Mụn bọc không đầu (nhân): Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
Mụn bọc không nhân là loại mụn nghiêm trọng, khó điều trị và người dân thường gọi nôm na đây là loại mụn bọc không đầu. Nếu không điều trị đúng cách, mụn bọc không nhân sẽ để lại những biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da. Bài viết sau đây sẽ được ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cũng như cách điều trị loại mụn này.
Mụn bọc không đầu (nhân) là gì?
Mụn bọc không đầu là dạng mụn viêm, sưng, tấy đỏ, nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy mủ trắng, đây là thể viêm mức độ nặng của mụn trứng cá, nhân mụn nằm sâu dưới bề mặt da và gây đau nhức.
Các nốt mụn bọc có thể tồn tại hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Nguyên nhân do một loại vi khuẩn có tên là Cutibacterium acnes (C.acnes) gây nhiễm trùng và viêm nhiễm, hình thành mụn. Nếu không được chăm sóc và xử lý nhân đúng cách, sau khi “chín” mụn sẽ vỡ ra và dễ để lại sẹo. (1)
Dấu hiệu nhận biết mụn bọc không đầu
Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết mụn bọc không đầu:
Vi khuẩn, dầu nhờn và tế bào chết tích tụ sâu trong lỗ chân lông hình thành trên da các chấm đỏ, sưng nhẹ, hơi nhức tại nốt mụn.
1 - 2 ngày sau đó, mụn phát triển lớn hơn, sưng nhiều và đỏ, đau lan ra vùng da xung quanh, sờ vào có cảm giác ngứa, sưng và cứng.
3 - 5 ngày sau, mụn mưng mủ và viêm đỏ, sưng to nhiều hơn.
Thời gian này nếu nốt mụn không được điều trị đúng cách, dịch mủ nằm trong mụn bọc sẽ vỡ ra, làm nốt mụn nhiễm khuẩn.
Mụn bọc sưng không đầu kéo dài dai dẳng, để lại sẹo và khó điều trị.
Nguyên nhân mọc mụn bọc không đầu
Mụn bọc không đầu (nhân) xuất hiện do lỗ chân lông trên da tắc nghẽn, làm cho các tế bào chết, bụi bẩn, bã nhờn và vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: (2)
Sự thay đổi hormone trong cơ thể: lo lắng và căng thẳng có thể khiến nồng độ hormone cortisol tăng lên, cơ thể dễ tiết ra nhiều dầu nhờn hơn, làm bít tắc lỗ chân lông và mụn xuất hiện.
Sử dụng thuốc: một số loại thuốc, bao gồm cả corticosteroid, có thể làm tình trạng mụn thêm trầm trọng.
Đổ mồ hôi quá nhiều: người dễ đổ mồ hôi sẽ có nguy cơ bị mụn bọc cao hơn, đặc biệt khi sử dụng quần áo thấm hút mồ hôi trong thời gian dài, sẽ làm da bí bách. Người bị tăng tiết mồ hôi cũng có nhiều khả năng phát triển mụn bọc cứng không nhân.
Da tiết nhiều dầu: tuyến bã nhờn tăng cường hoạt động sẽ làm bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Vệ sinh da mặt chưa kỹ: da chưa được vệ sinh kỹ sẽ dễ tích tụ bã nhờn, cặn trang điểm, bụi bẩn trong lỗ chân lông, làm nổi mụn.
Trang điểm thường xuyên và không tẩy trang kỹ: điều này làm bít tắc lỗ chân lông.
Mỹ phẩm kém chất lượng: một số loại dưỡng ẩm, kem và mỹ phẩm trang điểm kém chất lượng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến phát triển mụn.
Thức khuya: làm việc quá sức, không dành đủ thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi sẽ dẫn đến tình trạng thay đổi nội tiết tố làm mụn dễ phát triển.
Tế bào chết: có khả năng bít tắc lỗ chân lông làm da nổi mụn.
