Thuốc trị viêm âm đạo là loại thuốc đặc trị tình trạng viêm âm đạo phổ biến mà hầu hết phụ nữ đều sẽ mắc phải ít nhất 1 lần trong đời. Có nhiều rất nguyên nhân dẫn tới viêm âm đạo với mỗi trường hợp sẽ có 1 loại thuốc khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều chị em còn chủ quan khi sử dụng này, tự ý mua thuốc trị viêm âm đạo sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ làm bệnh không khỏi mà còn dẫn đến tình trạng nhờn thuốc và các hệ quả nghiêm trọng khác. (1)
Bác sĩ Dương Việt Bắc, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khuyến cáo, khi nhận thấy các triệu chứng của viêm âm đạo, chị em nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra xác định tác nhân gây bệnh và tình trạng bệnh. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em sử dụng loại thuốc điều trị viêm âm đạo phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết đang bị viêm âm đạo
Âm đạo là cơ quan hình ống có chiều dài trung bình khoảng 6-7 inch (1 inch = 2.54 cm), được ví như cầu nối giữa âm hộ với tử cung của người phụ nữ. Đây là cơ quan sinh dục bên ngoài của nữ giới, rất dễ bị viêm nhiễm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chính bởi vì đặc tính ẩm ướt và ấm áp của âm hộ là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn và nấm xâm nhập, ở điều kiện bình thường hệ miễn dịch sẽ đảm bảo âm đạo luôn được bảo vệ nhưng khi nó suy u, vùng này dễ bị vi khuẩn hay tạp khuẩn lập tức tấn công gây viêm nhiễm.
Tham khảo: Viêm âm đạo do tạp khuẩn là gì?
Theo khảo sát, hầu hết phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44 đều mắc phải viêm âm đạo hay còn gọi là viêm phụ khoa ít nhất 1 lần trong đời. Không chỉ gặp ở phụ nữ đã lập gia đình, bệnh còn xuất hiện ở những thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục. Bệnh ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Viêm âm đạo không chỉ gây ngứa ngáy, đau rát, sưng tấy ở cơ quan sinh dục, mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em, thậm chí gây ung thư sinh dục nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời.
Vì thế, chị em cần trang bị kiến thức về những dấu hiệu nhận biết của bệnh để chủ động thăm khám và xử trí sớm, cũng như phòng ngừa viêm âm đạo. không nên sử dụng bừa bãi các loại thuốc trị viêm âm đạo trôi nổi trên thị trường.
Những dấu hiệu đặc trưng của viêm âm đạo ở phụ nữ bao gồm các triệu chứng:
- Ngứa và bỏng rát ở âm hộ, âm đạo.
- Tiết nhiều khí hư có màu trắng đục, xám hoặc có bọt.
- Vùng kín có mùi hôi, sau khi quan hệ tình dục thấy mùi hôi nặng hơn.
- Đau và bỏng rát khi quan hệ tình dục.
- Tiểu khó, tiểu buốt.
Bác sĩ Việt Bắc khuyến cáo, khi nhận thấy các dấu hiệu kể trên, chị em nên thăm khám ngay để được can thiệp điều trị viêm phụ khoa kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khỏe bản thân cũng như đảm bảo khả năng sinh sản không bị ảnh hưởng.
Phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh là gì và tình trạng bệnh đã tiến triển đến đâu, mà bác sĩ sẽ đưa hướng dẫn cụ thể chị em sử dụng loại thuốc trị viêm âm đạo phù hợp cũng như liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để hạn chế tối đa tác dụng phụ và đảm bảo không để lại biến chứng sau này.
Các loại thuốc trị viêm âm đạo phổ biến hiện nay
Điều trị viêm âm đạo bằng thuốc gì là thắc mắc của hầu hết chị em khi mắc phải căn bệnh này. Bác sĩ Việt Bắc cho biết, tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm nhiễm âm đạo là do vi khuẩn, nấm men hay Trichomonas mà bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng thuốc viêm âm đạo phù hợp. Nhìn chung thường có những chỉ định sau:
- Kem bôi ngoài da làm dịu tình trạng ngứa ngáy và bỏng rát.
- Thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc thuốc đặt âm đạo.
- Thuốc kháng sinh đường uống hoặc thuốc chống nấm.
1. Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Thuốc kháng sinh đường uống: Metronidazole (Flagyl hoặc những loại khác). Tránh uống rượu bia trong và sau khi uống thuốc này bởi có thể gây buồn nôn hoặc đau dạ dày.
- Kem bôi đường âm đạo: Clindamycin (Cleocin, Clindlie hoặc những loại khác). Tránh quan hệ tình dục trong khi sử dụng và ít nhất 3 ngày sau khi ngừng sử dụng kem bôi.
Chị em cần sử dụng thuốc uống hoặc kem bôi theo liều lượng và thời gian được chỉ định bởi bác sĩ, ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất. Nếu ngừng thuốc sớm, bệnh có thể quay trở lại được gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn tái phát. (2)
Thông thường, viêm âm đạo do vi khuẩn có thể quay trở lại trong vòng 3-12 tháng mặc dù đã được điều trị thích hợp. Nếu nhận thấy các triệu chứng quay trở lại sau khi điều trị, chị em hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị phù hợp hơn, có thể cần đến liệu pháp Metronidazole kéo dài.
2. Viêm âm đạo do nhiễm trùng nấm men
- Kem thoa chống nấm: Miconazole (Monistat 3) và Terconazole. Một số loại thuốc không cần kê toa, nhưng một số loại khác chỉ được bán theo toa. Thường sử dụng trong 3-7 ngày.
