Thai 25 tuần là mấy tháng?
Thai 25 tuần tương đương mấy tháng? Là thai gần 6 tháng rồi mẹ (khoảng 5 tháng 23 đến 25 ngày). Mẹ vẫn đang ở tam cá nguyệt thứ hai. Và còn 15 tuần thai nữa đang đợi mẹ phía trước. Trong bài viết này, POH sẽ cùng mẹ tìm hiểu về thai 25 tuần.
Thai 25 tuần tuổi, mẹ thấy ra sao?
Nhiều mẹ đã cảm nhận được thai máy từ mấy tuần trước rồi. Còn với những mẹ mang thai lần đầu thì cuối cùng đã nhận biết được dấu hiệu thai máy từ tuần này rồi.
Ở tuần này, các triệu chứng cũ vẫn còn, ví dụ như cơn gò Braxton Hicks, chuột rút, ngạt mũi và thị lực kém đi.
Ngoài ra tuần thai 25 của mẹ sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng mới dưới đây:
Tim đập nhanh
Trong suốt thai kỳ, tim mẹ làm việc nhiều hơn vì phải bơm thêm lượng máu nhiều hơn tới 50% so với lúc chưa mang thai. Tốc độ bơm máu trong thời kỳ mang thai cũng nhanh hơn 15% so với bình thường. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng nhận thấy sự thay đổi này.
Tim đập nhanh là một triệu chứng phổ biến đối với phụ nữ mang thai. Cảm giác đó giống như tiếng cánh bướm đập, tiếng thình thịch, tiếng nhảy dây trong lồng ngực.
Có thể mẹ sẽ cảm thấy hơi sợ, nhưng mẹ yên tâm nhé. Thường thì triệu chứng này không nguy hiểm đâu ạ. Nhưng trong lần đi khám thai sắp tới, mẹ nên thông báo với bác sĩ về tình trạng của mình để bác sĩ có thêm thông tin về diễn biến thai kỳ của mẹ.
>> Thai 26 tuần phát triển như thế nào?
>> Thai 27 tuần - não bộ em bé với những liên kết thần kinh phức tạp
Ngứa ở bụng và ngực
Ngứa ngáy là một triệu chứng mà 20-40% các mẹ bầu gặp phải ở tuần thai thứ 25. Thường thì mẹ sẽ thấy ngứa ở bụng và hai bên ngực. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng cơn ngứa xuất hiện ở các bộ phận khác trên cơ thể.
Nguyên nhân gây nên cảm giác ngứa ngáy trong thai kỳ vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có thể sự thay đổi hóc-môn trong thai kỳ, sự rạn da và khô da có ảnh hưởng phần nào.
Tóc dày hơn
Ở tuần này, mái tóc của mẹ trông dày dặn và bóng mượt lắm. Không phải là tóc mẹ tóc dày hơn đâu mà là nhờ sự thay đổi hóc môn giúp tóc đỡ rụng hơn. Mẹ ơi, hãy tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời này trước khi đối mặt và chấp nhận tình trạng rụng tóc.
Ra nhiều khí hư
Thai 25 tuần ra nhiều khí hư là do hóc-môn thay đổi trong cơ thể. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường nên mẹ không nên quá lo lắng, tránh ảnh hưởng đến tâm lý.
Chỉ trong trường hợp khí hư ra nhiều bất thường, có mùi hôi, màu lạ (vàng, xanh, nâu) thì mẹ nên đi khám.
Thai 25 tuần phát triển như thế nào?
Các chỉ số của thai nhi 25 tuần tuổi
- Thai 25 tuần nặng bao nhiêu? Thai 25 tuần nặng khoảng 778g
- Thai 25 tuần cơ thể dài bao nhiêu? Chiều dài từ đỉnh đầu đến mông khoảng 22,4cm, chiều dài cả cơ thể khoảng 31,8cm.
- Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh theo tuần thai: ở tuần 25 là khoảng 58
- Chu vi đầu: 220
- Chu vi vòng bụng thai 25 tuần: 217
Lưu ý: Các chỉ số này chỉ mang tính chất tương đối, mỗi bé sẽ có một chỉ số khác nhau.
Hình ảnh thai 25 tuần
Các bộ phận phát triển như thế nào?
Tóc
Các sợi tóc tơ lơ thơ, mềm và mỏng của bé đang hoàn thiện và mọc ổn định trên da đầu.
Các tế bào hồng cầu
Trong giai đoạn trước, gan của bé đã thực hiện chức năng sản xuất các tế bào hồng cầu. Đến tuần 21, tuỷ xương tiếp nhận vai trò quan trọng này. Sau tuần thai thứ 24, tủy xương là nơi sản xuất chính các tế bào hồng cầu trong cơ thể của thai nhi.
Khứu giác
Ở tuần này, em bé đã có khứu giác. Bé có thể ngửi thấy các mùi vị và hương thơm có trong nước ối.
Phổi
Phổi của thai nhi trải qua 4 giai đoạn phát triển. Tuần 25, giai đoạn phát triển thứ hai đã hoàn thành. Các nhánh phổi, các ống dẫn nhỏ và các mao mạch đã được hình thành.
Phải trải qua thêm hai giai đoạn nữa thì phổi của bé mới hoàn thiện hẳn. Và giai đoạn cuối cùng kéo dài đến thời thơ ấu của bé.
Vị trí thai 25 tuần
Thai 25 tuần máy nhiều và mạnh mẽ hơn. Không gian trong bụng mẹ cũng còn khá thoải mái nên em bé có được thỏa sức di chuyển. Vị trí thai 25 tuần không cố định. Có khi bé ở tư thế đầu hướng lên ngực mẹ, mông hướng xuống phía xương chậu của mẹ. Có khi lại quay đầu xuống phía dưới.
Vị trí thai nhi không cố định ở giai đoạn dưới 28 tuần được gọi là ngôi thai di động. Do vậy, hiện tượng thai nhi 25 tuần đạp bụng dưới hay đạp bụng bên trái là điều dễ hiểu.
Thai 25 tuần máy như thế nào?
Thai 25 tuần máy bao nhiêu lần 1 ngày? Trung bình mỗi ngày, nhịp thai máy rơi vào khoảng 16-45 lần. Và khoảng cách tối đa giữa các lần thai máy là khoảng 50-75 phút.
Ở những tuần gần đây, thai máy đã rõ ràng hơn. Vì vậy, mẹ nên theo dõi nhịp thai máy. Nếu thai nhi 25 tuần ít đạp hơn mức trung bình thì có thể đó là dấu hiệu thai yếu.
Để hiểu rõ hơn về sự lớn lên của bé yêu trong giai đoạn này thì bạn đừng bỏ qua bài viết thai nhi tuần thứ 25 của POH nhé.
Hình ảnh thai nhi 25 tuần trong bụng mẹ
Thai 25 tuần sinh non có sao không?
Mỗi tuần trôi qua, khả năng sống sót khi sinh non của bé càng cao hơn. Tuy nhiên, nếu em bé sinh non vào tuần thứ 25 thì vẫn còn quá yếu.
Trẻ sinh non sẽ gặp các vấn đề về sức khoẻ và cần được chăm sóc đặc biệt tại cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh chuyên sâu (NICU) trong vòng vài ba tháng sau khi chào đời.
Khoảng 67% - 76% trẻ sinh non ở tuần 25 có cơ hội sống khi được chăm sóc chuyên sâu sau sinh.
Bầu 25 tuần nên làm gì?
Thai 25 tuần siêu âm 4D được không?
Nếu mẹ vừa siêu âm 4D ở tuần thai 23 hoặc tuần 24 thì không nhất thiết phải siêu âm 4D thai 25 tuần nữa. Chưa có bằng chứng cho thấy siêu âm nhiều ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng nếu siêu âm liên tục thì mẹ sẽ mệt mỏi vì phải đi lại và tiến hành nhiều thủ tục.
