Tự Tại Và Thần Thông | Lý Gia

Tâm phải thanh tịnh rốt ráo, đầy đủ trí tuệ. Nếu chưa được như vậy thì người tu hành tâm có tự tại nhưng không rốt ráo, vì tập khí và “vô minh trụ địa” vẫn còn, Phật gọi là hai phần sở trí ngu. Viên mãn quả Vô Thượng Bồ Đề tức khi thân, khẩu, ý hành động theo trí tuệ như Phật thì mới được thật sự tự tại. Người còn ở địa vị tu hành, tự tại có chừng mực, và vì còn chừng mực nên phải tinh tấn tu hành. Vả chăng khái niệm “tự tại” hiểu như thế nào còn phải coi lại.

Tự Tại Và Thần Thông | Lý GiaAnh Lạc Luận Tập 1 - Tác Giả Lý Tứ

Hỏi: Thưa Thầy,

Trong Phật đạo thường đề cập đến hai chữ tự tại... Xin Thầy cho biết, tâm tự tại, thân tự tại, hay cả hai cùng tự tại? Tu hành đến chừng mực nào mới được tự tại?

Trả lời: Đúng là có tự tại cả thân và tâm, nhưng muốn được như vậy thì:

- Tâm phải thanh tịnh rốt ráo, đầy đủ trí tuệ. Nếu chưa được như vậy thì người tu hành tâm có tự tại nhưng không rốt ráo, vì tập khí và “vô minh trụ địa” vẫn còn, Phật gọi là hai phần sở trí ngu. Viên mãn quả Vô Thượng Bồ Đề tức khi thân, khẩu, ý hành động theo trí tuệ như Phật thì mới được thật sự tự tại. Người còn ở địa vị tu hành, tự tại có chừng mực, và vì còn chừng mực nên phải tinh tấn tu hành. Vả chăng khái niệm “tự tại” hiểu như thế nào còn phải coi lại.

- Thân tự tại? Thân nào mới tự tại? Thân mà mình đang cưu mang là thân nghiệp, đã là thân nghiệp thì ít nhiều phải chịu tác động của nghiệp. Tuy vậy, nếu tâm tự tại thì thân nghiệp tuy bị chi phối bởi nghiệp quả, nhưng tâm vẫn có thể vượt qua, nên tâm tự tại thì thân cũng tự tại. (Người đắc đệ tứ thiền có thể đáp ứng yêu cầu này).

Các Bồ Tát tự tại, vì thân của họ là thân thị hiện, tự tại đến mọi nơi mọi chỗ không bị ngăn ngại bởi nghiệp. Ví dụ: Một người nếu cầu Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ. Khi nguyện cầu này thành tựu, dù người đó ở đâu Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn có thể hiện đến cứu hộ, cho dù ở giữa biển khơi hay trong lòng đất…

- Muốn được “thân này” người tu hành phải như “Hư Không”, không còn chủ thể, chỉ còn nguyện lực. Vì là hư không nên có thể đến mọi nơi không ngăn ngại gọi là tự tại. Ví như người đào đất, khi đào lỗ tròn thì hư không liền đến với lỗ tròn, lỗ dài thì đến lỗ dài, trên núi thì hư không lên núi… Một người đào thì hư không đến với một người, ngàn người đào thì hư không đến ngàn nơi nên gọi là tự tại. Quán Thế Âm là nguyện chứ không phải con người có chủ thể, có thể tùy hiện theo công đức và tâm nguyện chúng sanh nên Bồ Tát Quán Thế Âm có mười hai ứng thân.

Hỏi: Khi con hỏi đến thần thông về thân thì lại có một số người không cho con hỏi tới hay thắc mắc. Làm như thế có được cho là đúng không?

Trả lời: Không cho hỏi hay thắc mắc là trật (sai). Khi có người hỏi đến những vấn đề liên quan Phật pháp phải ôn tồn giải thích, và lời giải thích phải dựa trên cơ sở kinh điển, ý nghĩa và đúng Chánh pháp.

Hỏi: Nhưng quả thật trong các kinh điển những bậc A La Hán và Bồ Tát đều thần thông tự tại cả thân và tâm. Chuyện đó như thế nào?

Trả lời: Đúng là các A La Hán và Bồ Tát đều thần thông tự tại cả thân và tâm. Nhưng không phải tất cả đều như nhau vì nhiều nguyên nhân. Đó là: Công đức, trí tuệ và phước đức. Câu chuyện ngài Mục Kiền Liên thấy hai con quỷ khoáng dã còn ngài Xá Lợi Phất cũng ở đó mà không thấy, hoặc ngài Ma Ha Ca Diếp thấy bộ xương bay trên hư không còn các A La Hán đi theo không thấy là một ví dụ…

Hỏi: Đức Phật là ‘Pháp Vương Tử’, chẳng lẽ không phải vua pháp của thần thông luôn hay sao? Ngày xưa hiển lộ thần thông thì cũng chẳng ai bằng. Sao pháp này mình chưa được tự tại hoặc ít ra cũng thấy được một chút gì?

