Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn -Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Tiểu buốt là triệu chứng gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân khi đi tiểu. Xác định rõ nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam giới và phụ nữ sẽ giúp phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
1. Tiểu buốt là gì?
Tiểu buốt là triệu chứng đau đớn, nóng rát, khó chịu khi đi tiểu. Cơn đau có thể bắt nguồn từ bàng quang, đáy chậu hoặc niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu nằm bên ngoài cơ thể. Ở nam giới, đáy chậu là khu vực nằm giữa bìu và hậu môn. Ở phụ nữ, đáy chậu là khu vực nằm giữa hậu môn và phần mở đầu của âm đạo.
Tiểu buốt là hiện tượng khá phổ biến ở cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hiểu rõ về nguyên nhân và cách phòng ngừa hữu hiệu cho tình trạng này.
2. Nguyên nhân gây tiểu buốt ở phụ nữ và nam giới
2.1 Nguyên nhân gây triệu chứng tiểu buốt ở phụ nữ
Những nguyên nhân điển hình gây tiểu buốt ở phụ nữ là:
Viêm đường tiết niệu: Kích thước niệu đạo của phụ nữ rất ngắn, chỉ bằng 1⁄3 so với nam giới. Bên cạnh đó, niệu đạo của phụ nữ rất gần với hậu môn, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm. Khi bị viêm đường tiết niệu, chị em sẽ thấy đau buốt, bỏng rát khi đi tiểu, có thể bị chảy dịch ra từ niệu đạo;
Viêm âm đạo do nấm: Tiểu buốt ở phụ nữ có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm âm đạo do nấm. Căn bệnh này gây ngứa bên trong và bên ngoài âm đạo, xuất hiện khí hư có dạng giống bã đậu, niêm mạc bị tổn thương gây viêm loét, tiểu buốt;
Bệnh lậu: Sau khi bị lây nhiễm vi khuẩn lậu từ 3 - 5 ngày, chị em có biểu hiện tiểu buốt, tiểu nhiều lần, âm đạo chảy mủ, khí hư bất thường,...;
Táo bón: Khi tình trạng táo bón kéo dài (do thói quen lười ăn rau xanh, uống ít nước,...) thì sẽ gây áp lực cho bàng quang, dẫn tới tiểu buốt;
Mãn kinh: Khi tới độ tuổi mãn kinh, việc sản xuất hormone estrogen sẽ bị giảm mạnh, làm thay đổi độ pH âm đạo, xáo trộn sự cân bằng của nấm men và vi khuẩn trong âm đạo, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là nguyên nhân gây tiểu buốt tiểu rắt thường gặp ở phụ nữ;
Đái tháo đường: Khi lượng đường trong máu tăng cao thì đường dư thừa được thải qua đường nước tiểu. Điều này đã tạo cơ hội để vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường thường bị suy yếu hệ miễn dịch nên các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng cũng có cơ hội phát triển mạnh, gây triệu chứng đau buốt, khó chịu khi đi tiểu;
Nhịn tiểu: Theo một số nghiên cứu khoa học, việc nhịn tiểu trong vòng 6 giờ trở lên có thể làm tăng nguy cơ tiểu buốt vì lúc này các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập vào bàng quang. Đây là lý do chị em không nên nhịn tiểu quá lâu để tránh bị tiểu buốt;
Sỏi thận: Sỏi thận có thể gây viêm nhiễm đường tiết niệu bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Do vậy, khi có triệu chứng tiểu buốt đi kèm đau lưng, chị em nên đi khám thận để phát hiện, xử lý triệt để sỏi thận;
Mất nước: Cơ thể bị thiếu nước, dẫn tới tiểu ít, giảm khả năng đào thải vi khuẩn trong đường tiết niệu, dễ gây tiểu buốt. Do vậy, bạn nên uống nhiều nước để làm dịu cơn khát và giảm nguy cơ tiểu buốt;
Sử dụng băng vệ sinh sai cách: Nếu sử dụng băng vệ sinh trong một thời gian dài mà không thay, chọn nhầm loại băng vệ sinh gây kích ứng da, dùng băng vệ sinh hết hạn,... bạn có thể bị viêm đường tiết niệu với biểu hiện đặc trưng là tiểu buốt;
Mặc quần lót quá chật: Quần lót quá chật có thể gây viêm đường tiết niệu dẫn tới tiểu buốt. Do vậy, chị em nên mặc quần lót làm từ chất liệu thông thoáng, thoải mái để ngăn chặn sự phát triển, sinh sôi của các loại vi khuẩn gây bệnh.
