Kể từ khi được trình làng cách đây 25 năm trước, CR-V vẫn luôn là một trong những sản phẩm trụ cột của Honda. Dòng crossover cỡ vừa của hãng xe Nhật đã có 5 đời sản phẩm, được bán tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh số vượt ngưỡng 9 triệu chiếc. Tại Việt Nam, Honda CR-V có mặt từ năm 2008 và đến nay đã bán ra hơn 40.000 xe. Honda CR-V cũng luôn là cái tên được săn đón cả trên thị trường xe mới và xe cũ. Chỉ cần bỏ ra vài phút tra cứu, chúng ta dễ dàng tìm thấy những chiếc CR-V đời 3 hoặc 4 được rao bán tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Ngày 30 tháng 7 vừa qua, Honda Việt Nam đã chính thức trình làng CR-V phiên bản 2020 với ba biến thể E, G và L với độ cao cấp tăng dần. Giá bán đề xuất của cả ba phiên bản lần lượt là 998 tỷ đồng; 1,048 tỷ đồng và 1,118 tỷ đồng. Như vậy, giá bán của Honda CR-V 2020 sẽ cao hơn từ 15 - 25 triệu so với phiên bản trước. Tuy nhiên, vì được lắp ráp trong nước nên Honda CR-V 2020 sẽ được hỗ trợ 50% phí trước bạ, điều sẽ khiến giá lăn bánh của CR-V L cao cấp nhất sẽ rơi vào khoảng 1,2 tỷ đồng. Đây là mức giá cao hơn tương đối so với các đối thủ truyền thống như Mazda CX-5 hay Mitsubishi Outlander.
Điều gì khiến Honda Việt Nam tự tin định giá CR-V cao nhất phân khúc crossover cỡ C? Đó có thể là danh tiếng của thương hiệu Honda nói chung và của dòng CR-V nói riêng, có thể là một chút nâng cấp ở nội và ngoại thất. Nên nhớ rằng, CR-V 2019 luôn là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc dù chưa có đầy đủ trang bị an toàn như phiên bản 2020. Dù vậy, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất có lẽ là gói trang bị an toàn Honda Sensing - được trang bị tiêu chuẩn cho cả 3 phiên bản CR-V 2020.
Honda Sensing - Cuộc đua về công nghệ an toàn
Bạn đọc có thể tìm hiểu về những thay đổi của CR-V 2020 ở bài viết ra mắt sản phẩm. Trong khuôn khổ bài đánh giá nhanh này, tôi chỉ tập trung phân tích những điểm hay của gói công nghệ an toàn Honda Sensing mà thôi. Gói Honda Sensing dành cho CR-V tại Việt Nam bao gồm những công nghệ chủ chốt sau:
1. Hệ thống giảm thiểu va chạm phía trước (CMBS)
2. Hệ thống đèn pha thích ứng tự động (AHB)
3. Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng có tính năng bám đuôi ở tốc độ thấp (ACC - LSF)
4. Hệ thống giảm thiểu lệch làn đường (RDM), Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (LKAS)
1. Hệ thống giảm thiểu va chạm phía trước (CMBS)
Trên một chiếc xe gia đình, không yếu tố nào quan trọng hơn sự an toàn. Gói trang bị Honda Sensing được phát triển để tạo ra“sự an toàn cho tất cả mọi người”- “Safety for everyone”. Mọi người ở đây tức là bao gồm cả những người điều khiển xe khác trên đường và người đi bộ xung quanh chiếc CR-V. Tính năng Giảm thiểu va chạm phía trước CMBS được tạo ra để hạn chế, cao hơn nữa là ngăn chặn va chạm với xe hoặc người ở phía trước chiếc CR-V.
Hai thành phần quan trọng của gói trang bị Honda Sensing là một camera gắn sau kính lái và một hệ thống radar ẩn sau tấm nhựa đen gắn ở cản va trước đầu xe. Với những nguồn dữ liệu đầu vào này, CMBS liên tục phân tích tình huống phía trước chiếc CR-V của bạn. Khi hệ thống radar và camera ghi nhận có nguy cơ xảy ra va chạm, âm thanh cảnh báo sẽ phát qua loa, đồng thời biểu tượng cảnh báo cũng sẽ xuất hiện trên màn hình sau vô lăng. Đây là giai đoạn đầu tiên nhằm cảnh báo người lái về nguy cơ xảy ra va chạm.
Nếu hệ thống không nhận thấy người lái phản ứng gì, không đạp phanh hay đánh lái, CMBS sẽ ngay lập tức can thiệp vào hệ thống phanh để giảm tốc độ và thậm chí là dừng hẳn phương tiện, qua đó giảm thiểu hoặc ngăn chặn thiệt hại cho người ngồi bên trong CR-V cũng như mọi người xung quanh. Cần lưu ý rằng đây chỉ là một tính năng hỗ trợ và độ chính xác của camera, radar có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như thời tiết hay tốc độ. Do đó người lái vẫn cần tập trung trong mọi tình huống, tránh lơ đãng hoặc lệ thuộc quá đà vào khả năng của Hệ thống Giảm thiểu va chạm trước.
2. Hệ thống đèn pha thích ứng tự động (AHB)
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/thong-so-ky-thuat-honda-cr-v-2022-honda-crv-sensing-moi-a22388.html