Trả lời: Đức Phật là đấng Pháp Vương, tức là vua pháp, không phải “Pháp vương tử”. Vua pháp hay vua thần thông? Phật biết tất cả các thứ thần thông, kể cả những thứ người đời không biết hoặc chưa từng nghe đến. Nhưng Phật chưa bao giờ xưng là vua thần thông, chỉ xưng là vua pháp (pháp vương). Pháp khác thần thông khác, hai món này không can hệ với nhau. Pháp là những nhận thức do ý hoặc trí huệ sanh. Thần thông là một nghiệp riêng (biệt nghiệp trong biệt nghiệp) khác nghiệp quả hiện tiền. Có thể hiểu đây là một dạng năng lực đặc biệt. Ví dụ con chim bay gọi là nghiệp, nếu con người bay được thì gọi là thần thông, tức là những hành động tạo tác không giống (vượt khỏi) nghiệp người đó đang cưu mang.

- “Mình không thấy?” Mình: Thì chỉ thấy những gì trong nghiệp. Nghiệp cho phép thấy mới được thấy. Ví dụ: Con mắt (nhục nhãn) chỉ được phép thấy cái bình, cái bàn… xa quá không thấy, nhỏ quá không thấy. Tai, mũi, lưỡi và các căn cũng vậy. Tu tập đến khi nào hết cái mình thì có thể thấy được chút đỉnh nhưng không phải bằng con mắt thịt (nhục nhãn) này. Vì thế Phật Giáo có đến năm con mắt gọi là Ngũ Nhãn. Không thấy thì tự trách mình, các con mắt kia không phải thứ đòi hỏi mà được, vì nó là kết quả cần khổ tu hành. Cố gắng. Muốn tự tại cũng vậy.

Hỏi: Trong Kinh Sa Môn Quả cũng đề cập là tất cả A La Hán đều có lục thông và có thể phi hành. Điều này như thế nào?

Trả lời: Điều này có gì thắc mắc, giống như người giàu có xe hơi, đây là việc tự nhiên.

Khi A La Hán phi hành, chỉ có những người có nhãn lực tương ưng mới thấy, không phải ai cũng thấy. Bồ Tát phi hành thì chưa chắc A La Hán đã thấy. Đọc Hoa Nghiêm Quyển Bốn sẽ thấy điều này. Xá Lợi Phất muốn đi theo ngài Văn Thù Sư Lợi phải nhờ Phật gia bị thần lực…

Hỏi: Nếu chẳng có tha tâm thì khó biết người suy nghĩ gì để điều phục phải không Thầy?

Trả lời: Không hẳn như vậy. Nếu có được Đạo Tướng Trí, thì điều phục người hiệu quả hơn.

Hỏi: Nếu chẳng có Thiên nhãn thì đâu thấy được các cõi nước để chứng minh rằng khi mình nói mình thấy, mình không vọng ngữ. Giống như chuyện thấy Cực Lạc. Nếu con thật chưa thấy thì nói ai tin, và lấy cái gì để mà nói cho người?

Trả lời: Như vậy thì nên có Thiên nhãn.

- Ai biểu nói mình thấy để rồi mang lỗi vọng ngữ, cứ nói kinh nói như vậy, như kia thì khỏi sợ lỗi, và lời này mới đáng trân trọng.

- Không cần phải chứng minh, và kinh đã nói như thế ai không tin thì đành chịu. Người đời rất nhiều thứ đâu có thấy mà vẫn tin, ví dụ như ông cao tổ của họ, họ đâu có thấy, hoặc con virus chẳng hạn.

- Căn cứ kinh mà nói chứ lấy cái gì. Ai không tin uy tín của Phật thì hãy lánh xa người đó là cách tốt nhất.

Hỏi: Ngày xưa Đức Phật có thể làm cho tự tâm bà Vi Đề Hi thấy các cõi nước Phật. Vì thế khi Phật hỏi đến thì bà Vi Đề Hi không tin sao được?

Trả lời: Có những điều Phật làm được mình không làm được. Muốn làm được như vậy thì hãy tu cho thành Phật. Điều này đâu có gì lạ.

Bà Vi Đề Hi muốn thấy các cõi nước phải nhờ Phật gia bị thần lực chứ không phải tự nhiên mà thấy.

Hỏi: Con lại suy nghĩ chắc có thể con phải hành phép quán Cực Lạc để thấy một lần cho biết (không còn nghi ngờ gì nữa). Người ở Cực Lạc còn thần thông khôn cùng huống chi là những Bồ Tát cao hơn ở cõi Ta Bà?