Hoạt động của vi khuẩn trên bề mặt da: tay là nơi tiếp xúc nhiều bề mặt, vì vậy dễ tích tụ vi khuẩn, thường xuyên dùng tay chạm vào da sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn lây lan, sinh sôi và xâm nhập, làm tình trạng mụn thêm nặng.
Quá trình viêm da: thường xảy ra ở người sở hữu làn da dầu, khi tuyến dầu hoạt động quá nhiều sẽ làm ách tắc lỗ chân lông, gây nổi mụn.
> Bài viết liên quan: Mụn bọc là gì? Đặc điểm nhận dạng các loại thường gặp hiện nay
Yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng mụn bọc không nhân
Bất cứ ai cũng có thể bị mụn bọc không nhân nhưng những người nằm trong nhóm sau có nguy cơ bị mụn cao hơn: (3)
Yếu tố di truyền: nếu có người thân trong gia đình từng bị mụn bọc thì người bệnh có nhiều khả năng mọc mụn hơn.
Nam giới trẻ tuổi: thanh thiếu niên và nam thanh niên thường dễ xuất hiện mụn bọc trên mặt và cơ thể hơn do có nhiều hormone androgen. Khi nồng độ hormone này tăng lên có thể dẫn đến tình trạng tích tụ dầu trên da, dẫn đến lỗ chân lông bị ách tắc.
Mất cân bằng nội tiết tố: phụ nữ đang mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể bị mụn bọc.
Mụn bọc không nhân có thể nặn được không?
Không. Bác sĩ sẽ không khuyến khích người bệnh tự nặn mụn tại nhà, bởi điều này tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Nếu người bệnh chưa khử trùng dụng cụ trước khi nặn, làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn và lây lan ra vùng da xung quanh.
Trường hợp người bệnh khi nặn mụn nhưng dùng một lực mạnh hoặc nặn mụn không đúng cách sẽ làm cho bề mặt da tổn thương. Chưa kể, nặn mụn xong nếu không chăm sóc thích hợp rất dễ để lại sẹo trên da.
> Bài viết liên quan: Mụn bọc có nên nặn không? Khi nào thì nặn được?
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của mụn bọc không nhân, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị sớm giảm thiểu nguy cơ để lại sẹo. Không nên tự điều trị mụn bọc nhiều và nặng bằng các loại kem trị mụn tại nhà vì điều này làm tăng khả năng mụn phát triển nặng hơn và khó điều trị. Loại mụn này nên được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên môn.
Chẩn đoán tình trạng mụn bọc không nhân
Bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da sẽ kiểm tra làn da và hỏi về các triệu chứng của người bệnh. Mức độ đau và vị trí xuất hiện nốt mụn, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị thích hợp cho từng trường hợp. Bạn nên thông tin cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng và có tiền sử gia đình bị mụn bọc, điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình trị liệu.
Cách điều trị mụn bọc không nhân
Càng để lâu, tỷ lệ trị mụn thành công càng thấp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nốt mụn mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị thích hợp:
Dùng thuốc bôi: đây là những loại thuốc dùng theo toa, gồm benzoyl peroxide, axit salicylic và retinoids. Các loại thuốc này sẽ được bác sĩ kê toa ở dạng kem, gel hoặc bọt để thoa lên da.
Dùng thuốc uống được bác sĩ kê đơn: trong trường hợp sử dụng thuốc bôi không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn isotretinoin cho trường hợp mụn trứng cá nặng. Các loại thuốc uống khác, chẳng hạn như clindamycin, doxycycline,… có thể làm giảm viêm và mang lại hiệu quả tích cực cho da, tuy nhiên chúng cũng có tác dụng phụ. Vì vậy, bạn không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và chỉ nên sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ.
