Tổng hợp những cách hết buồn nôn hiệu quả mà bạn nên biết
Nôn không phải là một tình trạng quá hiếm gặp. Đôi khi, nôn có thể xuất phát từ việc ăn uống không đảm bảo, tình trạng sức khỏe yếu, hoặc các nguyên nhân như thai kỳ hoặc say tàu xe. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn diễn ra liên tục, đây có thể là một dấu hiệu đáng chú ý, cảnh báo về sự xuất hiện của các bệnh lý nguy hiểm khác. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về cách hết buồn nôn ngay nhé.
Nguyên nhân gây buồn nôn và chóng mặt
Buồn nôn và chóng mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
Say tàu xe: Ngồi trên phương tiện di chuyển như xe ô tô, tàu hỏa hoặc máy bay có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt và buồn nôn do hiện tượng say tàu xe. Triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, nôn ói,...
Sử dụng rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia hoặc thức uống có cồn có thể làm bạn cảm thấy chóng mặt và buồn nôn. Cồn làm loãng máu và gây kích ứng dạ dày, làm tăng cảm giác buồn nôn. Những triệu chứng khác có thể bao gồm da ửng đỏ, nói lắp và phản xạ chậm.
Hạ đường huyết: Khi lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp, bạn có thể cảm thấy run rẩy, chóng mặt và buồn nôn. Đây là triệu chứng của hạ đường huyết. Các biểu hiện khác có thể bao gồm da xanh nhợt, đổ mồ hôi nhiều hơn và cảm giác cáu kỉnh.
Ốm nghén trong thai kỳ: Buồn nôn và chóng mặt thường là biểu hiện của ốm nghén, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ khi hormone thay đổi đột ngột. Phụ nữ mang thai cũng có thể gặp các triệu chứng khác như nhức đầu, thèm ăn và mệt mỏi.
Lo âu: Căng thẳng và lo lắng thường đi kèm với cảm giác chóng mặt và buồn nôn. Khi cơ thể ở trong trạng thái căng thẳng, các triệu chứng thể chất như tim đập nhanh và đổ mồ hôi sẽ xuất hiện.
Đau nửa đầu: Đau nửa đầu gây ra cảm giác chóng mặt và buồn nôn, có thể đau nhói hoặc ở đỉnh đầu hoặc một nửa đầu. Các biểu hiện khác có thể là nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
Đau tim: Đau tim cũng có thể gây ra cảm giác chóng mặt và buồn nôn khi máu không đủ đến cơ tim, làm cho cơ tim thiếu oxy và dưỡng chất. Các biểu hiện khác có thể bao gồm khó thở và mệt mỏi.
U não: Mặc dù hiếm khi xảy ra, một số trường hợp u não có thể gây ra triệu chứng chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt là ở giai đoạn ban đầu khi khối u bắt đầu phát triển. Triệu chứng khác có thể là đau đầu dữ dội hoặc thay đổi trong thị giác và thính giác.
Chóng mặt kịch phát lành tính (BPPV): BPPV là tình trạng mà bạn cảm thấy mình hoặc môi trường xung quanh đang di chuyển ngay cả khi bạn đang ở trong tình trạng tĩnh lặng. Triệu chứng này có thể thoáng qua rồi tái phát sau vài ngày hoặc tuần.
Bệnh meniere và viêm mê đạo tai: Hai bệnh này liên quan đến tai trong và có thể gây chóng mặt và buồn nôn do ảnh hưởng đến cân bằng và thính giác.
Viêm dạ dày ruột: Viêm dạ dày ruột dẫn đến mất nước dẫn, chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt khi đứng dậy.
Cơn thiếu máu thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ: Cả hai tình trạng này đều có thể gây ra triệu chứng chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt khi đi kèm với các triệu chứng khác như khó thở và đau đầu.
Các nguyên nhân khác: Nhiều vấn đề khác cũng có thể gây ra cảm giác chóng mặt và buồn nôn, bao gồm hạ huyết áp, thay đổi thời tiết và thiểu năng tuần hoàn não.
Tổng hợp những cách hết buồn nôn
Cảm giác buồn nôn thường làm cho bạn cảm thấy không thoải mái và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn. Trong những trường hợp nhẹ, có một số cách hết buồn nôn:
Ngồi và tránh co thắt dạ dày: Sau khi ăn, hãy ngồi nghỉ ngơi một lúc và tránh nằm ngay sau bữa ăn. Việc này giúp tránh tình trạng co thắt dạ dày và giảm cảm giác buồn nôn.