Trả lời: Hoan hô ý tưởng độc đáo này.

Giả sử mình thấy mà người khác chưa thấy liệu chỉ một mình mình thấy đủ làm cơ sở cho họ tin chăng. Kinh ở trước mặt mà không tin thì người này đối với Phật Giáo “hết thuốc chữa”.

Hỏi: Vấn đề thứ hai nói về nhãn. Nếu các thức vốn “Một” (cũng chưa đúng lắm, chẳng đồng chẳng dị) thì tri và kiến thật chẳng khác?

Trả lời: Các thức vốn “một”.

Tri: Biết (thuộc về ý); − Kiến: Thấy (thuộc về con mắt). Ai bảo hai cái này không khác.

Hỏi: Vậy Thiên nhãn và Nhục nhãn rõ ràng nói về con mắt thấy của nhãn thức, thì ba nhãn kia chẳng lẽ không nói về cái thấy của nhãn thức hay sao?

Trả lời: Thiên nhãn và Nhục nhãn là hai cái thấy khác nhau. Nhục nhãn có cái thấy của Nhục nhãn, Thiên nhãn có cái thấy của Thiên nhãn. Hai thứ này không thể thay thế nhau. Ví dụ như ông A Na Luật là đệ nhất Thiên nhãn, thấy các cõi trời. Nhưng khi xỏ kim lại phải nhờ Phật, vì xỏ kim cần phải có nhục nhãn, mà ông ta bị mù nên bèn chịu thua.

Ai bảo ba nhãn kia nói về nhãn thức?

Hỏi: Chắc chắn ba nhãn kia cũng đồng từ nhãn thức nhưng được gia vào hương vị “Từ, Bi, Hỷ, Xả” để biến dạng?

Trả lời: Nói bậy!!!

Hỏi: Nhưng nói cho cùng thì người có Pháp nhãn sao lại chẳng thấy (tức cái nhìn xa trăm dặm) của Thiên nhãn (con hiểu rằng vẫn do mê mà thấy mà biết)?

Trả lời: Pháp nhãn khác, Thiên nhãn khác.

Giống như câu trả lời ở trên, không thể thay nhau. Phật có Phật nhãn thì có luôn bốn nhãn kia, nhưng Bồ tát và các địa vị tu hành thì không nhất thiết như vậy, tùy vào địa vị mới được.

Hỏi: Nếu không như vậy thì làm sao làm chủ Pháp đó?

Trả lời: Phật dạy: Các pháp không ai thọ giả, không ai tác giả, không thể lấy, không thể bỏ. Sao lại bảo phải làm chủ pháp đó!!!

Hỏi: Chắc chắn phải được chứ. Cũng giống như người thấy xa thì phải thấy gần (Thiên nhãn phải thấy được những gì Nhục nhãn thấy). Vậy người có Pháp nhãn phải có luôn Thiên nhãn chứ...?

Trả lời: Giống như các câu hỏi trên.

Hỏi: Phật không thấy cảnh giới Cực Lạc rõ rệt thì làm sao nói trúng bon hết được vậy Thầy?

Trả lời: Đây là câu hỏi được đánh giá hay nhất, chờ lãnh thưởng!

(08-2010)

Hỏi: Con vẫn chưa hài lòng về sự “hiểu sơ sơ” của mình về Phát Nguyện và khám phá ra “thủ phạm” là vì thật sự con vốn không hiểu rõ định nghĩa của chữ ‘Nguyện’ hay ‘Phát Nguyện’ của Phật Giáo, cho nên thấy Bốn Hoằng Thệ Nguyện nặng nề đối với con.

Con tự hỏi Nguyện là gì? Là một điều ước muốn, mong mỏi?

Ví dụ như tôi ước gì tôi được trúng số thì tôi sẽ quyên hết số tiền cho trẻ em mồ côi, khuyết tật (không có ràng buộc bởi thời gian nào cả, và chừng nào tới trúng số thì tôi mới có tiền để mà cho chứ). Hay ‘Nguyện’ là một lời hứa? Ví dụ như tôi hứa là tôi sẽ tặng món A cho bà B vào tháng X năm Y này (có ràng buộc thời gian). Hay tôi hứa là tôi sẽ trả số nợ mà tôi đã mượn cho ông C vào cuối tháng này khi tôi lãnh lương (cũng có ràng buộc thời gian)? Có lẽ con chưa phân biệt được giữa lời hứa thế gian và Phát Nguyện trong Phật Giáo. Thầy có thể giải thích thêm, cho con dễ hiểu hơn không?

