Vitamin B6 còn được gọi là pyridoxine là một loại vitamin tan trong nước thiết yếu của cơ thể. B6 có ý nghĩa đối với chuyển hóa protein, chất béo, carbohydrate và tạo các tế bào hồng cầu, dẫn truyền thần kinh. Cơ thể không thể sản xuất vitamin B6, vì vậy bạn phải bổ sung từ thực phẩm hàng ngày hoặc thực phẩm chức năng.
Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cảm xúc. Điều này một phần là do B6 cần thiết để tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh điều hoà cảm xúc, bao gồm serotonin, dopamine và axit gamma-aminobutyric (GABA).
Vitamin B6 cũng có thể đóng một vai trò trong việc làm giảm nồng độ axit amin homocysteine trong máu cao, có liên quan đến trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các triệu chứng trầm cảm có liên quan đến nồng độ vitamin B6 trong máu thấp, đặc biệt là ở người cao tuổi có nguy cơ thiếu vitamin B cao. Một nghiên cứu ở 250 người lớn tuổi cho thấy nồng độ vitamin B6 thấp làm tăng gấp đôi nguy cơ bị trầm cảm. Tuy nhiên, sử dụng vitamin B6 để ngăn ngừa hoặc điều trị trầm cảm chưa được chứng minh là có hiệu quả.
Vitamin B6 đóng một vai trò trong việc cải thiện chức năng não bộ và ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng nghiên cứu còn có nhiều sự mâu thuẫn. Một mặt, B6 có thể làm giảm nồng độ homocysteine trong máu, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu ở 156 người trưởng thành có nồng độ homocysteine cao và suy giảm nhận thức nhẹ cho thấy dùng B6, B12 và folate (B9) liều cao làm giảm homocysteine và giảm tổn thương ở một số vùng não dễ bị Alzheimer. Tuy nhiên, nghiên cứu không chỉ ra rõ về vấn đề nếu nồng độ homocysteine giảm sẽ giúp cải thiện chức năng não hay làm giảm tốc độ suy giảm nhận thức.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng trên hơn 400 người trưởng thành mắc Alzheimer nhẹ đến trung bình cho thấy liều cao B6, B12 và folate làm giảm nồng độ homocysteine nhưng không làm chậm được tốc độ suy giảm chức năng não so với nhóm giả dược. Ngoài ra, một phân tích gộp trên 19 nghiên cứu đã kết luận rằng bổ sung B6, B12 và folate đơn thuần hoặc kết hợp không cải thiện chức năng não hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Do vai trò của B6 trong việc sản xuất huyết sắc tố, vitamin B6 có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu do không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng.
Hemoglobin là một protein cung cấp oxy cho các tế bào của bạn. Khi bạn có lượng huyết sắc tố thấp, các tế bào sẽ không nhận đủ oxy. Kết quả là bạn có thể bị thiếu máu và cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi.
Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan mức độ thấp giữa vitamin B6 với thiếu máu, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, thiếu vitamin B6 được cho là hiếm gặp ở hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh, do đó có nghiên cứu hạn chế về việc sử dụng B6 để điều trị thiếu máu.
Một nghiên cứu khác cho thấy dùng 75mg vitamin B6 mỗi ngày trong thai kỳ giúp giảm triệu chứng thiếu máu ở 56 phụ nữ mang thai không đáp ứng với điều trị bằng sắt.
Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu được hiệu quả của vitamin B6 trong điều trị thiếu máu ở những người khác ngoài những người có nguy cơ thiếu vitamin B, chẳng hạn như phụ nữ mang thai và người lớn tuổi
Vitamin B6 đã được sử dụng để điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome - PMS), bao gồm lo lắng, trầm cảm và khó chịu. B6 giúp cải thiện các triệu chứng cảm xúc liên quan đến PMS do vai trò trong việc tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng.
