Món cơm cuộn xuất xứ từ Hàn Quốc, tên của nó trong tiếng Hàn là kimbap. Ngay từ cái tên đã chỉ rõ hai thành phần quan trọng nhất làm nên linh hồn của món ăn là “kim” - lá rong biển và “bap” - cơm.
Cơm ngon ăn cùng lá rong biển đã đủ hấp dẫn rồi. Vì vậy, phần nhân của cơm cuộn không hề có một quy định nào cả. Ở đây, Thật là ngon giới thiệu công thức cách làm cơm cuộn theo hương vị truyền thống Hàn Quốc, rất ngon miệng và đủ chất.
Đến cuối bài viết, chúng mình sẽ cùng điểm qua cách làm cơm cuộn chay và cách sáng tạo từ công thức cơ bản nhé!
Bắt tay vào bếp thôi!
Thứ nhất, “kim” - lá rong biển.
Lá rong biển chúng mình có thể tìm mua dễ dàng ở tất cả các siêu thị. Bạn chú ý đừng nhầm lẫn giữa lá rong biển dùng để cuốn cơm (loại to bản) với lá rong biển tẩm gia vị để ăn vặt nhé!
Ngoài cuốn cơm, lá rong biển còn có thể bóp vụn trộn cùng cơm rang kim chi, trộn cùng muối vừng, cắt sợi nấu canh rong biển, tạo hương vị cho các món hải sản chay...
Thứ hai, “bap” - cơm.
Cơm ngon quyết định kimbap có ngon hay không. Vì thế, chúng mình không nên dùng cơm nguội nha!
Ngon nhất là dùng gạo tròn hạt ngắn, giống gạo Nhật làm sushi. Gạo hạt tròn dẻo hơn loại gạo người Việt mình hay ăn, chúng sẽ giúp cuộn cơm có độ kết dính tốt.
Loại gạo cho cơm khô, xốp, tơi thích hợp để rang, ăn cùng các món nhiều sốt như cà ri, chứ không thích hợp để cuộn nha!
Bạn có thể dùng hẳn gạo nếp thổi xôi cũng được, nhưng hạt cơm nếp quá dẻo, sẽ khó thao tác hơn. Vả lại, lúc ấy món ăn của chúng mình biến thành xôi cuộn rồi!
Chúng mình nấu cơm như bình thường. 2 bát gạo sẽ được khoảng 4 bát cơm. Khi cơm còn nóng, chúng mình trộn đều cơm với ½ thìa cà phê muối và 1 thìa canh dầu vừng.
Dầu vừng dùng trong công thức ép từ hạt vừng đã rang chín, màu sậm, có mùi thơm đặc trưng. Nó là chìa khóa tạo nên hương vị Hàn Quốc. Chúng mình không nên thay thế bằng các loại dầu khác nha, kể cả dầu vừng ép nguội (loại dầu sáng màu, không có mùi thơm đặc trưng).
Trong trường hợp bạn không chịu được mùi của nó thì đành bỏ ra vậy, lúc này bạn nên trộn vừng đen/trắng vào cơm nha.
Chúng mình dựng dọc muôi, thao tác trộn như đang “cắt” nhẹ nhàng vào tô cơm, đảo nhẹ tay để tránh làm hạt cơm vỡ nát nha.
Tiếp theo chúng mình sơ chế nhân.
Thịt bò bạn chọn phần thịt hay dùng để xào như mông, thăn,...
Thịt mình rửa sạch, thái mỏng. Phần thịt dắt mỡ chúng mình nên lạng bỏ mỡ đi nhé.
Ướp 250 g thịt với 2 tép tỏi đập dập băm nhuyễn, 2 thìa cà phê nước tương, 1 thìa canh đường, ½ thìa cà phê tiêu, 2 thìa cà phê dầu vừng (có thể thay thế bằng các loại dầu ăn khác).
Nếu bạn không quen ăn ngọt và cảm thấy 1 thìa canh đường hơi nhiều thì hoàn toàn có thể giảm bớt hoặc bỏ hẳn đường. Tuy nhiên, đường+xì dầu gặp nhiệt cao trong chảo xào sẽ caramen hóa, mang lại hương vị cháy cạnh thơm ngon đặc trưng.
Cách làm cơm cuộn truyền thống của Hàn Quốc thường sử dụng rau cải bó xôi bóp dầu vừng, xì dầu và tỏi. Tuy nhiên, ở thời tiết nóng ẩm như Việt Nam, món rau này rất nhanh thiu, chỉ hợp làm xong ăn ngay.
Vì vậy, trong công thức cơm cuộn này, phần rau chúng mình dùng cà rốt để lấy màu đẹp và dưa chuột để lấy vị thanh mát và giòn ngọt.
Cà rốt chúng mình rửa sạch, gọt vỏ, thái sợi.
Dưa chuột rửa sạch, bỏ bớt ruột, thái dọc thành thanh dài đường kính cỡ ngón tay út.
Ruột dưa chuột khá nhiều nước. Chúng mình nên bỏ bớt ruột giúp hạn chế ướt nhân, để cuộn cơm được giữ tươi lâu hơn nha.