Trả lời: Nguyện: Là lời hứa phát ra “Tận đáy lòng”. Nguyện khác lời hứa thế gian ở chỗ nguyện (tự nguyện) không dính mắc thời gian và không gian. Vì là lời tự hứa nên không bị ràng buộc. Khi đã nguyện, người phát nguyện nuôi dưỡng lời hứa này trong lòng đời đời kiếp kiếp, và tự mình thường nhắc nhở lời hứa này. Khi nào có cơ hội thì thực hiện và thực hiện bằng tất cả khả năng có được và bằng tấm lòng “bất vụ lợi”. Một người phát nguyện đến khi nào mình chính là lời nguyện này thì, lời nguyện sẽ thành tựu. Khi mình và nguyện không hai, thì đâu còn có kẻ phát nguyện và nguyện được phát, vì bây giờ nguyện hay họ là một. Cứ phát nguyện và nuôi dưỡng, còn việc thực hiện đến đâu và được bao nhiêu tùy khả năng, không ràng buộc bởi cái gì hết.

Hỏi: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Con chưa hiểu nên thấy “vô biên” nhiều quá làm sao mà độ hết được tất cả chúng sanh? Nguyện thì cứ nguyện, đời này không thực hiện được thì đời sau nguyện tiếp. Đời sau vẫn không thực hiện được thì tiếp tục nguyện đời sau nữa nữa… (Khi nào mình dùng đời, khi nào mình dùng kiếp?) Có lẽ, thật không có chúng sanh hay nhiều chúng sanh như con tưởng vậy nhưng con vẫn chưa hiểu. Hay con cứ đọc theo như con vẹt bây giờ đi, rồi đến một lúc nào đó tự nhiên hiểu?

Trả lời: Đúng là chúng sanh vô biên, nên Bồ tát nguyện cũng vô biên, đã nguyện thì đâu có kể nhiều ít và bao lâu.

Đời hay kiếp trong Phật Giáo không phải là con số chỉ thời gian cụ thể, nhưng có thể tạm hiểu đời hay kiếp là tính từ lúc chúng sanh sinh ra và chết đi. Cũng có khi chỉ sự dài lâu không thể tính đếm được. Trong kinh có người hỏi Phật, thế nào là một kiếp, Phật đưa ví dụ: “Có một hòn đá to như núi Tu di, một người cứ một trăm năm lấy tấm vải Saki lau một lần, cứ một trăm năm lại lau, đến khi nào hòn đá này mòn hết thì gọi là một kiếp”. Do vậy, đời kiếp chỉ là con số mang tính ước lệ để chỉ sự bền bỉ dài lâu của việc gì đó. Khái niệm này không quan trọng, “hiểu” hay “không” không hề ảnh hưởng đến việc tu hành.

Hỏi: “Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn”. Con thấy “vô tận” cũng nhiều quá làm sao mà dứt hết tất cả phiền não? Phiền não ở đây là của chính bản thân mình… Của mình thì may ra dứt được, còn phiền não của tất cả chúng sanh khác thì làm sao mà có thể nguyện giùm để dứt giùm được?

Trả lời: Phiền não của chúng sanh cũng vậy. Phiền não chúng sanh nhiều nên Bồ Tát cũng phát nguyện dài lâu. Không nên quan tâm đến nhiều hay ít, quan trọng là phát nguyện và nguyện này có chân thật hay không. Một khi nguyện chân thật “tận đáy lòng” thì nhiều hay ít đâu có gì quan trọng.

Hỏi: Con không hiểu rõ Phát Nguyện như là “kỳ đà cản mũi” sự tinh tấn. Con nghĩ “Phát Nguyện” là một động lực giúp người tu hành tinh tấn hơn. Con không muốn nó biến thành một áp lực khi chưa hiểu rõ ý nghĩa. Ngoài mấy nguyện chung này (hai nguyện sau tính sau), có thể cũng sẽ có những nguyện riêng của con không?

Trả lời: Mỗi Bồ Tát có một số nguyện riêng, các nguyện trên là của ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Nếu thấy ưng ý thì làm theo, nếu không đúng tâm nguyện thì có thể nguyện một ý nghĩa khác, đâu nhất thiết mọi người tu hành đều nguyện như vậy. Đúng, nguyện là một động lực để mình tinh tấn, khi nguyện mà tâm thanh tịnh thì nguyện này sẽ không ràng buộc. Vì thế, cái người tu hành nên quan tâm là:

Làm sao cho tâm này thanh tịnh. Một khi tâm không thanh tịnh thì nguyện cho nhiều cũng chỉ là lời hứa suông, vì bởi tâm không thanh tịnh thì lời nguyện sẽ vô thường, sớm nguyện chiều quên. Tốt nhất là tu cho tâm thanh tịnh, lúc đó không phát nguyện thì Phật cũng nhắc, đừng có lo.

(08-2010)

−−−••• ⁕ ⁕ ۝⁕ ⁕ •••−−−

Link nội dung: https://ausp.edu.vn/tu-tai-va-than-thong-ly-gia-a21410.html