Trẻ phát triển khỏe mạnh, cao lớn luôn là mong muốn của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng chiều cao cho bé một cách an toàn và nhanh chóng? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, phải kể đến như: (1)
1. Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nó chỉ ảnh hưởng khoảng 23% chiều cao của trẻ.
2. Chế độ dinh dưỡng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ dinh dưỡng hàng ngày ảnh hưởng 32% chiều cao của trẻ. Do đó, đây cũng là một yếu tố quan trọng, cần chú ý trong cải thiện chiều cao của trẻ.
3. Chế độ vận động
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, vận động khoa học, đúng lứa tuổi cũng là một trong những cách giúp trẻ trở nên cao lớn hơn. Yếu tố này ảnh hưởng khoảng 20% chiều cao của trẻ.
4. Các yếu tố khác
Bên cạnh các yếu tố được kể trên, chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Một số yếu tố phổ biến như môi trường sống, chế độ sinh hoạt - ngủ nghỉ, dinh dưỡng của mẹ trong thai kỳ,…
Tìm hiểu các giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ
Ở mỗi giai đoạn phát triển, chiều cao của trẻ sẽ tăng trưởng ở một mức độ khác nhau. Việc hiểu rõ các nhu cầu cần thiết cho sự phát triển chiều cao trong từng giai đoạn sẽ giúp bố mẹ chăm sóc trẻ hợp lý, từ đó, giúp trẻ tăng chiều cao một cách tối ưu nhất.
1. Giai đoạn 1000 ngày đầu đời
Theo chia sẻ của các chuyên gia, giai đoạn 1000 ngày đầu đời (được tính từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi) có thể quyết định đến 60% chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Tức, nếu mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, đủ chất, trẻ sinh ra sẽ có thể đạt được chiều cao 50cm.
Khi trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi, chiều cao của trẻ tăng nhanh chóng. Trẻ có thể tăng thêm 25cm trong giai đoạn này nếu được bổ sung đủ chất. Từ 12 - 24 tháng tuổi, nếu được chăm sóc tốt, có chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học, trẻ có thể tăng thêm 10cm.
2. Giai đoạn 3-13 tuổi
Trẻ có thể tăng thêm 10cm trong năm 3 tuổi. Các năm sau đó cho đến khi được 13 tuổi, chiều cao của trẻ tăng từ 5 - 8cm/năm.
3. Giai đoạn dậy thì
Dậy thì được xem là “thời điểm vàng” giúp trẻ tăng chiều cao nhanh chóng. Chiều cao của trẻ đang dậy thì có thể tăng từ 8 - 12cm/năm khi được chăm sóc đúng cách.
Lưu ý, quá trình dậy thì của trẻ ở nam và nữ bắt đầu tại các độ tuổi khác nhau nên tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ cũng khác nhau theo độ tuổi. Thông thường, chiều cao của trẻ sẽ tăng nhanh khi được 8 - 13 tuổi ở bé gái và 9 - 14 tuổi ở bé trai.
4. Giai đoạn sau dậy thì
Sau khi kết thúc quá trình dậy thì chiều cao của trẻ vẫn phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm, tăng không đáng kể.
Giai đoạn nào bé tăng trưởng chiều cao nhiều nhất?
Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng: “Có 3 giai đoạn trẻ phát triển chiều cao nhanh chóng mà phụ huynh cần lưu ý đó là: giai đoạn bào thai, khi trẻ được 0 - 3 tuổi và dậy thì. Với mỗi giai đoạn, trẻ có nhu cầu dinh dưỡng và vận động khác nhau. Bố mẹ nên gặp các bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách, giúp trẻ tăng chiều cao hiệu quả và phát triển một cách toàn diện.”
Cách tăng chiều cao cho bé tốt nhất
Dưới đây là một số cách giúp cải thiện chiều cao của trẻ, bố mẹ nên biết:
1. Cân bằng chế độ dinh dưỡng
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất thiết yếu có hàm lượng dưỡng chất hoàn hảo với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm vào trẻ lớn hơn, trẻ cần được bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất chính: chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Trong đó, bố mẹ cần đặc biệt chú ý bổ sung nhiều đạm, canxi và vitamin để để trẻ tăng chiều cao.
2. Khuyến khích trẻ ăn các thực phẩm giúp tăng chiều cao
Để trẻ phát triển chiều cao một cách tối ưu nhất, bố mẹ nên khuyến khích ăn nhiều thực phẩm chứa các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng chiều cao. Một số thực phẩm giúp tăng chiều cao bố mẹ nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ gồm: thịt, trứng, sữa và các sản phẩm được làm từ sữa, các loại đậu, hải sản, tôm, cua, cá, phô mai, các loại rau và trái cây nhiều vitamin A, D,…
Bên cạnh đó, trẻ nên hạn chế ăn các loại thực phẩm không lành mạnh, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều đường hay quá nhiều chất béo.
