1. xét nghiệm GOT là gì?
GOT là một loại enzyme được gan tiết ra, đảm nhận vai trò trao đổi amin (transaminase) đồng thời tham gia vào các hoạt động chuyển hóa và tổng hợp của cơ thể. Ngoài ra, enzyme GOT còn được tìm thấy cơ xương và tim.
Tiến hành xét nghiệm kiểm tra chỉ số Enzyme GOT
Đây là xét nghiệm được chỉ định đánh giá chức năng gan. Khi gan bị tổn thương, một lượng lớn các men gan được sản xuất dẫn đến tình trạng chỉ số men gan cao và được giải phóng một lượng vào máu.
Xét nghiệm này được tiến hành để đo lường nồng độ enzyme GOT có trong huyết tương, từ đó đánh giá được tình trạng và mức độ tổn thương mà gan đang gặp phải. Do đó, xét nghiệm GOT được xem là một trong những xét nghiệm có giá trị cao trong việc phát hiện các bệnh lý về gan hoặc các chấn thương có khả năng gây tổn hại đến gan.
Tùy từng trường hợp, dựa vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà xét nghiệm có thể được làm riêng biệt hoặc kết hợp với một số xét nghiệm khác để đánh giá tổng quát chức năng và phát hiện các thương tổn ở gan.
2. Xét nghiệm GOT được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm này được chỉ định khi bệnh nhân có các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ tổn thương gan sau:
2.1. Cổ trướng
Cổ trướng là tình trạng vùng bụng tích tụ nhiều nước và dịch lỏng. Biểu hiện thường gặp là vùng bụng và chân sưng to. Nguyên nhân chính gây ra cổ trướng là do sử dụng các loại chất kích thích như bia rượu, thuốc lá thường xuyên trong thời gian dài, gây tổn thương gan.
Bia, rượu gây tổn thương gan
2.2. Vàng da
Một trong những dấu hiệu đặc trưng và dễ nhận dạng nhất của các bệnh lý về gan là vàng da. Người bệnh có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, nước tiểu màu vàng sậm, phân nhạt màu. Vàng da thường là dấu hiệu của việc bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.
2.3. Đau vùng bụng bên phải
Vị trí của gan thường xuyên xuất hiện các cơn đau, co thắt, đau âm ỉ, nếu sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, gan có thể bị tổn thương nặng hơn.
2.4. Mệt mỏi kéo dài, không tập trung
Gan có chức năng dự trữ glycogen sau đó chuyển hóa thành glucose để cung cấp năng lượng đến các tế bào trong cơ thể. Khi chức năng gan bị ảnh hưởng và không cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài.
Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác không được đề cập đến. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến các bệnh lý gan hay suy giảm chức năng gan, bạn nên chủ động đến các cơ sở y tế, thăm khám và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe bản thân, người thân và xã hội.
Xét nghiệm GOT được chỉ định khi nào?
3. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm
Trong bệnh lý về gan, chỉ số GOT là cơ sở để bác sĩ có thể chẩn đoán các tổn thương của gan. Đồng thời, GOT giúp theo dõi quá trình và hiệu quả điều trị của các bệnh lý về gan. Ngoài ra, GOT còn có ý nghĩa trong theo dõi, chẩn đoán bệnh lý cơ tim.
3.1. Chỉ số enzym GOT tăng nhẹ
Gan bị tổn thương do viêm gan virus cấp, kéo dài sẽ dẫn đến viêm gan mãn tính, chưa xuất hiện vàng da, chỉ số enzym GOT tăng sau 2 tuần nhiễm bệnh. Chỉ số GOT tăng mạnh khoảng 5 lần, có thể tế bào mô gan đang bị phá hủy.
3.2. Chỉ số enzym GOT tăng mạnh
Chỉ số enzym GOT tăng cao thường gấp hơn 100 lần chỉ số bình thường là dấu hiệu cảnh báo viêm gan do nhiễm độc.
- Nhiễm độc gan do bia, rượu,...
- Nhiễm độc do các chất hóa học gây nên.
- Tắc ống mật do sỏi mật, chỉ số enzym GOT có thể tăng mạnh khoảng 2000 UI/L.
- Khi bị nhồi máu cơ tim cấp tính chỉ số enzym GOT cũng tăng cao.
- Trường hợp, hoại tử tế bào mô gan, xơ gan, ung thư gan,... chỉ số enzym GOT đạt 1000 UI/L.
-Trong trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông máu hoặc sử dụng thuốc ngừa thai cũng khiến chỉ số này tăng lên.
4. Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Chỉ số enzym GOT trong máu tăng ngoài do các vấn đề về gan còn có thể do một số yếu tố bên ngoài tác động. Vì vậy, cần loại bỏ yếu tố ảnh hưởng để có kết quả đánh giá chính xác nhất.
- Quá trình lấy mẫu và bảo quản mẫu xét nghiệm không đảm bảo dẫn đến tình trạng vỡ hồng cầu.
- Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chỉ số GOT trong máu như thuốc allopurinol, acetaminophen, trifluoperazine, metronidazol,... hay một số kháng sinh, thuốc tránh thai,...
Để kết quả xét nghiệm chính xác nhất, đảm bảo kiểm tra được tình trạng tổn thương gan, suy giảm chức năng gan, khi tiến hành xét nghiệm, bạn cần tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu và chỉ dẫn của bác sĩ cũng như thông báo về các loại thuốc mình đang sử dụng tính đến thời điểm xét nghiệm.
5. Các đối tượng nên làm xét nghiệm GOT
Bất kỳ ai cũng có thể làm xét nghiệm GOT để kiểm tra sức khỏe gan. Tuy nhiên, một số trường hợp được khuyến cáo nên làm xét nghiệm này là:
- Có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý về gan như: ung thư gan, xơ gan,...
- Bệnh nhân đang mắc viêm gan virus như: viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C,...
- Người thường xuyên sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá trong thời gian dài.
- Người mắc các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh tiểu đường, béo phì, mỡ trong máu,...
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài.
- Người rối loạn giấc ngủ, stress, căng thẳng kéo dài liên tục,...
Hạn chế sử dụng bia, rượu để có một lá gan khỏe mạnh
Xét nghiệm GOT là xét nghiệm có giá trị cao trong phục vụ chẩn đoán các bệnh lý về gan. Nếu người bệnh có những triệu chứng nghi ngờ, hãy thực hiện xét nghiệm GOT để phát hiện bệnh kịp thời, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.