2.2 Nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam giới
Một số nguyên nhân thường gặp gây triệu chứng tiểu buốt ở nam giới gồm:
Viêm niệu đạo: Ống niệu đạo của nam giới là 1 ống dài, nối từ bàng quang ra lỗ tiểu để làm nhiệm vụ vận chuyển nước tiểu và dẫn tinh dịch. Khi ống niệu đạo bị viêm, vị trí viêm sưng tấy sẽ thu hẹp chu vi niệu đạo, khiến bệnh nhân bị tiểu buốt, tiểu rắt khó chịu;
Viêm bàng quang: Đây là 1 dạng nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi vi khuẩn trong bàng quang, có tỷ lệ mắc bệnh cao, dễ tái phát nếu không được điều trị dứt điểm. Bệnh nhân bị viêm bàng quang có triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục, có mùi hôi, có thể bị tiểu ra máu, cơ thể mệt mỏi, đau ở cơ quan sinh dục, đau 2 bên thắt lưng,...;
Viêm bể thận: Là tình trạng thận bị nhiễm trùng (chủ yếu là do biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu). Viêm bể thận gây tiểu buốt, đau khi đi tiểu, nóng rát ở cơ quan sinh dục khi đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi, tiểu nhiều lần, ăn không thấy ngon, cơ thể mệt mỏi và suy nhược;
Viêm tuyến tiền liệt: Là căn bệnh gây ra bởi các vi khuẩn gram âm đường tiêu hóa và vi khuẩn sinh dục tiết niệu. Biểu hiện điển hình của bệnh là tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt;
U xơ tiền liệt tuyến: Còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt, là tình trạng tuyến tiền liệt phình to, chèn ép vào ống niệu đạo và bàng quang, gây nhiều triệu chứng rối loạn đường tiểu (trong đó có tiểu buốt). Đây là căn bệnh hay gặp ở nam giới trong độ tuổi trung niên;
Sỏi hệ tiết niệu: Gồm sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo. Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu gồm các loại muối khoáng hòa tan trong nước tiểu bị lắng đọng lại, hình thành sỏi. Triệu chứng sỏi tiết niệu gồm: Đau âm ỉ hoặc đau thành cơn ở thắt lưng, tiểu buốt, bí tiểu cấp tính, nước tiểu đục, tiểu ngắt quãng, tiểu ra máu,...;
Ung thư tuyến tiền liệt: Là tình trạng các tế bào ác tính phát triển không kiểm soát, lâu dần hình thành khối u trong tuyến tiền liệt, chèn ép niệu đạo và bàng quang. Triệu chứng của bệnh gồm tiểu buốt, tiểu rắt, khó tiểu, tiểu bí, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, nước tiểu có lẫn máu,...;
Bệnh lậu: Nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam giới có thể là do bệnh lậu. Đây là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gặp cả ở nam giới và phụ nữ. Bệnh nhân có biểu hiện đi tiểu bị đau buốt, nóng rát; dương vật tiết dịch màu trắng, vàng hoặc xanh lá cây; tinh hoàn sưng, đau,...
2.3 Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác gây tiểu buốt gồm: Bệnh Chlamydia, tác dụng phụ của một số loại thuốc (ví dụ thuốc điều trị ung thư, thuốc tránh thai, dung dịch vệ sinh,...), bệnh herpes sinh dục, sinh hoạt tình dục quá độ, vừa trải qua thủ thuật đường tiết niệu, dị ứng với xà phòng hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân, hẹp niệu đạo, viêm ống dẫn trứng, căng thẳng hoặc áp lực tâm lý,...
3. Tiểu buốt ở nam giới và phụ nữ có nguy hiểm không?
Người bị tiểu buốt thường cảm thấy khó chịu khi đi tiểu, làm suy giảm sức khỏe sinh lý, giảm cảm giác tự tin, gây e ngại khi gần gũi bạn tình,... Về lâu dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt vợ chồng, dễ gây sứt mẻ tình cảm. Bên cạnh đó, hiện tượng tiểu buốt có thể là biểu hiện của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, tình trạng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng khó lường, thậm chí gây vô sinh, hiếm muộn hoặc đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Do vậy, khi bị tiểu buốt, tiểu rắt thì người bệnh nên đi thăm khám, điều trị kịp thời.
4. Chẩn đoán tiểu buốt ở nam giới và phụ nữ
Đầu tiên, bác sĩ sẽ xem tiền sử sức khỏe của bệnh nhân, đặt câu hỏi về sức khỏe tổng thể, những lần bị tiểu buốt trước đây. Bác sĩ cũng sẽ hỏi người bệnh về số lần đi tiểu, tiền sử quan hệ tình dục,... Tùy thông tin tiền sử, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm phù hợp cho từng bệnh nhân.
Cụ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu nước tiểu rồi sử dụng que thử nước tiểu để kiểm tra, tìm nguyên nhân gây tiểu buốt. Phương pháp này giúp phát hiện vi khuẩn và máu (phổ biến ở bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu). Sau đó, mẫu nước tiểu được gửi tới phòng thí nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi, giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
Sau khi được thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
5. Biện pháp phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của chứng tiểu buốt
Một số biện pháp phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của hiện tượng tiểu buốt hiệu quả gồm:
Hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, thức ăn cay, nước ngọt có ga,... vì chúng có thể gây kích thích bàng quang;
Quan hệ tình dục an toàn, sống chung thủy để tránh nguy cơ mắc các bệnh xã hội;
Sinh hoạt vợ chồng điều độ để cơ quan sinh dục có nhiều thời gian nghỉ ngơi;
Bổ sung thêm rau xanh, trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu,... vào thực đơn ăn uống hằng ngày;
Tránh thực phẩm có tính acid cao để giúp bàng quang có thời gian phục hồi;
Uống đủ nước (khoảng 8 - 10 ly nước/ngày) nhưng cần tránh uống nước trước khi đi ngủ vào ban đêm để tránh nửa đêm thức giấc vì buồn tiểu;
Không nhịn tiểu, nên đi tiểu bất cứ khi nào muốn tiểu. Tốt nhất bạn nên tạo thói quen đi tiểu vào những khung giờ cố định trong ngày;
Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ và đúng cách, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ tình dục;
Tập thể dục đều đặn, thường xuyên để tăng cường sức đề kháng của cơ thể trước các loại vi khuẩn gây bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây tiểu buốtở nam giới và nữ giới. Tình trạng này có thể dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, tránh biến chứng, bệnh nhân nên đi thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường ở đường tiết niệu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.