1. Nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng bất thường, nhiều lần trong ngày kèm theo các triệu chứng đau bụng do rối loạn tiêu hóa gây ra. Hiện tượng tiêu chảy được chia thành nhiều loại gồm: tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mạn tính, tiêu chảy thẩm thấu và tiêu chảy xuất tiết .
Một số nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy:
- Đường ruột bị nhiễm vi sinh vật gây hại: Các loại ký sinh trùng, vi khuẩn, virus,... khi xâm nhập vào cơ thể mang theo mầm bệnh, kích thích mô ruột gây ra ổ viêm nhiễm. Các loại vi khuẩn như Salmonella, Clostridium, khuẩn tụ cầu,... phần lớn tồn tại trong thực phẩm kém vệ sinh và ký sinh trùng thường tồn tại trong các món ăn như gỏi cá sống, rau sống, thịt tái,...
- Thực phẩm và điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy. Các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trong quá trình bảo quản, chế biến tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và khi đưa vào cơ thể dễ gây tiêu chảy. Đồng thời, điều kiện không gian sinh hoạt như nhà vệ sinh không được làm sạch thường xuyên hoặc dùng chung với người tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến.
Sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân thường xuyên gây tiêu chảy
- Cơ thể dị ứng với thực phẩm: phổ biến nhất là ở cơ địa dị ứng với thành phần lactose trong sữa.
- Rối loạn hệ vi sinh trong ruột: sau thời gian sử dụng thuốc kháng sinh khiến các nhóm lợi khuẩn bị tiêu diệt làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng và tăng nhu động ruột, từ đó gây ra triệu chứng tiêu chảy.
- Các nguyên nhân khác như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích,...
2. Tiêu chảy ăn gì thì tốt?
Có thể thấy, việc ăn uống kém vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy và vì thế tiêu chảy ăn gì luôn là câu hỏi của nhiều người khi gặp tình trạng này.
Tiêu chảy ăn gì để nhanh hồi phục là thắc mắc của nhiều người.
2.1. Thực phẩm dễ tiêu hóa
Các món ăn dễ tiêu hóa luôn là ưu tiên hàng đầu trong thực đơn dành cho người đang bị tiêu chảy. Cơm trắng, cháo trắng không chỉ dễ tiêu hóa mà còn giúp cung cấp năng lượng và chống đói cho cơ thể. Ngoài ra, người bị tiêu chảy có thể ăn bánh mì trắng để giúp giảm dịch vị trong dạ dày, đường ruột. Các món ăn này giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ và tiêu hóa, đồng thời, độ thanh đạm giúp đường ruột giảm tải hoạt động trong quá trình hồi phục.
Cơm, cháo lỏng giúp cơ thể dễ hấp thu và giữ năng lượng hiệu quả
2.2. Trái cây tốt cho hệ tiêu hóa
Một số loại trái cây với hàm lượng chất xơ vừa phải, giàu vitamin, khoáng chất giúp bổ sung lượng khoáng chất, nước bị mất khi tiêu chảy cũng rất tốt cho người bị tiêu chảy. Ngoài ra, lượng đường trong các loại trái cây giúp tạo năng lượng cho cơ, hạn chế tình trạng mất sức, mệt mỏi do tiêu chảy.
Các loại trái cây thường được khuyên dùng khi tiêu chảy như: chuối, táo, ổi,... Hạn chế sử dụng các loại trái cây có vị chua hoặc nhiều chất xơ sẽ gây khó tiêu và tình trạng tiêu chảy có thể nghiêm trọng hơn.
2.3. Các loại thịt giàu protein, ít béo
Trong khẩu phần ăn của người bị tiêu chảy luôn cần cân bằng các dưỡng chất để giúp cơ thể mau hồi phục và trong đó, không thể thiếu các loại protein từ thịt, trứng.
Thịt heo, thịt gà là 2 loại thịt lành tính, giàu protein dễ tiêu hóa, phù hợp với người bị tiêu chảy. Hạn chế sử dụng các loại thịt bò hoặc các loại thịt động vật khác sẽ gây khó tiêu khi hệ tiêu hóa đang yếu. Đối với thịt heo, thịt gà nên chọn phần thịt nạc, ít mỡ và khi chế biến nên thái nhỏ và nêm nếm gia vị vừa phải, không quá mặn để người bệnh không bị nhạt miệng và cơ thể dễ hấp thu hơn.
