Học bán trú là gì? Một số điều cần biết về Trường phổ thông dân tộc bán trú (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Học bán trú được hiểu là hình thức học sinh sẽ đến trường vào buổi sáng, sau đó ở lại trường ăn uống và ngủ nghỉ vào buổi trưa dưới sự quản lý của giáo viên hoặc quản sinh và học sinh sẽ tiếp tục học tập và rèn luyện vào buổi chiều.
Khi kết thúc giờ học buổi chiều, các em sẽ được phụ huynh đưa rước về nhà.
Trường phổ thông dân tộc bán trú được Nhà nước thành lập cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, tên trường được quy định như sau: Trường phổ thông dân tộc bán trú + cấp học (tiểu học; trung học cơ sở; tiểu học và trung học cơ sở) + tên riêng của trường.
Về nhiệm vụ và quyền hạn:
Trường phổ thông dân tộc bán trú thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Tổ chức xét duyệt học sinh bán trú theo quy định của Chính phủ.
- Tổ chức quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT.
Điều 11. Hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc bán trú
....
2. Hoạt động giáo dục
Trường PTDTBT thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông và các hoạt động giáo dục đặc thù sau:
a) Giáo dục học sinh về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; kỹ năng sống và bảo vệ môi trường;
b) Giáo dục lao động vệ sinh trường, lớp, cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh;
c) Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham quan, lễ hội, tết dân tộc, giao lưu văn hóa nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc;
d) Tổ chức nấu ăn tập thể cho học sinh bán trú bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
- Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh theo quy định của Nhà nước.
- Thực hiện xã hội hóa để phục vụ các hoạt động giáo dục của nhà trường.
- Phối hợp với gia đình và xã hội trong thực hiện quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.
Về cơ cấu tổ chức:
Cơ cấu tổ chức của trường phổ thông dân tộc bán trú được quy định như sau:
- Cơ cấu tổ chức của trường phổ thông dân tộc bán trú thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông. Ngoài ra, mỗi trường có thêm một Tổ quản lý học sinh bán trú để thực hiện nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.
- Tổ quản lý học sinh bán trú có tổ trưởng, nếu có từ 7 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng. Tổ quản lý học sinh bán trú có những nhiệm vụ sau:
+ Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường;
+ Tổ chức sinh hoạt ít nhất 01 lần trong 02 tuần để rà soát, triển khai nhiệm vụ của tổ và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu;
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
(Xem thêm tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT)
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/hoc-ban-tru-la-gi-mot-so-dieu-can-biet-ve-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-a20206.html