Tóc mọc nhanh hay chậm phụ thuộc vào cách chăm sóc tóc, chế độ ăn uống hàng ngày… của mỗi người. Nếu đang gặp tình trạng tóc mọc chậm, hãy tìm hiểu 33 cách kích thích mọc tóc nhanh hiệu quả dễ áp dụng cho cả nam và nữ qua bài viết dưới đây để mang lại mái tóc khỏe đẹp, mềm mượt.
Giai đoạn sinh trưởng của tóc như thế nào?
Tóc trải qua 3 giai đoạn sinh trưởng chính sau: (1)
1. Giai đoạn phát triển (anagen phase)
Giai đoạn tăng triển thường kéo dài 2 - 8 năm; riêng tóc của phụ nữ mang thai thường duy trì ở giai đoạn anagen vì vậy tóc luôn dày và bóng mượt hơn bình thường.
2. Giai đoạn chuyển tiếp (catagen phase)
Đây là thời kỳ chuyển tiếp khi giai đoạn trước kết thúc. Giai đoạn catagen thường kéo dài 4 - 6 tuần và tóc không rụng ở thời điểm này.
3. Giai đoạn nghỉ (telogen phase)
Đây là giai đoạn nghỉ ngơi và kéo dài khoảng 2 - 3 tháng. Ở thời kỳ thoái triển tóc sẽ rụng khi chải hoặc gội.
Tóc mọc chậm nguyên nhân do đâu?
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, một sợi tóc anagen mọc trung bình khoảng nửa inch (2,54 cm) mỗi tháng. Điều này tương đương với 12 inch (30 cm) trong một năm
Ngoài chu kỳ phát triển, tóc mọc chậm còn đến từ các nguyên nhân sau:
1. Thiếu vitamin
Vitamin đóng vai trò quan trọng với hoạt động của cơ thể. Một số chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của tóc bao gồm sắt, vitamin A, B, C và D, niacin (vitamin B3) và kẽm. Thiếu những vitamin này thường gặp ở những người ăn kiêng và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc.
2. Căng thẳng và bệnh tật
Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một số chất giúp chúng ta vượt qua áp lực. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm suy yếu khả năng chống lại bệnh tật và khả năng tự chữa lành vết thương từ đó làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng xấu đến các cơ quan quan trọng như tim, phổi, não,…và những cơ quan kém quan trọng hơn như da, nang lông - tóc…
3. Thuốc
Thuốc hóa trị có lẽ là loại phổ biến nhất liên quan đến sự phát triển của tóc. Chúng có thể gây ra kiểu rụng tóc Anagen Effluvium (AE) hoặc Telogen Effluvium (TE). Tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc làm loãng máu, thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn beta … có thể gây rụng và mỏng tóc.
4. Mất cân bằng hormone
Mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc ở phụ nữ. Nội tiết tố mất cân bằng có thể không được phát hiện trong nhiều năm gây nên rụng tóc, tóc mọc chậm không rõ nguyên nhân.
5. Sử dụng quá nhiều công cụ tạo kiểu tóc
Máy sấy, máy ép và máy uốn tóc là những công cụ khiến tóc trở nên yếu và dễ gãy. Nguyên nhân rụng tóc từ các máy tạo kiểu tóc sẽ khiến tóc mất nhiều thời gian để mọc so với bình thường.
6. Di truyền
Mặc dù chu kỳ phát triển của tóc của mỗi người khá giống nhau nhưng di truyền ảnh hưởng đến độ dài của tóc. Giai đoạn anagen kéo dài từ 2 - 7 năm. Đây là mức trung bình, một số người có chu kỳ ngắn hơn trong khi những người khác có chu kỳ dài hơn. Nếu bạn là người có chu kỳ ngắn hơn có thể gặp khó khăn trong việc muốn tóc mọc dài hơn.