Dùng liệu pháp ánh sáng như IPL là kỹ thuật sử dụng chùm ánh sáng xung cường độ cao, có màng lọc đèn chớp với phổ bước sóng 500-1200nm, dựa trên hiệu ứng quang nhiệt phân huỷ chọn lọc tác động lên tuyến bã, diệt vi khuẩn C. acnes.
> Có thể bạn quan tâm: 7 cách trị mụn bọc hiệu quả an toàn không để lại sẹo thâm
Biện pháp phòng ngừa mụn bọc không nhân
Chúng ta hoàn toàn có thể giảm nguy cơ mắc mụn bọc không nhân bằng cách vệ sinh da kỹ lưỡng:
Rửa mặt đúng cách: làm sạch da bằng nước tẩy trang và sữa rửa mặt dịu nhẹ vào buổi sáng khi thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ và sau khi đổ nhiều mồ hôi.
Quản lý căng thẳng: điều tiết hơi thở và áp dụng các kỹ thuật thư giãn như yoga để giảm stress.
Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp: tránh các loại mỹ phẩm hoặc kem dưỡng da kém chất lượng có nguy cơ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da mỏng nhẹ không gây mụn.
Hạn chế chạm tay lên mặt để giảm thiểu khả năng vi khuẩn tiếp xúc và phát triển trên da.
Tẩy tế bào chết 2 lần/tuần để hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
Không nên dùng tay không hoặc các dụng cụ nặn mụn chưa được tiệt trùng, sẽ làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm cho da.
Thường xuyên cấp ẩm cho da và uống nhiều nước để tăng cường sức khỏe cho làn da.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, không thức khuya và tập luyện thể thao thường xuyên. Sinh hoạt điều độ góp phần cân bằng nội tiết tố trong cơ thể làm hạn chế tình trạng nổi mụn trên da.
Câu hỏi liên quan về mụn bọc không nhân
1. Mụn bọc không nhân có tự xẹp không?
Không. Mụn bọc thường không có khả năng tự xẹp trong thời gian ngắn vì đây là tình trạng ổ viêm dưới da và vi khuẩn không có khả năng thoát ra ngoài vì lỗ chân lông đang tắc nghẽn. Nếu không chăm sóc đúng cách và càng đề tình trạng này diễn tiến lâu thì nốt mụn sẽ chai sần, gây khó khăn và kéo dài thời gian điều trị.
Đặc biệt, nếu bạn cố gắng nặn mụn không đúng cách sẽ để để lại sẹo và vết thâm trên da. Người bệnh có thể mất ít nhất 3 - 4 tháng điều trị tích cực để tình trạng này cải thiện. Bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da sẽ đánh giá sức khỏe của da để kê đơn thuốc điều trị phù hợp nhất tùy theo từng trường hợp.
2. Mụn bọc không nhân có chữa được không?
Có. Tuy mụn bọc không nhân khó điều trị hơn những loại mụn khác vì đây là tình trạng viêm nhiễm ẩn sâu dưới da. Thậm chí, nếu bạn không được chăm sóc hoặc xử lý sai cách sẽ để lại sẹo trên da, gây mất thẩm mỹ.
Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu mụn bọc không nhân, người bệnh cần đi khám chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị hợp lý. Riêng với người bệnh có nốt mụn bọc sưng to, viêm nhiễm nặng cần được can thiệp bằng thuốc hoặc các liệu pháp thích hợp tùy thuộc vào mức độ của mụn.
3. Mụn bọc không nhân chữa ở đâu tốt?
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh về da. Hệ thống trang thiết bị được nhập khẩu từ Âu - Mỹ, kết hợp cùng dịch vụ cao cấp 5 sao sẽ giúp người bệnh hoàn toàn yên tâm và thoải mái trong quá trình điều trị, nhanh lấy lại làn da khỏe đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mụn bọc không đầu rất đáng lo ngại nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời vì dễ để lại sẹo. Lối sống sinh hoạt lành mạnh kết hợp việc điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển mụn bọc và hạn chế để lại sẹo xấu sau mụn.