Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi -Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh dại do virus lây truyền từ động vật sang người. Do đó, khi bị động vật chó, mèo cắn mà không tiêm vắc-xin phòng dại cho người và điều trị đúng phác đồ thì nguy cơ tử vong là rất cao.
1. Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus lây truyền từ động vật sang người. Virus dại chủ yếu lây truyền từ nước bọt của động vật sang người. Do đó, khi bị động vật mang virus dại cắn hoặc cào khiến da bị trầy xước, thậm chí là liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy máu hoặc lớp niêm mạc miệng và mũi của người thì người đó có thể đã bị nhiễm virus.
Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Thời kỳ lây truyền ở động vật là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi động vật có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, virus đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.
Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
2. Trường hợp nào cần tiêm ngừa dại sau khi bị chó cắn?
Bệnh dại hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và tỉ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, sau khi bị chó, mèo cắn cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh.
Những trường hợp cần tiêm phòng dại sau khi bị mèo cắn, chó cắn:
- Động vật gây ra vết cắn/ cào chảy máu; vết cắn/ cào sâu, nhiều vết; vết cắn/ cào gần thần kinh trung ương (như đầu, mặt, cổ), ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục.
- Động vật gây ra vết xước, liếm trên vùng da bị tổn thương, niêm mạc.
- Động vật tại thời điểm cắn người có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được động vật sau khi cắn người.
3. Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó cắn
Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó cắn. Để ngăn ngừa dại, người bệnh cần:
- Sau khi bị chó cắn, cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch.
- Sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Sau đó đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng ngừa dại, ngay cả đối với vết cắn, vết cào nhẹ. Tiêm vắc-xin sớm để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, tốt nhất, tiêm trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn.
Tóm lại, bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, không có thuốc điều trị đặc hiệu và có nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khi bị động vật dại cắn hay bất kỳ động vật nào nghi ngờ bị dại cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tiêm phòng vắc-xin, điều trị phơi nhiễm kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.