Chuối là một loại trái cây bổ sung lành mạnh cho một chế độ ăn uống cân bằng, vì chuối cung cấp một loạt các chất dinh dưỡng quan trọng và là một nguồn chất xơ dồi dào. Mặc dù ăn chuối không thể trực tiếp dẫn đến giảm cân, nhưng một số đặc tính của loại trái cây này có thể giúp giảm đầy hơi, kiểm soát cơn thèm ăn và thay thế đường đã qua chế biến.
Những người muốn tăng cường sức khỏe hoặc muốn duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh thường được khuyên ăn nhiều trái cây và rau xanh. Tuy nhiên, một số người lo lắng rằng các loại trái cây nhiều đường như chuối có khả năng gây béo. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá liệu chuối có thể làm cho bạn tăng hay giảm cân?
1. Thành phần dinh dưỡng của chuối
Chuối có chứa nhiều chất dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng chứa nhiều chất xơ, carbs, một số vitamin và khoáng chất cần thiết. Một quả chuối cỡ trung bình chứa:
- Kali: 12% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể
- Vitamin B6: 20% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể
- Vitamin C: 17% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể
- Magiê: 8% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể
- Đồng: 5% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể
- Manga: 15% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể
- Chất xơ: 3,1 gam.
Ngoài ra, một quả chuối cỡ trung bình cũng chứa khoảng 105 calo, 90% trong số đó đến từ carbohydrate. Bên cạnh đó chuối chín chứa ít chất béo và protein cũng như một số hợp chất thực vật có lợi và chất chống oxy hóa, bao gồm dopamine và catechin.
2. Những lợi ích sức khỏe của chuối
2.1 Nguồn cung cấp Kali mạnh mẽ
Một quả chuối trung bình cung cấp khoảng 450 miligam kali, tức là tương đương với 12% nhu cầu kali hàng ngày của cơ thể. Khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tim mạch. Thực phẩm giàu kali giúp kiểm soát huyết áp vì chúng giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể.
Kali cũng làm giãn thành mạch máu, giúp hạ huyết áp. Hơn nữa, kali còn có thể:
- Có thể giảm nguy cơ đột quỵ
- Có thể giúp cho các động mạch dẻo dai và chắc khỏe xương khi bạn già đi
- Giúp cơ hoạt động tốt hơn
- Có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận
Tuy nhiên đối với những bệnh nhân đang gặp phải những vấn đề về thận, bổ sung quá nhiều kali sẽ không tốt. Do đó. nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi quyết định có nên bổ sung Kali không.
2.2. Nguồn cung cấp chất xơ cho cơ thể
Chất xơ là một phần không thể thiếu đối với một người tuân thủ theo một chế độ ăn uống lành mạnh. Một quả chuối chín cỡ trung bình cung cấp khoảng 3 gam chất xơ, tương đương với khoảng 10% những gì cơ thể cần mỗi ngày.
Hầu hết chất xơ trong chuối được gọi là chất xơ hòa tan, giúp kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp, đồng thời giúp giảm viêm. Chuối xanh chứa nhiều một loại tinh bột gọi là tinh bột kháng. Nó hoạt động giống như chất xơ không hòa tan, đây là loại tinh bột có thể giúp giữ cho hệ tiêu hóa luôn ở trạng thái tốt nhất. Tinh bột kháng cũng giúp giảm lượng đường trong máu. Nói chung, thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp bạn cảm thấy no mà không cần thêm calo. Điều đó cũng khiến chúng trở thành một lựa chọn tốt nếu bạn muốn giảm cân.
2.3. Bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa
Các loại trái cây màu vàng là nguồn cung cấp prebiotics. Đó là những loại carbs cơ thể không tiêu hóa, nhưng chúng là nguồn nguyên liệu cho các chế phẩm sinh học phổ biến hơn. Đó là những vi khuẩn có lợi được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của mỗi người. Cũng có bằng chứng cho thấy chế phẩm sinh học có thể giúp giảm bớt triệu chứng tiêu chảy khó chịu mà mọi người mắc phải sau khi họ dùng một số loại thuốc kháng sinh. Ngoài ra chúng cũng có thể giúp:
- Cải thiện tình trạng nấm men và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs)
- Điều trị một số bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Giảm tình trạng không dung nạp hoặc khó dung nạp lactose
- Điều trị một số triệu chứng dị ứng
- Probiotics thậm chí có thể giúp giảm triệu chứng của cảm lạnh và sốt.
