Klenzit C là một sản phẩm dạng bôi dùng để điều trị mụn trứng cá “quốc dân” mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy tại các nhà thuốc. Mặc dù được sử dụng khá phổ biến, cần thận trọng khi sử dụng Klenzit C để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh và các hiện tượng bong tróc da cũng như đạt được hiệu quả trị mụn tốt nhất.
Thuốc trị mụn Klenzit C là gì?
Thuốc trị mụn Klenzit C là thuốc bôi ngoài da chứa kháng sinh, sản xuất bởi công ty Glenmark Pharmaceuticals, Ấn Độ. Thuốc được bào chế dưới dạng gel chứa hai hoạt chất là adapalene và clindamycin phosphat.
Adapalene là một dẫn xuất thuộc nhóm retinoid (vitamin A) thế hệ thứ 3, được FDA chấp thuận trong điều trị mụn trứng cá. So với hai thế hệ trước thì adapalene được sử dụng nhiều trong điều trị mụn nhờ các ưu điểm như bền với với ánh sáng hơn do cấu trúc mạch thẳng nối đôi được thay thế bởi vòng thơm, cũng vì cấu trúc này nên adapalene thấm tốt hơn qua da, ít kích ứng da hơn do có tác động chọn lọc lên thụ thể acid retinoic (RAR β/γ).
Kết quả từ nghiên cứu phân tích tổng hợp đánh giá 900 bệnh nhân từ các thử nghiệm lâm sàng để so sánh hiệu quả sử dụng giữa adapalene và tretinoin bôi tại chỗ cũng cho thấy adapalene có khả năng dung nạp vượt trội hơn tretinoin, ít gây kích ứng hơn khi sử dụng điều trị mụn viêm cho bệnh nhân trong 12 tuần. Thành phần adapalene có trong thuốc chấm mụn Klenzit C cho các tác dụng dược lý như sau:
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng hoạt chất adapalene có khả năng giảm sự tăng sinh tế bào sừng và thúc đẩy quá trình biệt hóa để bình thường hóa quá trình bong vảy bất thường. Quá trình bong vảy bất thường là 1 trong 4 cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá.
Adapalene còn có khả năng kháng viêm do có cấu trúc giống NSAID. Cơ chế kháng viêm của adapalene là do ức chế hóa ứng động bạch cầu và ức chế các chất gây viêm như prostaglandin (PG). Adapalene sẽ hạn chế các biểu hiện của phản ứng viêm như sưng, nóng, đỏ, đau, hạn chế cảm giác khó chịu trên da.
Adapalene có khả năng điều chỉnh miễn dịch biểu bì bằng cách tăng CD1d và giảm IL-10 của tế bào sừng, giúp tăng tương tác giữa các tế bào đuôi gai và tế bào lympho T, từ đó tăng khả năng kháng khuẩn chống lại P. acnes.
Ngoài ra adapalene còn có khả năng ức chế melanosome di chuyển ra ngoài tế bào sừng và giảm sắc tố biểu bì bằng cách đẩy nhanh quá trình tái tạo biểu bì.
Clindamycin là một kháng sinh thuộc nhóm lincosamid. Đây là một kháng sinh phổ rộng, tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn như vi khuẩn gram dương hiếu khí cũng như kỵ khí và một số chủng vi khuẩn gram âm kỵ khí. Đặc biệt, clindamycin có tác dụng tốt đối với vi khuẩn P. acnes, đây là một chủng vi khuẩn gram dương kỵ khí gây mụn. Clindamycin có tác dụng kìm khuẩn ở nồng độ thấp và diệt khuẩn ở nồng độ cao. Thành phần clindamycin cho những tác dụng dược lý như sau:
Clindamycin gắn vào bán đơn vị 50S của ribosome của vi khuẩn, làm ảnh hưởng đến việc tạo các liên kết peptid. Điều này khiến vi khuẩn không thể tạo được các chuỗi peptid và sau đó là các protein cho các hoạt động sinh lý của vi khuẩn. Đây là nguyên nhân đưa đến tác dụng kìm khuẩn và diệt khuẩn của clindamycin.
