đóng vai trò quan trọng trong thai kỳ và không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ bầu, nhưng không vì thế mà mẹ bổ sung quá nhiều gây dư thừa.
Một lượng lớn acid folic dư thừa trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ bầu. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các tế bào mới trong cơ thể có thể dẫn đến thoái hóa tủy sống. Với người có khối u, sự dư thừa acid folic sẽ khiến khối u phát triển nhanh hơn.
Trường hợp mẹ bầu thiếu quá nhiều acid folic so với nhu cầu sẽ tăng nguy cơ sảy thai, suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hoặc chứng rối loạn tâm thần sau sinh. Trẻ sơ sinh cũng tăng các dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống, vô sọ, tim mạch, sứt môi hoặc hở hàm ếch. Vì vậy bổ sung acid folic cho bà bầu trước và trong khi mang thai là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Lưu ý khi bổ sung acid folic trong thai kỳ
Khi bổ sung acid folic, mẹ bầu cần lưu ý:
- Thời điểm thích hợp để uống viên bổ sung acid folic cho bà bầu là khoảng cách nghỉ giữa hai bữa ăn. Tuyệt đối không uống thuốc cùng với rượu, trà hoặc cà phê bởi có thể làm giảm khả năng hấp thụ.
- Để hấp thụ acid folic, sắt và các vi chất tốt nhất, nên uống viên bổ sung cùng nước cam hoặc các loại nước trái cây giàu vitamin C.
- Không nên uống acid folic và sắt vào buổi tối vì có thể gây khó ngủ.
- Tác dụng phụ khi uống acid folic là táo bón, do đó mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây và uống nhiều nước để phòng ngừa táo bón khi mang thai.
Bên cạnh việc tìm hiểu cách bổ sung acid folic cho bà bầu trong thai kỳ, mẹ bầu cũng cần tuân thủ lịch khám thai và các xét nghiệm quan trọng được bác sĩ chỉ định để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi. Phát hiện sớm những bất thường, dị tật thai nhi trong thời gian đầu thai kỳ giúp can thiệp và điều chỉnh kịp thời, giúp bé sinh ra khỏe mạnh.
Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, quy tụ đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm, triển khai đa dạng dịch vụ thai sản cho mẹ bầu như gói thai sản trọn gói, gói thai sản theo yêu cầu, sinh con trọn gói… giúp theo dõi thai kỳ chặt chẽ ngay từ sớm, chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và thai nhi ngay từ những ngày đầu tiên đến cuối thai kỳ, mẹ an tâm tận hưởng thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ bầu vui lòng liên hệ đến:
Trên đây là những thông tin tổng quan nhất về acid folic cho bà bầu, hy vọng mẹ bầu đã nắm được cách bổ sung acid folic đúng cách để chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh, đảm bảo thai nhi phát triển an toàn và toàn diện nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ bầu có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!