Các trò chơi dân gian ngày Tết không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích giải trí trong những ngày đầu năm, mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa quan trọng của người dân Việt Nam. Ở mỗi vùng miền, gắn với mỗi dân tộc sẽ có một số trò chơi nổi bật. Mời bạn đọc cùng Điện Máy Chợ Lớn tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Ô ăn quan là trò chơi dân gian quen thuộc của biết bao trẻ em ở khắp Việt Nam. Đây là một trò chơi chiến thuật gồm 2 người chơi, giúp rèn luyện tư duy hiệu quả. Cách chơi rất đơn giản là lần lượt từng người di chuyển tất cả viên đá trong một ô nào đó theo hướng tay phải hoặc trái tùy ý. Nếu cạnh ô chứa viên đá cuối cùng có những viên đá khác, người chơi sẽ bốc tiếp và đi đến khi hết đá trong tay; nhưng nếu là ô trống, người chơi có thể “ăn” tất cả viên đá của ô ngay cạnh. Người giành chiến thắng là người lấy được tổng số viên đá nhiều nhất.
Ô ăn quan vừa có tác dụng giải trí, vừa giúp kích thích não bộ cho trẻ em.
Thêm một trò chơi ngày Tết Nguyên đán phổ biến ở cả ba miền là kéo co. Trò chơi có công dụng cải thiện sức mạnh cho tất cả thành viên, đồng thời nhắn nhủ thông điệp về sự kết nối và đồng lòng. Cách tổ chức trò chơi là chia thành 2 đội, mỗi đội từ 5 - 10 người, cùng nắm chặt một sợi dây thừng có cột băng rôn màu đỏ ngay giữa. Bên nào có thể kéo dây đỏ về phía mình nhiều nhất thì giành chiến thắng.
Vào những ngày đầu tháng Giêng, người dân miền Bắc thường tổ chức cuộc thi bịt mắt bắt lợn. Trò chơi đòi hỏi người tham gia có thể lực tốt, kèm phản xạ nhanh nhẹn mới bắt được lợn thành công. Theo luật chơi, mỗi đội cử một thành viên bước vào khoảng sân chuẩn bị sẵn, sau đó buộc dây vải kín mắt, rồi cùng nhau đuổi theo một con lợn và đội nào bắt lợn trước sẽ chiến thắng.
Bịt mắt bắt lợn là một trò chơi truyền thống quen thuộc ở miền Bắc.
Thổi cơm thi là một trong những trò chơi dân gian ngày Tết miền Bắc và miền Trung phổ biến, thể hiện đời sống gắn liền với lúa nước hơn hàng nghìn năm của người dân Việt Nam. Ở từng vùng miền, thể lệ thi đua có sự khác biệt nhưng nhìn chung đều hướng đến mục đích nhấn mạnh sự kết hợp hài hòa giữa tất cả thành viên trong đội để nấu chín nồi cơm qua 3 phần chính (gồm thi chạy lấy nước, thi kéo lửa và thi thổi cơm).
Nhảy bao bố không chỉ là trò chơi ngày Tết Cổ truyền, mà còn được áp dụng trong hầu hết các lễ hội lớn tại Việt Nam. Bởi lẽ, thông qua trò chơi, người tham gia có thể rèn luyện tính khéo léo (biết cách phối hợp tay - chân nhằm đến đích nhanh chóng) và mang lại thông điệp đoàn kết bền vững. Cách chơi rất đơn giản là người chơi cho hai chân vào bao bố, tay cầm miệng bao và bắt đầu nhảy chụm chân về đích (hoặc đến điểm đồng đội đang đợi) khi nghe thấy hiệu lệnh bắt đầu. Đội nào hoàn thành thử thách trước sẽ trở thành đội chiến thắng.
Nhảy bao bố là trò chơi thể hiện sức khỏe và sự khéo léo của người chơi.