Củ cải muối kiểu Hàn (danmuji) thái dọc cùng kích thước với dưa chuột.
Nhiều người Hàn cho rằng cơm cuộn không thể thiếu củ cải muối. Ở Việt Nam, chúng mình có thể tìm mua nó trong siêu thị Hàn Quốc ở dạng cắt sẵn thành từng thanh dài hoặc nguyên củ, thậm chí tự làm tại nhà.
Nó có vị chua ngọt nhẹ, màu vàng tươi, rất nhạt muối, chứ không phải củ cải xá bấu màu nâu nha.
Ngoài cơm cuộn, củ cải muối có thể ăn kèm với tất cả các loại thịt nướng, đồ chiên rán và các món ăn Hàn Quốc.
Nếu không có, chúng mình có thể bỏ qua hoặc thay thế bằng kim chi đã rửa sạch gia vị và vắt kiệt nước nhé.
Trứng rửa sạch, đập 3 quả vào bát, đánh tan với 1 nhúm muối nhỏ.
Chúng mình chỉ cần một cái chảo duy nhất, nên dùng cái chảo bự bự chút bạn nhé!
Bạn rán trứng trước nè. Trứng rán ở lửa vừa tới khi chín se mặt, chúng mình xắt thành từng dải dài bề rộng 2-3 phân.
Vẫn chảo đó, thêm một ít dầu ăn, lửa lớn, chảo thật nóng, chúng mình xào cà rốt thật nhanh tay. Cà rốt hơi xẹp xuống, trong hơn tức là đã chín tới, khi nhai cà rốt phải giòn ngọt, nhạt muối. Bước này chỉ mất khoảng 30 giây.
Nếu bạn nếm thấy trứng trót bị mặn thì không cho thêm muối lúc xào cà rốt nha.
Chúng mình lại làm nóng chảo với một ít dầu ăn, chảo thật nóng tới mức bốc khói thì chúng mình trút thịt bò vào xào thật nhanh tay.
Bước này chỉ tốn dưới 1 phút. Thịt chín không còn màu hồng, chúng mình trút ngay ra bát, tránh nhiệt còn dư trong chảo làm thịt chín khô. Thịt cần chín tới mềm ngọt, không chảy nước, có vị cháy cạnh (do có đường).
Chúng mình không nên lấy thịt bò vừa từ tủ lạnh ra để xào nha. Trước khi xào thịt nên ở nhiệt độ phòng, kết hợp lửa thật lớn, chảo thật nóng, diện tích bề mặt chảo rộng, thì món xào sẽ mềm ngon không ra nước.
Xong hết rùi, giờ chỉ cần cuộn cơm nữa thui!
Bật bếp lửa vừa, bạn hơ lá rong biển trên lửa mỗi mặt 2-3 lần, thao tác nhanh tránh lá bị cháy. Bước này giúp rong biển thơm hơn.
Mình đặt lá rong biển lên mành tre, mặt bóng úp xuống dưới.
Cơm chia đủ thành 5 phần cho 5 cuốn. Chúng mình dàn mỏng cơm lên mặt nhám, để chừa 1 mép lá khoảng 3-4 phân.
Phần nhân bạn cũng chia đều thành 5 phần, Bạn lần lượt xếp khít thịt, trứng, cà rốt, dưa chuột, củ cải lên mặt cơm.
Sau khi đã xếp đầy đủ phần nhân, bạn bắt đầu cuộn cơm. Đây có thể là bước khó nhất trong cách làm cơm cuộn. Nó đòi hỏi sự khéo léo của bạn để đảm bảo cuộn cơm tròn đều, bao đủ nhân và không bị rời khi cắt.
Bạn đặt ngón tay cái xuống bên dưới mành tre và giữ nguyên liệu bằng ngón tay của bạn. Sau đó, bạn cuộn mành tre về phía các ngón tay của bạn với một lực ấn nhẹ, đảm bảo rằng các nguyên liệu được bọc kín trong cơm và lá rong biển.
Khi cuộn kín một vòng, bạn nhớ nhấc phần mành tre ra, tránh cuộn mành tra vào trong cuộn cơm của mình nhé !
Khi cuộn cơm đến phần mép, bạn nhúng ngón tay vào nước và quết một lớp lên phần lá rong biển không có cơm rồi cuộn lại. Nước sẽ giúp lá rong biển dính chặt hơn vào cuộn cơm. Bạn dùng mành tre nắn lại cả cuộn cơm cho thật chặt một lần nữa để cuộn kimbap định hình đẹp nhé.
Nếu bạn thấy mép lá rong biển không dính, bạn chỉ cần để yên cuộn cơm đè lên mép một lúc, lượng ẩm từ cơm sẽ tự động khiến nó dính lại thôi.
Nếu không có mành tre, chúng mình có thể sử dụng một miếng vải/khăn lớn hay giấy báo dày để cuộn cơm. Bạn trải khăn/giấy lên mặt phẳng rồi trải đè lên một lớp màng thực phẩm và thao tác tương tự như khi cuộn bằng mành tre nhé.
