Hyundai thâu tóm Kia - định hình xe Hàn quốc dân

Khi Kia lâm vào khủng hoảng hơn 20 năm trước, chính phủ Hàn Quốc hy vọng Ford sẽ mua lại, nhưng giành chiến thắng là cái tên nội địa Hyundai.

20 năm sau khi Chung Ju-Yung thành lập Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Hyundai, công ty Hyundai Motor ra đời năm 1967. Nhưng nguồn lực của tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc lúc bấy giờ chưa đủ để giúp Hyundai Motor độc lập tạo ra chiếc xe đầu tiên cho riêng mình. Họ tìm mối lương duyên với công ty xe hơi Mỹ, Ford Motor. Một năm sau, nỗ lực hợp tác cho ra đời Cortina - thực ra là một sản phẩm của Ford được Hyundai lắp ráp để bán tại Hàn Quốc. Nó không mang nhiều ý nghĩa về mặt kỹ thuật của Hyundai, nhưng đủ giúp người tiêu dùng quê nhà nhận thức được rằng một hãng xe nội địa đã hình thành.

Hyundai thâu tóm Kia - định hình xe Hàn quốc dân Cặp xe nhỏ Kia Morning (Picanto) và Hyundai i10. Ảnh: Wharcar UK

Seoul, 19/10/1998, nhà sản xuất ôtô số một Hàn Quốc - Hyundai Motor chiến thắng trong cuộc đấu giá giành quyền kiểm soát Kia Motors, hãng xe đồng hương đã sụp đổ một năm trước đó vì cuộc khủng hoàng tài chính Châu Á. Người thua cuộc, chẳng phải ai xa lạ, đối tác một thời - Công ty Ford Motor. Ken Brown, đại diện truyền thông Ford khu vực Châu Á bày tỏ sự thật vọng trong cuộc họp báo tại Bangkok: "Chúng tôi hiểu rõ vấn đề và vẫn tin rằng Ford Motor là ứng cử viên tốt nhất về mặt công nghệ và nguồn lực, nhưng chúng tôi sẽ không cố gắng để mua Kia bằng mọi giá."

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc dường như đứng về phía công ty Mỹ với hy vọng việc bơm vào khoản ngoại tệ lớn của Ford sẽ thúc đẩy sự tự tin của các nhà đầu tư nước ngoài khác đối với nền kinh tế trong nước đang phải vật lộn với khủng hoảng. Nhưng Kia tuyên bố rằng Ford bị loại vì họ trả giá thấp hơn cho phân nhánh xe thương mại của mình là Asia Motors, vốn đang ở mức 3,78 USD một cổ phiếu.

Có được Kia, Hyundai đề nghị các tổ chức tín dụng xóa bỏ 5,5 tỷ trong tổng khoản nợ 8,4 tỷ USD của công ty con mới, công ty mẹ Hyundai Motor sẵn sàng tiếp nhận khoản nợ này và kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ chính Ford hay các nhà sản xuất xe hơi nội địa khác, nếu họ hứng thú.

Kiểm soát hoạt động nhưng Hyundai không làm mất đi bản sắc Kia, công ty con vẫn tạo ra những sản phẩm vừa đối đầu, vừa lấp đầy cá tính lẫn nhau trong tập đoàn. Hai thương hiệu độc lập về các chiến lược marketing, đội ngũ thiết kế, lực lượng bán hàng và cả hệ thống phân phối.

Hyundai ngày càng theo đuổi những đường nét cong mềm, cấu trúc thân xe mô phỏng sự chuyển động của thiên nhiên và nội thất cao cấp ở mức giá dễ chịu, còn Kia hướng tới cái nhìn thể thao, phấn khích hơn cho tập khách hàng trẻ tuổi. Cách dễ dàng để bạn nhận ra sự khác biệt này là bước vào cabin. Nội thất những chiếc Hyundai kết hợp với đèn nền mang gam màu dịu như trắng và xanh nước biển trong khi đồng hồ tốc độ, táp-lô của Kia ưu tiên gam màu đỏ.