Người dân miền Bắc rất thích trò ném còn (hay ném tung) vào mỗi ngày Tết Nguyên đán. Vì trò chơi vừa tạo không khí vui vẻ, sôi động, vừa thể hiện sự khéo léo và tính toán chuẩn xác của người chơi. Cách chơi cụ thể là người tham gia đứng đối diện cây còn (một cây tre cao có gắn một vòng tròn trên đầu) và ném quả còn (có hình tròn, to bằng nắm tay) vào vòng tròn. Số lượng quả còn ném vào càng nhiều thì tỷ lệ thắng càng cao.
Xưa kia, đua thuyền là một hình thức nghi lễ quan trọng của mọi người dân hành nghề biển đối với thủy thần, và dần trở thành một trò chơi dân gian ngày Tết không thể thiếu ở cả ba miền. Theo đó, mỗi xã/làng sẽ lựa chọn một chiếc thuyền đua đẹp nhất, chắc chắn nhất để thi đấu và tất cả thành viên dùng hết sức mình đưa thuyền về đích.
Chèo thuyền là trò chơi dân gian ngày Tết mang tính đồng đội cao.
Rồng rắn lên mây là trò chơi dân gian ngày Tết cho trẻ mầm non đơn giản nhưng rất thú vị. Trò chơi giúp rèn luyện sự nhanh nhẹn và thể hiện tinh thần đoàn kết của các bạn nhỏ. Cụ thể, một đội gồm 6 - 12 thành viên, ôm eo nhau đóng vai rồng rắn và 1 thành viên đóng vai chủ nhà/thầy thuốc. Tất cả mọi người hô vang bài đồng giao, rồi chủ nhà/thầy thuốc chọn một khúc rồng rắn để rượt đuổi (có thể là khúc đầu, khúc giữa hoặc khúc cuối) và những khúc còn lại sẽ bảo vệ tới cùng. Lặp lại bài đồng dao đến khi chủ nhà/thầy thuốc bắt được hết rồng rắn.
Cá sấu lên bờ là một trong các trò chơi giúp rèn luyện tính nhanh nhẹn và phán đoán chuẩn xác cho trẻ em. Người quản trò phân chia nhiệm vụ cho tất cả bạn chơi, trong đó có 1 cá sấu đuổi bắt người đứng dưới nước (hoặc có 1 chân dưới nước). Thực hiện đến khi cá sấu bắt được hết người chơi.
Cá sấu lên bờ là trò chơi cho trẻ em thú vị.
Đấu vật là trò chơi truyền thống xuất hiện hầu hết ở các tỉnh miền Bắc vào ngày Tết Cổ truyền. Qua đó, người chơi thể hiện sức mạnh và chiến thuật khéo léo để dành thắng cuộc. Cụ thể, người tham gia cởi trần, đóng khố, bước vào vòng tròn quy định và dùng sức của tay - chân để vật ngã đối phương hoặc đẩy họ ra khỏi khu vực thi đấu.
Bên cạnh đó còn các trò chơi dân gian ngày Tết khác như:
Đập niêu đất.
Đi cà kheo.
Chơi cờ người.
Đánh đáo (hay ném đồng xu vào lỗ).
Đua thuyền.
Nhảy lò cò.
Bắt trạch trong chum.
Mèo đuổi chuột.
Hy vọng bài viết trên đã giới thiệu đến bạn đọc các trò chơi dân gian ngày Tết Nguyên đán thú vị. Nhờ đó, bạn có cơ hội biết thêm nhiều nét đẹp văn hóa ý nghĩa của người Việt.
Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm ngày Tết tăng cao, Siêu Thị Điện Máy Chợ Lớn liên tục cập nhật nhiều sản phẩm mới, cam kết 100% chính hãng với mức giá hợp lý kèm chương trình khuyến mãi hấp dẫn và chính sách bảo hành uy tín. Ghé đến cửa hàng gần nhất (xem tại đây) hoặc đặt mua online tại https://dienmaycholon.com/ ngay!
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/cac-tro-choi-dan-gian-ngay-tet-co-truyen-viet-nam-pho-bien-a21218.html