33 cách kích thích mọc tóc dễ áp dụng cho cả nam và nữ
Để kích thích mọc tóc nhanh, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
1. Bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho tóc
Để cải thiện tình trạng rụng tóc, người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng các loại vitamin và khoáng chất cần thiết sau:
2. Vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B có tác dụng nuôi dưỡng, cung cấp độ ẩm cần thiết cho da đầu, giúp tóc mọc dày và nhanh dài hơn. Bổ sung vitamin B bằng các thực phẩm như ngũ cốc, rau lá xanh, nấm, lòng đỏ trứng gà, hải sản, gan động vật, bơ,…
3. Axit béo omega-3
Omega-3 giúp ích cho quá trình phát triển của tóc, tăng độ bóng mượt, khỏe mạnh từ gốc. Axit béo omega-3 có trong các loại cá (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích,…), quả hạch, dầu chiết xuất từ các loại hạt,…
4. Thực phẩm giàu đạm
80% protein của tóc dưới dạng keratin nên lượng đạm cung cấp cho nang tóc giảm sẽ dẫn đến quá trình mọc rút ngắn, sợi tóc trở nên yếu, khô, chẻ ngọn và dễ rụng hơn.
5. Vitamin D
Vitamin D có khả năng kích thích các tế bào mầm tóc phát triển, giúp mọc đúng chu kỳ, chắc khỏe và nhanh dài. Thực phẩm giàu vitamin D như cá da trơn, lòng đỏ trứng, phô mai, gan bò, sữa, ngũ cốc, hàu, tôm, nấm và bột yến mạch.
6. Vitamin E
Vitamin E có trong hạnh nhân, hạt dẻ, rau cải xanh, rau bina, dầu thực vật, bông cải xanh, đu đủ, kiwi, xoài, cà chua, ổi,… hỗ trợ da dầu khỏe mạnh, ngăn rụng, tạo độ bóng mượt và duy trì sự phát triển của tóc.
Bài viết liên quan: Rụng tóc uống vitamin gì? 10 loại vitamin tốt nhất cho sự phát triển của tóc
7. Hạn chế các loại thực phẩm có hại cho tóc
Thực phẩm không có lợi cho tóc, cần hạn chế như: thực phẩm phẩm chứa nhiều dầu mỡ và chất béo như bơ, đồ nướng, bánh quy, xúc xích,…; thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt; đồ uống chứa cồn như bia, rượu; cà phê…
Bài viết liên quan: Bị rụng tóc thiếu chất gì? Nên bổ sung gì cho tóc khỏe mạnh?
8. Ăn kiêng giảm cân khoa học
Chế độ ăn kiêng hà khắc, thậm chí bỏ bữa nhiều ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc tóc và rụng không kiểm soát. Do đó, để có vóc dáng và mái tóc khỏe đẹp, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào cơ thể hàng ngày nhưng vẫn đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết như đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất.
9. Massage da đầu
Massage da đầu ngoài giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng sẽ kích thích tóc mọc nhanh. Các động xoa bóp trên da đầu kích thích các mạch máu, tăng cường lưu thông máu, nhờ đó các chân tóc nhận được dưỡng chất và oxy tốt hơn, góp phần cải thiện rụng và kích thích mọc tóc.
10. Hạn chế tác động nhiệt lên tóc
Thường xuyên sấy tóc ở nhiệt độ cao hoặc sử dụng các máy tạo kiểu tóc bằng nhiệt sẽ khiến tóc hư tổn và gãy rụng theo thời gian. Do đó, để giữ mái tóc khỏe mạnh, hãy hạn chế tác động nhiệt lên tóc. Ngoài ra, sau khi gội đầu nên để tóc khô tự nhiên hoặc xịt một lớp dưỡng tóc trước khi tạo kiểu bằng nhiệt.
