Nhiều người thắc mắc rằng cơ thể bị chuột rút là thiếu chất gì bởi họ hay bị chuột rút và lo lắng về tình trạng này. Thực tế, có nhiều nguyên nhân gây chuột rút, nhưng nếu hay bị chuột rút đó có thể là do cơ thể đang bị thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết.
Chuột rút là tình trạng một hoặc một nhóm cơ bị co rút đột ngột và gây ra các cơn đau cơ rất khó chịu. Chuột rút thường xảy ra nhất trong khi luyện tập thể dục thể thao, hoặc sau khi vận động, thậm chí có thể xảy ra khi cơ thể đang nghỉ ngơi vào ban đêm.
Có một số chứng rối loạn khác tương tự như chuột rút cần phân biệt là thiếu máu cơ, loạn trương lực cơ, hoang tưởng chuột rút, cơn Tetany.
1. Những ai hay bị chuột rút?
Chuột rút có thể xảy ra ở cả người trẻ tuổi khỏe mạnh bình thường và người lớn tuổi già yếu. Mọi đối tượng đều có thể bị chuột rút, tuy nhiên, những nhóm đối tượng dưới đây hay bị chuột rút:
Phụ nữ đang mang thai: Thai nhi phát triển trong bụng mẹ làm chèn ép các dây thần kinh và mạch máu ở chân, khiến thai phụ rất dễ bị chuột rút. Ngoài ra, còn một yếu tố làm tăng nguy cơ chuột rút ở phụ nữ đang mang thai là tình trạng mất cân bằng điện giải trong thai kỳ.
Người cao tuổi: Càng về già, chức năng cơ bắp và thần kinh càng suy giảm, vì vậy, người trung niên hoặc lớn tuổi thường bị tê bì tay chân hoặc chuột rút, co thắt cơ.
Người vận động cơ bắp nhiều: Vận động viên, đặc biệt là vận động viên các môn bơi lội hoặc chạy bộ, những người thường xuyên sử dụng cơ bắp thường hay bị chuột rút nếu trước khi tập luyện hoặc làm việc không không khởi động cơ kỹ.
2. Cơ thể bị chuột rút là thiếu chất gì?
Có nhiều nguyên nhân gây chuột rút được biết đến, trong đó thiếu chất gần như là nguyên nhân khiến cho tình trạng chuột rút xảy ra thường xuyên hơn. Vậy cơ thể bị chuột rút là thiếu chất gì?
Canxi: Canxi là khoáng chất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là xương khớp. Khả năng co cơ cũng phụ thuộc vào lượng canxi trong máu. Nếu thiếu canxi, nguy cơ co thắt các cơ, đau cơ sẽ cao hơn. Để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu canxi cho cơ thể, ngoài các bữa ăn chính nên uống thêm sữa hoặc ăn sữa chua, phô mai, ...
Magie: Trong khi canxi là chất có ý nghĩa với khả năng co cơ, thì magie lại liên quan đến giãn cơ. Tình trạng hay bị chuột rút xảy ra do chức năng co giãn của cơ bắp bị rối loạn vì thiếu cả hai chất canxi và magie. Rất ít khi chúng ta bị thiếu hụt magie đến mức nghiêm trọng, nhưng đây cũng là khoáng chất mà cơ thể không được nhận đủ do chế độ ăn thiếu các loại ngũ cốc, các loại đậu, rau xanh đậm và trái cây. Nếu muốn bổ sung canxi và magie cần xét nghiệm sinh hóa máu để kiểm tra và bác sĩ tư vấn.
Kali: Kali cũng là một khoáng chất cần thiết cho hoạt động co giãn của các cơ, đồng thời tham gia vào quá trình hoạt động của các tế bào. Hay bị chuột rút có thể do thiếu kali, khi đó, các cơ sẽ yếu, hay co thắt và giảm khả năng hoạt động. Để đảm bảo cơ thể nhận đủ kali để hoạt động cơ, cần tăng cường các loại rau củ quả tươi như táo, cà rốt. Việc bổ sung kali bằng thuốc bổ nên có chỉ định của bác sĩ để tránh dư thừa kali gây hại cho cơ thể.