Nếu các tuần gần đây chưa siêu âm thì mẹ nên siêu âm thai 25 tuần để biết thai 25 tuần như thế nào, đang phát triển ổn định hay không.
Thai 25 tuần nên ăn gì?
Tuần 25 là giai đoạn mà em bé phát triển mạnh mẽ về thể chất và não bộ. Do đó, mẹ không thể nào không đầu tư các dưỡng chất quan trọng cho bé. Thức ăn của mẹ chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho bé yêu trong bụng.
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh và đủ chất luôn luôn là “chân ái” dù mẹ đang ở tuần thai nào.
Vậy thai nhi tuần 25 cần bổ sung gì? Thai 25 tuần mẹ ăn gì để bé khỏe mạnh và thông minh? Các dưỡng chất quan trọng mẹ cần bổ sung để nuôi dưỡng em bé đang lớn nhanh trong bụng bao gồm:
- Canxi và vitamin D: hỗ trợ sự chắc khỏe của xương và răng, sự khỏe mạnh của tim, hệ thần kinh và cơ bắp. Canxi có nhiều trong các sản phẩm từ sữa, đậu nành, cải bó xôi, rau dền…Còn Vitamin D thì có trong cá, trứng, sữa tăng cường…
- Omega 3: “trợ thủ đắc lực” cho sự phát triển mạnh mẽ của não bộ. Omega 3 có nhiều trong các loại cá, đặc biệt là cá béo, các loại hạt (hạt óc chó, hạt bí, hạt hướng dương…)...
- Protein: là dưỡng chất quan trọng bậc nhất có vai trò duy trì và tái tạo các tế bào của cơ thể. Trứng, yến mạch, sữa, bông cải xanh, ức gà… đều là những thực phẩm giàu protein.
- Kẽm: hỗ trợ tái tạo tế bào mới, hỗ trợ quá trình hoàn thiện các bộ phận trên cơ thể. Kẽm có nhiều trong ngũ cốc, nấm hương, các loại thịt đỏ…
- Axit folic có vai trò sản xuất và duy trì các tế bào mới của thai nhi. Mẹ có thể bổ sung axit folic thông qua các thực phẩm như gan, trứng, các loại quả mọng, rau có lá màu xanh đậm…
Thai 25 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg là hợp lý?
Kể từ tam cá nguyệt thứ hai, mỗi tuần mẹ nên tăng đều 0,5kg. Tất nhiên là mức cân này không áp dụng cho tất cả các mẹ vì số cân nặng trong thai kỳ phụ thuộc vào cơ địa của mẹ. Mẹ nên nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn mức cân tăng phù hợp.
>> 9 bí quyết mẹ bầu ăn vào con, không vào mẹ
Thực hành thai giáo cho con
Nếu ba mẹ đang ước muốn về một em bé hoạt bát, nhanh nhẹn, phát triển khỏe mạnh và thông minh sau này thì hãy bắt đầu thai giáo cho con khi con còn ở trong bụng mẹ.
Em bé 25 tuần trong bụng mẹ đã tiếp nhận và phản ứng lại với các nguồn kích thích bên ngoài. Nếu bỏ qua việc tương tác lại với con ở giai đoạn này thì ba mẹ đang bỏ lỡ cơ hội giúp con phát triển tối ưu tiềm năng về thể chất, tính cảm và tinh thần sẵn có của em bé.
Tại POH Thai giáo, ba mẹ sẽ được hướng dẫn thực hành thai giáo đúng cách, đúng thời điểm và thường xuyên từ thai giáo ánh sáng, thai giáo vận động đến thai giáo âm nhạc sáng - tối, thai giáo mỹ thuật…
Thai giáo chính là quỹ đầu tư tuyệt vời mà ba mẹ dành cho bé yêu trước khi chào đời.