Một nghiên cứu kéo dài ba tháng ở hơn 60 phụ nữ tiền mãn kinh cho thấy uống 50mg vitamin B6 hàng ngày giúp cải thiện các triệu chứng PMS của trầm cảm, khó chịu và mệt mỏi tới 69%. Tuy nhiên, những phụ nữ nhận được giả dược cũng báo cáo các triệu chứng PMS được cải thiện, điều này cho thấy rằng hiệu quả của việc bổ sung vitamin B6 có thể là do một phần của hiệu ứng giả dược.
Một nghiên cứu nhỏ khác cho thấy 50mg vitamin B6 cùng với 200mg magie mỗi ngày làm giảm đáng kể các triệu chứng PMS, bao gồm thay đổi tâm trạng, khó chịu và lo lắng, trong suốt một chu kỳ kinh nguyệt.
Mặc dù những kết quả này rất hứa hẹn, nhưng các nghiên cứu bị giới hạn bởi kích thước mẫu nhỏ và thời gian ngắn. Cần nghiên cứu thêm về sự an toàn và hiệu quả của vitamin B6 trong việc cải thiện các triệu chứng PMS trước khi có thể đưa ra khuyến nghị
Vitamin B6 đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để điều trị buồn nôn và nôn khi mang thai. Trên thực tế, B6 có một thành phần trong Diclegis, một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị nôn nghén.
Các nhà nghiên cứu không hoàn toàn chắc chắn tại sao vitamin B6 giúp điều trị nôn nghén, nhưng có thể là do lượng B6 đủ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Một nghiên cứu ở 342 phụ nữ trong 17 tuần đầu tiên của thai kỳ cho thấy bổ sung 30 mg vitamin B6 hàng ngày giúp giảm đáng kể cảm giác buồn nôn sau năm ngày điều trị, so với giả dược.
Một nghiên cứu khác đã so sánh tác động của gừng và vitamin B6 trong việc giảm các cơn buồn nôn và nôn ở 126 phụ nữ mang thai. Kết quả cho thấy, dùng 75 mg B6 mỗi ngày giúp giảm 31% triệu chứng buồn nôn và nôn sau bốn ngày.
Những nghiên cứu này cho thấy vitamin B6 có hiệu quả trong điều trị nôn nghén, thậm chí có hiệu quả trong thời gian dưới một tuần.
Vitamin B6 có thể ngăn ngừa các tắc mạch và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu cho thấy những người có nồng độ vitamin B6 trong máu thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gần gấp đôi so với những người có mức B6 cao hơn.
Điều này có thể là do vai trò của B6 trong việc giảm nồng độ homocysteine liên quan đến một số quá trình bệnh lý bao gồm cả bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu cho thấy chuột thiếu vitamin B6 có nồng độ cholesterol trong máu cao hơn và phát triển các tổn thương có thể gây tắc nghẽn động mạch sau khi tiếp xúc với homocysteine, so với chuột có mức B6 cân bằng. Nghiên cứu ở con người cũng cho thấy tác dụng có lợi của B6 trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng ở 158 người trưởng thành khỏe mạnh có anh chị em mắc bệnh tim mạch đã được chia thành hai nhóm, một nhóm nhận 250mg vitamin B6 và 5 mg axit folic mỗi ngày trong hai năm và một nhóm khác nhận giả dược.
Nhóm dùng B6 và axit folic có nồng độ homocysteine thấp hơn và các xét nghiệm tim mạch ít bất thường hơn so với nhóm giả dược, đưa đến có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.
Cung cấp đủ vitamin B6 có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư. Lý do tại sao B6 có thể giúp ngăn ngừa ung thư vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến khả năng chống viêm và các bệnh mãn tính khác.
Một phân tích gộp trên 12 nghiên cứu cho thấy rằng cả chế độ ăn uống đầy đủ và nồng độ B6 trong máu có liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn. Những người có nồng độ B6 trong máu cao nhất có nguy cơ mắc loại ung thư này thấp hơn gần 50%.