3. Ngủ đủ giấc mỗi ngày
Nghiên cứu cho thấy khi trẻ ngủ sâu, não bộ sẽ tiết ra một lượng lớn hormone tăng trưởng GH giúp trẻ phát triển chiều cao và cân nặng. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ngủ sâu và ngủ đủ giấc. Khoảng thời gian não bộ tiết nhiều hormone GH nhất là từ 23h đến 1h sáng hôm sau.
Thời gian giấc ngủ của trẻ:
- Trẻ sơ sinh: 18 - 20 giờ/ngày.
- Trẻ 2 - 4 tháng tuổi: 16 - 18 giờ/ngày.
- Trẻ 4 -12 tháng tuổi: 14 - 15 giờ/ngày.
- Trẻ 1 - 3 tuổi: 12 - 14 giờ/ngày.
- Trẻ 3 - 6 tuổi: 10 - 12 giờ/ngày.
- Trẻ 7 - 12 tuổi: 10 - 11 giờ/ngày.
- Trẻ 12 - 18 tuổi: 8 - 9 giờ/ngày.
4. Xây dựng lối sống lành mạnh
Hiện nay, nhiều gia đình cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm. Điều này vô tình tạo nên thói quen xấu cho trẻ, khiến trẻ ngồi hàng giờ trước màn hình tivi, điện thoại, máy tính. Từ đó, trẻ ít vận động, chậm phát triển chiều cao và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển về cả tư duy, thể chất và tinh thần. Do đó, thay vì chỉ tìm hiểu thế giới xung quanh qua màn hình, hình ảnh, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tiếp xúc thực tế nhiều hơn như đi du lịch, dã ngoại, tham quan, leo núi,… Bên cạnh đó, bố mẹ nên tạo cho trẻ môi trường sống lành mạnh, thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc, ít căng thẳng, áp lực.
5. Cho trẻ vận động thường xuyên
Vận động không chỉ cơ thể khỏe mạnh, hoạt động linh hoạt mà còn kích thích cơ thể sản sinh hormone tăng trưởng GH giúp xương phát triển dài ra. Một số bộ môn thể thao có tác dụng hỗ trợ tăng chiều cao hiệu quả trẻ nên tham gia như: bơi lội, chạy bộ, đi xe đạp, bóng chuyền, bóng rổ,… Tuy nhiên, trẻ chỉ nên vận động ở mức độ vừa phải, tránh tình trạng quá sức.
6. Tập luyện các bài tập tăng chiều cao
Để hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ, bố mẹ có thể tập cho trẻ các bài tập tăng chiều cao theo hướng dẫn của bác sĩ hay chuyên gia. Các bài tập này bao gồm kéo giãn cơ thể với xà đơn, nhảy dây, bơi lội,…
Bên cạnh đó, bố mẹ nên điều chỉnh, hướng dẫn trẻ ngồi, đi, đứng đúng tư thế. Việc sai tư thế có thể tác động xấu đến xương khớp của trẻ, gây nên tình trạng cong vẹo cột sống, gù lưng,…
7. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên dồi dào, giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của xương. Do đó, trẻ nên tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
8. Tầm soát sức khỏe xương khớp định kỳ
Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tầm soát sức khỏe xương khớp cho trẻ. Điều này giúp kiểm tra và theo dõi sự phát triển của xương, đồng thời phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe khác, từ đó có phương pháp điều trị hỗ trợ sớm.
Lưu ý khi tăng chiều cao cho trẻ em
Giúp trẻ tăng chiều cao, sở hữu tầm vóc đẹp luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng hiểu rõ và hiểu đúng về chiều cao và cách tăng chiều cao phù hợp cho trẻ, từ đó, có những hành động gây cản trở sự phát triển chiều cao. Một số lưu ý bố mẹ cần biết khi giúp trẻ tăng chiều cao gồm:
- Canxi là một trong những thành phần chính cấu tạo nên xương nhưng việc chỉ tập trung bổ sung canxi cho trẻ không đem lại hiệu quả tăng chiều cao mà còn tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản ở trẻ.
- Trẻ nên được ăn uống cân bằng, đủ chất.
- Việc bổ sung canxi cần đi đôi với bổ sung vitamin D và vitamin K2 để canxi được cơ thể hấp thụ.
- Sự phát triển chiều cao của trẻ là một quá trình dài, không phải nhất thời hay chỉ trong giai đoạn dậy thì.
- Bố mẹ cần chú ý chăm sóc và hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ.
- Khi sử dụng các thực phẩm bổ sung để giúp cải thiện chiều cao của trẻ, bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Trên đây là những thông tin hữu ích về cách tăng chiều cao cho bé và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Để trẻ đạt được chiều cao tối ưu cũng như cải thiện tầm vóc, bố mẹ có thể tham khảo và thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.