Một nghiên cứu cho thấy với nồng độ tối thiểu là 0,4 mcg/ml, clindamycin có khả năng ức chế toàn bộ vi khuẩn P. acnes (vi khuẩn gây mụn trứng cá), các thí nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Phối hợp giữa adapalene và clindamycin trong điều trị mụn cho thấy hiệu quả vượt trội hơn khi sử dụng đơn trị từng loại hoạt chất.
Công dụng của thuốc trị mụn Klenzit C
Thuốc trị mụn Klenzit C là sự kết hợp giữa kháng sinh clindamycin và adapalene. Sự phối hợp này đưa đến hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với việc sử dụng riêng từng hoạt chất. Một nghiên cứu lâm sàng trên hơn 200 bệnh nhân có tình trạng mụn trứng cá nhẹ đến trung bình trong 12 tuần cho thấy việc sử dụng phối hợp clindamycin - adapalene giúp làm giảm 46.7% mụn viêm và không viêm so với 25.5% ở nhóm sử dụng clindamycin đơn trị liệu.
Do có thành phần kháng sinh, Klenzit C được chỉ định chính trong các trường hợp mụn trứng cá có viêm do P. acnes như mụn viêm có nhân hoặc không nhân, mụn bọc và mụn nang. Trường hợp mụn không viêm như mụn đầu đen, mụn ẩn chỉ nên sử dụng adapalene đơn trị để giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh.
Cách sử dụng và liều dùng
Klenzit C nên được dùng theo chỉ dẫn của Bác sĩ, không nên tự ý sử dụng vì trong thành phần của thuốc có chứa kháng sinh, sử dụng không đúng thời gian và liều lượng rất dễ gây nên tình trạng đề kháng kháng sinh.
Trong trường hợp được Bác sĩ chỉ định, cần lưu ý để sử dụng cho đúng cách như sau:
Làm sạch da trước khi bôi thuốc để thuốc dễ thấm vào da hơn. Cần làm sạch da với sản phẩm sữa rửa mặt phù hợp (nếu có trang điểm thì cần phải tẩy trang trước).
Bôi Klenzit C trên da khô. Khác với việc sử dụng các sản phẩm dưỡng da thông thường, vùng da bôi Klenzit C cần phải sạch và khô vì cấu trúc của adapalene là một chất thân dầu, nếu bề mặt da không đủ khô có thể ảnh hưởng đến khả năng thấm của hoạt chất qua da.
Klenzit C nên được sử dụng mỗi ngày một lần vào buổi tối và chỉ sử dụng thuốc tối đa 12 tuần liên tục. Tránh bôi thuốc vào vùng da nhạy cảm như môi, mắt.
Có thể sử dụng các sản phẩm điều trị mụn hoặc dưỡng ẩm khác sau khi Klenzit C trên da đã khô, tuy nhiên tránh bôi cùng lúc với các sản phẩm có chứa AHA hoặc acid glycolic.
Chống chỉ định và thận trọng
Thuốc trị mụn Klenzit C chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng như:
Bệnh nhân tiền sử mẫn cảm với clindamycin, adapalene hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Phụ nữ có thai và thời kỳ cho con bú. Mặc dù hiện tại dữ liệu của các nghiên cứu lâm sàng chưa đủ để kết luận rằng thuốc có gây tác dụng bất lợi trên thai nhi, nhưng vì lý do an toàn, nếu lợi ích không lớn hơn nguy cơ thì cân nhắc trước khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai. Riêng phụ nữ cho con bú, mặc dù chưa ghi nhận tác dụng của adapalene có ảnh hưởng đến trẻ qua sữa mẹ, tuy nhiên có ghi nhận clindamycin bài tiết qua sữa mẹ. Nên thận trọng sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.