Nghiên cứu về vitamin B6 và ung thư vú cũng cho thấy mối liên quan giữa nồng độ B6 trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác về nồng độ vitamin B6 và nguy cơ ung thư không cho thấy bất kì mối liên quan nào giữa vitamin B6 và nguy cơ ung thư.
Vitamin B6 có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa các bệnh về mắt, đặc biệt là một tình trạng mất thị lực ảnh hưởng đến người cao tuổi được gọi là thoái hóa điểm vàng liên quan đến loại hoá (age-related macular degeneration - AMD).
Các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa nồng độ homocysteine trong máu cao với nguy cơ AMD. Vì vitamin B6 giúp giảm nồng độ homocysteine trong máu, nên bổ sung đầy đủ B6 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Một nghiên cứu kéo dài 7 năm trên hơn 5.400 chuyên gia sức khỏe nữ đã phát hiện ra rằng bổ sung vitamin B6, B12 và axit folic (B9) hàng ngày giúp giảm đáng kể nguy cơ AMD xuống 35 - 40%, so với giả dược.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã cho thấy mối liên quan giữa nồng độ vitamin B6 trong máu thấp với các tình trạng tắc nghẽn các tĩnh mạch lưu thông máu ở võng mạc. Một nghiên cứu có đối chứng ở hơn 500 người cho thấy nồng độ B6 trong máu thấp nhất có liên quan đáng kể đến rối loạn võng mạc
Vitamin B6 có thể giúp giảm các triệu chứng liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Mức độ viêm tăng lên trong cơ thể do viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm nồng độ vitamin B6.
Tuy nhiên, điều này không rõ ràng nếu bổ sung B6 có thể làm giảm viêm ở những người mắc viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu kéo dài 30 ngày ở 36 người trưởng thành bị viêm khớp dạng thấp cho thấy bổ sung 50mg vitamin B6 hàng ngày giúp điều chỉnh nồng độ B6 trong máu nhưng không làm giảm việc sản xuất các chất gây viêm trong cơ thể. Mặt khác, một nghiên cứu ở 43 người trưởng thành bị viêm khớp dạng thấp chỉ dùng 5 mg axit folic hoặc kết hợp 100 mg vitamin B6 với 5 mg axit folic mỗi ngày cho thấy những người nhận B6 có nồng độ các chất gây viêm thấp hơn đáng kể sau khi 12 tuần. Các kết quả trái ngược của các nghiên cứu này có thể là do sự khác biệt về liều vitamin B6 và thời gian nghiên cứu. Mặc dù có vẻ như bổ sung vitamin B6 liều cao có thể mang lại lợi ích chống viêm cho những người bị viêm khớp dạng thấp theo thời gian, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn.
Bạn có thể bổ sung vitamin B6 từ thực phẩm hàng ngày hoặc thực phẩm chức năng. Lượng dùng hàng ngày được đề xuất hiện nay cho B6 là 1,3 đến 1,7 mg ở người trên 19 tuổi. Hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh có thể nhận được lượng B6 thông qua chế độ ăn uống hàng ngày từ các thực phẩm giàu vitamin B6 như gà tây, đậu xanh, cá ngừ, cá hồi, khoai tây và chuối.
Bổ sung quá nhiều vitamin B6 từ các nguồn thực phẩm chức năng có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực. Uống hơn 1.000 mg B6 bổ sung mỗi ngày có thể gây tổn thương thần kinh và đau hoặc tê ở tay hoặc chân. Một số tác dụng phụ này thậm chí đã được ghi nhận ở mức từ 100 đến 300 mg B6 mỗi ngày.
Vì những lý do này, giới hạn trên của vitamin B6 có thể chấp nhận được là 100 mg mỗi ngày đối với người trưởng thành. Lượng B6 được sử dụng để điều trị các tình trạng sức khỏe nhất định hiếm khi vượt quá con số này. Nếu bạn quan tâm đến việc dùng nhiều hơn giới hạn trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/9-loi-ich-su-khoe-cua-vitamin-b6-pyridoxine-a20274.html