Mở cửa sổ: Đối với những người bị say tàu xe, ngồi cạnh cửa sổ và mở cửa sổ để có không khí thoáng đãng có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn và loại bỏ mùi khó chịu của xe, tàu.
Chườm mát: Sử dụng khăn lạnh để chườm lên vùng vai và gáy có thể giúp hạ nhiệt cơ thể và làm giảm cảm giác buồn nôn.
Ăn bánh quy: Bánh quy khô như saltines là một lựa chọn đã được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả cho chứng ốm nghén. Bánh quy giúp hấp thụ axit dạ dày và ổn định dạ dày. Đối với chứng ốm nghén, hãy thử ăn một vài chiếc bánh quy giòn khoảng 15 phút trước khi ra khỏi giường để giúp dạ dày ổn định. Các loại thực phẩm khác như bánh mì nướng khô hoặc cơm trắng cũng rất tốt để ăn trong khi phục hồi sau khi bị đau dạ dày.
Bấm huyệt cổ tay: Bấm huyệt là một phương pháp y học cổ truyền phổ biến của Trung Quốc, sử dụng lực để kích thích các điểm nhất định trên cơ thể nhằm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn.
Uống nhiều chất lỏng: Uống đủ nước giữ cho cơ thể bạn không bị mất nước, đặc biệt sau khi nôn nhiều. Chất lỏng giúp giữ nước và giảm cảm giác buồn nôn. Soda gừng, trà bạc hà, nước chanh và nước lạnh là sự lựa chọn hoàn hảo mỗi khi bạn cảm thấy buồn nôn.
Ngoài ra, có một số loại thực phẩm và đồ uống cụ thể giúp hết buồn nôn như:
Trà hoa cúc: Giảm căng thẳng và cải thiện triệu chứng buồn nôn.
Nước chanh: Axit citric trong chanh có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm cảm giác buồn nôn.
Gừng: Uống nước gừng hoặc ăn kẹo gừng có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn hiệu quả.
Bạc hà: Trà hoặc kẹo bạc hà đem lại rất nhiều lợi ích như chữa cảm lạnh, cung cấp năng lượng và chống buồn nôn.
Cuối cùng, việc điều chỉnh chế độ ăn, sử dụng thuốc không kê đơn (nếu cần) và bổ sung vitamin B6 cũng là các biện pháp khác có thể hỗ trợ giảm cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những cách phòng ngừa hiện tượng buồn nôn
Để tránh hiện tượng chóng mặt buồn nôn, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau đây:
Tập luyện: Thực hiện các bài tập thể dục đều đặn để giảm nguy cơ chóng mặt, đau đầu và buồn nôn. Các bài tập như đi bộ, yoga hoặc bơi lội đặc biệt hữu ích cho người bị tiền đình.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và duy trì việc uống đủ nước. Lựa chọn thực phẩm giàu sắt, kẽm và vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ chóng mặt buồn nôn. Hạn chế thức ăn nhiều gia vị, đồ cay nóng, rượu bia và các chất kích thích khác.
Ngủ đủ giấc: Đảm bảo bạn ngủ từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày để giảm nguy cơ chóng mặt và buồn nôn.
Tránh căng thẳng: Thực hiện các biện pháp thư giãn như thiền, yoga hoặc thực hiện các hoạt động giải trí để giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Tránh làm việc quá sức và đảm bảo bạn có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.
Tránh chấn thương đầu: Hạn chế va đập hoặc chấn thương ở vùng đầu để ngăn ngừa nguy cơ chóng mặt và đau đầu.
Thay đổi tư thế một cách nhẹ nhàng: Không nên thực hiện các thay đổi tư thế đột ngột như cúi đầu, ngồi xuống hoặc đứng dậy quá nhanh. Thay đổi tư thế một cách chậm rãi và nhẹ nhàng để tránh kích thích cơ thể.
Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần và đặc biệt chú ý đến kiểm tra sức khỏe hệ thần kinh để phát hiện sớm các vấn đề và ngăn ngừa hiện tượng chóng mặt buồn nôn và các vấn đề khác về hệ thần kinh.
Dựa vào những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ, có lẽ bạn đã hiểu rõ cách hết buồn nôn và những biện pháp phòng ngừa tình trạng này. Mặc dù buồn nôn là một triệu chứng phổ biến và thường gặp nhưng bạn không nên coi nhẹ. Khi buồn nôn đi kèm với những triệu chứng bất bình thường, hãy đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để được điều trị kịp thời nhé.
Xem thêm: Một số cách chống buồn nôn khi say xe mà bạn nên biết