Trứng gà là một thực phẩm phổ biến trong bữa cơm gia đình Việt. Thực phẩm này giàu đạm, vitamin, khoáng chất và đa dạng trong cách chế biến. Song, có một số nguyên liệu được khuyến cáo không nên ăn cùng với trứng bởi những lý do sau:
Trứng không ăn cùng tỏi
Khi tráng trứng, thường mọi người sẽ cho thêm hành để tăng hương vị cho món ăn. Những cũng có nhiểu người lại thích cho thêm tỏi khi chế biến trứng mà không hề biết rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Trứng khi ăn nhiều sẽ đầy bụng, khó tiêu. Tỏi lại mang tính nóng, có thể gây rối loạn tiêu hóa khi sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, tỏi còn gây kích ứng dạ dày nên với những người bị dạ dày thì càng không nên ăn nhiều tỏi.
Ngoài ra, tỏi khi phi lên chiên xào hoặc trộn trong món ăn với trứng như trứng tráng, trứng chưng... sẽ dễ gây cháy xém, hình thành nên độc tố gây bệnh cho cơ thể.
Trứng không kết hợp với trà
Không ai có thể phủ nhận được tác dụng của trà xanh đối với sức khỏe và làm đẹp. Từ xưa, người Việt hầu hết có thói quen uống trà xanh sau bữa ăn. Nhưng nếu các bạn vừa ăn trứng, thì cần hạn chế uống trà xanh. Bởi vì, axit tannic trong lá chè sẽ kết hợp với protein trong trứng tạo thành hợp chất protein axit tannic làm chậm hoạt động của nhu động ruột, kéo dài thời gian tích trữ phân trong ruột - nguyên nhân gây táo bón, tăng nguy cơ tích trữ các chất có hại cho cơ thể.
Trứng không kết hợp với đường
Chị em cũng không nên nấu chín trứng cùng với đường và không nên dùng đường ngay sau khi ăn trứng. Một số người còn giữ thói quen dùng nước đường thắng để lấy màu khi chế biến món thịt kho trứng. Điều này sẽ làm cho protein fructose axit amin trong trứng tiếp hợp với lysine, tạo thành chất khó hấp thu trong cơ thể.
Trứng không ăn cùng quả hồng
Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên - Thành viên Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam, hồng có chứa tannin, có nhiều ở vỏ. Khi ăn hồng cùng với trứng là thực phẩm chứa nhiều đạm, tannin trong hồng có thể kết nối trực tiếp với chất đạm và các khoáng chất tạo thành các phân tử không tan và khó phân hủy, dễ gây viêm ruột.
Lúc này, nên uống ngay một cốc nước muối pha loãng để gây nôn hoặc cũng có thể uống nước gừng tươi để giải độc. Có rất nhiều cách làm nước gừng tươi cực kỳ đơn giản: Chỉ cần vài lát gừng ngâm trong nước nóng từ 15 - 20 phút, hoặc đập dập gừng đun sôi nhỏ lửa cùng với nước để uống.
Trứng không ăn cùng sữa đậu nành
Nhiều người có thói quen kết hợp sữa đậu nành và trứng rán cho bữa sáng. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu không nên kết hợp hai loại thực phẩm này. Vì sữa đậu nành có chứa trypsin, khi kết hợp trứng và sữa đậu nành, protein trong trứng có thể được kết hợp với trypsin trong sữa đậu nành, làm cho quá trình phân hủy protein bị cản trở và làm giảm tỷ lệ hấp thụ của protein trong cơ thể. Ngoài ra, trong sữa đậu nành có protidaza gây kiềm chế protein trong trứng gà, ảnh hưởng tiêu hóa.
Không ăn trứng cùng thịt ngỗng, thịt thỏ, thịt rùa
Nếu ăn thịt ngỗng, thịt thỏ với trứng bạn sẽ dễ bị tiêu chảy và đau bụng. Do thịt ngỗng, thịt thỏ và trứng đều có một số chất hoạt tính sinh học nên khi vào cơ thể chúng sẽ xảy ra các phản ứng hóa học gây hại cho đường tiêu hóa. Tệ hơn, việc ăn trứng với thịt rùa có thể gây ngộ độc.
Không cho mì chính vào trứng
Mì chính là một gia vị phổ biến nhưng lại không tốt với cơ thể, đặc biệt là khi kết hợp với trứng. Bởi khi mì chính kết hợp với trứng rán ở nhiệt độ cao biến những axit glutamic, natri, clo hóa thành những muối natri của axit glutamic. Đây cũng là một chất có trong mì chính khiến những nguyên tử muối natri tự nhiên bị phá vỡ. Những dinh dưỡng trong trứng cũng giảm đáng kể.
Những người không nên ăn trứng
- Người bị mắc bệnh tiêu hóa, tiêu chảy không nên ăn trứng, bởi protein trong trứng làm tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu và tiêu hóa.
- Không ăn khi bị mệt mỏi, cảm lạnh, sốt càng không nên ăn trứng.
- Phụ nữ mang thai, tiêu hóa kém cũng không nên ăn nhiều trứng.
- Người bị chứng cao huyết áp không nên ăn trứng chung với óc lợn, vì sẽ làm tăng cholesterol trong máu đột ngột, dễ dẫn đến tử vong.
Theo Gia đình và Xã hội