Thịt heo, thịt gà giàu protein, ít béo giúp tránh bị mất sức khi tiêu chảy
2.4. Sữa chua, sữa lợi khuẩn
Thực đơn đầy đủ dưỡng chất dành người bị tiêu chảy không thể thiếu thực phẩm bổ sung lợi khuẩn là sữa chua hoặc các loại sữa lợi khuẩn. Tăng cường vi khuẩn có lợi trong thực đơn sẽ giúp cải thiện tình trạng tăng nhu động ruột cũng như tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
Người bị tiêu chảy thường phải ăn chế độ ít gia vị, dầu mỡ, sữa chua sẽ giúp thay đổi khẩu vị, giảm tình trạng thèm ăn vặt. Có thể kết hợp sữa chua với các loại trái cây để bổ sung vitamin cho cơ thể.
Sữa chua, sữa lợi khuẩn giúp tăng cường sức đề kháng bảo vệ đường ruột
3. Người tiêu chảy kiêng ăn gì?
Sau khi đã giải đáp thắc mắc tiêu chảy ăn gì, điều người bệnh cần quan tâm tiếp theo là những món nên kiêng trong thời gian này để giúp cơ thể mau hồi phục về trạng thái bình thường. Một số thực phẩm nên kiêng ăn khi bị tiêu chảy:
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ như các món chiên xào, thịt mỡ sẽ gây tình trạng đầy hơi, khó tiêu và tăng kích thích co bóp của ruột khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn.
- Hạn chế ăn các loại bánh kẹo ngọt vì cũng có thể gây kích thích đường ruột.
- Thức ăn sống, chưa chín thường chứa nhiều vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây hại cho đường ruột đặc biệt đối với người đang bị tiêu chảy với hệ tiêu hóa yếu.
- Rau củ quả nhiều xơ dù rất tốt nhưng không phù hợp với người bị tiêu chảy. Vì những loại rau củ quả này không chỉ dễ sinh khí, khó tiêu mà lượng bã nhiều còn khiến ruột phải tăng cường co bóp, hoạt động và điều này khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi bị tiêu chảy.
- Sữa chứa thành phần lactose không nên dùng đối với trường hợp nghi ngờ tiêu chảy do dị ứng lactose. Thay vào đó có thể sử dụng sữa không chứa lactose hoặc nước gạo, nước cơm để đảm bảo an toàn cho đường ruột.
- Thức ăn cay, nóng tạo cảm giác kích thích tăng nhu động ruột từ đó không chỉ gây khó chịu dạ dày mà còn khiến tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
- Rượu bia hoặc thức uống có cồn thường có hàm lượng carbohydrate cao và có hiện tượng lên men khi đưa vào cơ thể. Điều này khiến ruột sẽ tích tụ nhiều khí gây đầy hơi, đi ngoài nhiều hơn.
4. Lưu ý khi chăm sóc người bị tiêu chảy
- Bổ sung đủ nước để tránh cơ thể bị kiệt sức do mất nước khi bị tiêu chảy bằng các loại nước lọc, nước khoáng, nước bù khoáng,...
- Hạn chế làm việc quá sức và tăng cường nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục
- Đảm bảo ăn uống đủ bữa để giữ năng lượng cần thiết cho cơ thể.
- Uống các loại trà ấm như trà hoa cúc, trà gừng,... để làm ấm dạ dày, ruột giúp tiết chế nhu động ruột và giảm cảm giác đau bụng.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực toilet, nhà tắm để tránh lây nhiễm.
- Luôn dùng thực phẩm đã nấu chín và hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn đóng hộp.
- Nên ăn từ thực phẩm dạng lỏng trong thời gian đầu và chuyển dần sang các món ăn đặc để cơ thể làm quen từ từ với thức ăn.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn để giúp giảm áp lực tiêu thụ lượng lớn thức ăn cho dạ dày và ruột.
- Hạn chế vận động mạnh, thể thao dễ gây mất sức, thay vào đó người bệnh có thể vận động đi bộ nhẹ để tránh uể oải do ngồi hoặc nằm thường xuyên.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh giúp người tiêu chảy hồi phục nhanh hơn
Hy vọng những thông tin chi tiết trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn tiêu chảy ăn gì và kiêng gì. Khi gặp tình trạng tiêu chảy, ngoài việc cẩn thận trong thực đơn ăn uống thì người bệnh cũng cần kiểm tra nguyên nhân cũng như tình trạng sức khỏe tại cơ sở y tế uy tín, chất lượng như chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn chi tiết hơn.