Các tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày và khẩn cấp
Khi sử dụng thuốc tránh thai, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn, thông thường những tác dụng phụ này sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Một số tác dụng phụ của thuốc tránh thai có thể là tức thời như xuất huyết bất thường,... hoặc tác dụng phụ lâu dài như vấn đề về tim mạch,...
1. Thuốc tránh thai hàng ngày là gì?
Thuốc tránh thai hàng ngày hay còn gọi là viên thuốc Minipil. Thành phần thuốc chủ yếu có trong thuốc tránh thai hàng ngày là Estrogen và Progesterone, đây là 2 loại hormone sinh dục nữ với công dụng làm dày chất nhầy ở cổ tử cung, từ đó tinh trùng không thể bơi về phía tử cung. Do đó hiện tượng rụng trứng sẽ không thể xảy ra để thụ tinh.
Uống đúng cách thuốc tránh thai hàng ngày giúp ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn rất cao. Hiện có 2 loại thuốc tránh thai hàng ngày chủ yếu là:
Vỉ 21 viên thuốc tránh thai hàng ngày: Loại thuốc tránh thai hàng ngày này được bào chế và đóng gói gồm 21 viên thuốc chứa minipil.
Vỉ 28 viên thuốc tránh thai hàng ngày: Loại thuốc tránh thai hàng ngày này được bào chế và đóng gói 28 viên nhưng trong đó có 21 viên chứa minipil và 7 viên là giả dược (chứa đường và sắt).
2. Thuốc tránh thai khẩn cấp là gì?
Khi quan hệ tình dục không an toàn hoặc thất bại khi sử dụng các phương pháp tránh khác thì thuốc tránh thai khẩn cấp là phương pháp ngừa thai được sử dụng phổ biến nhất.
Các trường hợp nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp như bị hãm hiếp, bị rách hoặc trượt bao cao su trong lúc quan hệ, quên liều thuốc tránh thai hàng ngày trong chu kỳ.
Trì hoãn rụng trứng chính là cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai khẩn cấp. Hiện có 3 loại thuốc tránh thai khẩn cấp được bày bán ở các cửa hàng thuốc và không kê đơn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhãn hiệu và liệu lượng, việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể là 1 viên hoặc 2 viên.
3. Các tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày và khẩn cấp
3.1. Tác dụng phụ tức thời của thuốc tránh thai
Khi sử dụng thuốc tránh thai, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn, thông thường những tác dụng phụ này sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Các tác dụng phủ phổ biến khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc tránh thai hàng ngày như sau:
Xuất huyết giữa chu kỳ kinh: Đây là trong những tác dụng phụ của thuốc tránh thai thường gặp nhất. Nguyên nhân là do cơ thể thay đổi hormone hoặc tử cung điều chỉnh để nội mạc tử cung mỏng hơn. Việc xuất huyết âm đạo bất thường sẽ xảy ra giữa các chu kỳ. Tuy nhiên, trong trường hợp ra máu âm đạo trên 5 ngày khi dùng thuốc tránh thai hoặc ra máu nặng 3 ngày trở lên thì nên đi khám để có hướng xử trí phù hợp.
Buồn nôn: Một số phụ nữ khi sử dụng thuốc tránh thai bị tác dụng phụ buồn nôn, tuy nhiên tác dụng phụ này sẽ giảm dần sau một thời gian. Để hạn chế buồn nôn, nữ giới có thể uống thuốc tránh thai vào lúc đi ngủ. Trường hợp buồn nôn nặng, kéo dài trên 3 tháng thì nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Đau vú: Đau vú là một trong những tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc tránh thai hàng ngày. Nguyên nhân là do thuốc tránh thai gây phì đại tuyến vú dẫn đến vú, triệu chứng này thường tự động hết sau một vài tuần. Để giảm đau vú do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, nữ giới nên giảm lượng muối và cà phê.
Đau đầu: Các hormone có trong thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ đau đầu cho người sử dụng. Tùy vào từng loại thuốc khác nhau mà sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.
Tăng cân và thay đổi tâm trạng: Thuốc tránh thai có thể khiến tình trạng giữ nước trong cơ thể xảy ra, vì vậy khiến cho trọng lượng cơ thể tăng lên. Các loại thuốc tránh thai này góp phần thay đổi tâm trạng, cảm xúc ở phụ nữ.
Trễ kinh: Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp là trễ kinh, nguyên nhân có thể do căng thẳng hoặc bất thường về nội tiết tố. Trường hợp trễ một chu kỳ kinh hoặc lượng máu kinh ra ít khi sử dụng thuốc tránh thai thì người dùng nên thử thai trước khi bắt đầu liều tiếp theo.
Giảm hoặc tăng ham muốn tình dục: Vấn đề giảm ham muốn tình dục là tác dụng phụ của thuốc tránh thai thường hay gặp ở chị em phụ nữ, nếu tình trạng này kéo dài thì nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế. Còn một số trường hợp, thuốc tránh thai có thể làm tăng ham muốn và giảm đau trong thống kinh, lạc nội mạc tử cung...
Thay đổi dịch tiết âm đạo: Dịch tiết âm đạo có thể tăng hoặc giảm khi sử dụng thuốc tránh thai. Trường hợp âm đạo bị khô, có thể dùng thêm chất bôi trơn để quá trình quan hệ tình dục thoải mái và dễ đạt khoái cảm hơn.
Thay đổi về mắt: Thuốc tránh thai làm thay đổi nội tiết tố và liên quan đến sự dày lên của giác mạc.
3.2. Tác dụng phụ lâu dài của thuốc tránh thai
Sử dụng thuốc tránh thai quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe lâu dài. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai về lâu dài như sau:
Vấn đề tim mạch: Thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ liên quan đến các bệnh tim mạch. Người bị cao huyết áp không kiểm soát hoặc tiền căn bị nhồi máu cơ tim... nên hỏi hỏi bác sĩ về các phương pháp ngừa thai khác.
Nguy cơ ung thư: Thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư gan.
4. Sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày và khẩn cấp như thế nào để hợp lý?
Khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp, nữ giới nên tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý tăng hay giảm liều. Bên cạnh đó, nữ giới cần lưu ý một số vấn đề sau:
Vào khoảng thời gian đầu sử dụng thuốc, nữ giới sẽ cảm thấy bất thường trong cơ thể, vì vậy nên chuẩn bị tinh thần và biện pháp xử lý với một số tác dụng phụ của thuốc tránh thai. Nếu tác dụng phụ xảy ra thường xuyên và mức độ tăng lên, cần phải liên hệ bác sĩ để được tư vấn.
Nên giữ thói quen sống lành mạnh để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc tránh thai hàng ngày.
Đối với dinh dưỡng hàng ngày, nên ăn nhiều rau củ quả, mầm đậu nành để giúp cơ thể kiểm soát được cân nặng và điều hòa kinh nguyệt.
Rèn luyện thể thao điều độ và hợp lý để dẻo dai và khỏe mạnh hơn, giúp điều hòa kinh nguyệt tự nhiên rất hiệu quả.
Giữ một tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng cũng như stress bằng cách làm điều mình thích để khiến cơ thể thoải mái, giảm căng thẳng và hỗ trợ thuốc tránh thai hoạt động hiệu quả hơn.
Ngay khi có mong muốn sinh con, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.