- Thuốc kháng nấm uống 1 liều duy nhất: Fluconazole (Diflucan). Trong trường hợp viêm nhiễm nặng có thể sử dụng 2 liều duy nhất cách nhau 3 ngày. Đặc biệt lưu ý, thuốc không được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ đang mang thai.
Sau khi sử dụng thuốc, nếu các triệu chứng không được giải quyết hoặc tái phát trong vòng 2 tháng, điều đó chứng tỏ hệ miễn dịch đã tạo ra kháng thể với loại thuốc này, làm giảm hiệu quả thuốc. Khi xảy ra tình trạng này hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp hơn.
3. Viêm âm đạo do nhiễm trùng Trichomonas
- Thuốc kháng sinh đường uống: Metronidazole (Flagyl), Tinidazole (Tindamax) hoặc Secnidazole (Solosec). Không uống rượu bia trong vòng 24 giờ sau khi dùng Metronidazole, 48 giờ sau khi dùng Secnidazole hoặc 72 giờ sau khi dùng Tinidazole để tránh bị buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng.
Với bản chất thuốc là thuốc kháng sinh vì vậy để loại bỏ hoàn toàn nhiễm trùng, chị em cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc được chỉ định bởi bác sĩ. Nếu dùng thuốc quá liều sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch. Nếu còn ngừng thuốc quá sớm, tình trạng nhiễm trùng sẽ không được giải quyết hoàn toàn. Đồng thời, chị em cần tránh quan hệ tình dục trong suốt thời gian điều trị và đến khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn. (3)
4. Teo âm đạo
Còn gọi là hội chứng tiết niệu sinh dục thời kỳ mãn kinh (genitourinary syndrome of menopause). Nguyên nhân bệnh đến từ việc suy giảm nội tiết tố nữ estrogen trong cơ thể phụ nữ giai đoạn mãn kinh.
Để điều trị tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp estrogen ngoại sinh dạng kem bôi, thuốc uống, thuốc đặt âm đạo hoặc đặt vòng để bồ sung estrogen giúp cơ quan sinh dục hoạt động bình thường trở lại. Vì các dạng này đều có công dụng tốt như nhau nên bác sĩ sẽ tư vấn loại phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
5. Viêm âm đạo không nhiễm trùng
Để điều trị loại viêm âm đạo này, cần xác định chính xác nguồn gốc gây kích ứng để có biện pháp phòng tránh. Các nguồn kích ứng có thể bao gồm bột giặt, xà phòng tắm, băng vệ sinh hoặc tampon mà chị em đang sử dụng.
Để tình trạng bệnh diễn biến tốt hơn, chị em nên xác định thời gian bắt đầu bệnh và các loại chất tẩy rửa và dụng cụ vệ sinh vùng kín mà chị em thay đổi trong thời gian bắt đầu bệnh để chuyển sang loại khác lành tính và không gây kích ứng.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc trị viêm âm đạo
Bác sĩ Việt Bắc nhấn mạnh, để việc điều trị viêm âm đạo được hiệu quả và không biến chứng nguy hiểm, chị em chỉ sử dụng thuốc khi đã thăm khám, xác định nguyên nhân và được chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Để phòng tránh tương tác bất lợi của thuốc trị viêm âm đạo với các loại thuốc khác gây ra phản ứng sinh hóa trong cơ thể làm bệnh trầm trọng hơn hoặc gặp các tác dụng phụ không đáng có, chị em cần thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin và thảo dược. (4)
Trường hợp có các bệnh lý về gan, thận, đường tiêu hóa (viêm đại tràng, viêm ruột kết…), đái tháo đường, dị ứng (hen suyễn, chàm…) hoặc các vấn đề hệ thống miễn dịch (HIV/AIDS)… chị em cũng cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Khi sử dụng thuốc viêm âm đạo, cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn về liều lượng và thời gian dùng thuốc của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc khi thấy các triệu chứng thuyên giảm hoặc sử dụng toa thuốc của người khác. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi hiệu quả điều trị hoặc thay đổi phương pháp điều trị khác kịp thời và hiệu quả.
Chị em cần tuân thủ đúng hướng dẫn về loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc viêm âm đạo được chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng hoặc dùng toa thuốc của người khác.
Cách phòng ngừa viêm âm đạo tái phát
Thực tế có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng viêm nhiễm âm đạo khó điều trị dứt điểm như lạm dụng kháng sinh trong thời gian dài, vệ sinh vùng kín không đúng cách, suy giảm miễn dịch hoặc không kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị…
Tham khảo: Nguyên nhân viêm phụ khoa chữa mãi không khỏi
Bác sĩ Việt Bắc cho biết, để giải quyết triệt để viêm nhiễm âm đạo, bác sĩ thường kê toa thuốc trị viêm âm kết hợp hướng dẫn thay đổi lối sống và vệ sinh vùng kín đúng cách. Với những trường hợp tác nhân gây bệnh là nấm men, trùng roi… cần kết hợp điều trị ở cả bạn đời hoặc bạn tình để tránh lây nhiễm khiến bệnh kéo dài dai dẳng.
Các loại thuốc trị viêm âm đạo trên đây chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và không để lại biến chứng, chị em nên thăm khám sớm để được bác sĩ kiểm tra, xác định rõ tác nhân gây bệnh và tình trạng bệnh, từ đó có hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp và hiệu quả!