11. Hạn chế thay đổi kiểu tóc bằng các loại hóa chất tạo kiểu
Thường xuyên thay đổi kiểu tóc bằng các loại hóa chất làm như thuốc uốn, duỗi, nhuộm,… có thể làm biến đổi cấu trúc tóc, mất đi độ ẩm tự nhiên, khô xơ, hư tổn và gãy rụng. Do đó, nên hạn chế tác động lên tóc bằng các loại hóa chất tạo kiểu. Mỗi lần thay đổi kiểu tóc nên cách nhau ít nhất 6 tháng để cho tóc cho thời gian phục hồi và mọc dài ra.
12. Cắt tỉa tóc thường xuyên
Thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ phần tóc khô, chẻ ngọn giúp tóc trông khỏe khoắn và mọc đẹp hơn. Thời gian cắt tỉa tóc tốt nhất là khoảng 3 tháng/lần và nếu tóc khô xơ, chẻ ngọn phần đuôi nặng có thể tỉa tóc 6 tuần một lần.
13. Tránh buộc tóc quá chặt
Buộc tóc quá chặt, quá sát da đầu làm kéo căng chân tóc dẫn đến dễ rụng, giảm lượng máu lưu thông đến da đầu và ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc. Do đó, cần buộc tóc nhẹ nhàng, sử dụng dây buộc chất liệu vải mềm.
14. Gội đầu với tần suất phù hợp
Gội đầu là bước cần thiết giúp làm sạch tóc và da đầu nhưng gội đầu quá nhiều lại có thể gây hại cho tóc. Do đó, mỗi tuần chỉ nên gội đầu 2 - 3 lần hoặc 4 - 5 lần nếu làm công việc ngoài trời.
Để đảm bảo an toàn cho da đầu, kích thích mọc tóc tốt hơn nên lựa chọn loại dầu gội phù hợp với tính chất tóc và da đầu. Ưu tiên các loại dầu gội có thành phần thiên nhiên, an toàn, lành tính, cần tránh sử dụng các loại dầu gội công nghiệp có chứa các thành phần hóa học gây hại cho tóc như paraben, sodium laureth, propylene glycol,…
15. Sử dụng dầu xả sau mỗi lần gội đầu
Dầu xả có tác dụng cung cấp độ ẩm giúp tóc mềm mượt, giảm khô xơ, chẻ ngọn. Ngoài ra, trong dầu xả còn chứa dưỡng chất giúp nuôi dưỡng và kích thích tóc mọc. Do đó, sau khi gội đầu có thể sử dụng thêm dầu xả để tăng hiệu quả chăm sóc tóc.
16. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc, gây rụng. Do đó, cần kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái bằng cách sắp xếp công việc hợp lý, dành thời gian nghỉ ngơi, tích cực luyện tập thể dục thể thao để cơ thể giải phóng ra hormone endorphin (còn được gọi là hormone hạnh phúc) giúp tinh thần thư thái,…
17. Ngủ đủ giấc và bảo vệ tóc khi ngủ
Thức khuya, mất ngủ làm gia tăng gốc tự do trong cơ thể, tăng nguy cơ tổn hại sức khỏe da đầu, cản trở sự hình thành và phát triển của tóc. Vì vậy, cần ngủ đủ giấc (7 - 8 tiếng mỗi ngày) để khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần, kích thích mọc tóc khỏe đẹp.
Ngoài ra, khi đi ngủ nên thả tóc để hạn chế tác động và không ngủ khi tóc còn ướt sẽ hạn chế tình trạng gãy rụng.
18. Bỏ thuốc lá (nếu có)
Hút thuốc lá làm giảm lưu thông máu trong cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của các nang tóc, làm suy yếu tế bào mầm tóc và khiến tóc mọc chậm, dễ rụng. Vì vậy, hãy từ bỏ thuốc lá để tránh tóc rụng nghiêm trọng hơn.