Trẻ em dưới 12 tuổi. Nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả khi phối hợp hai hoạt chất adapalene và clindamycin đối với trẻ dưới 12 tuổi chưa được ghi nhận nên không khuyến cáo sử dụng Klenzit C trong trường hợp này.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc trị mụn Klenzit C
Trong các tuần đầu mới sử dụng thuốc có thể xảy ra hiện tượng bùng phát mụn trứng cá, đây là do tác dụng của thuốc lên các vị trí có mụn ẩn dưới da, không cần quá lo lắng khi gặp hiện tượng này. Các kết quả điều trị được ghi nhận sau từ 8 đến 12 tuần dùng thuốc.
Thuốc chỉ dùng ngoài da. Tránh dây thuốc vào mắt, môi, góc mũi, niêm mạc và các vùng da bị tổn thương như các vết cắt, vết trầy xước, vùng da bị eczema và vùng da bị bỏng nắng.
Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi sử dụng thuốc, vì adapalene nhạy cảm với UV. Nếu không tránh được việc tiếp xúc với ánh nắng thì cần phải sử dụng các sản phẩm chống nắng và che chắn kỹ khi ra ngoài.
Khi sử dụng thuốc có thể xảy ra các tình trạng như ban đỏ, khô da, tróc vảy, nóng rát hay ngứa. Các tình trạng này cũng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc cùng lúc với các chế phẩm dùng ngoài khiến da khô như chất tẩy rửa, sản phẩm chứa nồng độ cồn cao, chất làm săn da, các sản phẩm chứa hương liệu và chất kiềm. Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để làm giảm tình trạng khô da, tuy nhiên cần tránh bôi cùng lúc với các sản phẩm có chứa AHA hoặc acid glycolic.
Ngừng thuốc và liên hệ với Bác sĩ khi có phản ứng phát ban, mề đay, đau ngực, khó thở vì đây là các triệu chứng của dị ứng hoặc quá mẫn.
>>> Xem thêm: Các loại thuốc bôi trị mụn thông dụng và cách sử dụng
Klenzit C là một thuốc bôi trị mụn trứng cá hiệu quả. Tuy nhiên, do thuốc có chứa thành phần kháng sinh nên khi sử dụng không đúng thời gian và liều lượng có nguy cơ gây đề kháng kháng sinh. Ngoài ra, có thể xảy ra tác dụng phụ như hiện tượng bùng phát mụn trứng cá khi mới điều trị hoặc các tình trạng khô da hoặc bong da.
Chỉ sử dụng Klenzit C cho các tình trạng mụn viêm có nhân hoặc không nhân, mụn bọc và mụn nang; không nên sử dụng thuốc cho các trường hợp mụn đầu đen, mụn ẩn. Cuối cùng, cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ và điều trị theo hướng dẫn để đạt được hiệu quả điều trị mụn tốt nhất, an toàn và tránh các tình trạng đề kháng kháng sinh.
Tài liệu tham khảo
Mukherjee, Patravale. “Retinoids in the treatment of skin aging: an overview of clinical efficacy and safety”. Clin Interv Aging. 1 (4), pp. 327-348
Cunliffe, Poncet M, Loesche. “A comparison of the efficacy and tolerability of adapalene 0·1% gel versus tretinoin 0·025% gel in patients with acne vulgaris: a meta‐analysis of five randomized trials”. British Journal of Dermatology. 139 (s52), pp. 48-56
Leyden, Stein-Gold, Weiss J. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne”. Dermatol Ther (Heidelb). 7(3), pp. 293-304.
“Adapalene Prescribing Information”. Drugs.com
“Acne: Diagnosis and treatment”. Aad.org
Rusu A, Tanase, Pascu. “Recent Advances Regarding the Therapeutic Potential of Adapalene”. Pharmaceuticals (Basel). 2020 Sep; 13(9): 217