Natri: Thiếu natri do uống quá nhiều nước làm loãng nồng độ natri, ra nhiều mồ hôi, hoặc chức năng thận bị rối loạn có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hay bị chuột rút. Bổ sung natri có thể được thực hiện bằng cách thêm một chút muối vào bữa ăn.
Vitamin nhóm B: Hệ thần kinh trong cơ thể dẫn truyền được là nhờ vào sự tham gia của các vitamin nhóm B. Thiếu vitamin B6 có thể gây chuột rút bởi nó vitamin B6 thực hiện nhiệm vụ vận chuyển glucose đến các tế bào và nhiều phản ứng khác trong cơ thể. Chuột rút do thiếu vitamin B6 thường gặp nhất ở những người có thói quen uống nhiều rượu bia, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng. Trong khi đó, thiếu vitamin B12 cũng ảnh hưởng đến hoạt động co cơ, dẫn đến hay bị chuột rút. Thiếu vitamin B12 cũng dẫn đến thiếu máu, ngoài ra còn ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp DNA và dẫn truyền của hệ thần kinh. Có thể bổ sung vitamin nhóm B bằng cách tăng cường các loại thực phẩm như trứng, sữa, các loại thịt và hải sản, các loại hạt như óc chó, rau xanh đậm như rau bina, ... hoặc bổ sung đường uống.
Vitamin D: Vitamin D không trực tiếp tham gia vào hoạt động co giãn cơ, tuy nhiên đây lại là khoáng chất giúp hấp thu và ổn định canxi trong máu để xương phát triển và khỏe mạnh. Do đó, thiếu vitamin D dẫn đến thiếu canxi và khiến cho tình trạng hay bị chuột rút thường xuyên xảy ra hơn. Để bổ sung vitamin D cho cơ thể, ngoài việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cần tăng cường các loại thực phẩm như sữa, gan, cá nhiều chất dầu.
3. Bị chuột rút phải làm gì?
Đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng là rất quan trọng để phòng ngừa chứng hay bị chuột rút. Nếu bị chuột rút do những nguyên nhân khác, để khắc phục ngay lập tức cơn đau này, bạn có thể thử một trong những cách sau:
Kéo căng cơ: Khi bị chuột rút ở chân, bạn hãy đứng thẳng và tựa vào tượng, co chân lại bằng cách gập gối, sau đó dùng tay kéo chân ngược lên phía trên. Trường hợp bị chuột rút ở cơ bắp chân, bạn cũng đứng thẳng và đưa chân đang bị chuột rút ra phía trước, gập người về phía trước để tác động trọng lượng cơ thể giúp căng cơ ở chân chuột rút. Nếu bị chuột rút ở bàn chân, bạn có thể ngồi duỗi thẳng chân, sau đó dùng tay kéo đầu ngón chân hoặc bàn chân sao cho căng hết mức có thể. Cách này có thể khiến bạn thấy khó chịu vì đau hơn nhưng lại hết bị chuột rút nhanh chóng.
Xoa bóp cơ: Nếu hay bị chuột rút, bạn có thể thử ngay cách xoa bóp để làm ấm vùng bị chuột rút, giúp giảm căng cơ. Chú ý, cần xoa bóp nhẹ nhàng để không làm chuột rút trở nặng hơn.
Làm ấm cơ: Ngay tại chỗ đang bị chuột rút, bạn có thể dùng một khăn ấm hoặc chai nước ấm để áp vào, giúp giảm căng cơ và đau cơ hiệu quả.
Đi chân trần: Thay vì dùng tay tác dụng lực vào chân, bạn có thể đi chân trần trên sàn và tì sức nặng của cơ thể lên các ngón chân để kéo căng ra.
Cơ thể hay bị chuột rút là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu những chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie, kali, natri, vitamin D và nhóm B. Hãy chú ý đến chế độ ăn để cải thiện tình trạng thiếu chất, nhằm phòng ngừa chuột rút.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.