19. Tìm hiểu kỹ các tác dụng phụ trong các loại thuốc sử dụng
Các loại thuốc có thể gây tác dụng phụ rụng tóc khi sử dụng như: thuốc kháng nấm, chống đông máu, hạ cholesterol, ức chế miễn dịch, trị cao huyết áp, chống trầm cảm, điều trị rối loạn tuyến giáp,… Vì vậy, khi sử dụng thuốc điều trị bệnh nếu thấy tóc rụng bất thường hãy trao đổi với bác sĩ để có hướng khắc phục thích hợp.
20. Sử dụng keratin
Keratin là một loại protein tự nhiên tạo nên và bảo vệ tóc. Do đó, phương pháp chăm sóc tóc bằng cách uống bổ sung keratin, ủ tóc bằng keratin sẽ giúp kích thích mọc tóc nhanh hơn.
21. Sử dụng thuốc bôi ngoài minoxidil
Hiện thuốc Minoxidil được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị rụng tóc bằng cách bôi trực tiếp lên da đầu. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như kích ứng, nổi mẩn đỏ, bong tróc da đầu. Do đó, người bệnh chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.
22. Kích thích mọc tóc bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Liệu pháp PRP giúp kích thích mọc tóc bằng cách tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào da đầu để kích hoạt sự phát triển của nang tóc. Tuy nhiên, phương pháp cần tiêm định kỳ 3 - 6 tháng một lần.
23. Kích thích mọc tóc bằng các nguyên liệu tự nhiên
23.1 Dầu dừa
Dầu dừa cung cấp một lượng lớn vitamin E, omega-3 và acid lauric (acid béo bão hòa) giúp dưỡng ẩm, hỗ trợ mọc tóc.
23.2 Dầu oliu
Dầu oliu rất giàu axit béo và vitamin E, A, K, D giúp bổ sung các vitamin cần thiết cho nang tóc và phục hồi hư tổn. Ngoài ra, dầu oliu còn cải thiện tình trạng gãy, hỗ trợ cho tóc mọc nhanh chắc khỏe.
23.3 Trứng gà
Trong trứng gà chứa hàm lượng protein, chất béo, vitamin (A, D, K, B12), folate, kali, sắt kẽm, magie… Dưỡng chất cần thiết cho sức khoẻ và sự phát triển của tóc.
23.4 Sữa chua
Protein có trong sữa chua có khả năng nuôi dưỡng, kích thích mọc tóc. Ngoài ra, sữa chua còn chứa axit lactic giúp tăng lưu thông máu trên da đầu, cung cấp chất dinh dưỡng giúp tóc mọc chắc khỏe.
23.5 Nha đam
Nha đam chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất giúp dưỡng ẩm, thúc đẩy sự phát triển tóc, chắc khỏe và suôn mượt.
23.6 Bồ kết
Bồ kết chứa chất saponaretin, flavonoid có tính kháng khuẩn và ngăn rụng tóc. Từ xưa nhiều người đã dùng bồ kết để gội đầu và đến nay luôn góp mặt trong các sản phẩm hóa mỹ phẩm dầu gội.
23.7 Vitamin B1
Vitamin B1 ngoài là chất xúc tác quan trọng trong quá trình trao đổi chất còn giúp tế bào mầm tóc phát triển khỏe mạnh.
23.8 Cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu có khả năng để kích thích mọc tóc, tránh bết và suôn mượt.
23.9 Dầu cá
Dầu cá chứa nhiều omega-3, omega-6 và chất chống oxy hóa hỗ trợ mọc tóc, ngăn gãy rụng và đem lại mái tóc suôn mượt.
23.10 Tinh dầu bưởi
Tinh dầu bưởi chứa nhiều vitamin C, A, các pectin và các men có lợi như amylase, peroxydaza,… có công dụng trị gàu, kích thích mọc tóc và tăng độ bóng mượt.
