Tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong ngày, màu sắc và tính chất phân có sự thay đổi, thậm chí có lẫn máu được gọi là tình trạng tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy có thể được chia thành những dạng sau:
- Tiêu chảy cấp tính: Dạng tiêu chảy này thường xảy ra cả ở trẻ em và người lớn. Người bệnh thường đột ngột bị đi ngoài phân lỏng và số lần đi ngoài trên ngày nhiều hơn 3 lần. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này thường là do các vấn đề về thực phẩm, do nhiễm khuẩn, phổ biến là do virus Rota. Bệnh có thể nhanh chóng diễn tiến nặng và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời.
Người bệnh bị đau quặn bụng
- Tiêu chảy mãn tính: Tình trạng tiêu chảy diễn ra trong thời gian dài, có thể trong 2 đến 4 tuần mà chưa chấm dứt. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu thì bệnh thậm chí có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
- Tiêu chảy thẩm thấu: Là tình trạng tiêu chảy mà bệnh nhân không hấp thu được chất dinh dưỡng như lactose, dẫn tới đầy bụng, tiêu chảy. Khi bạn ngừng ăn những thực phẩm có chứa chất này thì sẽ cải thiện được tình trạng tiêu chảy.
- Tiêu chảy xuất tiết: Do sự rối loạn về chuyển tải ion ở tại tế bào ruột khiến tăng bài tiết và giảm hấp thu.
Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng tiêu chảy ở người lớn:
- Nhiễm khuẩn đường ruột: Khi bạn ăn những loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn có chứa nhiều loại vi khuẩn như khuẩn tụ cầu, Salmonella, Clostridium,… khiến cho các mô trong đường tiêu hóa bị kích thích, gây viêm nhiễm và cuối cùng dẫn đến tiêu chảy. Bên cạnh đó, sử dụng những nguồn nước bị ô nhiễm, ăn những loại rau cỏ được tưới phân tươi mà không rửa sạch thì cũng có thể mắc phải nguy cơ nhiễm khuẩn gây tiêu chảy.
- Vệ sinh kém: Khi bạn không thường xuyên vệ sinh cá nhân hoặc vệ sinh kém sẽ khiến cho khuẩn bệnh có cơ hội lây lan, xâm nhập vào cơ thể, gây viêm nhiễm và dẫn tới nhiễm trùng.
Mất cân bằng vi sinh đường ruột có thể gây tiêu chảy
- Mất cân bằng vi sinh đường ruột: Hệ vi sinh đường ruột rất quan trọng. Nếu rối loạn hoặc mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột sẽ dẫn tới tình trạng tăng nhu động ruột, giảm hấp thu,… dẫn tới tiêu chảy.
- Không hấp thu đường: Một số trường hợp cơ thể không dung nạp được lactose, fructose hay glucose-galactose,… có trong các loại trái cây, sữa, mật ong sẽ có nguy cơ bị tiêu chảy.
- Ngộ độc thực phẩm: Khi ăn phải một số thực phẩm chứa các chất độc hại, bị ôi thiu,… có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến người bệnh bị tiêu chảy, đau bụng dữ dội, nôn mửa, thậm chí là sốt cao. Những trường hợp nặng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
- Hội chứng ruột kích thích: Khi nhu động ruột bị co thắt quá mức sẽ khiến cho thức ăn di chuyển nhanh hơn và nước không được tái hấp thu hay nước tiết ra từ niêm mạc ruột quá mức sẽ dẫn tới tiêu chảy. Tình trạng này thường xảy ra khi bệnh nhân thay đổi thói quen ăn uống hoặc sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh.
- Viêm đại tràng: Bệnh viêm đại tràng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Để chẩn đoán bệnh tiêu chảy, các bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây tiêu chảy. Loại xét nghiệm phổ biến là xét nghiệm công thức máu toàn phần.
- Xét nghiệm phân: Khi thực hiện xét nghiệm mẫu phân, bác sĩ sẽ có thể tìm ra các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có trong phân và cũng chính là tác nhân gây tiêu chảy.
- Nội soi đại tràng: Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ có thể kiểm tra được toàn bộ khung đại tràng và thấy rõ được những tổn thương tại đại tràng, tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh tiêu chảy.
Khi tìm ra được nguyên nhân gây bệnh chính xác, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả đối với bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến để điều trị tiêu chảy ở người lớn:
- Đối với những bệnh nhân tiêu chảy ở mức độ nhẹ thì gần như người bệnh không cần điều trị hay sử dụng thuốc, bệnh sẽ tự khỏi sau một vài ngày.
Uống nhiều nước để phòng ngừa mất nước
- Đối với những trường hợp bệnh tiêu chảy tiến triển nặng, bệnh nhân có thể được bác sĩ điều trị theo phương pháp sau:
- Bù nước và điện giải khi bị tiêu chảy: Bệnh nhân cần uống dung dịch bù điện giải để bồi hoàn lượng nước và điện giải đã mất. Trong trường hợp bệnh nhân không thể uống thì cần phải truyền qua đường tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là do vi khuẩn, ký sinh trùng thì bệnh nhân cần uống kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ để điều trị bệnh.
- Điều chỉnh các thuốc đang dùng: Nếu các loại thuốc điều trị mà bạn đang sử dụng chính là nguyên nhân gây nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ điều chỉnh, thay thế thuốc cho bạn.
Rửa tay bằng nước sát khuẩn để ngăn ngừa tiêu chảy
- Điều trị bệnh lý gây tiêu chảy: Nếu tiêu chảy do bệnh lý chẳng hạn như viêm ruột, viêm đại tràng,… bệnh nhân cần điều trị bệnh để cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở người lớn, bạn nên tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, đảm bảo ăn chín uống sôi, đảm bảo sử dụng thực phẩm an toàn, sử dụng nguồn nước sạch,… Nếu bạn vẫn có những thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp.
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/mot-so-nguyen-nhan-pho-bien-gay-tieu-chay-o-nguoi-lon-a20601.html