Nếu khách hàng kiếm một chiếc sedan cỡ nhỏ thuần thể thao ở Huyndai, câu trả lời tốt nhất có lẽ chỉ dừng lại ở Veloster, vẫn trang bị cầu trước. Muốn có được cảm giác bản nguyên hơn, họ phải chuyển sang Kia Stinger với cầu sau tiêu chuẩn và tùy chọn bốn bánh toàn thời gian cùng công nghệ véctơ mô-men cho phép thay đổi mô-men cho từng bánh xe. Xe tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 4,7 giây, thứ hiếm có khó tìm ở những mẫu Hyundai thông thường.

Để cạnh tranh hiệu quả ở nhiều phân khúc khác nhau và thoát khỏi cái bóng "xe giá rẻ" trong quá khứ, cả hai vẫn đang nỗ lực chuyển mình. Hyundai tiến tới hình ảnh như một người anh trưởng thành và điềm đạm nhưng không được quá già nua, còn Kia được định hình bởi sự sôi động và cá tính.

Trong thế giới hạng sang, bước tiến của hai thương hiệu cũng ghi nhận sự phân cực. Sau quãng thời gian không mấy thành công với nét cao cấp buồn tẻ "kiểu Hàn Quốc" lấy từ những thập niên trước để thêm vào các công nghệ hiện đại, Hyundai quyết định tái thiết triệt để cho Genesis. Lưới tản nhiệt mắt cáo hình lục giác phá cách, vô-lăng cũng loại bỏ cách tạo hình ba chấu truyền thống. Các chi tiết nội thất tận dụng tối đa các màn hình kỹ thuật số, cần số chuyển sang dạng núm xoay điện tử. Bên trong cabin, không ai còn nói Genesis hao hao những chiếc xe hạng sang khác nữa, giờ đây chúng mang đường nét riêng, nhưng chưa đủ tạo nên đặc trưng không lẫn vào đâu được như xe Đức. Khách hàng cần thời gian làm quen và thay đổi gu cảm nhận.

Genesis gần như được "đập đi làm lại" thì Quoris của Kia vẫn đang mắc kẹt trong thân phận mẫu xe cao cấp của một thương hiệu bình dân. Quoris không được tách biệt hoàn toàn như cách mà Hyundai làm với Genesis. Xe Quoris vẫn mang logo Kia, lưới tản nhiệt chỉ tinh chỉnh nhẹ. Phía bên trong, mọi thứ dừng lại ở mức nhiều công nghệ và vật liệu cao cấp hơn. Lý do gì để khách hàng trả tiền cho một chiếc xe sang mang logo giống hệt những chiếc xe khác chỉ có giá bằng phân nửa. Hyundai - Kia đều đang muốn vượt qua cái bóng của chính mình với giấc mơ được công nhận ngang hàng trong thế giới xe sang nhưng họ hiểu rằng nếu phải đặt cược ở một trong hai, thì Genesis lúc này mang tới nhiều hy vọng hơn.

Vậy khách hàng nên mua một chiếc Hyundai hay một chiếc Kia?

Chúng ta không thể lựa chọn theo logic của cảm tính cho rằng, Hyundai là hãng mẹ thì ắt phải tốt hơn Kia. Cá tính độc lập nhưng chất lượng đương nhiên tương đồng, ở đây loại trừ các yếu tố về việc lắp ráp tại các nhà máy ở các quốc gia khác nhau. Vì chung một tập đoàn, việc chia sẻ động cơ, khung gầm, công nghệ cơ khí, luyện kim là điều chắc chắn, giúp mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như thời gian phát triển sản phẩm. Nói theo cách nôm na, nếu xe Hyundai được lắp một động cơ đủ tốt, nó tất nhiên được dùng cho cả Kia và ngược lại. Sự khác biệt còn lại nằm ở tinh chỉnh phần mềm, thuật toán, thiết kế. Chúng dựa trên đối tượng mà từng thương hiệu theo đuổi.

Nếu bạn muốn sự chững chạc, vừa đi qua tuổi trẻ sôi động nhưng chưa bao giờ cho phép bản thân trở nên già nua, thì Hyundai là lựa chọn phù hợp. Còn nếu thỉnh thoảng cần một thứ gia vị phấn khích để nuông chiều cá tính, hãy xem xét tới một chiếc Kia.

Theo Thái Hoàng/Vnexpress

Link nội dung: https://ausp.edu.vn/hyundai-thau-tom-kia-dinh-hinh-xe-han-quoc-dan-a22427.html