Nên làm gì để giảm tình trạng gãy rụng tóc nhiều mỗi ngày
Để giảm rụng tóc mỗi người nên thực hiện các biện pháp sau:
1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng với đa dạng các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho tóc như vitamin A, D, B5, B6, kẽm, sắt, selen,…. giúp tóc mọc nhanh và ngăn gãy rụng. Ngoài ra cần tránh các chất kích thích rượu bia, cafe, thuốc lá,… để tóc phát triển khỏe mạnh.
2. Xây dựng lối sống khoa học
Ngoài ăn các loại thực phẩm bổ sung để kích thích tóc cần tránh các hoạt động như thay đổi nhiều kiểu tóc, thức khuya, tâm trạng căng thẳng,… sẽ góp phần hỗ trợ tóc rụng.
3. Thay đổi thuốc điều trị
Nếu đang uống thuốc để điều trị bệnh mà nhận thấy tóc rụng nhiều cần thông báo với bác sĩ để đổi thuốc khác phù hợp hơn.
4. Bảo vệ tóc
Ánh nắng dễ làm tóc khô, xơ và dễ gãy rụng. Do đó, khi ra ngoài hoặc làm việc nhiều giờ dưới ánh nắng, hãy đội mũ rộng vành và thoa sản phẩm dưỡng tóc để bảo vệ tóc.
5. Tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc tóc đúng cách
Tuân thủ các bước chăm sóc như tẩy tế bào chết, gội đầu, xả tóc, ủ mặt nạ và thoa kem dưỡng giúp tóc phục hồi, tăng bộ bóng và mềm mượt.
Các câu hỏi thường gặp về quá trình mọc tóc
1. Làm sao để tóc mọc dày hơn?
Để tóc mọc dày hơn, phát triển khỏe mạnh, cần kết hợp chăm sóc tóc từ trong ra ngoài như: Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm có lợi cho sự phát triển của tóc, hạn chế hóa chất làm tóc, tránh sấy tóc ở nhiệt độ cao, bảo vệ da đầu trước tác động của tia UV, gội và chải tóc đúng cách,… Đặc biệt, nên tăng cường các dưỡng chất giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy tế bào mầm tóc phát triển khỏe mạnh.
2. Thời điểm nào thì tóc mọc nhanh nhất?
Hiện, chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định vào thời điểm nào tóc mọc nhanh nhất. Tóc mọc nhanh hay chậm tùy thuộc vào sức khỏe và sự chăm sóc của mỗi người, không phụ thuộc vào thời điểm nào.
3. Kiểu tóc nào tốt cho sự phát triển của tóc?
Kiểu tóc tốt cho sự phát triển của tóc là kiểu tóc tự nhiên, không tiếp xúc nhiều với hóa chất làm tóc.
4. Làm sao để ngăn gãy rụng tóc khi giảm cân?
Nếu giảm cân, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào cơ thể hàng ngày (từ 1200 - 1600 Kcal/ngày) nhưng vẫn đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng, bao gồm đạm, bột đường, béo, vitamin và khoáng chất để nuôi cơ thể và duy trì vẻ đẹp của mái tóc.
Kết hợp luyện tập các môn thể thao như: gym, chạy bộ, bơi lội, yoga… giúp tiêu hao năng lượng, đốt cháy mỡ thừa, đồng thời giúp trao đổi chất và tăng lưu thông máu, kích thích mọc tóc hiệu quả.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về rụng tóc, hói đầu cùng nhiều phác đồ, kỹ thuật mới, máy móc nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu - Mỹ để kích thích tóc mọc trở lại, cải thiện tình trạng rụng.
Bài viết trên đã cung cấp thông tin bổ ích về vitamin, khoáng chất cần thiết cùng những cách kích thích mọc tóc nhanh, hy vọng mỗi người sẽ biết cách chăm sóc và cải thiện được tình trạng rụng tóc. Song đó chỉ là các biện pháp hỗ trợ, nếu người bệnh đang gặp tình trạng rụng tóc cần đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp do rụng tóc có thể đến từ các bệnh tiềm ẩn khác.