Mãn kinh là tình trạng đời sống tình dục ở người phụ nữ có bước chuyển mình lớn, diễn ra khi buồng trứng suy giảm chức năng và dần dần tiến đến ngừng hoạt động, ngưng sản xuất ra nội tiết tố nữ. Lúc này người phụ nữ sẽ chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng và không còn khả năng mang thai.
Nhiều người cùng có chung thắc mắc rằng phụ nữ bao nhiêu tuổi thì mãn kinh? Nếu tính trung bình thì từ 50 - 55 tuổi sẽ là giai đoạn phụ nữ mãn kinh, có người mãn kinh sớm hoặc muộn hơn mốc thời gian này. Trên thực tế độ tuổi mãn kinh ở nữ giới là không cố định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể chất, di truyền, số lần sinh nở,... của mỗi người. Các mốc thay đổi chu kỳ sinh lý ở nữ giai đoạn này chia thành 3 thời kỳ như sau:
Tiền mãn kinh: trước khi mãn kinh thì phái nữ sẽ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh và điều này bắt đầu từ rất sớm, khi phụ nữ bước vào độ tuổi 40 - 45, hiện tượng này kéo dài từ 2 - 5 năm tùy người. Lúc này buồng trứng hoạt động ít dần, xảy ra mất cân bằng hormone nữ progesterone và estrogen;
Mãn kinh: buồng trứng đã ngừng hoạt động hoàn toàn, không còn tiết ra nội tiết tố nữ;
Hậu mãn kinh: phụ nữ đã trải qua giai đoạn mãn kinh và chuyển sang cuộc sống của một người lớn tuổi, nó sẽ kéo dài trong khoảng 12 tháng và những biểu hiện rối loạn xảy ra trước đó trong cơ thể đã dần biến mất.
Bước sang giai đoạn mãn kinh, người phụ nữ sẽ chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng và không còn khả năng mang thai
Dưới đây là các biểu hiện đặc trưng khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh:
Rối loạn kinh nguyệt: kinh nguyệt thay đổi, có thể là rong kinh, thiểu kinh, thưa kinh, thậm chí là ngừng đột ngột, lượng máu ra không đều như trước đây;
Hay bốc hỏa và đổ mồ hôi về ban đêm, khó ngủ, mất ngủ: phụ nữ sẽ thấy nửa thân trên nóng bừng và bốc hỏa xảy ra đột ngột khiến ban đêm ra nhiều mồ hôi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ;
Ngực teo: sự suy giảm estrogen sẽ khiến các mô ngực teo đi và giảm kích thước vòng 1;
Âm đạo khô và teo lại: nồng độ estrogen giảm cũng khiến âm đạo bị khô, giảm hoặc không còn tiết chất nhờn khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên đau rát, khó khăn hơn;
Da khô, xấu, rụng tóc: trên da xuất hiện nhiều vết sạm, nám, đồi mồi, nếp nhăn và tóc dễ xơ yếu, gãy rụng hơn;
Thay đổi tâm trạng thất thường: dễ cáu gắt, nóng giận, hồi hộp, lo âu,...;
Mắc các bệnh lý về tim mạch, xương khớp: cấu trúc xương sẽ trở nên mỏng, xốp, giòn nên dễ gãy hơn. Estrogen có tác dụng giảm mỡ có hồi trong máu, duy trì tính đàn hồi của thành mạch. Khi lượng estrogen giảm thì phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Phụ nữ mãn kinh hay bị bốc hỏa và đổ mồ hôi về ban đêm
Nhìn chung phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi nào thì cũng bị ảnh hưởng rất lớn tới tâm sinh lý và sức khỏe.
Để giúp người phụ nữ vượt qua giai đoạn mãn kinh một cách thoải mái và nhẹ nhàng nhất, đồng thời giúp phòng ngừa các bệnh lý hậu mãn kinh (bệnh về huyết áp, tim mạch, loãng xương,...) thì các chuyên gia khuyên nên áp dụng bổ sung estrogen để giúp cân bằng lượng estrogen đang bị thiếu hụt do mãn kinh trong cơ thể. Để thực hiện liệu pháp này, tốt nhất bạn nên tìm đến sự tư vấn và trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.
Bên cạnh liệu pháp tăng hàm lượng estrogen, những phương pháp sau đây cũng giúp cải thiện sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh:
Giữ cân nặng ổn định: theo các chuyên gia y tế chia sẻ thì những người phụ nữ có cân nặng hơn mức bình thường sẽ dễ phải chịu nhiều cảm giác nóng bừng, bốc hỏa hơn, nhất là gần thời kỳ mãn kinh. Ở những người có chỉ số mô mỡ cao cũng khiến họ đổ nhiều mồ hôi hơn;
Bổ sung axit béo: Axit béo tốt nhất là loại omega-3 và omega-6 được tìm thấy trong các loại hạt, quả và dầu cá, cụ thể là hạt hướng dương, đậu nành, quả óc chó, hạt vừng, trong những loại rau họ đậu, rong biển, các loại cá,... Axit béo có tác dụng giảm thiểu hiện tượng khô âm đạo, khô da, hạn chế nhiễm trùng đường tiểu, tăng kích thích tình dục,...;
Không lạm dụng đồ uống có cồn như bia rượu và cafein, tránh xa khói thuốc lá vì sẽ tác động xấu tới sức khỏe và càng khiến các biểu hiện của thời kỳ mãn kinh trở nên nghiêm trọng hơn;
Ngủ đủ giấc (từ 7 - 8 tiếng/ngày) và nghỉ ngơi hợp lý;
Nên mặc những bộ trang phục được làm từ chất liệu thoáng mát, rộng rãi, thoải mái:
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao: giúp cơ thể dẻo dai hơn, giảm các triệu chứng khó chịu và tăng sức đề kháng;
Giữ tinh thần tích cực: stress sẽ làm ức chế hoạt động của buồng trứng cũng như kéo theo các vấn đề khác về sức khỏe. Để không bị lo âu, căng thẳng quấy rầy bạn nên giữ tâm trạng thoải mái, thả lỏng cơ thể, đi dạo và làm những gì mình thích;
Thăm khám phụ khoa định kỳ: nên duy trì thói quen này ít nhất từ 3 - 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các bất thường trong giai đoạn mãn kinh, từ đó có biện pháp xử trí ngay từ sớm;
Thẳng thắn tâm sự và chia sẻ với người bạn đời của mình về các vấn đề trong giai đoạn mãn kinh để gia đình thông cảm, thấu hiểu và hỗ trợ. Sự động viên từ người thân sẽ giúp người phụ nữ vượt qua thời kỳ mãn kinh nhẹ nhàng và suôn sẻ hơn rất nhiều.
Phụ nữ mãn kinh nên giữ suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn, tránh để stress ảnh hưởng tới tâm sinh lý
Như vậy bài viết đã giải đáp được băn khoăn phụ nữ bao nhiêu tuổi thì mãn kinh. Mong rằng những chia sẻ trên đây đã phần nào giúp bạn biết thêm các thông tin hữu ích về tình trạng này. Nếu bản thân hoặc người nhà đang phải trải qua giai đoạn mãn kinh đầy khó khăn, hãy yêu thương và lắng nghe, giúp đỡ họ bạn nhé!
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/phu-nu-bao-nhieu-tuoi-thi-man-kinh-va-cach-vuot-qua-giai-doan-nay-a21508.html