2.4. Cung cấp lượng carbs phù hợp
Giống như tất cả các loại trái cây, chuối chứa nhiều carbs. Tuy nhiên ngay cả những bệnh nhân mắc đái tháo đường cũng vẫn có thể thưởng thức chuối. Đối với những người mắc tiểu đường, họ có thể thưởng thức nửa quả chuối khi cần ăn nhẹ.
3. Chuối chứa nhiều chất xơ nhưng ít năng lượng
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tuy chứa nhiều chất xơ nhưng chuối lại chứa rất ít năng lượng. Một quả chuối trung bình cung cấp khoảng 12% năng lượng khuyến nghị hàng ngày của cơ thể với chỉ 105 calo.
Chất xơ trong chuối rất quan trọng trong việc duy trì thói quen đi đại tiện hàng ngày và đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe hệ tiêu hóa. Ăn nhiều chất xơ thậm chí còn có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch, bệnh túi thừa và một số bệnh ung thư khác. Bên cạnh đó, chất xơ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cân ở những người mắc bệnh béo phì.
4. Chuối càng xanh càng chứa nhiều tinh bột
Loại carbs trong chuối phụ thuộc vào độ chín của nó. Chuối xanh có chứa nhiều tinh bột và tinh bột kháng, trong khi chuối chín vàng thì chứa chủ yếu là đường. Tinh bột kháng là những chuỗi dài glucose (tinh bột) có khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa rất tốt. Chúng hoạt động giống như chất xơ hòa tan trong cơ thể và có rất nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng khác có thể kể đến là giảm cân và giảm lượng đường trong máu. Tinh bột kháng cũng có thể làm chậm đi quá trình hấp thụ đường từ thực phẩm. Điều này giữ cho lượng đường trong máu ổn định và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Hơn nữa, tinh bột kháng còn có thể làm tăng quá trình đốt cháy chất béo.
5. Chuối có hàm lượng đường thấp nhưng phụ thuộc vào độ chín của chuối
Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo mức độ thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu. Nếu thực phẩm có điểm số thấp hơn 55, thực phẩm đó được coi là có chỉ số đường huyết thấp. 56-69 là trung bình, còn khi điểm trên 70 là cao. Thực phẩm chứa nhiều đường đơn được hấp thụ nhanh chóng và có giá trị chỉ số đường huyết cao vì chúng làm tăng lượng đường trong máu. Ăn nhiều thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có liên quan đến tăng cân và tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Thực phẩm có nhiều carbs hấp thụ chậm hơn có chỉ số đường huyết thấp hơn và giữ cho lượng đường trong máu của bạn ở mức ổn định. Vì chuối có 90% là carbs nên đôi khi chúng được coi là một loại trái cây chứa nhiều đường có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn. Tuy nhiên, điểm chỉ số đường huyết của chuối chỉ dao động trong khoảng 42-62, tùy thuộc vào độ chín.
Một nghiên cứu gần đây đã theo dõi những bệnh nhân đái tháo đường type 2 có cholesterol cao. Họ đã được thêm 9 oz (tương đương với 250 gram) chuối vào bữa sáng của mình trong 4 tuần, điều này làm giảm đáng kể lượng đường và cholesterol trong máu lúc đói. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như chuối cũng có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định. Điều này có thể giúp những người béo phì giảm cân theo thời gian.
Chuối tạo cho người ăn cảm giác no nhưng không nhiều như một số loại trái cây khác. Ăn những món ăn nhẹ giàu chất xơ, ít calo có thể giúp bạn giảm cân và duy trì cân nặng. Những thực phẩm này giúp ngăn chặn cảm giác đói và ăn quá nhiều mà không thêm nhiều calo không cần thiết cho chế độ ăn uống của bạn. Trên thực tế, chuối có thể giúp bạn no tốt hơn rất nhiều so với các món ăn vặt có hàm lượng calo cao hơn khác.
Chuối là một loại trái cây bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe bởi giàu chất xơ nhưng ít năng lượng. Hầu hết chuối có chỉ số đường huyết (GI) từ thấp đến trung bình và không gây ra sự đột biến lớn về lượng đường trong máu so với các thực phẩm giàu carbohydrate khác. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào xem xét trực tiếp đến những tác động của chuối với cân nặng nhưng chuối có một số đặc tính để trở thành loại thực phẩm giảm cân tiềm năng.
Khi đã hiểu rõ về hàm lượng giá trị dinh dưỡng trong chuối, bạn có thể cân nhắc để bổ sung chuối vào chế độ ăn hàng ngày giúp mang lại lợi ích cho sức khỏe và cân nặng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com - webmd.com