Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BS. Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin - Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở châu Á - Thái Bình Dương, chưa có điều trị đặc hiệu, với tỉ lệ mắc là 67.900 ca/năm (tỉ lệ mắc mới: 1.8/100.000 dân), tỉ lệ tử vong là 25-30%, 50% số bệnh nhân sống có di chứng thần kinh nặng nề.
Sau nhiều năm triển khai tiêm chủng mở rộng vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản (từ năm 1997), số ca mắc bệnh đã giảm đi nhanh chóng nhưng nguy cơ vẫn còn với trẻ nhỏ. Vì vậy, gia đình cần đưa con em mình đi tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản đúng thời điểm và đảm bảo số mũi tiêm đầy đủ theo lịch tiêm khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ cho trẻ một cách tốt nhất.
Mùa hè là giai đoạn cao điểm xảy ra dịch viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản (thường hay gặp ở trẻ dưới 15 tuổi). Bệnh viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong cao (25-30%) và thường sẽ để lại di chứng cho bệnh nhi. Người ta ước tính khoảng 3 tỉ người có nguy cơ mắc bệnh ở 24 nước châu Á, trong đó bao gồm 700 triệu trẻ em dưới 15 tuổi. Tại Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cả nước. Tại miền Nam, bệnh thường rải rác quanh năm. Ở miền Bắc, bệnh lưu hành theo mùa từ tháng 4-10 là mùa mưa, đỉnh cao là tháng 6,7. Các ổ dịch thường tập trung ở đồng bằng trung du miền Bắc. Trong nghiên cứu của bác sỹ Trần Thị Thu Hương năm 2018 về Căn nguyên viêm não cấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương (đăng tại Tạp chí phòng chống bệnh sốt rét và kí sinh trùng, 4 (106),93-102) cũng ghi nhận từ năm 2014-2016, có 861 ca viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì căn nguyên do virus chiếm 77.5%; trong căn nguyên này thì nhóm viêm não Nhật Bản chiếm 72.7%. Tỉ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản cũng khá cao (25-30%). Đây cũng chính là mối lo của các gia đình có con nhỏ.
Tử vong do bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu tiên, khi bệnh nhân có dấu hiệu hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Mặc dù bệnh nhân có qua khỏi nhưng cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề, thường gặp nhất là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, suy giảm khả năng giao tiếp.
Sau khi bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, biến chứng sớm có thể xuất hiện bao gồm: suy hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Hoặc là, trong quá trình điều trị có thể bị viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt ống thông dẫn lưu. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị loét, viêm tắc tĩnh mạch, rối loạn dinh dưỡng do phải nằm lâu. Những di chứng sớm có khả năng xảy ra là: Bại liệt hoặc liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, co giật, suy giảm khả năng phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần. Những di chứng muộn mà bệnh nhân có thể gặp là khả năng nghe kém đi hoặc bị điếc, rối loạn thần kinh... Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp những di chứng muộn xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm như động kinh và Parkinson.
Hiện nay chưa có cách điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, bạn có thể chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm vắc-xin. Trước khi Việt Nam triển khai tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, có đến 25 - 30% các ca viêm não nhập viện là do nhiễm virus viêm não Nhật Bản, rất nhiều trường hợp đã tử vong. Sau nhiều năm triển khai tiêm chủng thì hiện nay, tỷ lệ này đã giảm chỉ còn dưới 10%, với tỷ lệ trẻ đủ tuổi được tiêm luôn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng trở lại nếu trẻ không được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.
Tất cả đối tượng ở mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2 - 6 tuổi (chiếm khoảng 75% tổng số ca mắc). Điều đáng nói là, có đến 80% trường hợp mắc bệnh là do không tuân thủ lịch tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ em khi đủ 12 tháng tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu thực hiện tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản, trẻ từ 1 đến 5 tuổi sẽ được tiêm miễn phí vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản tại các trạm y tế phường, xã tại địa phương sinh sống.
Ngoài ra, trong chương trình tiêm chủng dịch vụ còn có vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Imojev của hãng Sanofi Pasteur của Pháp - sản xuất tại Thái Lan có thể tiêm phòng sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và tiêm được cả cho người trưởng thành.
Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ số mũi và đúng theo lịch là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện đang sử dụng tại Việt Nam là vắc-xin Jevax, vắc-xin bất hoạt, sản xuất tại Việt Nam với phác đồ tiêm 3 mũi vắc-xin cơ bản:
Sau đó, cứ mỗi 3 năm thì tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ được 15 tuổi.
Về hiệu lực, nếu chỉ tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản mũi 1 thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ có thể đạt trên 80%. Khi tiêm đủ 3 mũi thì hiệu quả đạt tới 90-95% trong khoảng 3 năm. Do đó trẻ cần phải được tiêm nhắc lại mỗi 3 năm cho đến 15 tuổi.
Trong Chương trình tiêm chủng dịch vụ, có thêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Imojev của hãng Sanofi Pasteur của Pháp - sản xuất tại Thái Lan, là vắc-xin sống giảm độc lực, tái tổ hợp với virus sốt vàng. Sau khi tiêm đầy đủ 3 liều cơ bản của vắc-xin Jevax trở lên, có thể hoàn tất phác đồ phòng viêm não Nhật Bản với liều duy nhất vắc-xin Imojev. Vắc-xin Imojev có thể tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên với khuyến cáo của Bộ Y tế như sau:
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các chuyên gia, gia đình không nên vì quá lo lắng hay tham khảo những nguồn thông tin thiếu chính xác về vắc-xin mà bỏ qua phương tiện bảo vệ trẻ tối ưu nhất hiện nay. Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là cách phòng chống bệnh hiệu quả và cần thiết, nhất là vào lúc mùa dịch bệnh đang cao điểm như hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/lich-tiem-vac-xin-viem-nao-nhat-ban-theo-khuyen-cao-cua-bo-y-te-a20367.html