Tới đây, nếu muốn làm cơm cuộn bọc trứng, chúng mình đập 2 quả trứng, đánh tan với một nhúm muối nhỏ xíu, tráng trứng lửa nhỏ. Chúng mình đặt cuộn cơm lên mặt trứng từ khi mặt chưa se, nhẹ nhàng cuộn như làm trứng cuộn.
Nếu muốn có cơm cuộn chiên giòn, chúng mình chuẩn bị bột mì, 2 quả trứng đánh tan và bột xù đặt ở 3 cái đĩa sâu lòng riêng biệt. Chúng mình áo cuộn cơm một lớp mỏng bột mì, lăn đẫm trứng, rồi áo bột xù.
Cuộn cơm áo bột xong để nghỉ trong tủ lạnh cho tới khi chiên.
Tiếp đó, chảo đổ ngập dầu sao cho đủ để chiên ngập cuộn cơm. Khi dầu nóng già, chúng mình thả cuộn cơm vào chiên tới khi vàng giòn, chỉ mất khoảng 30 giây đến 1 phút nha.
Với cơm cuộn truyền thống, chúng mình thoa ngoài cuộn cơm một lớp dầu vừng mỏng để món ăn bóng đẹp ngon mắt.
Thế là chỉ từ cùng một công thức, chúng mình đã có cả cách làm cơm cuộn bọc trứng, cách làm cơm cuộn chiên xù rồi đó!
Chúng mình dùng dao sắc có thoa một lớp dầu chống dính để cắt cuộn cơm thành từng khoanh vừa ăn. Ngoài ra, bạn có thể dùng khăn ướt lau dao sau mỗi đường cắt để đảm bảo miếng cắt vuông vắn nha.
Nước chấm đi cùng có thể là mayonnaise pha tương ớt/tương cà hoặc xì dầu pha giấm đường tỉ lệ 1:1:0,5, cắt thêm vài lát ớt thiệt cay nếu bạn ăn được cay nha.
Đặc biệt, cơm cuộn chấm nước sốt của món bánh gạo cay Hàn Quốc ngon số 1!
Cơm cuộn làm xong chỉ nên ăn trong ngày nhé!
Cơm cuộn gọn nhẹ cực kì thích hợp mang đi picnic, dã ngoại hoặc làm cơm hộp mang đi làm, đi học. Vì thế khi lên ý tưởng phần nhân, bạn có thể cân nhắc phối hợp đủ cả đạm và rau để có bữa ăn đủ chất.
Từ công thức cơ bản trên đây, chúng mình có thể biến hóa món cơm cuộn với thật nhiều hương vị khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý kết hợp nhân như trong những hình dưới đây nhé.
Cách làm cơm cuộn ngon không hề khó, bạn chỉ cần chú ý sự kết hợp hài hòa cả hương vị và màu sắc của các nguyên liệu làm nhân.
Phần màu sắc thường là sự kết hợp của cà rốt, dưa chuột và củ cải vàng. Nhưng bạn cũng có thể thay thế bằng ớt chuông, kim chi, măng tây, các loại rau xanh như xà lách giòn, rau cải ngọt, cải ngồng luộc vắt kiệt nước,... Chúng mình nên chọn những loại rau củ có độ giòn, ngọt, không ra nước hay nhớt và nên có hình dạng dài nhè.
Bơ và dứa cũng là một lựa chọn thú vi cho nhân kimbap đấy!
Ngoài thịt bò, tôm cua hấp cũng rất hợp, hoặc chúng mình thay thế bằng xúc xích, thanh cua, thịt nguội, cá ngừ đóng hộp,... thì còn nhanh gọn hơn nữa!
Đối với người ăn chay hay đơn giản muốn đổi vị bữa cơm chay tịnh, bạn thay thịt, cá,... bằng đậu phụ rán, tàu hũ ky (phù trúc, váng đậu), các loại nấm dày mình như nấm đông cô tươi, nấm đùi gà,... Bạn cũng xào chín các nguyên liệu này nhé. Bạn có thể xào cùng với tỏi hoặc hành boa rô cho tăng phần hấp dẫn.
Cuộn cơm với các loại hoa quả cũng không tồi đâu nhé.
Và cũng chả sao hết nếu bạn làm phần nhân với những gia vị thật Việt Nam như gà chiên mắm (nhớ bỏ xương nhé ), thịt xá xíu, chả bông, dưa món,...
Do đó, không phải đợi đi chợ sắm cho đủ nguyên liệu, chúng mình có thể tha hồ biến hóa món cơm cuộn tùy theo tình hình tủ lạnh gia đình.
Ngăn trở duy nhất với người chưa quen ăn cơm cuộn là mùi đặc trưng của rong biển. Nhưng một khi đã quen rồi, cái vị của biển ấy sẽ mở ra một chân trời vị giác mới lạ mà chẳng thứ nguyên liệu nào thay thế được.
Ai đã quen tổ hợp dầu vừng+rong biển trong ẩm thực Hàn thì còn dễ nghiện ấy nhỉ!
Bếp nhà bạn hôm nay đã có món cơm cuộn chưa? Hãy chia sẻ thành phẩm với Thật là ngon nhé!
Tổng Hợp
*Ảnh: Nguồn Internet